Tuổi hai mươi mến thương

Thứ Bảy, 13/08/2016 00:38
12968046 762814823856033 2447474417798049441 o

. PHONG ĐIỆP

Năm 1996, hai mươi tuổi, tôi được mời tham dự trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Khi đó tôi đang là sinh viên năm thứ hai, Đại học Luật Hà Nội. Thực ra tôi không xa lạ với hình thức trại sáng tác bởi ngày còn học phổ thông ở Nam Định tôi đã nhiều lần được tham gia trại sáng tác. Nhưng đó là trại viết dành cho thiếu nhi, toàn là những bạn bè nhắng nhít như mình cả, đằng này là trại viết của các “nhà văn”. Hai chữ “nhà văn” với tôi thiêng liêng lắm. Nhận được thư của Tạp chí, tôi hơi bất ngờ bởi đến lúc ấy tôi mới chỉ gửi đến tòa soạn khoảng hai, ba bản thảo dự thi cuộc thi truyện ngắn đang diễn ra và cũng chưa hề có tác phẩm được chọn đăng. Thậm chí tôi còn nghĩ mình không có “duyên” với Văn nghệ Quân đội vì cách viết hơi khác “tông” so với các truyện ngắn vẫn đăng tải ở đây. Một tác giả hoàn toàn mới đối với các biên tập viên Văn nghệ Quân đội, tác phẩm còn quá ít ỏi để đánh giá có tiềm năng hay không, bản thân tác giả còn chưa định hướng được rõ ràng con đường văn chương phía trước của mình, tại sao lại được mời đi dự trại sáng tác? Thậm chí khi đó tôi còn chưa từng một lần đặt chân đến tòa soạn, cũng như không quen một ai làm ở đó. Bản thảo chỉ dám bỏ vào phong bì và gửi đường bưu điện. Nếu có tình cờ đạp xe đi ngang qua địa chỉ số 4 Lý Nam Đế thì tôi cũng chỉ dám đi chầm chậm để ngó vào tòa nhà thâm nghiêm cổ kính, vừa ngó vừa hồi hộp như thể đang làm điều gì khuất tất. Đến tận bây giờ, sau hai mươi năm, tôi vẫn chưa hết thắc mắc rằng tại sao mình lại được Tạp chí mời dự trại sáng tác năm đó.

Thời gian mọi người tập trung về trại viết ở nhà nghỉ của đoàn 295 Hải Phòng, tôi phải hoàn thành kì thi cuối học kì cũng như lo các thủ tục để chuyển giai đoạn tại trường Đại học Luật nên đành phải xin phép xuống sau. Đến tận lúc trại viết chỉ còn khoảng một tuần là kết thúc tôi mới có thể “nhập trại”. Rất may tôi không bị Ban tổ chức loại khỏi danh sách mà lại còn được “ưu ái” hơn các trại viên khác là được nhà thơ Trần Đăng Khoa “tháp tùng” xuống tận nơi. Suốt chuyến đi ấy tôi ngồi im thin thít, nhà thơ Trần Đăng Khoa hỏi gì thì tôi trả lời nấy. Chắc thương con nhỏ nhút nhát, nên nhà thơ Trần Đăng Khoa không cố gặng hỏi tôi mà ông tạo bầu không khí vui vẻ bằng cách nói đủ thứ chuyện trên giời dưới bể. Nghe tôi kể gia đình có bố mẹ và chị gái theo nghề y, nhà thơ “thần đồng” đã “sáng tác” luôn chuyện vợ mình là y tá và thỉnh thoảng vợ lôi mình ra làm bệnh nhân để chọc, khám thế nào khiến tôi cười nắc nẻ (sau này tôi biết lúc ấy nhà thơ vẫn phòng không, vài năm sau ông mới làm đám cưới và tôi cũng có mặt chung vui trong dịp đặc biệt đó). Tôi đồ rằng sau đoạn “sáng tác” đời tư tếu táo đó, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng quên phứt câu chuyện đó rồi. Nhưng tôi thì còn nhớ, và ấn tượng mãi về sự thân gần, đáng mến của tác giả Góc sân và khoảng trời mà thời học sinh tôi đã “tốn” bao nhiêu sổ sách, bút mực để chép thơ ông, cùng với các bạn thơ cùng thời khi đó với ông là Khánh Chi và Hoàng Hiếu Nhân. Cũng phải thú nhận rằng chính những bài thơ chép sổ tay ấy đã nuôi dưỡng trong tôi tình yêu với văn học và nhen nhóm trong tôi ước mơ viết lên những tác phẩm của mình, bởi vậy năm mười hai tuổi tôi đã có tác phẩm đăng tạp chí văn nghệ của tỉnh, và kể từ đó các tác phẩm của tôi đăng rải rác trên nhiều báo như Hoa học trò, Tuổi xanh, Văn học và tuổi trẻ… Nhưng Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ vẫn luôn là hai “thánh đường văn chương” mà tôi chỉ dám “kính nhi viễn chi”.

Trở lại với trại viết năm 1996 của Văn nghệ Quân đội, tôi xuống trại viết, nhận phòng, và rụt rè chào hỏi mọi người. Trừ các anh chị hơn tôi dăm ba tuổi là Trần Thanh Hà, Như Bình, Phùng Văn Khai, còn lại tôi gọi tất tật mọi người là cô, chú và thậm chí là bác: nào là chú Nguyễn Hữu Quý, chú Sương Nguyệt Minh, chú Nguyễn Thế Tường, chú Lò Cao Nhum, bác Phạm Trọng Thanh, bác Nguyễn Tiến Hải… Các anh chị, cô chú đón tôi rất nhiệt tình, vì vậy tôi bớt cảm giác e ngại nhưng vì nhỏ tuổi nhất, lại chẳng biết ai với ai nên tôi hay nói chuyện với “anh binh nhì” Phùng Văn Khai vì cả hai anh em đều mới “chạm ngõ” Văn nghệ Quân đội và có chung cảm giác bỡ ngỡ. Những ngày ngắn ngủi ở trại, tôi được tắm trong không chí văn chương cởi mở, thân tình và cũng lần đầu được làm quen với giờ giấc nhà binh: 6 giờ ăn sáng, 11 giờ ăn trưa và 5 giờ chiều ăn tối. Sau đó các tác giả được hoàn toàn tự do, có thể đóng cửa phòng ngồi sáng tác (mỗi người một phòng), sang phòng nhau đàm đạo văn chương hoặc đi chơi! Tôi hay tha thẩn một mình, ngắm thuyền cá về bến hay đi dọc rừng thông… Các nhà văn phụ trách trại viết chỉ sợ tôi lang thang quên giờ ăn mà bị đói nên lúc nào cũng trông chừng để nhắc nhở tận tình. Sau một tuần thì trại bế mạc, mọi người chia tay nhau trở về nhà: nhà thơ Phạm Trọng Thanh về Nam Định, nhà thơ Lò Cao Nhum về Hòa Bình, nhà văn Như Bình về lại Hà Tĩnh, nhà văn Nguyễn Thế Tường, về Quảng Bình, nhà văn Trần Thanh Hà về Quảng Trị… Các anh chị, cô chú sống và làm việc ở Hà Nội thì sau đó tôi có đến thăm một số người, trong đó đương nhiên có nhà thơ Trần Đăng Khoa. Và địa chỉ nhà số 4 kể từ đó đã không còn xa lạ với tôi nữa. Tôi không còn gửi bản thảo qua đường bưu điện mà trực tiếp đạp xe đến tòa soạn. Tạp chí có nếp rất hay: hễ có cộng tác viên đến đều được mọi người coi như là khách chung của cả tòa soạn. Ai không bận việc thì cùng ngồi uống nước và nói chuyện cởi mở. Có những buổi tôi ngồi ở phòng khách cả buổi sáng và được tiếp kiến những tên tuổi mà trước đó mới chỉ biết đến qua tác phẩm như các nhà văn Nguyễn Trí Huân, Lê Lựu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy…; các nhà thơ Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu…; các nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Hòa… Chính nhờ mối quan hệ thân tình này mà sau này khi về làm việc ở báo Văn nghệ tôi rất hay đặt bài các nhà văn ở nhà số 4 và luôn được mọi người giúp đỡ nhiệt tình.

Đã có lúc tôi tự hỏi: Trại viết năm 1996 của Văn nghệ Quân đội đã tác động đến tôi như thế nào? Thú thực, năm 1994, khi vào học trường Luật, tôi đã nghĩ mình sẽ bỏ văn chương, hoặc nếu có theo văn chương thì cũng chỉ là viết lách cho vui vậy thôi. Gia đình tôi vốn đã không ủng hộ tôi theo văn chương ngay khi tôi đang theo học chuyên văn ở trường phổ thông vì trong quan niệm của họ, văn chương khó có thể coi là một nghề, mà nếu có thì nó cũng vô cùng cực nhọc, bởi “lập thân tối hạ thị văn chương”. Không ai muốn con cái mình phải vất vả khổ sở. Nên khi tôi chọn học Luật, bố mẹ tôi rất an tâm. Nhưng trại viết năm ấy của Văn nghệ Quân đội đã góp phần thắp lên trong tôi một vùng ánh sáng kì ảo, nó tha thiết, mời gọi tôi chạm tới. Sau trại viết, tôi không có đóng góp gì cho cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội, và hẳn tôi cũng không để lại ấn tượng gì với nhiều người đi trại năm ấy, nhưng đổi lại tôi đã có thêm cảm hứng để viết được một loạt truyện ngắn đăng tải trên Văn nghệ Trẻ, trong đó có Ma mèo, tác phẩm giúp tôi giành giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn 1997 - 1998 do Văn nghệ Trẻ tổ chức. Con đường văn chương dường như rõ dần với tôi từ đó. Nhờ Ma mèo, tôi được nhận vào làm ở báo Văn nghệ ngay sau khi ra trường. Khi đó, vì sợ có thể mình không hợp với công việc báo chí vì hoàn toàn thiếu kĩ năng, ngoài sáng tác việc làm báo đòi hòi nhiều yếu tố khác, mà không chắc tôi có thể làm được, nên tôi vẫn đồng thời thử việc ở một hai công ti khác, tất nhiên là trong lĩnh vực mình được đào tạo. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng công việc chữ nghĩa, văn chương mới thực sự phù hợp với mình. Việc đọc các hồ sơ, đi làm việc với thân chủ, thiết lập quan hệ với người này người khác… khiến tôi chán chường, mệt mỏi. Và tôi quyết định dứt hẳn khỏi nghề luật, chấp nhận làm báo với mức lương ban đầu chỉ là 300.000 đồng/tháng trong khi tiền thuê nhà một tháng của tôi đã là 250.000 đồng! Mưu sinh giữa chốn đô thành thật chẳng dễ dàng gì, nhưng với văn chương, tôi thấy mình luôn có những động lực để cố gắng. Tôi viết báo để lấy nhuận bút sống qua ngày và để nuôi… văn chương. Đôi lúc thấy uể oải, cần lấy lại tinh thần, tôi tìm đến nhà số 4. Giờ đây tôi không hề có cảm giác ngần ngại và cũng chẳng bao giờ sợ bị các nhà văn của nhà số 4 hỏi những câu như: “Đến đây có việc gì?”, “Sang đây gặp ai à?”, thay vào đó là “Vào đây chơi đi, trà mới pha đây”, “Dạo này thế nào?”. Giữa những câu chuyện không đầu không cuối ấy là rất nhiều tiếng cười. Mùa hoa đại, có những buổi trò chuyện diễn ra dưới gốc cây thơm ngát hương hoa. Có hôm tôi cứ đứng nhìn miên man những quầng hoa rụng lốm đốm trên mặt sân đẹp đến nỗi không nỡ rời đi. Rồi tôi có thêm những người bạn cùng trang lứa về đầu quân cho Văn nghệ Quân đội, đó là nhà văn Nguyễn Đình Tú - vốn là cựu sinh viên đại học Luật, trên tôi vài khóa, và nhà văn Đỗ Bích Thúy. 

Suốt bao năm như vậy, tôi đến nhà số 4 như người thân nhớ nhau phải chạy qua thăm nhau mới thỏa, uống với nhau chén nước, nói dăm ba câu chuyện cho đỡ nhớ nhung. Chính nhờ không khí thân thương trìu mến ấy, tôi luôn có cảm giác như mình được động viên, khích lệ. Giờ ngẫm lại mới chợt thấy dường như bây giờ sự bận rộn, thói quen sinh hoạt nơi công sở, sự phụ thuộc vào mạng xã hội… đang có xu hướng khiến cho con người xa nhau hơn, khiến cho những người bạn trở nên khách sáo với nhau mà không khỏi chạnh lòng…

Đã có lúc tôi định trở thành thành viên của nhà số 4, nhưng rồi vì một vài lí do khách quan và chủ quan nên tôi không về nơi mình vô cùng yêu mến. Với người chuyên tâm làm văn chương, đó thật sự là một môi trường lí tưởng để làm việc và sáng tác. Dù không trở thành một người đứng trong đội ngũ những người làm tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi vẫn tự coi mình có một phần gắn bó sâu nặng với ngôi nhà ân tình ấy, nơi những tác giả trẻ luôn được trân trọng, đón chào.

Hai mươi năm đã qua, có trở lại tuổi hai mươi ngày nào, tôi vẫn sẽ muốn được trở về vòng tay của những người làm tạp chí Văn nghệ Quân đội đã mở rộng để đón tôi thuở ấy
 
P. Đ
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)