Tản mạn về nghề

Thứ Bảy, 25/03/2017 00:41
.  ĐOÀN HỮU NAM

Tôi đến với văn chương trong hoàn cảnh khá éo le, lận đận. Tháng 6 năm 1975, trong lúc đang học dở phổ thông đã đầu quân vào một đơn vị mở đường khai sinh vùng kinh tế mới tỉnh Yên Bái. Đó là những ngày vô cùng đói khổ, đói khổ không chỉ về vật chất mà cả về sách báo, phim ảnh, tin tức, không có cơ hội giao lưu học hỏi với xã hội… Suốt những năm như người vác đá theo con đường vòng lên núi đã có lúc tôi tuyệt vọng kêu trời: Nhân loại tổ chức bao nhiêu cuộc thi thể hiện sức mạnh của con người/ Bao nhiêu ngôi sao tài năng lóe lên giữa bầu trời ngưỡng mộ/ Chỉ còn tôi lẻ loi ôm một trái tim đau khổ/ Liệu có thể rứt tim mình ra thi thố được chăng? Tất nhiên tôi không thể rứt tim mình ra làm ngọn đuốc như Đanko nên đành lấy ngọn bút tự mình thi với mình để vào nghề với khá nhiều buồn vui nếm trải.
 
Thất vọng đầu tiên
Đó là lần đầu tôi được nhìn thấy một nhà thơ bằng xương bằng thịt. Ngày ấy vào quãng giữa tháng 8 năm 1978. Đang mùa mưa lũ, con đường từ Bảo Hà đi Văn Bàn đang được chúng tôi hoàn thiện nền đường thì bị nước lũ làm sụt lở. Hàng vạn khối đất đá từ trên các quả đồi ụp xuống chia cắt con đường làm nhiều đoạn khiến cả công ti phải cấp tốc mở chiến dịch thông đường. Giữa lúc chúng tôi đang “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm” thì được thông báo sẽ có nhà báo, nhà thơ T.G từ Hà Nội lên nói chuyện. Ngày ấy với lớp trẻ, nhất là những người quanh năm ở rừng, quanh ngày choòng búa đất cát, cả tuần mới có một buổi cuốc bộ ra chỗ đông người hóng chuyện thì phim ảnh sách báo là báu vật, nhà văn nhà thơ là “người giời”. Tất cả gần một trăm công nhân của đội công trình 6 chúng tôi chưa ai được tường mặt một “người giời” cỡ tỉnh trở lên nên việc được nghe nhà thơ nhà báo nói chuyện là sự kiện lớn, nhất là tôi, người được tôn vinh là cây thơ qua mấy tờ báo tường của đơn vị. Song niềm ao ước sớm bị dội nước lạnh. Do công trình 6 ở giữa đoạn đường nên xe của đoàn đi thẳng vào Khe Lếch cách lán chúng tôi gần bốn cây số và cũng là nơi đội công trình 7 đóng quân, hơn nữa đang mùa chiến dịch nên cuộc nói chuyện thơ bị hoãn lại. “Hoãn gì thì cũng phải biết mặt nhà thơ đã, tối nay có ai đi công trình 7 với tôi không?”. Mọi người nhìn tôi, lắc đầu giễu cợt. Chiều hôm ấy rời xà beng cuốc xẻng sớm, về lán tắm rửa, mặc bộ bảo hộ mới, tôi xuống bếp lấy mì khẩu phần luộc ăn lấp cơn đói rồi lững thững vào Khe Lếch.

Tôi đến Khe Lếch thì trời vừa sập tối. Lãnh đạo công trình 7 đang tiếp khách. Giống như một tên trộm tôi lẻn vào bụi rậm đối diện với cửa sổ chiếc lán làm phòng tiếp khách rồi háo hức dán mắt qua cửa sổ. Trong lán, dưới mấy bóng điện đỏ đọc dùng máy phát điện mini, bên dãy bàn ghép bằng cây vầu bày la liệt thức ăn, lãnh đạo công ti, lãnh đạo đội đang cùng khách hoan hỉ chúc tụng. Một người khách có dung mạo vạm vỡ, sang trọng cầm chén rượu đứng lên, giọng uy quyền vang vang: Không đâu như ở nơi này/ Rượu uống thì ít mà say thì nhiều/ Khe Lếch lắm núi nhiều đèo/ Khó khăn vất vả nhưng yêu rất nhiều. Trời ạ, nhà thơ đây rồi! Thơ đây rồi! Tôi vừa được rót qua cuống họng một cốc rượu mạnh. Tim đập. Chân run. Tai ù đặc. Người lâng lâng. Sau đó bên trong nói gì làm gì không cần biết nữa, tôi ra về, chân trần châng lâng lướt qua những đống đá dăm đổ bên đường.

Hôm sau đoàn vào Khe Chấn, cách Khe Lếch chừng năm cây số và là nơi đóng quân của đội công trình 8.
Mang tâm trạng của kẻ lên đồng tối hôm trước, nhọ mặt người tôi đã có mặt ở công trình 8. Mọi việc đón tiếp, rình rập hệt như tối trước. Trong khi tôi phấp phỏng đón lời vàng ý ngọc thì giọng “người giời” lại sang sảng vang lên: Không đâu như ở nơi này/ Rượu uống thì ít mà say thì nhiều/ Khe Chấn lắm núi nhiều đèo/ Khó khăn vất vả nhưng yêu rất nhiều. Giời ạ! Toàn thân tôi bất ngờ rũ xuống, cảm tưởng tàu vũ trụ Liên Xô chết máy cắm đầu xuống biển Đông cũng không thất vọng bằng.

 
hoaban8

Dưới ánh trăng suông tôi lủi thủi lê đôi chân nặng nề qua chín cây số đường rừng gập ghềnh đất đá để về lán mà lòng ê chề như người mù bị trộm gậy. Tôi không trách “người giời”. Tôi chỉ trách mình quá đắm say, bồng bột. Cũng vì bồng bột, quen được mọi người vỗ tay khi đọc thơ mà tôi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên, bỏ học ngang đường để mong được làm người hùng nơi rừng sâu núi thẳm. Sự cao ngạo của “người giời” cùng sự tán thưởng của những con rối khiến cái đầu đất của tôi ngộ ra rõ ràng văn chương là thiêng liêng, là ngưỡng vọng, đừng coi thường người nghe, người đọc, đừng mang văn chương ra làm trò đùa.
Đó cũng là lần đầu tiên, khi đang là một công nhân, tôi suy nghĩ về nghề văn một cách nghiêm túc.
 
Truyện ngắn đầu tay
Năm 1988 tôi được kết nạp vào Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn. Lúc này tôi là nhà thơ cấp tỉnh duy nhất của huyện Bắc Hà. Với tôi điều này có ý nghĩa và trách nhiệm to lớn, bởi huyện Bắc Hà là đất yêu văn chương. Nguyên cái việc năm 1983, năm đất nước khó khăn đến mức con người lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái ăn thì huyện đã bỏ tiền ra tổ chức hẳn một trại sáng tác cho mấy chục văn nghệ sĩ cấp huyện; hay năm 1984 quyết định lấy kẻ cuốc đường là tôi lên làm cán bộ văn hóa; rồi chỉ từ yêu thơ, làm thơ, được việc trong tuyên truyền mà tôi được đề bạt thẳng lên Đội trưởng Đội Thông tin lưu động, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện... cũng đủ thấy lãnh đạo huyện trọng văn chương thế nào.

Giữa một vùng ngưỡng mộ tôi tha hồ thổi gió vào bụng. Với cái danh hiệu hội viên Hội Văn nghệ tỉnh, chục bài thơ dắt lưng cùng cái nghề vác loa đi tuyên truyền tôi như người hùng, đi đến đâu cũng gà cũng rượu, cũng tâm sự hỏi han thời thế. Cái “lồng thơ” dần chật hẹp, tôi quyết tâm với tay sang viết văn. Ngặt nỗi văn là nghề lao động cực nhọc, nhất là với kẻ không có chút kiến thức về nghề lại không thầy không thợ như tôi. “Khó mấy cũng phải làm, có khó thì thiên hạ mới cần đến mình”, tôi mang cái chí của người khoan nòng súng vào cả bữa ăn giấc ngủ, song đầu đất húc phải đá, mấy tháng trời lao tâm khổ tứ đến hốc hác cả người mà không sao viết được một cái gì nên hồn. Giữa lúc tôi định bỏ cuộc thì gặp may mắn. Lần ấy trên chuyến tàu ngược Lào Cai, ngồi trên toa hàng cùng hai vợ chồng tôi là một nhóm đàn ông đàn bà đi buôn sắn. Quả là những người đi buôn lắm chuyện, trong toa tàu nồng nặc mùi khó chịu mà chuyện của họ vẫn nở như pháo rang, nhất là chuyện về một tay lưu manh làm một người buôn đồ cổ lóa mắt. Câu chuyện vừa bi hài vừa nhuốm mùi trinh thám thúc vào máu mê văn chương khiến tôi không chỉ uống hết từng lời mà còn bắt vợ không được bỏ ngoài tai một chi tiết nào. Đêm ấy về tới nhà tôi bỏ cả ăn hì hụi dựng lại câu chuyện nghe được trên tàu. Qua đêm viết xong truyện ngắn Chiếc bình cổ.

Cái truyện khiến tôi như lên đồng. Nó được làm quà trong bữa rượu, được thánh thót rót tai trong các buổi tuyên truyền. Có thể nói nó đã nâng tôi lên tận mây xanh mây đỏ.
Rồi tôi tỉnh mộng. Trong một bữa rượu ở huyện Si Ma Cai, tôi đang múa gậy vườn hoang thì một ông bạn vỗ vai: “Tôi đã thấy chuyện này ở trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng rồi ông ạ!”. Cái giọng đều đều khinh thị của bạn rượu làm tôi lồng lên, phăng phăng cãi. Đáp lại, ông bạn từ tốn kể, giọng kể còn hay hơn giọng của “nghệ nhân” tôi gặp trên tàu.
Tôi bỏ chuyến tuyên truyền ở biên giới về ngồi lì trong thư viện ngốn hết các trang viết của nhà văn Ma Văn Kháng. Thật hú vía, nếu không có cú “hổ tát mông trâu” của ông bạn thì có lẽ cách làm văn chương theo kiểu vểnh tai trâu, điếc không sợ súng sẽ khiến tôi cả đời chẳng còn lại gì. Sau này được hầu chuyện nhà văn Nguyễn Khắc Trường, ông căn dặn: “Ông muốn viết văn về Lào Cai thì phải đọc ông Ma Văn Kháng. Đọc để mà tránh, bằng không sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của ông ấy lúc nào không biết đâu”. Nghe nhà văn nói, tôi giật mình suýt kêu lên: “Sao thầy nói đúng thế, bài học Chiếc bình cổ còn nóng cả tim gan em đây này”.
 
Tiểu thuyết đầu tay
Bắt đầu mon men viết tiểu thuyết đầu tay có cái tên Tình rừng tôi nghĩ ngay tới vợ và nghề của vợ. Tôi là người có số khó lấy vợ. Không biết đường tình thế nào mà yêu hàng chục người, dạm ngõ đặt trầu tới bốn người mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Giữa lúc đang cuồng lên vì ế ẩm thì tôi gặp người sau này lấy làm vợ. Người ấy làm nghề dạy học, xinh giòn, thùy mị, đoan trang, ngược hẳn với tôi cả về nghề nghiệp lẫn tính cách. Lấy tôi người ấy phải chấp nhận làm dâu cách nhà hơn ba trăm cây số, chồng quanh năm ở rừng ở lán, cơm cục nước đục, vậy mà vẫn nhắm mắt đưa chân, rồi sinh ra và nuôi dạy hai đứa con nên người. Cuốn tiểu thuyết khởi đầu tôi dự định sẽ vừa trả ơn vợ vừa chắc ăn. Viết văn phải thuộc thứ mình cần viết như thuộc lòng bàn tay, gần hai năm ăn bám vợ tôi hiểu khá cặn kẽ nghề dạy học của vợ.

Nhưng khi bập vào viết mới biết, hiểu là một chuyện viết được hay không là một chuyện khác. Cái khó đầu tiên là dựng cốt truyện. Không có thầy cầm tay chỉ việc, tôi mày mò lấy sách làm thầy. Tôi lầm lụi dựng cốt truyện hết cách này đến cách khác nhưng dựng cái nào đổ cái ấy. Loay hoay khổ sở suốt mấy tháng, tôi quyết định viết theo kiểu ngẫu hứng quen thuộc của mình.

Ngẫu hứng - viết đến đâu mạch truyện, nhân vật đẻ ra đến đấy - cũng có cái hay, đó là mạch cảm xúc luôn mới, điều khiển nhân vật khó mà dễ, nhân vật luôn song hành cùng mình. Nhưng viết ngẫu hứng là dễ quên dễ lẫn, nhất là viết trên vi tính. Để dễ nhớ tên tuổi tính cách nhân vật, tôi làm cái việc chưa ai từng làm là lấy hết tên vợ, tên bố, tên anh, tên em, tên người yêu cũ ra đặt tên cho nhân vật. Việc đó làm cho mấy trang đầu xuôi dòng như nước, nhưng càng viết càng giật mình bởi nhân vật trong truyện có số phận của nó, rất nhiều tình huống “nhạy cảm” đẻ ra. Tên đã ra khỏi nỏ rồi, đành bụng bảo dạ hãy cố đuổi theo mạch truyện, theo nhân vật. Chuyện tên tuổi chỉ là việc phụ, viết xong rồi đổi lại cũng được, ngán gì.

Tiểu thuyết hoàn thành, trước khi xoa tay hài lòng tôi kì cạch đổi tên nhân vật. Ngặt một nỗi trình độ vi tính chỉ i tờ nên nhặt toét cả mắt mà vẫn sót, sách vào bến đỗ Nhà xuất bản Quân đội, người biên tập ở đó là nhà văn Nguyễn Bình Phương (nay là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội) phát cáu lên vì tên nhân vật chính lúc thì Hoa lúc thì Hảo. Đến nước này không thể giấu được tôi gãi gáy thanh minh: “Khổ quá, ông giúp tôi đổi hết chữ Hảo thành chữ Hoa đi, Hảo là tên vợ tôi đấy. Nếu còn một chữ Hảo trong tiểu thuyết này thì không những nhà tôi cháy mà tôi cũng ra tro đấy”.
Giá như trình độ vi tính ngày ấy được bằng bây giờ, chỉ cần gõ một cái lệnh Replace, cho thay thế con chữ, là xong. Sau này viết tiểu thuyết, trường ca, kịch bản phim dài tập tôi vẫn giữ nguyên cách viết ngẫu hứng, song việc lấy tên người nhà, lấy chuyện của nhà gán cho nhân vật, tôi cạch đến già.
 
Vi tính muôn năm

Chữ viết của tôi xấu nhất quả đất. Không chỉ tôi tự thú trước bình minh mà bất cứ ai mục sở thị chữ viết của tôi đều công nhận như vậy. Đời tôi khổ vì chữ xấu, tuột biết bao nhiêu cơ hội cũng vì chữ xấu. Suốt thời học phổ thông rồi sau này thi nâng bậc lương, thi chính trị, thi vào trường viết văn Nguyễn Du…, cứ động đến viết tay là điểm xấu, là thi đi thi lại, là trượt thẳng cẳng. Điển hình là hồi học lớp sáu, trong một bài văn thầy giáo đã cho điểm 0 còn nguệch thêm chữ zê rô to tướng, ngòi bút ấn mạnh rách sang cả tờ giấy phía sau.

Ngày còn cuốc đường tôi yêu một cô gái ở quê. Hai người đã dạm ngõ đặt trầu ăn hỏi rồi song có lẽ thấy nhà tôi quá nghèo, tôi lại bám lấy nghề “phu lục lộ” không trông đợi được gì nên nàng viết một lá thư bóng gió về việc chia tay. Máu tự ái nổi lên, tôi viết thư trả lời rành rẽ, lấy được thì lấy, không lấy được thì thôi. Thư được chuyển đi cỡ hai tuần, một buổi trưa đi huyện Bảo Hà lùng mua chó về cho tổ liên hoan tôi tiện thể rẽ vào bưu điện lấy thư cho đơn vị. Trong xấp thư chị bưu điện đưa có lá thư gửi cho tôi. Nhìn thấy chữ nàng tôi lập cập bóc ngay, những dòng chữ trách móc nhảy múa giữa trưa hè nung người ra nước của đất Bảo Hà khiến tôi điên đầu. Tôi vuốt mồ hôi mặt, xin giấy mượn bút của chị bưu điện ra bàn viết ngay hai câu ca dao chợt đến trong đầu để trả lời nàng. Thư đi hơn tuần tôi nhận được thư nàng, mở thư, thấy gửi lại tờ giấy có câu ca dao tôi viết tại bưu điện với mấy dấu hỏi to tướng ở dưới cùng dấu tay điểm chỉ. Tôi giật mình, tái mặt rồi ôm bụng cười như phải dại. Thì ra tờ giấy bổi một mặt nhẵn một mặt gai (loại giấy phổ biến hồi đó) cùng cây bút kim tinh tõe ngòi không chịu nổi cơn thịnh nộ của tôi nên giấy rách, chữ đã xấu lại càng xấu. Câu ca dao Vì ai rụng cải rơi kim/ Vì ai bèo nổi mây chìm vì ai đã biến thành Vì ai rụng cái rơi kìm/ Vì ai beo nói mày chìm vì ai, đúng là là...

Lại nữa.
Hồi mới được làm biên tập cho tạp chí Văn nghệ Lào Cai tôi xử lí một truyện ngắn của một tác giả cứng tuổi. Đọc mớ chữ nghĩa viết lằng nhằng chi chít trên hai mặt của bốn tờ giấy bổi phê đúp tôi không luận nổi tác giả định viết gì, bực mình phê vào đầu truyện: Tác giả nên viết chữ nghĩa cho rõ ràng, chú ý đến ngữ pháp, trình bày trên một mặt giấy, viết thế này tôi không đọc được, rồi tự tay cho bản thảo vào phong bì mang ra bưu điện gửi lại tác giả. Bẵng đi mấy ngày tôi nhận lại lá thư, vẫn bản thảo truyện ngắn ấy song dưới lời đề nghị của tôi có thêm dòng chữ: Anh viết gì tôi không hiểu. Quả là cười ra nước mắt.

Lan man về chuyện chữ xấu chắc mọi người cho rằng tôi tào lao chi khươn, nhưng thề có bóng điện, từ năm 1995 trở về trước văn chương của tôi chưa có gì, năm 1996 cơ quan mua máy vi tính, tôi cặm cụi học gõ và lúc đó mới thực sự dấn thân vào nghiệp viết. Nhiều người nói viết trên bàn phím là ăn xổi, không sâu, không đi xa được, song điều đó không đúng với tôi. Nếu không có sự cứu tinh của bàn phím thì tôi không thể có được lấy vài truyện ngắn chứ đừng nói đến trường ca, tiểu thuyết hay kịch bản phim dài tập. Mỗi khi hoàn thành một tác phẩm bao giờ tôi cũng vái ba vái. Một vái cám ơn trời đất tổ tiên cho tôi trí tuệ, sức khỏe để làm việc, một vái cho máy vi tính đã giúp tôi chuyển những ý nghĩ trong đầu ra chữ nghĩa, một vái cầu mong chữ nghĩa đến được với những người yêu quý mình. A Di Đà Phật, thiện tai, thiện tai
Đ.H.N

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)