Hình tượng người lính trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975

Chủ Nhật, 26/02/2017 00:43
. HOÀNG MINH VY

Trong tiểu luận Người lính chiến tranh và nhà văn in lần đầu trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số 1 năm 1987, nhà văn Nguyễn Minh Châu từng khẳng định rằng mảnh đất đề tài chiến tranh mà các nhà văn đang đứng “thật bao la và có một chiều sâu vô tận cho sự khám phá và sáng tạo”. Quả thực, cho đến nay, chiến tranh, người lính vẫn tiếp tục là mảnh đất rộng lớn để các nhà văn khai thác, vẫn luôn là động lực để họ kiến tạo nên những thành tựu mới trong sự nghiệp của mình và đóng góp vào sự phát triển nói chung của cả nền văn học. Viết về chiến tranh và người lính khi chiến tranh đã đi qua sẽ là cơ hội để nhà văn đề cập tới những mặt còn khuất lấp của hiện thực, tính cách và tâm hồn con người mà trước đó, vì những lí do khác nhau họ chưa có dịp khai thác triệt để, thấu đáo. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ khảo sát và phân tích hình tượng người lính trong văn học Việt Nam sau năm 1975 thông qua một số tác phẩm tiêu biểu của một thể loại hết sức nhạy bén, linh hoạt và có nhiều thành tựu: truyện ngắn.

Nếu như trong truyện ngắn giai đoạn kháng chiến, hình tượng người lính thường hiện lên trong những giờ phút khốc liệt, cam go, đầy thử thách nơi chiến trường, thì trong nhiều truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975, họ được khai thác trong những tình huống trớ trêu, “cắc cớ” của ngày trở về. Kết thúc những tháng năm khói lửa, đạn bom, giờ đây người lính trở về với quê hương, gia đình, tìm lại cuộc sống bình yên và những điều thân thuộc. Nhưng một lần nữa, bão giông lại nổi lên trong cuộc đời, họ phải đối mặt với một thử thách mới: những gì vốn thuộc về mình đã rời xa khỏi tầm tay, chiến tranh không quật ngã được họ nhưng những tháng năm dài đằng đẵng của nó hoặc sự hiểu lầm đã khiến họ mất đi người phụ nữ của đời mình. Trong Miền cỏ hoang của Trần Thanh Hà, sau chiến tranh, nhân vật Thao từ chiến trường trở về quê hương với vết thương trên mặt và vết thương lớn trong lòng khi phải đứng trước bàn thờ mình, đối diện với “cái chết” của chính mình, còn người đầu gối tay ấp ngày nào đã đi bước nữa. Tình huống ấy đã khiến cho chàng trai lãng mạn ngày nào trở thành một người đàn ông lặng thầm, cô độc sống trong ngôi nhà nhỏ giữa vườn chanh u buồn và triền đồi với một miền cỏ hoang hoải, xanh biếc đến nhức nhối. Trong suốt thiên truyện, người đàn ông ấy không được miêu tả một lời nói, chỉ gây ấn tượng với người đọc bởi dáng vẻ “trầm ngâm, mắt vời vợi mông lung”, “cơ má giật giật”, khiến người đọc không khỏi suy tư, ám ảnh về số phận người lính với tất cả những trái ngang, lỡ dở mà chiến tranh mang lại.

Cuộc đời Lực trong Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu có nét tương tự như Thao. Lực sau chiến tranh trở về quê hương để tìm lại người thân, gia đình, để nối lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc khi xưa, nhưng rốt cuộc lại trở thành người thừa, vị khách lạ ngay trong chính ngôi nhà của mình. Do một sự trùng hợp ngẫu nhiên, những người thân tưởng anh đã chết. Một thời gian sau, Thai - vợ anh, đã đi bước nữa với Quảng, sinh những đứa con, họ đón cả cha anh về chăm sóc, phụng dưỡng, anh đã trở thành một kỉ niệm thiêng liêng được tưởng nhớ trên bàn thờ. Tình thế trớ trêu đó đã khiến Lực phải sống trong một tâm trạng giằng xé giữa sự cao thượng, đức hi sinh và khát vọng yêu thương, trong nỗi đớn đau, sự lẻ loi, cô độc. Lí trí cho Lực biết anh là “người khách lạ” giữa cuộc đời đã an bài của cha và vợ anh, nhưng tình cảm và bổn phận buộc anh vẫn phải trở lại để đối mặt với bi kịch đó, không thể chạy trốn khỏi số phận, chạy trốn khỏi cuộc đời mình. Người lính ấy đau xót nhận thấy chiến tranh “như một nhát dao phạt ngang” khiến cho cuộc đời trở nên dang dở, éo le, không có đáp án nào là hoàn hảo. Ở một số tác phẩm khác, bệnh trầm cảm và nỗi sợ ánh sáng của Thông trong Bản lí lịch tự thuật của Y Ban, tình cảnh vật vờ như bóng ma của Châu trong Bóng ma đói quê hương của Vũ Bão, cuộc trốn chạy của Thảo - “con chim yến nhỏ” trong Người sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo, hay căn bệnh của Quỳ - người phụ nữ mộng du trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu… đều là biểu hiện theo những cách khác nhau của tâm thế bi kịch mà những người trở về sau cuộc chiến phải trải nghiệm. Sự khốc liệt của chiến tranh không được tái hiện bằng bom rơi đạn nổ hay bằng cái chết, mà bằng nước mắt và sự hi sinh thầm lặng, bằng những nỗi đau âm ỉ, lặng lẽ nhưng dữ dội và dai dẳng trong trái tim nhân vật.

 
nguoi dan ba tren chuyen tau toc hanh

Tâm trạng đau buồn, giằng xé miên man và cả thái độ can đảm đối mặt, dấn thân của các nhân vật vào những tình huống trớ trêu đó đã cho thấy chiều sâu tâm hồn, tính cách của người lính giữa đời thường. Sự phong phú trong đời sống tâm hồn giữa đời tư, đời thường cùng với những phẩm chất kiên cường, gan dạ, quyết đoán... thể hiện trong truyện ngắn thời chiến đã làm hình tượng người lính trở nên toàn vẹn hơn, giàu giá trị hiện thực và nhân văn hơn.

Cũng là người lính trở về sau chiến tranh, nhưng bi kịch của ông Nguyễn Thuấn trong Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp lại mang một màu sắc khác. Ông vốn là một vị tướng - “niềm vinh dự, tự hào” của cả gia đình, sự ngưỡng mộ của cả họ, cả làng. Thế nhưng khi rời quân ngũ về nghỉ hưu, ông luôn luôn lạ lẫm, ngơ ngác với những gì diễn ra trong nhà mình, họ tộc mình, làng mình và cuộc sống xung quanh. Cách các con đối xử với người vợ đã bị lẫn, đến việc cô con dâu mang các mẩu thai nhi từ bệnh viện sản bỏ trong phích đá về để nuôi chó béc-giê kinh doanh, rồi đám cưới, đám ma... tất cả đều nằm ngoài sự trải nghiệm cũng như tưởng tượng của ông, khiến cho vị tướng ấy không còn chút uy nghi oai phong, mà triền miên buồn bã và cô độc. Nghỉ hưu, về với gia đình, quê hương lẽ ra phải được an vui, thanh thản, nhưng ông lại rơi vào một nỗi sầu muộn, ưu phiền mênh mang. Ông trở thành một con người quá bé nhỏ và yếu đuối, xa lạ với gia đình, họ mạc. Sự thất bại, nỗi cô đơn trong cuộc sống thường nhật ấy khiến ông phải trở lại chiến trường để tìm lại ý nghĩa của đời mình. Đây là một đại diện tiêu biểu cho kiểu nhân vật cô đơn, không tìm thấy vị trí của mình trong cuộc sống và thất bại trong hành trình “đi kiếm lẽ yêu đời”.

Tái hiện nhân vật từ phương diện bi kịch là một đặc điểm quan trọng trong các truyện ngắn nói riêng, văn học nói chung viết về người lính trở về sau chiến tranh. Đặc điểm đó gắn liền với chiều sâu tư tưởng nhân văn mà các nhà văn gửi gắm thông qua những trang viết thấm đẫm tính hiện thực và sự quan tâm, trân trọng, nâng niu con người bằng cái nhìn thấu thị. Đặc điểm đó cũng đánh dấu sự chuyển mình của truyện ngắn trong sự vận động chung của cả nền văn học từ khuynh hướng sử thi sang khuynh hướng đời tư, thế sự, từ cảm hứng lãng mạn sang cảm quan hiện thực. Khước từ cái nhìn ngưỡng vọng mang tính sử thi, truyện ngắn đương đại cũng cho thấy tính chất đa dạng, phức tạp trong đặc điểm tính cách của người lính. Không còn là những tính cách nhất phiến, cứng nhắc, đứng trên hoàn cảnh theo kiểu “mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe, bốn chiến sĩ đều bước đi theo người đi đầu dẫn đường. Không có một chút tình ý gì, không có một dây liên lạc nào giữa những người ấy, giữa những cảnh tượng ấy” như truyện ngắn Một lần tới thủ đô của Trần Đăng khắc họa trong buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, hay đẹp một cách toàn bích, hoàn hảo, mang đậm tính lí tưởng như ở giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Mầm sống của Triệu Bôn…, hình tượng người lính được các tác giả truyện ngắn sau năm 1975 hình dung như một phức hợp của tính cách, bao hàm nhiều nét đối lập, nhiều sắc thái thẩm mĩ khác nhau: cả cái đẹp và cái xấu, cái cao cả và cái thấp hèn, cả tấm lòng vị tha cũng như những toan tính nhỏ nhen ích kỉ, cả sự phi thường lẫn nét bình thường, thậm chí tầm thường. Nhân vật Trí trong Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi, tác phẩm được viết ngay sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1976, là một người lính có năng lực chiến đấu, nhưng lại ứng xử hèn nhát, ích kỉ, tầm thường. Toàn trong Mùa trái cóc ở miền Nam của Nguyễn Minh Châu chìm đắm trong tiệc tùng, hưởng lạc, tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, khinh bỉ ngay cả với mẹ mình. Trong Sống chậm của Lê Minh Khuê, cả người cha của nhân vật “tôi” và đồng đội cũ của người phụ nữ đi cùng chuyến xe với anh, đều đã từng là những “người anh hùng một thuở”, nhưng nay đang là những tù nhân vì những sai phạm họ mắc phải ở vị thế mới mà họ nắm giữ trong nghề nghiệp, trong bộ máy quản lí xã hội. Sự tha hóa, biến chất của những người lính lí tưởng năm xưa trong điều kiện xã hội mới, trong sự phức tạp và đầy cám dỗ của cơ chế thị trường, khiến cho các nhân vật kể chuyện trầm tư, u buồn, muốn “sống chậm” để tìm lại những gì tốt đẹp, để níu giữ những giá trị cao cả đang dần bị mai một, tàn phai.

Viết về sự phức tạp của tính cách và cả sự tha hóa, biến chất của người lính, truyện ngắn đương đại đã khước từ cái nhìn ngưỡng vọng của sử thi, khước từ sự thể hiện con người theo hướng tuyệt đối hóa, lí tưởng hóa, nhờ đó, nhân vật hiện lên chân thực, sinh động, gần gũi, và “người” hơn. Họ không còn là những “siêu nhân” luôn luôn mạnh mẽ, hoàn hảo và bất khả chiến bại như trong văn học kháng chiến, mà là những con người bằng xương bằng thịt, và sự vận động tính cách của họ gắn liền với hoàn cảnh, chịu sự chi phối của hoàn cảnh. Sự “giải thiêng” hình tượng người lính ấy đã cho thấy quan niệm nghệ thuật về con người của các tác giả đã trở nên uyển chuyển hơn, nhân ái hơn. Nhà văn không bắt nhân vật của mình phải gồng lên để trở thành những khuôn mẫu, những thánh nhân của một chủ nghĩa hiện thực mơ ước, bởi lẽ, nói như Nguyễn Minh Châu trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành: “Cuộc đời không có thánh nhân, cũng như không có một người nào mà tâm hồn hoàn toàn không thể cứu chữa được nữa”.

Nhưng dù nhìn thẳng vào hiện thực, vào sâu bên trong tâm hồn con người với tất cả sự phức tạp của nó, các nhà văn đương đại không mất đi niềm tin vào người lính. Dù đây đó có những tâm hồn, những nhân cách tha hoá, thì cũng vẫn có những tính cách, những tâm hồn thắp lên trong người đọc nỗi khát khao bền bỉ đối với cái đẹp, sự thủy chung, tinh thần hướng thiện. Ở Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê, Hiếu và Phong - hai anh em cùng cha khác mẹ, hai người lính ở hai đầu chiến tuyến, đã đi qua một hành trình khốc liệt, thấm đẫm máu và nước mắt của chiến tranh, của lịch sử, để từ đối đầu, đuổi bắt đến buông tay, từ sục sôi hận thù đến thứ tha, yên bình. Hành trình tìm lại kí ức của những người lính trong Ba lẻ một, Hà Nội lúc không giờ của Bảo Ninh là sự trân trọng, bất tử hóa những kỉ niệm lung linh về một thời tuổi trẻ dấn thân đẹp đẽ, hào hoa, tuy có mất mát, đau buồn nhưng thấm đượm tình người và lãng mạn, thiêng liêng, đầy chất thơ. Trong Gặp lại của Trần Ninh Hồ, những phẩm chất đáng quý của Thành trong thời kì mới qua câu chuyện của người mẹ đã như một tấm kính để Bình soi chiếu vào mình, vào những đồng đội cũ, từ đó trăn trở về những đổi thay, vận động trong nhân cách của những con người bước ra từ chiến tranh đang tham gia dựng xây đất nước. Đó không phải là những con người lí tưởng trong môi trường “vô trùng”, nhưng những khoảnh khắc đáng nhớ trong sự vận động tâm trạng của họ đủ để đánh thức căn tính tốt đẹp và sự trân trọng cái đẹp trong tâm hồn người đọc.

Xây dựng hình tượng nhân vật người lính, truyện ngắn đương đại đã cho thấy sự am hiểu sâu sắc thế giới nội tâm con người cũng như khả năng phân tích và biểu hiện thế giới ấy của các nhà văn. Tình huống được kiến tạo thường là tình huống tâm trạng, ở đó nhân vật người lính suy tư, trăn trở nhiều hơn hành động. Nhân vật không chỉ được miêu tả với chân dung, ngoại hình, hành động, mà còn được đặc biệt chú ý thể hiện đời sống tâm lí. Những hồi ức, tưởng tượng, nhận thức và cả phần tiềm thức, vô thức được đan xen, hòa quyện trong bức chân dung tinh thần của các nhân vật. Đặc biệt, dù câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba thì ở hầu hết các nhân vật, phương diện tự ý thức được các nhà văn hết sức quan tâm. Người lính ý thức sâu sắc về bản thân mình, tự cất lên tiếng nói về cái tôi cá nhân mình và như nhân vật ông An trong một truyện ngắn của Vũ Tú Nam, Sống với thời gian hai chiều, họ thường đặt mình vào giữa dòng chảy thời gian để chiêm nghiệm về quá khứ và hiện tại, về cá nhân, đời tư trong sự vận động của thời cuộc. Đối thoại và độc thoại nội tâm, dòng ý thức, vì thế, là những thủ pháp quan trọng góp phần làm nên đời sống phong phú của nhân vật. Tất cả được biểu hiện thông qua một thứ ngôn ngữ dung dị nhưng sống động, nhiều màu sắc, gần gũi với ngôn ngữ của đời sống thường nhật.

Những cái tên, những dáng vẻ, những nỗi niềm, tâm trạng của người lính hiện lên trong truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 không chỉ cho thấy sự vận động của một kiểu hình tượng văn học trong sự vận động của bối cảnh xã hội, mà còn phản ánh những biến đổi sâu sắc trong quan niệm nghệ thuật về con người của các nhà văn, và sự vận động theo hướng dân chủ hoá, hiện đại hoá của tự sự đương đại. Chắc hẳn, hình tượng những con người mang trên mình bộ quân phục màu xanh ấy vẫn sẽ là một nguồn cảm hứng bất tận cho sự khám phá, sáng tạo của các nhà văn, và sẽ tiếp tục được xây dựng với những tình huống mới, tâm tư mới, sắc thái mới trong những thiên truyện của tương lai.
H.M.V

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)