Vấn đề gì đặt ra qua 30 năm dịch thuật, giới thiệu văn học Việt Nam - Trung Quốc

Thứ Tư, 06/07/2016 08:37
(Tham luận tại Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ IV)

1. Nội dung mà tham luận đề cập: Ba mươi năm, 1986 - 2016, Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Trung Quốc trong thời kỳ cải cách, mở cửa. Cả hai nền văn học của hai nước, vì vậy, đều ở vào những năm tháng đời sống xã hội có những biến động dữ dội.

Chắc còn phải cần nhiều người, nhiều công sức mới có thể nhìn được một cách toàn diện, kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, thực tế rõ đến mức, dù chỉ mới nhìn qua, đã có thể thấy được những điều cơ bản, hệ trọng.

2. Ai cũng biết, hai nước Việt Nam - Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, và lúc này cần nhấn mạnh nữa là biển liền biển.

Do hoàn cảnh lịch sử và địa lý, từ lâu lắm cho đến nay, muốn hay không, cả hai nước cũng đã và đang "đụng độ" nhau, tác động lẫn nhau (tích cực hay tiêu cực) ở mọi lĩnh vực.

Về văn học, có thể có ngay một nhận xét là, trước đây cũng như ba mươi năm qua, trừ đôi lúc trầm lắng và thưa thớt, văn học Trung Quốc đã được dịch và phát hành tràn ngập thị trường sách Việt Nam, được nghiên cứu và giới thiệu rất nhiều ở Việt Nam. Chúng ta dịch vô số tác phẩm văn học Trung Quốc, từ những tác phẩm kinh điển đồ sộ đến những tác phẩm đương đại nổi tiếng (trong đó cũng có không ít tác phẩm bình thường, không đáng dịch).

Không nói đâu xa, chỉ một việc mới nhất. Vừa rồi, Hội đồng văn học dịch chúng tôi có giới thiệu (và được Ban chấp hành Hội Nhà văn chấp thuận) kết nạp vào Hội Nhà văn dịch giả Dương Thu Ái. Dịch giả này, cho đến nay, chắc là chiếm kỷ lục, và làm nhiều người ngạc nhiên đến không thể tưởng tượng được rằng, ông đã dịch và in đến 245 đầu sách Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực, trong đó có 62 tác phẩm văn học, và hiện nay đã dịch xong (chưa in) 20 tác phẩm khác của Trung Quốc, trong đó có 11 tác phẩm văn học. Chỉ tính thêm mấy nhà văn hội viên khác nữa của Hội Nhà văn Việt Nam, cũng có thể thấy tác phẩm văn học Trung Quốc mà họ dịch nhiều thế nào: Ông Văn Tùng: trên 50 quyển, Vũ Công Hoan: 20 quyển, Lê Bầu: 13 quyển, Phạm Tú Châu: 12 quyển, Phan Văn Các: 10 quyển, Trần Đình Hiến: 9 quyển, Mai Ngọc Thanh: 7 quyển... Cần nói thêm rằng, những tác phẩm ấy hầu như đều được dịch trong ba mươi năm vừa qua, và thống kê trên hẳn là chưa đầy đủ.

Dưới ngòi bút các dịch giả Việt Nam mà hầu hết đều dịch tuỳ... hứng, tuỳ theo sở thích riêng, tác phẩm của nhiều nhà văn Trung Quốc hiện đại và đương đại trở nên quen thuộc và hấp dẫn bạn đọc Việt Nam. Tôi chỉ kể tên mấy nhà văn Trung Quốc nổi tiếng đến trước nhất trong trí nhớ, không xếp theo một trật tự nào: Giả Bình Ao, Trương Hiền Lượng, Cao Hành Kiện, Dư Hoa, Mạc Ngôn, Khúc Xuân Lễ, Khương Nhung, Lý Nhuệ, Diêm Liên Khoa, Vệ Tuệ, v...v... Trong số họ, người thì đoạt giải Nobel về văn học, người thì được bạn đọc trong nước ngoài nước săn đón tác phẩm, người thì tạo nên những cuộc tranh luận về nội dung đề cập, về nghệ thuật thể hiện v.v...

Dù chỉ tính ba mươi năm qua hay tính từ xưa đến nay, tác phẩm văn học Trung Quốc được dịch ở Việt Nam đều nhiều hơn của tất cả các nước khác cộng lại!

Trong khi đó, thật là một trời một vực: tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ở Trung Quốc vô cùng thưa thớt. Mà đâu phải vì chúng ta không có sách hay! Chưa ai làm một thống kê đầy đủ, chính xác xem hiện tượng thưa thớt ấy cụ thể thế nào, nhưng nhận xét trên là có cơ sở.

Hai sự việc tôi đã từng chứng kiến dưới đây có thể góp một cái nhìn thực tế chứng minh cho nhận xét kia.

Một là, năm 2015 tôi cùng một số nhà văn được Hội Nhà văn cử sang Trung Quốc dự Diễn đàn các nhà văn Trung Quốc, Nam Á, Đông Nam Á. Trong Diễn đàn, tham luận của các nhà văn Trung Quốc không đề cập gì đến văn học Việt Nam - trừ tham luận của nhà văn nổi tiếng Bành Kinh Phong. Tuy nhiên, nói đến văn học Việt Nam, ông chỉ nhắc có hai tác phẩm: Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trước Cách mạng tháng Tám bằng chữ Hán, và Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc in vào thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hai tác phẩm đều cách đây đã trên nửa thế kỷ!

Hai là, cách đây không lâu, tôi được đọc quyển Đại từ điển văn học nước ngoài thế kỷ XX (tân biên). Quyển sách do 171 nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc biên soạn, Nhà xuất bản Dịch Lâm - Giang Tô in năm 1998, cách đây 18 năm. Sách dày 1100 trang khổ lớn, mỗi trang in rất nhiều chữ, vì dùng cỡ chữ nhỏ.

Trong quyển từ điển lớn này, Việt Nam có 231 nhà văn được giới thiệu. Như vậy, về số lượng cũng không phải là ít. Chỉ có điều, những nhà văn được giới thiệu ở đây là ai, và những nhà văn khác có đóng góp cho văn học như một số nhà văn trong số đó mà không được giới thiệu ở quyển từ điển, mới là điều đáng bàn.

Chỉ cần dẫn ra đây một ít trường hợp các tác giả của ba lĩnh vực: thơ, văn xuôi, nghiên cứu - lý luận - phê bình đã có và cần phải có trong quyển từ điển này, chiểu theo những yêu cầu khoa học, những tiêu chí công bằng. Chẳng hạn, nếu quyển từ điển đã có các nhà thơ: Chim Trắng, Hoài Anh, Hoài Vũ, Liên Nam, Nguyễn Duy, Xuân Hoàng... thì cũng không được bỏ qua các nhà thơ: Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Đức, Vương Trọng... Nếu quyển từ điển đã có các nhà văn: Dương Trọng Dật, Đỗ Kim Cuông, Hoàng Lại Giang, Hoàng Ngọc Anh, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Ngọc Tú... thì cũng phải có các nhà văn: Duy Khán, Dương Duy Ngữ, Đỗ Chu, Nam Hà, Nguyễn Khắc Trường, Văn Lê... Nếu quyển từ điển đã có các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình: Khái Vinh, Ngọc Trai, Nguyễn Đổng Chi, Như Phong, Xuân Trường, Xuân Vũ... thì cũng không được quên các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình: Lại Nguyên Ân, Mai Quốc Liên, Nam Mộc, Trường Lưu, Vũ Đức Phúc, Vương Trí Nhàn... (Xin lưu ý: tên các tác giả ở đây xếp theo thứ tự bảng chữ cái của tiếng Việt).

Đấy là mới nói sơ qua. Nếu đi sâu hơn nữa, sẽ càng thấy sự bất cập rất lớn của quyển từ điển trong việc lựa chọn các tác giả, từ đó sẽ thấy nó đưa đến một cái nhìn sai lệch nhiều so với thực tiễn văn học Việt Nam trong ba mươi năm qua nói riêng, trong thế kỷ XX nói chung.

Làm được một quyển từ điển đồ sộ như Đại từ điển văn học nước ngoài thế kỷ XX nói trên của các nhà nghiên cứu văn học ở Trung Quốc, phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, và thường thì phải 40-50 năm sau mới có thể tái bản.

Rất tiếc là, các nhà làm từ điển ở đây, chỉ nói riêng về văn học Việt Nam, đã tỏ ra hiểu biết khá lơ mơ, làm việc khá tùy tiện. Không biết trong quá trình biên soạn, họ có tham vấn các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam không? Nếu có, thì tham vấn những ai, để dẫn đến một kết quả không thể chấp nhận như vậy?

Tôi tưởng hai sự việc nêu trên cũng đủ để chứng minh một cách hùng hồn rằng: văn học Việt Nam đang được hiểu một cách hạn chế, thiếu sót, sai lệch ở Trung Quốc - một tình trạng hạn chế, thiếu sót, sai lệch đến mức báo động.

3. Vấn đề đặt ra ở đây là gì? Theo tôi, chủ yếu có hai yêu cầu:

a) Cần dịch và giới thiệu văn học Việt Nam nhiều hơn, chu đáo hơn ở một nước láng giềng có "duyên nợ" với ta là Trung Quốc, không để một hiện tượng quá chênh lệch như ba mươi năm nay.

b) Nên chọn lọc những tác phẩm văn học đương đại xứng đáng của Trung Quốc mà dịch và giới thiệu vào Việt Nam, không để xô bờ, hỗn tạp như hiện tại.

Làm thế nào để đạt được hai yêu cầu nói trên - trong đó yêu cầu đầu tiên là quan trọng nhất - hoàn toàn không phải việc dễ dàng, nếu không nói là sẽ gặp muôn ngàn khó khăn. Nhưng đó không phải là "nhiệm vụ" của tác giả tham luận này.

HỒNG DIỆU
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)