|
HỒ HUY SƠN
- Sinh năm 1985 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An.
- Tốt nghiệp Khoa Lí luận - sáng tác - phê bình, Đại học Văn hoá Hà Nội năm 2009.
- Hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tác phẩm đã xuất bản:
+ Con trai, con gái (tập truyện, Nxb Kim Đồng, 2007).
+ Ngày lạ (tập thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2009).
+ Cơm nhà, cơm người (tập truyện, Nxb Trẻ, 2012).
+ Rồi lẻ loi như gió (tập thơ, Nxb Hội Nhà văn 2015).
|
- Xin chào nhà thơ Hồ Huy Sơn. Lâu rồi chúng ta không ngồi trò chuyện cùng nhau. Với tôi, trong suốt quãng thời gian học tại trường Viết văn thì hình ảnh Hồ Huy Sơn “ngày bán mặt cho giấy, đêm bán lưng cho tường” cặm cụi ngồi làm thơ, viết truyện rồi làm báo vẫn chưa hề phai nhạt. Bây giờ anh vẫn còn thói quen làm việc ấy chứ?
+ Anh nói làm tôi nhớ lại những ngày ở trong kí túc xá của trường Viết văn. Ngoài hình ảnh mà anh vừa nhắc đến, tôi còn nhớ đến tiếng “gặm” mì tôm rào rạo giữa đêm khuya mà sau này nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng thỉnh thoảng nhắc lại như một kỉ niệm khó quên. Với tôi, đó là thứ “lót dạ” hữu dụng nhất cho những đêm “bán lưng cho tường”. Tôi nghĩ hình ảnh đó không phải hiếm đối với những sinh viên từng ôm mộng chữ nghĩa. Chỉ có điều, đó là những năm tháng thanh xuân của chúng ta, khi chúng ta vẫn còn được ngồi trên ghế giảng đường, chưa phải va chạm với bên ngoài nhiều thì mọi thứ đến đều trở nên thơ mộng như vậy!
- Nói thế thì không lẽ từ khi ra trường và va vấp với bên ngoài trong anh đã giảm đi rất nhiều thơ mộng?
+ Tốt nghiệp ra trường, tôi chuyển vào Sài Gòn sống và làm việc. Tôi từng làm phóng viên cho một tờ tạp chí, rồi làm nhân viên truyền thông cho một vài công ty. Có câu nói đùa mà tôi thấy rất chính xác, chắc là anh cũng biết - “Đời không như là mơ”. Ấy là khi áp lực cơm áo, trách nhiệm với bản thân, với gia đình khiến đôi khi niềm đắm say chữ nghĩa dù vẫn còn đó nhưng cũng phải tạm bỏ qua một bên để chu toàn công việc mà mình đang làm. Điều này nghe có gì đó đầy hụt hẫng nhưng đôi khi chúng ta buộc phải chấp nhận. Cuộc sống luôn đặt ra cho chúng ta những lựa chọn như vậy. Mà anh biết rồi đó, cơm áo đâu đùa với khách thơ! Cá nhân tôi quan niệm rằng, sống đã rồi hãy viết. Mà muốn sống, trước hết phải làm việc thôi!
- Làm việc thì ai cũng phải làm việc rồi thưa anh. Nhưng làm việc trong lĩnh vực văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung vẫn có gì đó khá nghèo nàn về tiền bạc “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ nghèo lắm con ơi bạc lắm con - Nguyễn Bính”. Thực tế thì rất hiếm người giàu được từ việc làm văn chương và thực tế cũng có nhiều người học viết văn nhưng đã phải bỏ hoặc gác lại chuyện văn chương chữ nghĩa để sang một công việc khác có mức thu nhập tốt hơn để chăm lo đời sống. Học viết văn rồi theo nghiệp văn anh thấy mình thế nào?
+ Ở một chừng mực nào đó, tôi nghĩ mình cũng là người may mắn khi tất cả những công việc mà mình đã và đang làm ít nhiều liên quan tới chữ nghĩa. Nói như vậy để thấy rằng, có những khi buộc phải ưu tiên cho công việc, nhưng sợi dây ràng buộc với đam mê không hoàn toàn bị cắt bỏ. Tôi vui và cảm thấy tự hào vì điều ấy. Cho dù những công việc mà mình đã từng trải qua không mang lại sự giàu có về tiền bạc nhưng đó là những công việc đầy lương thiện, giúp mình có được những giấc ngủ thanh thản, không phải trằn trọc, mộng mị vì những bất an có thể xảy đến. Từ lúc ra trường đến nay, mặc dù có nhiều biến động trong cuộc sống hay công việc, nhưng tôi đã xuất bản thêm 3 cuốn sách. Tôi biết, số lượng đó không phải là nhiều với thời gian 7 năm nhưng ít nhiều mình cũng có gì đó để chia vui với những người bạn cùng lứa trong ngày gặp lại.
- Từ Ngày lạ (tập thơ xuất bản khi còn học đại học) đến tập mới nhất Rồi lẻ loi như gió cho tôi thấy Hồ Huy Sơn có những thay đổi về cảm thức trong thơ. Cảm thức làng quê đã nhường chỗ cho những suy tư về phố thị và dường như khi cuốn vào sự bận rộn nơi phố thị thì thơ anh lại trở nên sâu lắng, kiệm lời hơn trước đây. Điều này do hoàn cảnh sống hay còn lí do nào khác?
+ Đúng là đến tập thơ thứ hai này, tôi nghĩ mình đã có một cuộc dịch chuyển về thơ đầy rõ rệt giống như anh vừa nói. Đến Rồi lẻ loi như gió, tôi viết trong tâm thế của một người đang sống ở đô thị với những suy nghĩ, trăn trở về thời đại mà mình đang sống. Sự thay đổi này diễn ra một cách tự nhiên, hoàn toàn không có chủ đích. Bởi vì thực tế, dù không nhiều nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn có một số bài thơ, hay truyện ngắn viết về làng quê. Tôi không chủ trương phân biệt đề tài khi viết. Lâu nay, tất cả những gì đưa đến, trở thành một sự thúc giục mãnh liệt thì lúc đó, tôi buộc lòng phải viết.
Có một sự thật là theo năm tháng, tính cách của ai ít nhiều cũng có sự thay đổi. Nếu ở những năm hai mươi, tôi thích sự ồn ào, náo nhiệt thì sang những năm ba mươi, điều đó lại trở thành nỗi ám ảnh. Tôi không biết tại sao, nhưng càng ngày thấy mình càng sợ những nơi chốn ồn ào, sợ đám đông nên nếu không vì công việc, tôi rất ngại xuất hiện ở những nơi chốn như thế. Ở những năm hai mươi, trước một sự việc, vấn đề mình có thể nói một cách dứt khoát, không cần… chính xác thì sang những năm ba mươi, tôi thích ngồi lặng lẽ quan sát và chiêm nghiệm. Thực sự tâm thế của tôi bây giờ đang là như vậy, có lẽ vì vậy mà nó cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thơ chăng?
- Lặng lẽ quan sát và chiêm nghiệm cũng đã góp phần làm nên nhiều bài thơ sâu lắng trong Rồi lẻ loi như gió. Ở tập thơ này tôi còn thấy anh có khá nhiều những trăn trở và truy vấn về thơ. Tất nhiên truy vấn hay suy nghĩ về thơ thì hẳn ai đã cầm bút làm thơ đều có. Nhưng thật tình tôi vẫn muốn quan tâm tới những bộc bạch về thi ca của anh, bởi ở đó nó không đơn thuần là suy nghĩ về nghề mà còn cả những lời… tự thú:
Tôi đã làm gì với thơ thế này?
Tôi đã làm gì với thơ?
Tôi đã làm gì?
Tôi đã làm
Tôi đã?
Tôi?
Vâng. Là tôi
Tôi chính là thủ phạm – gây ra cho thơ cái chết tức tưởi
Tôi đã vặn cổ thơ bằng thi pháp
đầu độc thơ bằng cấu tứ
sát hại thơ bằng lối gieo vần…
HÀNH TRÌNH VƯỢT THOÁT TỪ NGÀY LẠ ĐẾN RỒI LẺ LOI NHƯ GIÓ
“Ấn tượng riêng khi đọc những bài đầu của tập thơ Rồi lẻ loi như gió chính là hành trình vượt thoát của Sơn so với những gì anh đã làm được trong Ngày lạ. Nếu Ngày lạ chủ yếu mang âm điệu thương nhớ đồng quê và một chút xốn xang, chông chênh trong những bài viết về phố thị thì đến tập thơ này dễ nhận thấy cảm hứng đồng quê có phần nào thu hẹp và nhường chỗ cho những suy tư về cuộc sống phố thị, về chuyện nghề, và những câu hỏi về thơ cũng như về chính mình… Bươn chải với cuộc sống, với nghề, Sơn lại càng day dứt và trăn trở với thơ hơn (Là lúc thơ tức nước vỡ bờ, Khai tử một trang thơ, Tự thú, Cứ làm thơ đi,…). Sơn thực hiện hành trình tìm kiếm câu hỏi thơ là gì? Song Sơn trở nên bất lực trên hành trình kiếm tìm ấy, bởi anh nhận thấy sự nhỏ bé của chính mình. Câu hỏi xác định bản thể bật lên như một lời “tự thú”: Tôi đã làm gì với thơ thế này?/ Tôi đã làm gì với thơ?/ Tôi đã làm gì?/ Tôi đã làm?/ Tôi đã?/ Tôi? (Tự thú). Rồi lẻ loi như gió, với những câu thơ không chỉ ăm ắp kỉ ni?m và bồi hồi cảm xúc mà có sự chín chắn nhất định trong việc tổ chức kết cấu, cấu tứ, xử lí hình ảnh… Kĩ thuật mà vẫn không làm mất đi vẻ hồn nhiên, chân thật của nàng thơ!”
VŨ MINH ĐỨC
(Giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Bắc)
|
- Anh chia sẻ điều này?
+ Với tôi, văn chương là một đam mê lớn. Một khi có đam mê, được theo đuổi đam mê đã là một may mắn. Nếu không có văn chương, tôi biết chắc cuộc sống của mình sẽ rất buồn tẻ và vô nghĩa. Tôi đến với văn chương một cách vô tư, không trông mong được nổi tiếng, được xưng tụng hay được những giải thưởng này nọ. Với tâm thế ấy nên việc làm thơ với tôi cũng hết sức vô tư, không chủ trương chạy theo những trào lưu này hay xu hướng nọ. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình của mình, tôi thấy bên cạnh rất nhiều bài thơ hiền lành thì cũng có không ít những bài thơ có chút gì đó gai góc, xù xì. Bởi vậy, khi mang thơ về nhà, hay gửi tặng ai đó, không ít lần tôi nhận được câu “Thơ gì mà khó hiểu thế!”.
Những lúc nghe được câu nói đó, ban đầu tôi chỉ biết cười trừ nhưng sau lại có cảm giác chênh chao, tự hỏi không biết mình đang đi đúng đường hay không? Thơ luôn luôn cất lên từ sự thúc giục của bản thân, nhưng nếu có sự chia sẻ, đồng điệu thì vẫn vui chứ! Vì thế mà có đôi khi tôi tự vấn mình như vậy. Bài thơ Tự thú là cách để tôi bộc bạch, giãi bày về thơ sau những cảm giác chênh chao đó. Tuy nhiên rồi tôi lại nghĩ, bản chất của sự sáng tạo là như vậy. Nên thôi, mình cứ viết một cách thoải mái và vô tư, nếu may mắn gặp được những đồng điệu cũng chỉ giúp mình vui hơn được một chút. Còn việc của mình vẫn là cầm bút và sáng tác!
- Khi làm thơ anh quan tâm nhất đến điều gì?
+ Phải nói ngay rằng, làm thơ không giống như viết một bài báo; vì vậy, yếu tố tiên quyết cần đến vẫn phải là cảm xúc. Điều này như một lẽ đương nhiên không cần phải bàn cãi. Với tôi, khi cảm xúc đủ chín muồi, và quan trọng khi đã hình thành nên một tứ thơ vững vàng, thì việc làm thơ trở nên vô cùng dễ dàng. Tôi cho rằng, một tứ thơ mạnh sẽ mang đến một bài thơ vững vàng.
- Dưới góc nhìn của anh thì thơ trẻ đang ở vị trí nào trong dòng chảy của thơ ca đương đại?
+ Tôi nghĩ, việc xác lập vị trí của thơ trẻ trong dòng chảy của thơ ca đương đại thực sự là điều không cần thiết. Thơ trẻ sẽ được gì từ vị trí ấy? Điều ý nghĩa nhất mà tôi thấy được là sự kế cận của thơ trẻ hiện nay. Sau những gương mặt thơ ấn tượng của thế hệ 6X, 7X, 8X là đến thế hệ cuối 8X, 9X như Kai Hoàng, Trần Võ Thành Văn, Du Nguyên, Ngô Thúy Nga… Họ vẫn đang không ngừng tìm tòi và thể nghiệm để mang đến những giọng thơ mới. Và điều đáng trân trọng hơn nữa là sự dấn thân mà họ dành cho thơ ca. Không biết anh có để ý không, bây giờ nghe ai đó sẵn sàng bỏ tiền ra in thơ, lập tức sẽ có người thốt lên: “Bị dở hơi à!”. Nhưng những người trẻ mà tôi vừa nhắc đến, họ đã làm như vậy đấy! Họ đến với thơ bằng đam mê thực sự, hoàn toàn không vụ lợi. Và những tập thơ của họ là sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo đầy nghiêm túc.
- In ấn xuất bản thơ ca hiện nay vốn rất dễ, chỉ cần tác giả có được mấy chục sáng tác (chưa nói về chất lượng) là có thể gửi đến nhà xuất bản để được cấp giấy phép in ấn. Còn khi in ra, có bán được hay không lại ở câu chuyện riêng của tác giả. Thành thật mà nói, ngay cả bản thân tôi cũng đã tự bỏ tiền ra in vài tập thơ nhưng rất ngại đem bán, phần vì thơ hiện nay rất hiếm người mua (mặc dù có vẻ độc giả đọc thơ thì nhiều), phần vì số tiền thu lại từ việc bán sách vốn chẳng được bao nhiêu so với tâm sức mình bỏ ra, nên đã dành thời gian đó để làm những công việc khác, tạo thêm thu nhập mà không liên quan đến thơ vậy. Tôi biết nếu tự mình mang thơ đi bán thì nhà thơ Hồ Huy Sơn cũng chẳng thu lại được bao nhiêu so với tâm sức và thời gian bỏ ra nhưng anh vẫn cần mẫn làm công việc đó. Câu chuyện in thơ rồi tự mình bán thơ mang đến cho anh cảm xúc hay suy nghĩ như thế nào?
+ Từ tập thơ đầu tiên rồi đến tập thơ Rồi lẻ loi như gió lần này, tôi đều làm theo phương thức tự in rồi tự phát hành. Như anh cũng biết rồi đó, bán thơ ở xứ mình là chuyện… không tưởng. Trước khi quyết định in thơ, lần nào tôi cũng làm công tác tư tưởng cho mình rằng, đây là cái nghiệp, đừng trông mong gì ở chuyện bán thơ vì kiểu gì mình cũng sẽ lỗ. Và thực tế là tôi… lỗ thật! Nhưng, như tôi đã nói, đây là cái nghiệp chứ không phải một thương vụ làm ăn có tính mạo hiểm nên việc lời lãi ít nhiều được nhìn ở khía cạnh nhẹ nhàng hơn. Tất nhiên, có tiền thì vẫn quan trọng chứ!
Việc bán thơ trong thời buổi hiện nay rất dễ khiến ai dù vững tâm đến mấy cũng phải nản lòng. Sở dĩ tôi bán thơ của mình, và rất ủng hộ những người bạn của mình làm như vậy vì tôi cảm thấy một điều phi lí ở chính những người yêu thơ. Yêu thơ là vậy nhưng họ không hào hứng với việc bỏ ra 50, 70 ngàn để mua một cuốn thơ mà sẵn sàng nói “Tặng tôi một cuốn đi!” khi có ai đó sắp sửa in thơ. Có lẽ vì nếp suy nghĩ “thơ để tặng” đã in sâu vào chúng ta quá sâu đậm.
Có một thực tế như vầy: Không ai vào quán phở hay quán cà phê mà dõng dạc: “Tặng tôi một bát phở/ly cà phê nhé!”. Với một cuốn thơ, nhiều người điềm nhiên nói vậy. Và tôi thật sự buồn vì điều này. Đó là lí do tôi “lao” vào công cuộc bán thơ cũng như ủng hộ bạn bè mình bán thơ. Từ việc làm ấy, tôi hi vọng có thể thay đổi một phần nào đó quan niệm “thơ in ra để tặng”. Nhưng đúng là việc đó nằm ngoài khả năng của tôi. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi thực sự nản lòng và đành phải gác qua một bên, dành thời gian và tâm sức để làm những công việc khác. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tôi đã hoàn toàn thất bại. Bật mí với anh là tôi đã thu được 1/3 chi phí in của tập thơ thứ hai. Dẫu không nhiều nhặn gì nhưng đó là một sự nỗ lực không nhỏ và tôi biết ơn những người đã ủng hộ mình!
- Trong đời sống, thấy Hồ Huy Sơn luôn giữ được cho mình vẻ hồn nhiên, tươi trẻ và năng động nhưng thơ anh lại nặng trĩu những nỗi buồn, cô đơn: Những lúc buồn chỉ có thơ hiểu mình nhất. Phải chăng lúc buồn anh mới tìm đến thơ?
+ Thực tình mà nói, ai cũng mong những điều vui vẻ, bình an đến với mình. Nhưng cuộc sống thì không phải lúc nào cũng như vậy. Những buồn vui, mất mát, hạnh phúc, đắng chát… mới làm nên dư vị cho cuộc sống. Tôi biết ơn những nỗi buồn đã đến với mình, giúp mình dễ dàng trải lòng lên những trang viết. Khi buồn tôi thấy mình làm thơ dễ dàng hơn khi vui. Đương nhiên, nỗi buồn giống như chất xúc tác, để chìm đắm mãi trong nỗi buồn thì cũng không nên. Và vì vậy, tôi cũng biết ơn chữ nghĩa, đã giúp mình xoa dịu và tiễn biệt những nỗi buồn!
- Cảm ơn nhà thơ Hồ Huy Sơn đã tham gia cuộc trò chuyện này!
Đ.V.M