Trường ca Nguyễn Đức Mậu

Thứ Tư, 24/08/2016 00:32
. MÃ GIANG LÂN
Chúng ta đã có một mùa trường ca nở rộ, góp phần tạo nên gương mặt mới cho nền thơ Việt Nam hiện đại mà cái mốc quan trọng là Bài ca chim Chơrao (1963) của Thu Bồn và tiếp theo, liên tục là các trường ca của Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Khắc Phục, Thanh Thảo, Trần Vũ Mai, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu… Đấy là những năm tháng chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Đất nước bước vào hòa bình, trường ca có sự gia tăng chất lượng. Tại sao vậy? Đến lúc này các nhà thơ mới có điều kiện bộc lộ khả năng vươn lên khái quát những vấn đề lớn của dân tộc với một nhận thức sâu sắc về nhân dân và đất nước. Và cũng đến lúc này các nhà thơ mới có đủ kinh nghiệm nghề nghiệp để xử lí những mảng đời sống phong phú, đa dạng mà mình đã tích lũy, ôm chứa nhiều tháng năm. Sau đó trường ca thưa thớt và người đọc cũng quen dần với việc đọc những bài thơ ngắn cho phù hợp với quỹ thời gian khi mà bao nhiêu công việc khác, lĩnh vực khác dồn dập cần quan tâm. Nhưng những năm gần đây, trường ca lại như hồi sức, trỗi dậy ấn tượng. Chưa ai thống kê, nhưng chắc chắn là nhiều. Trong cái nhiều ấy, bình tĩnh chúng ta đặt câu hỏi: Tất cả những sáng tác gọi là trường ca, có đúng là trường ca hay là truyện thơ, hay là thơ dài? Thực ra người sáng tác ít quan tâm đến vấn đề này. Chẳng hạn Du kích sông Loan của Xuân Hoàng in trên báo Văn nghệ ghi là truyện thơ, khi in thành sách ghi là trường ca. Cô gái Mèo của Huy Cận in trên tạp chí Tác phẩm mới ghi là trường ca, khi in thành sách đề là truyện thơ. Có tác phẩm in lần đầu ghi là thơ dài, các lần in về sau ghi là trường ca…

Tôi muốn nêu lên một hiện tượng và quan niệm lại để từ đó thấy được những đóng góp của các nhà thơ trong quá trình tìm tòi sáng tạo cho hình thức phù hợp với nội dung, cảm hứng đi liền với phương thức biểu hiện. Đã đôi lần tôi đặt vấn đề về nguồn gốc trường ca, những đặc trưng cơ bản của trường ca, phân biệt trường ca với truyện thơ, thơ dài (tạp chí Văn học, số 6 - 1982 và số 5&6 - 1988). Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại: Trường ca phải chứa đựng nội dung lớn, cảm hứng lớn với âm hưởng hào hùng, bi hùng. Trong trường ca phải bộc lộ cái tôi nhà thơ, nhà thơ phải nhập cuộc không thể chỉ quan sát, cảm nghĩ hay ung dung trữ tình. Điều này thấy rõ trong nhiều trường ca một thời: Bài ca chim Chơrao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh… Trường ca của Nguyễn Đức Mậu cũng thuộc dạng này. Trường ca Sư đoàn (1977 - 1978) là một bản “tường trình” về một đơn vị anh hùng - Sư đoàn 312 mà ở đây nhà thơ với tư cách là một chiến sĩ đã sống, chiến đấu và trưởng thành. Trọng tâm của trường ca là những chiến tích của Sư đoàn. Chiến tích đầu tiên ở mặt trận miền Tây, chiến trường Lào, vì sự nghiệp chung của hai dân tộc, hai đất nước. Chiến tích thứ hai của Sư đoàn là ở Quảng Trị năm 1972 với những trận đánh quy mô lớn bên bờ sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị, những điểm cao bom đạn. Chiến tích tiếp theo là hành quân thần tốc, cả Sư đoàn dự trận cuối cùng, từ hướng bắc vào giải phóng Sài Gòn, hòa vào ngày vui đại thắng. Trường ca mở ra một không khí mới, hào hứng. Nhưng cũng chính thời điểm này, thời điểm giữa chiến tranh và hòa bình chỉ “cách nhau bằng nấc đạn” có biết bao ý nghĩ.

 
1414071390 938b6d1e288565f92e398a78331a4569

Vừa hoàn thành Trường ca Sư đoàn năm 1978, cùng năm Nguyễn Đức Mậu khởi thảo Trường ca Côn Đảo (1978 - 1991): Đến Côn Đảo thương về Tổ quốc/ Giọt máu rơi thành nét vẽ bản đồ. Tác giả ngược thời gian cúi đầu tưởng nhớ những ngày qua, những chiến sĩ hi sinh, những người mẹ mang thai vào tù, những tội ác dã man của giặc và hi vọng về một tương lai mới, cuộc sống mới nơi vừa đây còn là “một nhà ngục khổng lồ”.

Mở bàn tay gặp núi (2008) cách Trường ca Sư đoàn đúng ba mươi năm. Vẫn ở tư thế của người trong cuộc, nhưng cách nhìn cuộc sống mở ra nhiều hướng, cả quá khứ và hiện tại. Quá khứ chiến tranh gian khổ, hiện tại phức tạp hiểm họa khôn lường. Trường ca như một tivi đa hệ, có thể chuyển kênh liên tục, hiện lên muôn màu. Mở bàn tay mỗi ngón tay một cuộc hành trình. Hành trình gặp núi, gặp lại Trường Sơn một thời máu lửa. Hành trình về với cõi âm đất ngoài phủ sóng, gặp linh hồn đồng đội. Hành trình với Hà Nội ngày chiến tranh và ngày hòa bình. Hành trình theo những dòng sông Hàng vạn ngọn đèn thả dọc sông khuya/ Cầu cho người đã khuất. Hành trình với bao ngổn ngang thường nhật: tệ nạn xã hội, thiên tai, hận thù sắc tộc, di họa chiến tranh…

Ở cả ba trường ca, nhà thơ được tắm mình và trải nghiệm cuộc sống tươi ròng, ngồn ngộn. Với Nguyễn Đức Mậu, nếu không hòa mình vào thực tế chiến tranh thì không thể có trường ca như thế. Cảm hứng của các trường ca đều gắn với phạm trù về cái đẹp, cái hùng, cái cao cả, được chắt lọc từ cuộc sống chiến đấu của dân tộc trong thời đại cách mạng. Nhà thơ phải đa tạ những năm tháng vĩ đại ấy.

Khác với thơ dài, phương thức biểu hiện xuyên suốt là trữ tình, có tự sự nhưng phân lượng không đáng kể, không bắt buộc, ở trường ca trữ tình và tự sự luôn được bổ sung cho nhau. Tự sự cần khi phản ánh khách quan, miêu tả hiện thực nhưng bao giờ nhà thơ cũng chủ động trữ tình, bộc lộ chủ thể, cảm xúc, bày tỏ thái độ, nếu không sẽ dễ biến thành… diễn ca.

Trên hết, trường ca Nguyễn Đức Mậu là tiếng nói sống động, đầy tin yêu của người trong cuộc. Sống hết mình với hiện thực, rung động tận đáy lòng với cuộc sống và phát huy khả năng của mình với ý thức như một mặc định.
Thuở cây bút lớn cùng cây súng
Nhà thơ và người lính liền nhau

                (Trường ca Sư đoàn)

Trường ca Sư đoàn, nhà thơ đã phác họa rõ nét chiến trường khói lửa, hiện thực chiến tranh tàn khốc, sức mạnh và sức sống mãnh liệt của dân tộc cùng cảm xúc chân thành của một người lính nhân dân. Trong mỗi sự kiện đời sống ấy đều có mặt nhà thơ. Nhà thơ nếm trải, khẳng định: Bạn tôi ngã trước tầm đạn bắn/ Màu áo xanh gói trọn hình hài/ Suốt rừng Lào cây cháy lá đen rơi/ Có trùng điệp màu xanh thân thuộc/ Nhìn màu áo tôi nhận ra Tổ quốc/ Tổ quốc chia thân chắn đạn ở phương này…

Đến Côn Đảo, ông xót xa trước cảnh Ba mươi năm ròng bao lớp tù nhân bị bọn giặc khoét mắt, rút lưỡi, tra tấn nhục hình kiểu thời trung cổ: Đất Hàng Dương mọc gai buốt nhói/ Bãi bắn còn đây cọc chăng dây trói/ Chợt nghe trăm vết đạn xé tim mình. Những nữ chiến sĩ mang thai ở tù phải chịu hoàn cảnh: Nếu ngày mai mẹ bị tử hình/ Một viên đạn bắn vào hai số phận. Nhưng cánh cửa xà lim không ngăn nổi sự sống nảy sinh bất diệt. Ông chứng kiến Đêm 30 tháng 4/ Cửa nhà ngục mở toang như đá lở và cảm động trước Cuộc gặp gỡ lạ lùng của người sống và người chết. Những người sống cầm cờ hoa đi về nghĩa trang Hàng Dương cúi đầu mặc niệm:
Lặng im trước cỏ mà nghe
Hàng Dương giờ đã là quê
                                   bao người
Mỗi tấm bia. Mỗi cuộc đời
Một vuông đất. Một vành nôi
                                    êm đềm


Trong Mở bàn tay gặp núi, vẫn cái tôi nhà thơ chủ động hành động, chứng kiến và suy ngẫm. Nhà thơ nhập vào thế giới tâm linh Nơi mảnh đất ngoài vùng phủ sóng/ Nơi chập chờn hình bóng những người âm. Và nhà thơ trở lại Trường Sơn bằng lối mòn kí ức nhớ mình còn nợ: Nợ cây kí ninh cứu mình trong cơn sốt; Nợ một tấm lưng trần chắn đạn/ Dòng máu bạn trời ơi đỏ ngực mình/ Bạn đã chết/ Cho mình được sống; nợ người tiếp máu cho mình ở trạm chuyển thương… Theo đội quân đi tìm hài cốt, nhà thơ làm hiện lên những gian khổ hi sinh của đồng đội. Có người hi sinh rồi lại tiếp tục hi sinh:
Ôi mười ngàn bia mộ Trường Sơn
Nhưng còn bao nhiêu bơ vơ
                              thân xác
Nhưng còn bao người chưa tìm ra                                                  
                                            hài cốt
Họ ở nơi nào đỉnh núi lòng thung
Họ ở nơi nào rừng sâu mưa trút
Tôi hình dung ra một
                    Trường Sơn khác
Cao hơn núi cao, rộng hơn những                                                 
                                      cánh rừng…


Mở rộng thời gian, không gian hiện thực, nhà thơ nhớ lại Hà Nội thời chiến: Hà Nội mặc áo sờn vai ăn cơm độn, Hà Nội xà beng cuốc xẻng đào hầm… Ca phẫu thuật chuyển vào lòng đất/ Tiếng đạn pháo gầm vang cùng tiếng trẻ ra đời, Hà Nội có Những chuyến tàu chở người ra trận và Cô gái qua đời đêm tân hôn. Từ đó tác giả gửi thông điệp về một hiện tại ngổn ngang đầy cạm bẫy hiểm họa: những hộp đêm, sòng bạc trá hình, rác ở chợ đời, ở đồng tiền, lòng tham danh vọng, rác chiến tranh vẫn tiếp tục gây tai họa, thiên tai núi lửa sóng thần, biến động chính trị xã hội ở châu Phi, Trung Đông, những khủng bố máu chưa ngừng chảy:
Thế kỉ 21 sẽ ra sao?
Thế kỉ 21 sẽ ra sao?
Tôi hỏi bạn, bạn hỏi tôi.
                       Thật không dễ trả lời….
Những cuộc chiến tranh hận thù                                                 
                                        không dứt
Những vụ nổ bom đánh mìn vì
                                       sắc tộc màu da


Những mảng hiện thực đời sống đa dạng, vạm vỡ dồn dập đưa vào trường ca đến nghẹt thở. Cái tôi nhà thơ luôn là một chủ thể, một nhân chứng và phát ngôn với một ý thức trách nhiệm.

Cả ba trường ca của Nguyễn Đức Mậu dù ngắn dù dài đều có độ lớn: lớn về tư tưởng, lớn về nội dung phản ánh, lớn về tay nghề, khả năng tổ chức cấu trúc tác phẩm. Tắm mình trong máu, nước mắt, mồ hôi của đời sống cộng đồng dân tộc, cái tôi nhà thơ đã tạo ra hiệu ứng nghệ thuật: một là, những vấn đề, những sự kiện ở đây là xác thực và có sự bảo lãnh của chính cuộc đời nhà thơ; hai là, những gắn bó với đời sống của nhà thơ không có “khoảng cách sử thi” tạo nên sự cảm thông gần gũi tin cậy ở người đọc; và ba là, cái tôi nhà thơ không chỉ tham gia mà còn tác động vào kết cấu tác phẩm như một yếu tố, một thành phần hữu cơ.

Trở lại với đặc trưng trường ca, cái tôi nhà thơ luôn hiển diện tạo một không khí trữ tình, ngay cả những đoạn tự sự, trữ tình vừa xâm chiếm, vừa đan xen. Khác với sử thi, thơ sử thi là tự sự (chính xác hơn, chủ yếu là tự sự, là miêu tả, là kể về sự hình thành bộ tộc cộng đồng, về chiến công của những thủ lĩnh anh hùng), trữ tình là nguồn mạch chính của trường ca. Quan sát Trường ca Sư đoàn, Trường ca Côn Đảo, Mở bàn tay gặp núi, nhiều đoạn tự sự vẫn hiện trên nền cảm xúc chủ quan:
Hùng rủ tôi tìm hốc đá mò cua
Huyến cặm cụi một mình
                                            bẫy chuột
Cái mùi lá cơm xôi quái ác
Thơm dùng dằng trong gió
                                           mà chi…

                  (Trường ca Sư đoàn)

Vẫn là cái đói ở chiến trường mà nhà thơ và đồng đội phải vượt qua: Tổ ba người chung một căn hầm/ Chung cái đói trũng sâu quầng mắt/ Đêm gió lạnh núi gầy trăng nhạt/ Cái dạ dày không để chúng tôi yên… Có khi xót xa đau đớn: Chiến gục xuống bên loài nấm độc/ Tôi gọi hoài tên Chiến giữa rừng hoang (Trường ca Sư đoàn).

Chính phương thức tự sự tạo điều kiện cho nhà thơ khắc họa hiện thực và phương thức trữ tình tạo sức vang cho nội tâm. Nhiều phần, đoạn của trường ca Nguyễn Đức Mậu mượn cái mênh mang của lục bát như một sở trường, để tâm tư tình cảm bay bổng vượt lên cái hiện thực nhọc nhằn khắc nghiệt:
- Ngày mưa nhớ mặt trời tròn
Đêm mưa nhớ mảnh trăng non     
                               cuối rừng…
- Khói lên nhớ một dáng nhà
Mây ôm tóc mẹ trời xa bay về

                                (Trường ca Sư đoàn)

Nhà thơ đối diện với Côn Đảo: Ở nơi không phố không làng/ Tên người tên đất cùng mang sổ tù/ Cánh rừng xương trắng hoang vu/ Vầng trăng ứa máu, máu từ vầng trăng (Trường ca Côn Đảo). Hay những câu lục bát thuần thục trong Mở bàn tay gặp núi: Ta đi dọc những dòng sông/ Mượn màu mây trắng nối vòng khăn tang/ Nơi không mộ chí nối hàng/ Cỏ non tơ cũng nhói bàn chân đau. Chất trữ tình thấm đẫm ở các trường ca.

Nhà thơ có ý thức sử dụng tổng hợp nhiều thể thơ, hòa âm và nhuần nhị như đã từng tổng hợp đan xen tự sự, trữ tình. Ở cả ba trường ca chủ đạo vẫn là thơ tự do, đến thơ 5 chữ, thơ 7 chữ, thơ văn xuôi và lục bát, nhờ thế bớt đi bằng phẳng đơn điệu. Cảm xúc khi dồn nén, khi dồn dập, khi dâng cao, khi lắng đọng, chiêm nghiệm triết lí hay vang vọng xa xôi… Thơ văn xuôi hợp với suy tưởng, thơ 5 chữ kể và giãi bày, thơ 7 chữ thể hành gân guốc sảng khoái... Tất nhiên vận dụng tổng hợp nhiều thể thơ, thay đổi cảm xúc, ở thơ dài chúng ta cũng thường gặp như thế.

Cuối cùng, tôi muốn nói đến cấu trúc trường ca của Nguyễn Đức Mậu: chặt chẽ, các chương đoạn cân đối, mở kết hài hòa, tạo được bức tranh toàn cảnh như tổng kết quá trình vận động của một sư đoàn, một tập thể và rộng hơn là cả dân tộc. Ở Trường ca Sư đoàn, khúc tâm tình như khúc dạo đầu giới thiệu:
Sư đoàn tôi trải những mùa
                                     chiến dịch
Dấu chân đi đủ khép một vòng trời
… Nếu tất cả trở về đông đủ
Sư đoàn tôi sẽ thành mấy                                                                     
                               sư đoàn


Trường ca Côn Đảo là phần Đi ngược thời gian, ở Mở bàn tay gặp núi là phần Mở như những gợi ý để người đọc đi vào nội dung tác phẩm. Và kết thúc các trường ca là các Vĩ thanh, là những suy nghĩ của tác giả về cái sống và cái chết, cái riêng và cái chung, về đêm cuối cùng của chiến tranh và hòa bình, về hạnh phúc của người lính, về tình yêu và trách nhiệm của thế hệ mình… Có lúc đặt ra những vấn đề, những câu hỏi bức thiết về hiện tại và gửi gắm hi vọng vào mai sau.

Bằng ngòi bút có trách nhiệm, có sự bảo chứng của cuộc đời tác giả, nhà thơ không thái quá, khoa trương mà chân thật đến tận cùng. Là một người lính viết về người lính để ghi lấy cuộc đời mình, Nguyễn Đức Mậu đã tạo được niềm tin yêu ở người đọc. Sống cùng cuộc sống chiến đấu của nhân dân, đến những nơi gay go quyết liệt, các trường ca của ông đầy tràn chất sống trực tiếp cụ thể sinh động mà có độ sâu khái quát, giản dị chân thành nhưng vẫn say sưa bay bổng. Và qua các trường ca của Nguyễn Đức Mậu, chúng ta nhận ra những đặc trưng cơ bản của trường ca các nhà thơ thế hệ chống Mĩ cứu nước: có tính tư tưởng cao, có kết cấu nội dung hoành tráng bề thế, cái tôi nhà thơ chủ động nhập cuộc… Những trường ca như thế không chỉ mang lại nhận thức mà còn minh định với người đọc một thái độ tích cực trong cách ứng xử với thực tại 
                M.G.L
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)