Sáng tác tranh cổ động: Dễ mà khó

Thứ Bảy, 09/07/2016 00:13
. HOÀNG HOA MAI
Tranh cổ động là một loại hình nghệ thuật có sức truyền cảm cao đối với người xem. Tùy thuộc vào từng đối tượng mà tranh cổ động được gọi bằng những tên khác nhau. Tranh tuyên truyền cho hàng hóa gọi là tranh quảng cáo, tranh giới thiệu về kịch sân khấu, phim ảnh gọi là áp phích, còn tranh vẽ tuyên truyền cho nhiệm vụ chính trị thì gọi đúng tên là tranh cổ động. Nhiều người cho rằng tranh cổ động dễ vẽ, nhưng theo tôi không dễ chút nào bởi đây là loại tranh mang tính ước lệ, khái quát cao, nghệ thuật đẹp nhưng lại đòi hỏi phải rất dễ cảm nhận, có sức thuyết phục, thể hiện được tính thông tin đại chúng.

Song hành với các loại hình nghệ thuật khác, hội họa nói chung và tranh cổ động nói riêng đã góp phần quan trọng vào thành công của cách mạng nước nhà trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Mĩ cũng như công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước khi hòa bình lập lại. Hiện nay, nhờ xã hội hóa, phong trào sáng tác tranh cổ động đang rất phát triển song lại tồn tại nhiều bất cập trong phương pháp thể hiện.
 Về lí thuyết, nội dung tranh cổ động phải được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu, nếu người xem tranh không hiểu thì không còn tác dụng tuyên truyền. Do đó, nội dung tranh phải được miêu tả súc tích, thể hiện được trọng tâm cần tuyên truyền. Ví dụ, vẽ tranh cổ động tuyên truyền bầu cử thì không có cách nào khác là phải nêu động thái của con người, lá phiếu và nên có hình tượng tầng lớp người để có khí thế bầu cử… Trong việc sáng tác phải chú ý đến ngôn ngữ hội họa, phải làm sao để bản thân ngôn ngữ đó toát lên nội dung chứ không phải mượn đến… chữ viết người xem mới hiểu.

Cũng như các loại tranh hội họa khác, tranh cổ động nhất thiết phải đảm bảo các yếu tố cơ bản để có bức tranh đẹp là hình họa, màu sắc và bố cục. Họa sĩ dù có học đại học mĩ thuật lâu năm nhưng năng khiếu có hạn, dựng hình khó khăn, nhất là trong việc dựng hành động của con người, thì tranh sẽ khó thuyết phục người xem. Muốn có tranh đẹp, hoạ sĩ phải dựng hình thật chuẩn xác, đường nét phải hợp lí rõ ràng, dứt khoát, chỗ nào đậm nhạt đòi hỏi phải nghiên cứu một cách khoa học. Vẽ người trong tranh cổ động, nhất là khi biểu hiện tình cảm vui, buồn, tức giận… là hết sức quan trọng vì đó là linh hồn của tác phẩm. Tác giả vẽ tranh cổ động cũng phải chú ý đến các chi tiết miêu tả khuôn mặt người ở cả đường nét và màu sắc. Họa sĩ nào vẽ người yếu thì nên tìm cách thức biểu hiện khác để có thể đạt được nội dung như hình tượng cờ, nhà máy, cánh đồng, bông lúa, đồ vật, vũ khí… làm cơ sở để sáng tác tranh cổ động.

 
173828trien lam290115
Triển lãm tranh cổ động chào mừng 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.                                                                                                                 Ảnh: TL

Như đã trình bày ở trên, tranh cổ động cũng phải chú ý đến bố cục. Nếu hình họa đẹp, vững chắc nhưng bố cục không hài hòa chặt chẽ sẽ làm cho tác phẩm không đẹp về nghệ thuật và không rõ về nội dung. Một bố cục tranh logic cân đối không những làm cho bức tranh có bề thế mà còn giúp người xem dễ hiểu, dễ cảm thụ hơn.
Hiện nay việc vẽ tranh cổ động có chiều hướng đưa nhiều nội dung vào một bức tranh. Điều này dẫn đến sự đồng điệu của bố cục, làm hạn chế tính sáng tạo của họa sĩ. Trong khi đó nội dung của tranh cổ động lại hầu như lặp đi lặp lại gây nhàm chán cho người xem. Ví dụ trong chiến tranh họa sĩ phải vẽ người cầm súng, cầm dụng cụ sản xuất, thời bình tuyên truyền cho ngày hội, ngày lễ, bầu cử, đại hội… phải có nhà máy, cánh đồng, quyển sách… Sự đồng điệu này đang là bài toán khó trong việc sáng tác tranh cổ động. Mặt khác, có nhiều họa sĩ vẽ tranh cổ động giống như tranh minh họa sách (vẽ như thật) và ngược lại có tác giả vẽ tranh cổ động mà người xem chẳng hiểu gì nếu như không có dòng chữ… minh họa cho tranh. Bên cạnh đó, do phụ thuộc quá nhiều về kĩ thuật vi tính mà nhiều họa sĩ đã lạm dụng ghép nhiều hình người, vật vào một bức tranh. Có những bức tranh ghép quá nhiều người, không rõ nội dung tranh nói việc gì, thậm chí có hình người đứng sau to hơn người đứng trước, vừa sai lại vừa xấu.

Màu sắc trong tranh cổ động hiện tại rất phong phú, đa dạng. Các chất liệu như chì, màu nước, sơn dầu, bột màu… đều được sử dụng vào vẽ tranh cổ động và phương pháp vẽ không nhất thiết là mảng bẹt, mảng khối mà có thể dùng cả phương pháp tạo hình (hội họa)… Tuy nhiên màu sắc càng đơn giản, càng ít màu, tranh càng mang ý nghĩa đặc thù của tranh cổ động. Thông thường từ 2 đến 4 màu là đẹp. Màu sắc hài hòa, gam màu tươi sáng, có màu chủ đạo thì tranh có sức thuyết phục cao. Tùy theo nội dung tranh mà tác giả có thể dùng gam nóng, gam lạnh… vì màu sắc là biểu hiện tình cảm của con người.
Tóm lại, họa sĩ muốn có tác phẩm tranh cổ động đẹp phải học hỏi tìm tòi sáng tạo trong thực tế và cả trong rèn luyện về khả năng hình họa, màu sắc, bố cục tranh. Mặt khác, phải học tập kinh nghiệm của những họa sĩ vẽ tranh cổ động đã thành danh như Huỳnh Văn Gấm, Huy Toàn, Thục Phi, Trần Mai, Trường Sinh, Huỳnh Phương Đông… Và để động viên, khích lệ những họa sĩ có tài năng vẽ tranh cổ động, bên cạnh việc có cơ chế, chính sách rõ ràng thì điều tiên quyết các cơ quan chức năng cần làm là xét và trao giải thưởng tranh cổ động cho những họa sĩ vẽ trực tiếp bằng tay, vì đó là hoạt động sáng tạo nghệ thuật đích thực.
H.H.M
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)