Sách 2017: ấn tượng và hiện tượng

Thứ Hai, 19/02/2018 00:18
. PHẠM VĂN VŨ

Những dấu ấn mới cho văn học
Trong bối cảnh những năm gần đây, khi mà văn học vẫn bị cho là đang trầm lắng, thiếu tác phẩm xuất sắc, thì 2017 có thể coi là năm có nhiều dấu ấn mới. Đành rằng, việc đón nhận và đánh giá một tác phẩm còn tùy theo cách đọc của từng người và từng thời điểm, thời kì, nhưng không thể phủ nhận rằng một cuốn sách phải có sức nặng nhất định thì mới có thể tạo hiệu ứng dư luận, nhất là trong tình hình người đọc có quá nhiều thứ để lựa chọn như hiện nay. Năm 2017, giữa rất nhiều sách văn học được xuất bản (như một lẽ bình thường), có những tác phẩm đã gây hấp lực mạnh cho độc giả kể từ khi nó đang nằm trên bàn biên tập và được biên tập viên “nhá hàng”, cho tới khi được thông báo “hết hàng” ở các nhà sách.

Trước hết gây chú ý là sự xuất hiện trở lại của hai tên tuổi: Trần Dần và Dương Tường. Tiểu thuyết Đêm núm sen (viết xong từ 1961) một lần nữa khẳng định khát vọng cách tân của Trần Dần, với những táo bạo ở vỏ chuyện kể đồng thoại cũng như chiêm nghiệm về con người trong chiến tranh - một khắc khoải không bao giờ cũ, một công việc không bao giờ hoàn tất. Trong khi đó, Dương Tường thơ như là sự kết tụ những tài hoa và độc đáo của tác giả với những cuộc chơi về âm, về chữ, về hình - những đóng góp ngôn ngữ rất đáng kể đối với thơ ca Việt.

Bên cạnh đó là sự tiếp tục ghi dấu ấn, tiếp tục vượt qua những nấc bậc của chính mình trên hành trình văn chương của những nhà văn thuộc vào top đầu hiện nay. Tiểu thuyết Kể xong rồi đi của Nguyễn Bình Phương tưởng như là câu chuyện về cái chết nhưng cốt lõi chính là những hình dung lẫn thức nhận về sự sống, vừa thách thức vừa vẫy gọi. Tiểu thuyết 6 ngày (Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, năm 2017) của Tô Hải Vân mang đến một phong vị lạ và đẹp, dù buồn, với tâm thế của con người thản nhiên và tự do khi đối diện với những chật hẹp và quẩn quanh của phận sống.

Tập truyện ngắn Người tị nạn  (The Refugees) - một tác phẩm quan trọng của Viet Thanh Nguyen (nhà văn Mĩ gốc Việt đoạt giải thưởng Pulitzer năm 2016) do Phạm Viêm Phương chuyển ngữ cho ta cái nhìn và tâm thế người trong cuộc về hành trình định cư cũng như cuộc sống của người Việt ở nước ngoài. Việc xuất bản một cuốn sách như thế là điều đặc biệt mới mẻ, là sự bổ khuyết cần thiết đối với đời sống văn chương của chúng ta.

 
KE XONG 20170816074808 duong tuong tho 32489539560 34fde3bc57

Dù còn rất nhiều cuốn sách khác chưa kể đến ở đây (do điều kiện, khả năng và phổ đọc của cá nhân người viết bài này), nhưng chỉ với những tác phẩm vừa nói, cũng đã có thể cho thấy một năm thành quả của văn chương Việt.
 
Những “cơn sóng” từ sách
Một thông tin cuối năm có thể làm những người khó tính cũng phải vui mừng là Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đạt doanh thu 50 tỉ đồng, gấp đôi so với năm 2016. Đây không phải là ví dụ có thể đại diện cho câu chuyện xuất bản của cả nước, nhưng dù sao nó vẫn cho ta niềm tin rằng nếu có sách và có cách làm sách, chắc chắn sẽ có rất nhiều bạn đọc.

Hình như chưa bao giờ trong cùng một năm mà thị trường xuất bản lại có nhiều cuốn sách gây dư luận rộng rãi và thu hút chú ý mạnh mẽ đến như thế. Có thể kể đến một số trường hợp nổi bật dưới đây.

Chuyện kể lịch sử Sử Việt - 12 khúc tráng ca của Dũng Phan lập kỉ lục về phát hành khi có 5.000 ấn bản được đặt trước, 1.000 ấn bản đặc biệt bán hết chỉ sau 4 tiếng đồng hồ, xin giấy phép tái bản ngay trong ngày đầu tiên phát hành sách. Điều đáng nói nhất là với cách tiếp cận mới mẻ về lịch sử, cuốn sách đã nhận được sự quan tâm và yêu mến của rất đông bạn đọc, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Công trình Từ điển Tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - phê bình và khảo cứu của Hoàng Tuấn Công có lẽ là cuốn sách nghiên cứu phê bình hiếm hoi có sức hấp dẫn với đông đảo các tầng lớp đối tượng đọc. Cuốn sách đoạt Giải Sách hay 2017 (do Viện Giáo dục IRED, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Sáng kiến Open Edu tổ chức), được giới chuyên môn đánh giá cao, được độc giả hoan nghênh và đón nhận rất tích cực. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến trái chiều, chỉ ra những sai sót hay nhầm lẫn trong nội dung cuốn sách. Dù thuộc lĩnh vực nghiên cứu, nhưng cuốn sách đã tạo ra một cuộc tranh luận sâu rộng vô cùng thú vị, đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ về ngôn ngữ và ứng dụng. 

Tiểu thuyết Mối chúa của Đãng Khấu (bút danh của nhà văn Tạ Duy Anh) vừa ra mắt đã bị cơ quan chức năng đình chỉ phát hành để thẩm định lại nội dung. Quyết định đó dường như lại càng khiến cho số đông bạn đọc tò mò, quan tâm săn tìm sách. Các diễn đàn mạng xã hội dày đặc các ý kiến, bài viết bình luận về nội dung cuốn sách cũng như những vấn đề xung quanh nó. Ít khi đời sống văn chương và thị trường sách nước nhà nóng lên đến như vậy.

Cuốn sách Thiện, ác và smartphone của nhà phê bình xã hội Đặng Hoàng Giang (tác giả của Bức xúc không làm ta vô can - cuốn sách đình đám năm 2016) là một tập tiểu luận thực sự đáng đọc với những truy nguyên hữu lí, những phản biện sắc sảo. Tác giả đặt ra vấn đề văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của cộng đồng hôm nay, từ đó luận bàn về công lí và trừng phạt, đề xuất sự thấu cảm, khoan dung, tha thứ. Sau khi một trích đoạn của nội dung cuốn sách được đưa vào làm ngữ liệu trong đề thi ngữ văn THPT quốc gia 2017, một cuộc tranh luận “khổng lồ” nổ ra xoay quanh khái niệm “thấu cảm”, đến mức từ này sau đó được sử dụng như một thành ngữ mới trong đời sống, trên các diễn đàn học thuật cũng như các mạng xã hội.

Chúng ta đã có nhiều “cơn sóng” về báo chí, về nhân vật và phát ngôn, về thông tin tiêu dùng..., nhưng có lẽ rất ít “cơn sóng” về sách. Chuyện nào cũng có nhiều mặt, có phía sáng và những khuất lấp của nó, cần sự bình tĩnh để nhìn nhận thấu đáo. Nhưng cũng cần thấy rằng, khi sách được cộng đồng quan tâm thì dù thế nào đó ắt là một niềm vui, một tín hiệu tốt lành.
 
P.V.V

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)