Nguyễn Thị Hồng Ngát - Mạch ngầm cuộc sống dệt bốn mùa vui

Thứ Tư, 06/09/2017 09:53
. PHÙNG VĂN KHAI

 
hngat
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát
Tôi biết Nguyễn Thị Hồng Ngát không riêng ở trong thơ. Trong đời sống, chị luôn thẳng thắn, sắc sảo, nhiều lúc tưởng như quyết liệt, sát ván đến cùng nhưng ngẫm ra đó chỉ là phần bề mặt, những phòng vệ tự nhiên khi xung quanh luôn ồn ào thái quá, thật giả đan cài, vàng thau lẫn lộn nấp bóng dưới nhiều vỏ bọc mĩ miều. Tôi thấy chị thật có lý khi rạch ròi như vậy. Đó còn là sự văn minh trong những hỗn độn thường ngày. Một ứng xử rành mạch cũng là tiết kiệm thời gian để chúng ta bớt ngộ nhận về nhau, về cái này cái khác trong đó có văn học nghệ thuật trong đời sống.

Đôi khi thơ cũng cần như vậy.
Điều này hiện khá rõ trong thơ chị gần đây.
Các cụ già đơn chiếc chẳng ai nuôi/ Em thơ nữa, đẻ ra rồi vứt bỏ/ Và ai kia vơ vét từng xu nhỏ/ Áy náy không hay lòng dửng dưng rồi (Dửng dưng); Trên phim toàn nói điều tốt đẹp/ Ước gì đời - sống cũng đẹp như phim/ Cao cả với thấp hèn - hai cực/ Để cho ai cứ mãi mãi đi tìm (Phim và Đời); Em thấy sợ những ồn ào nháo nhác/ Sợ cãi nhau sợ không hiểu được nhau/ Sợ nụ cười sợ cả khi nước mắt/ Sợ nỗi đau chẳng thể nói được nào… Sợ tất cả và thấy lo tất cả/ Đến tuổi này mới thấy sợ, lạ chưa?/ Có lẽ bởi đường không còn xa nữa/ Một mai kia tất cả sẽ lu mờ (Sợ).

Nhưng Nguyễn Thị Hồng Ngát không đơn thuần một mạch thơ ấy. Sự rành mạch, sắc sảo không phải là điểm mạnh trong thơ chị. Cho dù là quyết liệt đến đâu thì trái tim thơ vẫn luôn phức tạp, dùng dằng, day dứt, bất ngờ và dễ tổn thương. Chính những rỉ máu ấy đã truyền cho thơ sức sống, tạo sự khác nhau, làm nên thương hiệu mỗi nhà thơ: Yêu anh giờ khó làm thơ/ Dao cùn cá đã nằm trơ trong nồi/ Yêu anh cau đã già rồi/ Bổ ba bổ bảy tùy người bổ cau (Yêu anh); Phố ồn ào ngoài kia/ Xe nối xe xuôi ngược/ Có gì phía trước mặt/ Mà chen lấn nhau hoài? - Quên mặt quên tên người/ Dẫu rằng “muôn năm cũ”/ Người chắc cũng quên rồi/ Những mùa thu quá khứ… (Gọi thu).

Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đọc lên thấy ngay một khoảng rất rộng về thời gian và không gian. Sự chiêm nghiệm, kết tinh và bật lên những ý những câu mới mẻ chính là nội lực và trách nhiệm của người cầm bút. Nhà thơ, trước tiên và sau cùng cũng là một công dân của đời sống, của xã hội đang sống. Điểm nhìn ấy đã làm nên sự đầy đặn: Ta mong ước một mai về với đất/ Có cỏ thơm phủ kín chỗ ta nằm/ Tấm chăn cỏ khiến ta không lạnh nữa/ Nỗi cô đơn thăm thẳm cũng tan dần (Cỏ thơm); Ừ, xuân đến, có gì mà ngại chứ?/ Anh vẫn trẻ trung trong đôi mắt em xưa/ Em cũng vậy - vẫn lung linh mắt biếc/ Khi tình yêu vẫn đầy ắp - giao thừa… (Ngại ngùng không dám gọi xuân); Chim vui thì cứ hót/ Cho cuộc đời vui theo/ Mặc mùa thu vàng lá/ Mặc lòng người hanh hao (Có con chim khách).

Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát không ít bài phảng phất hương vị thiền, đằm đẵm suy tư trở về nguồn cội. Cuộc trở về đôi khi cũng là một bước tiến tới khác. Với mỗi nhà thơ, trở về hay bước tiếp dường như cũng là cuộc đi tìm mình? Đôi lúc là một cuộc xóa mình? Thật cũng chẳng dễ dàng tường minh được: Giản dị mà thâm nghiêm/ Mẹ chỉ nhìn chả nói/ Bãi ngô xanh vời vợi/ Lòng con buồn se se (Thăm mộ mẹ đầu xuân). Đi mãi rồi lại về với cỏ/ Trăm năm ngậm cỏ kết vành môi… (Cỏ thơm); Muốn về bên sông Cái sông Con/ Để thấy lòng còn mênh mang sóng vỗ/ Mỗi cuộc đời như một bài toán đố/ Đi đến cuối đường cũng chẳng thể giải xong (Đi tìm sự bình yên); Bàn tay nắm lấy bàn tay/ Bao nhiêu thương nhớ những ngày đã qua/ Tay mình nằm giữa tay ta/ Bao nhiêu âu yếm chuyền qua tay này/ Rưng rưng nhớ thuở hao gầy/ Bàn tay năm ngón chứa đầy bão giông (Đôi bàn tay); Ngày nào tôi cũng qua đây/ Xin chào nhé những hàng cây xạc xào/ Ngày nào lá cũng lao xao/ Như trò chuyện như bước vào mùa vui/ Hàng cây có tự lâu rồi/ Nắng hun vẫn giữ khoảng trời mát trong/ Hai hàng cây đứng song song/ Khum khum cành vợ cành chồng chở che (Với hàng cây trên phố Phan Đình Phùng).

Đã từ lâu, từ những bài thơ đầu tiên, Nguyễn Thị Hồng Ngát luôn hướng về quê hương, nguồn cội. Dường như chị luôn tìm thấy ở đó không chỉ cái tươi mới mà còn là sư thăm thẳm của đường đời: Anh đừng nhớ làm gì năm tháng cũ/ Đò đã xuôi, dòng sông cũng khác rồi/ Đã trải qua biết bao mùa mưa lũ/ Mặt sông giờ trong vắt tấm gương soi (Tâm sự một dòng sông). Cái thăm thẳm, chất chứa nhưng vô cùng điềm tĩnh đã cho chị những dòng thơ thấm đẫm chất người, sự nhân văn từ những gì con người san sẻ cho nhau: Anh thân yêu, xin hãy rộng lòng/ Đón nhận lấy nửa đời sông còn lại/ Cả những rong rêu và con thuyền gãy lái/ Chiu chắt phù sa vẫn bồi đắp đôi bờ (Tâm sự một dòng sông).

Triết luận của chị từ cá tính của mình và thiên nhiên cũng luôn nhẹ nhàng, thanh thản, đủ cho thấy một người không chỉ nhiều trải nghiệm mà còn luôn biết mở ra về các hướng để tự làm đầy mình trong cuộc sống đa chiều: Lòng tôi rộng mở ân tình/ Lặng nghe cây lúa cựa mình trổ bông/ Tôi là con của dòng sông/ Là con của những cánh đồng cò bay/ Thiên nhiên như những bàn tay/ Đỡ cho tôi bớt đắng cay nhọc nhằn (Tôi và thiên nhiên).

Ấy vậy mà vẫn con người chị, khi cầm bút viết về đấng sinh thành ra mình, ngòi bút chân thực đến nao lòng: Mẹ…/ Đã ba mươi năm con không được gọi từ này/ Mỗi lần nhớ mẹ mắt cứ cay cay/ Mẹ…/ Mỗi xuân về con nhớ/ Đất quê mình phù sa tưới đỏ/ Mẹ nằm kia bên vạt ngô xanh (Dâng mẹ); Con gọi thầm cha ơi! Thuở nên chín lên mười/ Cột nhà vôi còn vạch/ Mong con cao thành người Con bỗng thấy bồi hồi/ Trông mái đầu cha bạc/ Bên cây hồng thơm ngát/ Lòng nghẹn không thành lời (Người cha và cây hồng).

Rất nhiều người thuộc bài thơ Thơ vui về con gái Hưng Yên của chị. Với đất, người xứ nhãn, ai cũng cảm tình và tự hào về Nguyễn Thị Hồng Ngát, một người con Hưng Yên luôn hướng về quê. Cái chất quê trong thơ chị đôi khi thật thà quá đỗi mà sao vẫn lay động lòng người. Các anh chàng hoặc là bề ngoài nghiêm cẩn hoặc là trước mắt tình si con gái Hưng Yên chắc không khỏi khâm phục sự thật rất cao cường này: Con gái Hưng Yên mắt đen hạt nhãn/ Con gái Hưng Yên thắt đáy lưng ong/ Con gái Hưng Yên hàm răng như ngọc/ Con gái Hưng Yên cũng rất kén chồng. Thì rõ ràng là, thoạt như thật thà chân chất sao cái sự kiêu kỳ Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến đã đường hoàng hiện ra nửa như giới thiệu quê hương bản quán, nửa như kiêu hãnh khảng định thương hiệu Hưng Yên. Con gái Hưng Yên cũng rất lặng lòng/ Ai về Hưng Yên chưa xa đã nhớ/ Đất Hưng Yên quanh năm màu mỡ/ Thuyền xuôi sông Hồng mình đi cùng ta? Khổ thơ này vừa có phong vị vẫy mời tình tứ vừa như khẳng định cái bản chất nhu mềm nhưng không kém phần cương cường của người Hưng Yên. Ở bài thơ này, phong thái Nguyễn Thị Hồng Ngát hiện lên đậm nét nhất: Hưng Yên trăm nhớ ngàn yêu/ Nơi nhúm nhau ta mẹ chôn ngoài bãi/ Nơi hoa tầm xuân lẫn hoa cúc dại/ Ta ngây thơ hái cài đầu. Không ít người tủm tỉm kiểu xưng tụng vừa mềm mại vừa ngang tàng của nữ sĩ. Mời người về còn xưng ta đáo để là sao? Con gái Hưng Yên cũng rất đa tình/ (Con trai Hưng Yên điều này biết rõ)/ Mình không là người bản xứ/ Liệu rằng có hiểu được em? Ôi chao! Câu thơ không chỉ da diết, tài tình mà còn đầy lo toan cho người mình thương về làm rể Hưng Yên. Cái lo toan đã lập tức được hóa giải bằng những vần thơ mạnh mẽ, đầy nam tính: Nước đục thì đã có phèn/ Ta có tình yêu sợ gì giông bão/ Con gái Hưng Yên cũng không khó bảo/ Nên trai tỉnh nào cũng ngất như say. Thế đấy, nói như Phạm Tiến Duật thì: Sống ở giữa chiến trường/ Nghe tiếng bom rất nhỏ. Nguyễn Thị Hồng Ngát là như vậy, như thơ chị, mềm mại nhưng cứng cỏi, đa tình mà chung tình, thủ thỉ mà riết dóng để chuyển tải những mạch ngầm liên tục trong đời sống hôm nay.

Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát dẫu biến hóa đến mấy vẫn nằm trong cõi con người. Chị viết tinh, sắc sảo nhưng nhân hậu về con người. Cái tinh tường của nhà thơ với sự ngu ngơ sao mà gần nhau quá đỗi. Đã có người định nghĩa nhà thơ Cái gì cũng thông tuệ/ Cái gì cũng lơ mơ quả là gần với chị. Trong đời sống chị sôi nổi, yêu cái mới và luôn làm mới mình. Trong thơ có như vậy không? Tôi cho rằng sự vận động của thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đã diễn ra từ rất lâu rồi, như một bài thơ chị viết từ năm 1993: Kinh ngạc thấy sư già tối nào cũng gõ mõ/ Sư già cũng kinh ngạc khi thấy tôi làm thơ/ Sư già đã quy thiền/ Vui, buồn, sướng, khổ không là gì/ Không một chút mảy may sự đời làm sư già chao đảo/ Không một thất vọng nào làm sư già ảo não/ Không một ngọn lửa nào làm sư già rung rinh/ Bỗng chốc tôi phát thèm/ Cái sự thiền của sư già vững như lá chắn/ Muôn ngàn mũi tên bắn như không/ Tôi vẫn chỉ là kẻ phàm trần/ Giữa cuộc đời dung tục/ Chả trách tôi vẫn làm thơ/ Để sư già nhìn tôi kinh ngạc (Sư già và tôi). Bài thơ còn vài câu cuối nhưng chỉ cần đến đây đã là quá đủ cho một cuộc đối thoại nội tâm của hai con người vừa khác vừa rất giống nhau.

Nguyễn Thị Hồng Ngát không chỉ yêu cái mới mà chị rất yêu đi, luôn vận động không ngừng. Mùa nắng nóng 2017, những ngày trên 40 độ, khi được phân công đi với bộ đội hậu cần, chị đã làm một cuộc xuyên Việt và có chùm thơ đầy chất lính rất tươi tắn, vạm vỡ: Em dệt xuân em dệt hạ em dệt thu/ Em dệt đông cho ấm lòng chiến sĩ/ Những xúc vải tháng lại năm bền bỉ/ Cứ mượt mà xanh thắm dưới tay em… - Yêu sao ôi những bộ quân phục xanh/ Nơi gửi gắm tình chúng mình trong đó/ Nhịp nhàng thoi đưa mặn nồng muôn thuở/ Suốt bốn mùa ta dệt những niềm vui (Dệt bốn mùa vui).
Những câu thơ của chị dù ở thời điểm nào cũng luôn cho chúng ta thêm tin và thêm yêu cuộc sống.

P.V.K
 
 
 
 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)