Nhận diện và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật

Thứ Năm, 15/02/2018 09:40
. TRUNG SƠN

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn học, nghệ thuật cách mạng đã thực sự là nền tảng tinh thần thúc đẩy xã hội phát triển. Để văn học, nghệ thuật tiếp tục phát huy vai trò đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một vấn đề cơ bản là phải nhận diện và tích cực đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng trên lĩnh vực này.

Quán triệt đường lối văn hóa của Đảng, những năm qua, văn hóa nói chung, văn học - nghệ thuật nói riêng của đất nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, thể hiện “Chân, Thiện, Mỹ”, được Nhà nước trao các giải thưởng văn học, nhất là các tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ở những tác phẩm này, các tác giả đã miêu tả một cách chân thực bối cảnh xã hội với những mặt sáng, tối; con người Việt Nam với những tính cách, cá tính và hoàn cảnh xuất thân khác nhau, song bản chất chung của họ là: sống có trách nhiệm, luôn khát vọng vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để khẳng định mình, chung sức xây dựng gia đình hạnh phúc, đất nước giàu mạnh. Điều này càng khẳng định: đời sống văn học nghệ thuật luôn phát triển với dòng chủ lưu là yêu nước chân chính và nhân văn, phản ánh chân thật cuộc sống xã hội.

Tuy nhiên, trong xã hội cũng đã xuất hiện những cái gọi là “sáng tác văn chương”, “hồi ký”, “công trình nghiên cứu”,… đi ngược lại những giá trị đích thực của văn học nghệ thuật; không đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như những mong đợi từ Đảng và nhân dân. Những sản phẩm này đã xuyên tạc, phủ nhận, bôi nhọ chế độ xã hội do Đảng ta lãnh đạo, tuyên truyền lối sống trụy lạc, phản văn hóa, tán phát những quan điểm chính trị, văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, sai trái… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân chính là sự nhận thức lệch lạc về chức năng văn học nghệ thuật, suy thoái về tư tưởng của một vài cá nhân mang danh là nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu.

Về mặt nhận thức, cần khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn học nghệ thuật cách mạng đã và đang phát huy vai trò to lớn đối với con người và xã hội. Văn học nghệ thuật không chỉ thể hiện nét đẹp đạo đức, văn hóa…, phản ánh khát vọng vươn tới những giá trị cao đẹp của con người, mà còn tích cực cảnh báo những lề thói lạc hậu, những lực cản sự tiến bộ của xã hội, hơn thế còn phê phán, đấu tranh, bác bỏ những quan điểm sai trái. Đó là nền văn học nghệ thuật đích thực, lấy mục tiêu cao nhất là phục vụ con người và xã hội. Nền văn học nghệ thuật ấy nhất định không phải là “sân chơi” của những cá nhân để họ có thể tự do quảng bá những “tác phẩm đen”, đi ngược lại đường lối văn hóa của Đảng và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, nền văn học nghệ thuật đó không cho phép tồn tại những tiếng nói lạc lõng, những tác phẩm vô cảm, vô trách nhiệm đối với con người và xã hội, hay ẩn giấu những dụng ý chính trị xấu, những tham vọng cá nhân về nhiều mặt. Cho nên, việc núp bóng văn học nghệ thuật để “sáng tạo”, để “giải phóng” tạo “làn gió mới”, “tính chất cách mạng và cách tân trên văn đàn”,… thực chất là biểu hiện sự suy thoái về nhận thức, tư tưởng của một số cá nhân. Về đạo đức và chức năng thẩm mỹ mà biểu hiện tập trung là tính Chân, Thiện, Mỹ - chức năng cơ bản của văn học nghệ thuật. Với chức năng này, văn học nghệ thuật luôn hướng tới phản ánh dòng chủ lưu của cuộc sống; trong đó, nổi bật là phản ánh, làm sinh động đời sống vật chất, tinh thần, khát vọng cao đẹp của con người trong lao động, sản xuất, những tâm tư, tình cảm, hoạt động văn hóa,… với những ngôn ngữ, hình tượng dung dị, trong sáng. Còn những cái gọi là “tác phẩm” với ngôn ngữ, hình tượng thiếu văn hóa, nghèo giá trị nghệ thuật hoặc xuyên tạc, kích động hằn thù, đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam,… chỉ là sản phẩm biểu hiện sự suy đồi về đạo đức, lối sống của một vài cá nhân văn nghệ sĩ.

Về tư tưởng chính trị, những sản phẩm ngợi ca cái xấu, lối sống phi truyền thống, xuyên tạc, vu cáo, bôi đen chế độ xã hội chủ nghĩa, nói xấu Đảng và Nhà nước ta; tuyên truyền cho “bạo lực phản cách mạng”, hòng đưa đất nước ta đi theo quỹ đạo khác,… là điều không thể chấp nhận, nhất định phải bác bỏ. Thời gian qua, có một số ít người hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật đã ngộ nhận về lịch sử cách mạng Việt Nam, thiếu trách nhiệm đối với xã hội cho ra đời những tác phẩm không những vô bổ mà còn có hại. Trong đó, họ “lượm lặt gần xa” để thể hiện “tính chân thực của cuộc sống”, nhưng thực chất là miệt thị và bôi bác không chỉ con người mà còn là “bao miền quê đất Việt” và cả bạn bè cùng giới văn đàn,… Thậm chí, họ còn sao chép những “tư liệu” do các cây bút chống Cộng công bố ở nước ngoài để bôi nhọ chế độ xã hội, các lãnh đạo tiền bối cách mạng và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ phủ nhận tất cả các sáng tác văn học nghệ thuật cách mạng của đất nước, kể cả của mình. Họ cho rằng, đó là những sáng tác theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và tự cho mình là một “Thằng hèn”,… Rồi “tự than”, không đủ quyết tâm như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên - những kẻ bội phản Tổ quốc chạy ra nước ngoài để được “tự do” nói và viết. Có người viết bài đăng lên mạng, đưa ra những nhận định, bình luận hồ đồ về chủ nghĩa Mác, ca ngợi chủ nghĩa tư bản một cách ngớ ngẩn, rằng: Chủ nghĩa tư bản ngày nay đã “không còn những ông chủ làm giầu bằng bóc lột. Chủ nghĩa tư bản hoang dã bóc lột sức người đã vĩnh viễn lùi xa vào quá khứ tội lỗi. Mọi người dân đều có thể trở thành người chủ”. Thật nực cười, phi lý. Bình luận, đánh giá xã hội tùy thuộc vào nhận thức của mỗi người, nhưng đánh giá phi thực tế, trái với đạo lý, có hại cho xã hội, cho chế độ và uy tín, danh dự cá nhân là điều không thể chấp nhận, cần phải lên án, bác bỏ.

Chúng ta không phủ nhận rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Nhà nước và xã hội, Đảng ta đã không tránh khỏi những sai lầm, khiếm khuyết. Những khiếm khuyết đó, đã được Đảng ta nhận thức rõ, nghiêm khắc tự phê phán và có biện pháp khắc phục. Việc Đảng đề ra Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” thể hiện rõ điều đó. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”, với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; là mục tiêu, động lực và nguồn nội sinh quan trọng của sự phát triển bền vững đất nước, Đảng ta xác định: phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Để làm được điều đó, Đảng ta đã và đang: tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; đẩy nhanh, đổi mới việc thể chế các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa; tăng cường đầu tư nguồn lực cho văn hóa; tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa,… Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, loại trừ khỏi đời sống xã hội những thứ rác rưởi làm ô nhiễm đời sống văn hóa, tạo lực cản phát triển bền vững của con người và xã hội.

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Để Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đi vào cuộc sống, các hoạt động văn học nghệ thuật bao gồm cả lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác, hoạt động, phê bình văn học nghệ thuật,… cần hướng đến mục tiêu hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Cần nhận thức rõ trọng trách của văn học nghệ thuật là tạo môi trường hình thành nhân cách cao đẹp; trong đó, ý thức về cá nhân gắn liền với trách nhiệm công dân, với các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, với đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế được đặt lên hàng đầu. Trên lĩnh vực sáng tác, trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với xã hội, trước hết cần trân trọng những giá trị cách mạng, những thành quả của biết bao mồ hôi, nước mắt và hy sinh to lớn của cả dân tộc và những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Văn học nghệ thuật không thể không có trách nhiệm đối với phê phán những mặt tiêu cực của xã hội; song, sự phê phán phải bao hàm trách nhiệm công dân, mang tính xây dựng và hướng đến bảo vệ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa do nhân dân ta đã lựa chọn và xây dựng trên nửa thế kỷ qua. Đồng thời, phải tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, nhưng cần tránh “bắt chước, lai căng”, sao chép những mô hình xã hội nào đó để áp đặt cho Việt Nam. Ở quốc gia nào cũng vậy, những sáng tác được vinh danh, có giá trị bền vững luôn gắn với các giá trị văn hóa của dân tộc. Nói cách khác, phải giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Văn học nghệ thuật, bao gồm các sáng tác và biểu diễn cần giữ gìn nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam, của con người Việt Nam. Một trong những khâu quan trọng để đưa Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa vào cuộc sống là các hoạt động Văn học nghệ thuật cần hướng vào sáng tác những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, thẩm mỹ cao, vì sự phát triển và hội nhập của đất nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nói chung, đội ngũ những người làm Văn học nghệ thuật nói riêng có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Các cơ quan chức năng về văn hóa, bao gồm cả lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, phê bình,… cần sớm hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý cũng như các thiết chế, quy định cụ thể trên lĩnh vực này làm công cụ điều chỉnh các hoạt động văn học nghệ thuật.

Làm tốt những vấn đề trên, nhất định chúng ta sẽ góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đi vào cuộc sống, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, làm cho văn hóa ngày càng khẳng định là nền tảng tinh thần của xã hội./.

T.S

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)