Phác thảo thơ trẻ Việt Nam đương đại

Thứ Hai, 10/04/2017 15:57
.NGUYỄN THANH TÂM
 

Ý nghĩ sẽ khái quát đầy đủ khuôn mặt của thơ trẻ Việt Nam là một việc khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Luôn ở tình thế dang dở, bất toàn, thơ trẻ Việt Nam đương đại là bức tranh chưa (không) hoàn kết. Mặt khác, ngay cách gọi tên thơ trẻ cũng đã tỏ ra bất ổn khi chúng ta tiến hành một khảo sát có chiều sâu về họ. Chỉ có thể, ở đây, trẻ được hiểu là một định vị về tuổi tác. Như thế, một phác thảo về thơ của người trẻ tuổi Việt Nam những năm gần đây là cái nhìn kiểm kê trên tinh thần khách quan (hữu hạn) về một lực lượng sáng tác đang hiện hữu trong đời sống văn chương Việt Nam.

Một hình dung từ phía chủ thể, những tác giả trẻ làm thơ ở Việt Nam có thể được xác lập bằng mốc sinh từ 1980 trở lại đây, như Hội Nhà văn đặt ra trong tiêu chí lựa chọn đại biểu dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX diễn ra tại Hà Nội (9/2016). Với “tiêu cự” như thế, những người trẻ trong “trường nhìn” không quá 35, 36 tuổi. Kể cũng là tương đối. Tuy nhiên, ngay cả khi tạo nên một trường như thế, vẫn có rất nhiều cái tên trong độ tuổi không được nhắc đến, dù cho họ đang và đã làm nên những sắc thái khá sinh động của thơ Việt đương đại. Việc kiểm kê, đúng như thao tác chủ đạo của nó là phải đưa ra được con số hay những mô tả định lượng. Trong quan sát của người viết, thơ trẻ Việt Nam đang hiện hữu một lực lượng viết khá đông đảo.

 
6eb8cff23a1f

Mặc dù, những người sinh 1980 nếu đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nằm ngoài danh sách được mời tham dự Hội nghị viết văn trẻ, nhưng sẽ có mặt ở đây, và chắc chắn, lại cũng vô cùng hạn hẹp bởi góc nhìn từ một cá nhân. Trên tinh thần đó, có thể điểm ra những tác giả, tác phẩm trong khoảng từ năm 2000 trở lại đây: Đào Quốc Minh (sinh năm: 1986, tác phẩm: Những người vũ công Memphis, Nguyệt nương), Du Nguyên (1988, Cười, Khúc lêu hêu mùa hè), Hà Thị Vinh Tâm (1984), Hồ Huy Sơn (1985, Ngày lạ, Rồi lẻ loi như gió), Lữ Thị Mai (1988, Giấc, Mở mắt rồi mơ), Đoàn Văn Mật (1980, Giữa hai chiều thời gian, Bóng người trước mặt), Vi Thùy Linh (1980, Linh, Khát, Đồng tử, Vili in love, Phim đôi tình tự chậm, Chu du cùng ông nội), Nguyễn Quang Hưng (1980, Vườn ánh sáng, Mùa vu lan, Lòng ta chùa chiền, Chia ngũ cốc), Lý Hữu Lương (1988, Người đàn bà cõng trăng đỉnh Cô San, Bình nguyên đỏ), Lương Đình Khoa (1985, Khuôn mặt tình yêu, Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người, Về nhà đi), Ngô Gia Thiên An (1999, Những ngôi sao lấp lánh), Ngô Thị Thục Trang (1983), Nguyễn Đức Phú Thọ (1989, Nỗi buồn đập cánh, Mầm), Nguyễn Nhật Huy (1987), Nguyễn Nhựt Hùng (1989), Ngô Thị Thanh Vân (1981, Qua miền nhớ, Mười hai tháng sáu, Phác thảo đêm), Phan Tuấn Anh (1985, Người ngủ muộn, Đoản khúc), Hoàng Anh Tuấn (1984, Mùa phơi váy, Những mùa tam giác mạch), Khúc Hồng Thiện (1983, Chênh chao tích chèo), Kiều Maily (1985, Giữa hai khoảng trống), Lê Hòa (1986, Hát ru bầu trời), Lê Văn Đồng (1993), Trần Võ Thành Văn (1986, Quen và Lạ), Trương Công Tưởng (1990), Trương Trọng Nghĩa (1983, Những mảnh ghép không logic), Viễn Hải (1994), Võ Mạnh Hảo (1981, Bụi cám bay, Dậy muộn, Phố nửa mùa), Nguyễn Thế Hoàng Linh (1982, Hở, Mật thư, Ra vườn nhặt nắng), Nguyễn Phong Việt (1980, Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Sinh ra để cô đơn, Sống một cuộc đời bình thường), Từ Hồng Sơn (1981, Hà Nội mùa thổ phách, Hà Nội mùa mộc phách)(1)… 

Số lượng là quan trọng, nó cho thấy đời sống sáng tác của những người trẻ khá sôi động. Nhưng, số lượng chưa phải là tất cả để tạo nên niềm tin vững chãi ở công chúng văn học. Thơ trẻ nói riêng và thơ đương đại Việt Nam nói chung đang đứng trước những hoài nghi về giá trị, trong bối cảnh truyền thông, xuất bản khá tự do như hiện nay. Một số người viết thuộc thế hệ 8X đời đầu, ít nhiều đã tạo nên dấu ấn trong xã hội như Vi Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng… thường xuyên được nhắc tên trong các cuộc kiểm kê, bàn thảo. Muộn hơn, mặc dù cũng 8X đời đầu, nhưng Hoàng Anh Tuấn, Từ Hồng Sơn… gần đây mới xuất hiện, đặc biệt rầm rộ là Nguyễn Phong Việt. Các nhà thơ quãng từ 1985 đến cuối 8X, 9X khoảng hơn 5 năm lại đây cũng lần lượt ra mắt thi đàn. Có những người rất trẻ như Ngô Gia Thiên An (1999) hay trẻ nữa như Đỗ Nhật Nam (2001, Đường xa con hát)…

Nhìn chung, họ đều cố gắng để hiện diện bằng tác phẩm, trên báo chí hoặc in ấn, xuất bản. Trong tuyển tập Bản hoà âm tháng 9 (Nxb Hội Nhà văn, 2016), giới thiệu tác phẩm của các nhà thơ trẻ tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9, có thể gặp nhiều tác giả có giải thưởng, nghĩa là những nhân vật vượt lên trong rất nhiều người trẻ khác làm thơ, ghi được dấu ấn về mặt chất lượng trên các diễn đàn thi ca. Điều đó đương nhiên đáng vui mừng, nhưng cũng không kìm được cảm giác hoài nghi, đắn đo gợi lên từ chính giải thưởng. Tỉnh nào cũng có hội văn học nghệ thuật cùng với tạp chí văn nghệ như là cơ quan ngôn luận. Cùng với Hội Nhà văn Việt Nam, các hội địa phương có giải riêng cho hội viên của mình.

Cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí với hơn 1000 ấn phẩm, trong đó, rất nhiều tờ báo, tạp chí có trang - mục văn nghệ, thi thơ và trao giải. Các hội, đoàn và cả tư nhân cũng đứng ra tổ chức thi sáng tác thơ và trao giải. Chưa nói, những cuộc thi thơ còn phát động trên mạng xã hội (facebook) cũng thu hút nhiều người tham gia và cũng có giải(2)… Thi thố và trao giải ở nước ta, nhiều khi “nói vậy mà không phải vậy”. Trong cái rộn ràng không ít xô bồ ấy, chỉ có tình yêu với thơ ca, sự trân trọng những nỗ lực hiện hữu giữ con người ở lại bên bờ hi vọng.

Từ góc nhìn đời sống xã hội, có thể thấy người trẻ phải làm nhiều nghề để kiếm sống, nuôi bản thân, gia đình và nuôi thơ. Tình trạng này có tính phổ quát. Một quan sát nhỏ, Vi Thùy Linh, Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Lữ Thị Mai, Lý Hữu Lương, Du Nguyên, Khúc Hồng Thiện, Võ Mạnh Hảo… đều đang là biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên ở các báo, tạp chí  như Văn nghệ Quân đội, Nhân dân, Công an nhân dân… Nhiều người khác là giáo viên như Lương Kim Phương, Hà Thị Vinh Tâm, Phan Tuấn Anh, là nhân viên y tế như Trần Ngọc Mỹ, kĩ sư cầu đường như Huệ Thi, nhân viên truyền thông như Nguyễn Phong Việt, Lương Đình Khoa... Có người vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường như Ngô Gia Thiên An, Đỗ Nhật Nam. Có người lao động tự do... Quan sát này đem lại kết luận về việc thơ không phải là nguồn sống của tác giả. Con đường thơ ca không dẫn nhà thơ đến với cơm áo gạo tiền như Xuân Diệu đã từng nói. Dẫu như thế, thơ vẫn ra đời như là trạng thái sống cao kì nhất mà những người trẻ này có được. Sáng tạo thơ, như M. Heidegger đã từng ưu tư, là hành vi sáng tạo con người, sáng tạo tính thể. Bởi thế, từ thơ, họ hiện hữu.

Thơ của người trẻ, như đã thưa trước, không mang hàm ý về chuyên môn, chất lượng, dẫu đó luôn là vấn đề quan trọng nhất. Với những gì quan sát được, trong những trải nghiệm cùng với thơ trẻ, có thể thấy, đó là những sáng tác được “cất cánh bay lên” (C. Lévi-Strauss) từ chính không gian sống, thời gian hiện diện của người trẻ. Từ cội rễ tinh thần và ưu tư hiện hữu, dẫu K. Jaspers xem con người là một “thất bại”, J. Sartre xem con người là một hiện hữu “buồn nôn”, M. Heidegger thấy con người là kẻ “bị bỏ rơi”, A. Camus luôn thấy “phi lí”… cũng đều nhằm hướng đến những “khích lệ” cần thiết cho hữu thể trước các khả năng không tồn tại. Con người, nhất là những người trẻ tuổi hôm nay, trong không gian đương đại, đã nếm trải một cách khá thấm thía những điều kiện của hiện hữu. Không chỉ là cái sống, cái chết, “tồn tại hay không tồn tại”, gần gũi hơn là cái ăn, cái mặc, đi, đứng, nói, cười, gặp gỡ, chia li, xa, gần, hạnh phúc, khổ đau, gia đình, xã hội…

Muôn vàn truy bức của đời giăng lên xung quanh người trẻ trùng trùng những giới hạn, những đe dọa. Thơ, như là tiếng kêu, lời tâm sự, một thanh âm vọng lên từ “hố thẳm” của nỗi ưu tư về phận người. Không cứ điệu sống trẻ, nguồn sống trẻ là thanh tân, xuân sắc, là khoẻ khoắn vui tươi hay rộn ràng mới mẻ. Điệu sống trẻ là điệu sống của một hiện hữu trong ưu tư về chính tồn tại của mình. Bởi thế, thơ của người trẻ có những nét riêng khác với các thế hệ cha anh. Ghé lại để xem, lục bát của Nguyễn Thế Hoàng Linh (một vài người có lẽ không gọi là trẻ nữa: Miên Di, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Bảo Giang…) vẫn giàu tính truyền thống nhưng lại mang hơi thở của giới trẻ đô thị - một thứ lục bát thị dân. Vi Thùy Linh khá dịu dàng, ý nhị ở Khát, Linh, táo bạo, mạnh mẽ, bung thoát ở Đồng Tử, Vili in love, Phim đôi tình tự chậm. Lữ Thị Mai mượt mà, yếu đuối, xao xuyến trong Giấc và Mở mắt rồi mơ. Du Nguyên buồn, bông lơn đi qua thế hệ nhợt nhạt (Khúc lêu hêu mùa hè). Mạc Mạc gai gợn những suy cảm phụ nữ (Bung nụ thu gầy). Linh Lê lãng mạn với những dấu vết Thơ mới và Tự lực văn đoàn (Còn lại tiếng người hót đắng cay). Nguyễn Phong Việt gợi cho ta những mộng mơ học trò (Đi qua thương nhớ). Lương Đình Khoa là những hoang mang, mơ mộng tuổi trẻ (Về nhà đi). Nồng Nàn Phố nồng nàn, nhẹ dạ, đau cơn đau trong định phận đàn bà (Anh ngủ thêm đi anh/ em phải dậy lấy chồng, Yêu lần nào cũng đau). Nguyễn Quang Hưng kín đáo và trầm tư (Mùa vu lan…). Lu là những mảnh nhỏ khuất kín và lặng im giữa thị thành ồn ã (Lấp kín một lặng im). Việt Anh sống, yêu thương và những hoang hoải kiếm tìm bình yên (Rẽ lối nào cũng gặp nhớ thương). Đoàn Văn Mật ưu tư mà chơi vơi (Bóng người trước mặt).

Vẫn nhận ra những vệt sáng, những mảng tươi vui, rạng rỡ, nhưng sắc thái chủ đạo của thơ trẻ dường như là nỗi buồn. Đúng hơn, đó là những ưu tư về cuộc đời, con người và tồn tại. Từ một điểm nhìn khác khi thử tiến hành “giảm trừ hiện tượng luận” về thời gian trong thơ trẻ, tôi bất ngờ nhận ra, thơ trẻ ít viết về mùa xuân. Điều đó không phải không có căn nguyên. Dẫu chỉ là những kiến tạo thời gian tính, nhưng sự co lại của cảm thức xuân trong thơ trẻ cho thấy chủ thể đang xa rời những ảo tưởng về hiện hữu. Đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh, thảm hoạ, xung đột sắc tộc, sự lũng đoạn của đồng tiền, quyền lực, sự vô cảm, sự cô độc, cái chết… đã truy vấn trở lại niềm hân hoan của tuổi trẻ. Sống là thực hiện hành trình kiến tạo tính thể người của mình. Mà, thời gian của đời người là hữu hạn. Dường như, người trẻ nhận ra điều đó một cách rõ rệt hơn. Họ thức nhận trên chính thân thể, hơi thở, đời sống của mình những giới hạn: Chúng ta ngồi cạnh nhau ở một góc thật xa cuộc đời/ nghe tuổi thanh xuân trôi qua từng giây phút (Cứ im lặng vậy thôi - Nguyễn Phong Việt); Thời gian ngày mãi khác/ Xuân thì lặng lẽ trôi (Chuyện người vẽ gió - Mạc Mạc); Biết người mải mê câu hát người dưng/ Xuân này/ Em bắt còn người khác (Chim núi gọi xuân - Phùng Thị Hương Ly); Đôi lần bàn chân chơi vơi/ Bước nghe lòng đất nói lời sơ khai (Ba người đàn bà - Trương Công Tưởng). Chưa bao giờ như bây giờ, thơ trẻ trưng dụng thân thể để xác lập hiện hữu ám ảnh đến vậy. Không biết các nhà thơ trẻ có quan tâm chủ đề “hiện hữu tại thể” của triết học hiện sinh không, nhưng, từ chính trải nghiệm của mình, họ nhận ra, tôi hiện hữu bằng thân thể của tôi. Những tưởng tượng về hiện hữu bên ngoài thân thể xem ra đang bị hoài nghi: Đóa nhung đen mở mịn đường cỏ ấm/ Còn nợ mùa thu vì em trắng quá/ Suốt đời mải miết chạy theo tình yêu (Tình tự ca - Vi Thùy Linh); sự bế tắc vẫn trầm ngâm/ những hờn tủi trần truồng/…/điệu blues của những con người đớn đau bình thản/ nhận về mình một tưởng tượng tiên tri (Tặng tác giả bài đen - Lê Văn Đồng). Ở đây, ngay lúc này, bằng thân thể này chính là cảm thức khơi nguồn thi ca, đối thoại với tồn tại.

Những đòi hỏi “xuất tính thể” kháng cự khả năng không tồn tại đã đưa các nhà thơ trẻ đến với thơ ca như một cách thế để hiện hữu. Hiện hữu từ thơ, như thế, là hiện hữu từ lời. Do vậy, những hình dung về người trẻ từ ngôi nhà ngôn ngữ là cách chúng ta đến gần hơn với thế giới của họ. Thơ trẻ, trong tư cách là một diễn ngôn của người trẻ, thể hiện một cách khá đặc trưng “niệm thức”(3) của thế hệ này về nghệ thuật. Sẽ cần thiết ở một phân tích khác, cụ thể hơn về diễn ngôn thơ trẻ. Tuy nhiên, ở đây, có thể nhìn thấy trên đại thể một hình thái không thể định danh. Nói cách khác, sự tự do khai triển ý tình, cảm xúc, suy tư đem đến cho thơ trẻ một dáng vẻ đầy phóng túng. Một vài nhà quan sát cứ ham thích xác lập, định danh, định vị, hình hóa các hiện tượng thơ ca đương đại là hậu hiện đại, (hậu) hậu hiện đại hay mới (mới), giải cái này hay cái khác, bung phá hay cách tân. Kể như thế cũng không sao trong đời sống nghệ thuật - học thuật cởi mở. Tuy vậy, xem thơ như ngôn từ nghệ thuật, là hiện hữu của tính thể, thật khó để xếp các bản thể vào chung một khung ô nhất định nào đó (nếu có cũng hết sức tương đối hoặc luôn dự phóng vượt ra ngoài khuôn khổ).

Thơ trẻ, như cái cách mà nó hiện diện, lấy đạt ý, đạt tình làm trọng, không quan tâm đến khuôn khổ thể loại. Thể thơ cũng như vần, khổ là những khái niệm đã bị “thất sủng” trong không gian thơ đương đại nói chung và thơ trẻ nói riêng. Sự tự do đến từ việc triển hiện ý tình (tứ thơ) trên một trường ngôn ngữ phi định hướng (về khuôn khổ hình thức thể loại). Sự giữ lại cấu trúc nhịp điệu, nhạc tính xem ra là căn tính quan trọng của thơ đương đại. Cũng cần nói thêm rằng, ngay cả khi nhà thơ trẻ trưng dụng một thể thơ nào đó cũng không có nghĩa là anh ta bị ràng buộc vào một thứ quy ước tiên nghiệm nào. Đạt, chính là một phạm trù, một ý niệm (có thể) thỏa đáng cho việc nhìn nhận những triển khai của thơ trẻ trên bình diện diễn ngôn - thuật ngữ chuyên ngành gọi là: chiến lược phát ngôn của nhà văn.

Việc so câu, đếm chữ theo đó mà trở nên lẩn thẩn trong ý hướng phê bình hình thức nghệ thuật của thơ đương đại. Cấu trúc của tác phẩm thơ đương đại, theo chúng tôi, từ góc nhìn hiện tượng luận, là một cấu trúc của tính thể - là một kiến tạo người từ chữ. Bởi thế, trong ý niệm hiện hữu như là “kẻ sùng tín nam quyền”, Vi Thùy Linh viết hoa chữ Anh trong toàn bộ sáng tác của mình. Rồi nữa, vì mải mê kiếm tìm tình yêu, say sưa nói về tình yêu, thơ Linh càng ngày càng nhiều lời nếu không nói là hơi ồn ào. Nhưng, là một bản thể đầy mâu thuẫn, Vi Thùy Linh lại khác xa với Vili, Ly, Nàng Tím, em trong thơ của chính chị. Phan Tuấn Anh nhiều suy tư, ưa giảng giải, biện luận, ngồn ngộn sách vở đã trưng nạp vào thơ bao điển tích, huyền thoại, triết lí, khiến thơ cứ dài ra, khắc khoải không dứt. Anh đặt tên tác phẩm của mình là Đoản khúc. Khác nhà thơ họ Phan ở xứ Huế, Nguyễn Phong Việt ở Sài Gòn hướng đến đối tượng người đọc trẻ, với những cảm xúc nhẹ nhàng, miên man, những bâng khuâng kiểu học trò. Bởi thế, thơ Nguyễn Phong Việt cũng dài dài, đều đều, buồn buồn như những bản bolero, món khoái khẩu của văn hóa đại chúng, Nguyễn Phong Việt dường như cảm nhận rõ điều này.

Thơ trẻ, vẫn là câu chuyện của hiện tại, một thực thể chưa hoàn tất. Trong cái nhìn ngoảnh lại, xa là Thơ mới, gần hơn là thơ kháng chiến, và ngay bên cạnh những người trẻ là các nhà thơ lớn tuổi đã có những thành tựu định hình, thơ của thể hệ 8X, 9X và sau nữa, đã mang một phong khí khác. Nỗi buồn đã khác, nỗi cô đơn cũng khác, cảm thức sống của con người đương đại thiết thân hơn đến từ bản thể. Đó là cảm thức của cái tôi bản thể - toàn cầu hoá, hướng đến những giá trị cốt lõi, phổ quát của con người, vượt ra khỏi những quy ước tiên nghiệm mang màu sắc dân tộc, quốc gia hay thể chế. Hiện hữu thơ là hiện hữu người - con người bản thể luận (mang đặc tính sinh học và văn hóa). Con người ấy, trong tuổi mình, dẫu âu lo, sợ hãi, cô độc, nhưng không vì thế mà không (hay càng) nỗ lực hiện hữu (cũng cần nhấn mạnh ở đây, đôi khi lựa chọn cái chết lại là hình thức hiện hữu quyết liệt nhất). Thơ, như thế, là sự kết đọng của tinh thần người trẻ từ những tháng năm đang sống. Trước cái bóng rộng lớn, rợn ngợp của hư vô, thơ là tính thể được rọi sáng của con người trong khắc khoải mộng mơ.
 
N.T.T
-------
1. Những kê cứu này chỉ mang tính chất điểm danh, có tham khảo từ tuyển tập Bản hoà âm tháng 9, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016.
2. Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 857 cơ quan báo chí với gần 1.120 ấn phẩm, 67 đài phát thanh - truyền hình, 105 kênh truyền hình quảng bá, có tới 1.500 trang thông tin điện tử và 420 mạng xã hội được cấp phép hoạt động. Nguồn: www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/doi-moi-quy-hoach-buoc-dot-pha-trong-quan-ly-bao-chi-483401.
3. Những khái niệm như tính thể, xuất tính thể, niệm thức, hiện hữu, ưu tư, uyên nguyên,… được chúng tôi sử dụng trên tinh thần lĩnh hội triết học về chủ thể tính của M. Heidegger, sâu xa hơn nữa là sự khởi nguồn từ S. Husserl. Xem: Tác phẩm triết học, Nxb Đại học sư phạm, H, 2004.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)