Tôi viết bài thơ "Sau chiến tranh"

Chủ Nhật, 31/07/2016 00:14
. TRẦN ANH THÁI
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trung đoàn tôi rời Sài Gòn về Phú Yên, vừa nghỉ ngơi, vừa xốc lại đội hình đã tổn thất nặng nề trong suốt thời gian dài tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Mấy tháng sau, chúng tôi được lệnh trở lại Tây Nguyên tiếp tục làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Fulro, khi đó đang xưng hùng xưng bá ở các tỉnh Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng...
Sống trong điều kiện đất nước vừa được giải phóng, những lính chiến như chúng tôi ban ngày truy lùng tàn quân địch, ban đêm về, cơm nước xong, mỗi đứa một góc lán, theo đuổi những dự định riêng tư với nhiều nghĩ ngợi, băn khoăn khi tuổi hai mươi còn đang dang dở.

Với tôi khi đó, được sống lành lặn qua ngày 30 tháng 4 đã là một kì tích. Đôi lúc ngồi một mình nhớ lại những gì đã trải qua, tôi không thể lí giải tại sao mình không chết. Những chiến dịch kéo dài ngày này qua ngày khác; những trận đánh mù mịt đất trời từ sáng đến tận đêm; những ngày tháng bám chốt chìm trong lửa đạn đến không còn một gốc cây ngọn cỏ; những đêm tập kích cả đại đội kẹt trong thế bao vây gọng kìm của đối phương mà không còn nghĩ đến sống sót... Biết bao đồng đội tôi của tôi đã ngã xuống. Xác của họ, của người lính bên kia chồng chất, trơ trọi, phơi trên những quả đồi đá trọc xám xịt khói bom và thuốc súng ám ảnh, đeo bám không thể nguôi ngoai. Chính vào những ngày như thế, tôi lao vào viết nhật kí, rồi viết báo, tản văn, làm thơ... Ngày nào tôi cũng viết, đêm nào cũng viết, viết đủ mọi thứ trong cuộc đời. Tôi viết không nhằm mục đích gì, chỉ là để cho thỏa, để quên đi những ám ảnh về cái chết mà tôi vừa đi qua.

Hồi ấy tiểu đoàn trưởng của tôi là một anh hùng. Ông từng ba lần nhận danh hiệu dũng sĩ diệt Mĩ. Tên tuổi ông lừng lẫy chiến trường miền Trung. Có trận đánh, ông trực tiếp chỉ huy một đại đội hơn bốn mươi người chống chọi với cả tiểu đoàn địch có xe tăng, pháo binh hỗ trợ ròng rã suốt gần tháng trời giữ chốt. Cuối cùng, ông đã quyết định mở đường máu dẫn bảy người lính còn sống sót, thương tật đầy mình, thoát khỏi vòng vây quân địch. Sau này, khi kết thúc chiến tranh, vì lòng tự trọng của người lính trận chính trực, can trường, ông đã từ chối mọi đặc ân lẽ ra phải được hưởng để đi xây dựng vùng kinh tế mới. Với tôi, ông vừa là ân nhân cứu mạng vừa là cấp trên. Trong một đêm mùa đông lạnh giá trên cao nguyên, nhớ lại giây phút sống sót kì lạ giữa bốn bề lửa đạn vây bủa ấy, tôi đã viết bài thơ về ông. Bài thơ tôi gọi tên là Sau chiến tranh.

Thời gian này tôi quen một người bạn làm cho báo Quân khu 5 về đơn vị công tác. Ngồi trò chuyện với nhau, tôi đưa anh đọc bài thơ vừa viết. Đọc xong anh không nói gì, lặng lẽ cất bài thơ vào cặp tài liệu. Tôi hỏi anh lấy bài thơ làm gì. Anh bảo để về Đà Nẵng gửi cho báo Quân đội nhân dân. Thú thật khi ấy, thơ tôi viết nhiều, tôi viết bằng tay, thi thoảng rảnh rỗi lấy ra đọc cho bạn bè nghe. Ai thích xin tôi cho luôn, sau đó không nhớ đến nữa. Bài thơ Sau chiến tranh anh bạn ở báo Quân khu 5 cầm cũng vậy. Phần vì không nghĩ thơ mình được in báo, lại là báo Quân đội nhân dân (hồi đó Quân đội nhân dân là một trong hai tờ báo uy tín và lớn nhất nước), phần tôi cũng đơn giản nên sau đó quên đi. Bẵng một thời gian khoảng hai, ba tháng gì đó, một buổi chiều, tôi cùng mấy anh em ở đơn vị vừa vào mấy bản người đồng bào Ê Đê làm công tác vận động quần chúng trở về thì cậu liên lạc đại đội mặt mày hớn hở, tay cầm tờ báo, tay cầm lá thư chạy về phía tôi, vừa gọi vừa nói rối rít: “Anh có thư và cả báo biếu ngoài Hà Nội gửi vào đây nè”. Tôi hơi giật mình và thực không thể tin những gì hiện ra trước mắt. Tôi bóc thư thấy đề ngày 20 tháng 7. Bên trong có phiếu lĩnh nhuận bút và một lá thư ngắn. Người viết là ông Nguyễn Chí Hoạt, trung tá, trưởng phòng bạn đọc báo Quân đội nhân dân. Nội dung thư, ông giới thiệu qua cho tôi biết về tờ báo và nói cảm ơn tôi đã gửi thơ đăng. Bài thơ đã làm ông xúc động và ông mong tôi viết khỏe, viết nhiều, cộng tác với báo Quân đội nhân dân thường xuyên hơn...

 
tthq cong vien bau troi 19

Thật khó có thể diễn tả hết cảm xúc của tôi lúc bấy giờ. Hồi ấy giao thông liên lạc, đi lại khó khăn, đơn vị lại đóng ở một vùng Tây Nguyên xa xôi hẻo lánh, nên bình thường hàng tháng mới có vài ba chuyến thư báo. Liên lạc đơn vị phải đi cả chục cây số đường rừng mới lên tới cơ quan trung đoàn để nhận. Chính vì vậy, mỗi lần liên lạc đi lấy thư báo về, chúng tôi vui như hội. Ai có thư bóc ra xem, ai không có thư thì đọc báo. Niềm vui nho nhỏ chia đều, lấp đi khoảng trống vắng, xa quê biền biệt... Bài thơ "Sau chiến tranh" của tôi khi đó được in trang trọng ở đầu trang văn nghệ của báo. Mắt tôi nhòe đi, vừa bần thần ngơ ngác, vừa vui sướng hoài nghi trước sự chứng kiến của những đồng đội. Bài thơ đăng vào dịp 27 tháng 7 năm ấy. Đó là năm 1978 - một năm không thể quên, một năm với tôi là một dấu mốc trong suốt cuộc đời cầm bút sau này. Nguyên văn bài thơ như sau:
 
SAU CHIẾN TRANH
 
Sau chiến tranh
Anh chỉ còn một mắt
Mắt bên trái của anh giặc cướp đi rồi
Trên khuôn mặt cỗi cằn gân guốc
Chỉ còn đốm sáng nhỏ nhoi
 
Anh đã từng có những tháng năm
Nhìn sâu vào thân phận con người
Từng mảnh đất giành lại
Từng núi đá hốc cây giành lại
Mảnh trời xanh ướt đầm
Trên mắt người đồng đội
Một con mắt của anh ròng ròng máu xối
Một con mắt của anh rơi xuống đất anh nằm
 
Sau chiến tranh
Anh là người đầu tiên đi khai phá rừng xanh
Mở đường bắc cầu xẻ núi
Đôi giày vải rách sờn đá sắc
Bàn tay thành màu đất săn chai
 
Màu đất không bao giờ phai
Dù những cơn sốt rét
Ăn sâu vào thịt da
Dù xa xăm quê nhà
Dù mưa rừng thác xối
Một con mắt của anh còn lại
Vẫn nhìn cuộc đời bằng ánh mắt vẹn nguyên
 
Một con mắt của anh vẫn âm thầm gọi lửa
Một ngọn lửa âm thầm thắp giữa rừng đêm.
                                                                   1978
 
Tôi không nhớ hồi ấy đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần bài thơ Sau chiến tranh. Tờ báo in bài thơ được tôi giữ gìn cẩn thận, bọc vào túi nilon cất kĩ dưới đáy ba lô. Thi thoảng vài ba ngày tôi lại lấy ra ngắm nghía, đọc lại. Tôi xem đó như một báu vật. Từ đó trở đi, tôi bắt đầu có ý thức giữ gìn những gì mình viết. Cũng từ đó tôi bắt đầu cộng tác với báo Quân đội nhân dân, báo Quân khu 5, tạp chí Văn nghệ Đắc Lắc... Tôi viết nhiều, gửi đi cũng nhiều nhưng thi thoảng mới được đăng báo. Nhưng hình như nghiệp viết đã xâm lấn mạnh mẽ vào bên trong con người tôi từ đấy. Tôi cứ viết, có cảm giác không viết con người tôi sẽ trở nên trống rỗng, không thể tồn tại giữa cái chốn thâm u, bốn bề đơn độc của núi rừng. Tôi viết rồi dập xóa, xé bỏ, lại viết. Có bài tôi gửi đi, nhưng phần lớn viết rồi để đấy, rồi quên, lại viết tiếp... Thực lòng thì sức quyến rũ của thơ ca, và nhất là việc bài Sau chiến tranh được đăng trên một tờ báo trung ương có uy tín đã khích lệ và trở thành động lực, hé mở con đường để tôi có cái mà hi vọng, có nguyên cớ và vững tin hơn trong những buổi đầu đầy bỡ ngỡ, ngập ngừng vào nghề viết lách.

Bài thơ Sau chiến tranh sau đó còn được in lại trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ và một vài tờ báo khác vào các dịp 30 tháng 4. Cuối năm 1993, khi đó tôi đã về công tác ở báo Quân đội nhân dân được hơn mười năm (đã in một cuốn tiểu thuyết và một tập thơ in chung với mấy nhà thơ quân đội), bài thơ được tôi gom lại cùng với nhiều bài thơ khác mà tôi đã viết vào những năm tám mươi, chín mươi của thế kỉ trước, để in trong tập thơ riêng Độc thoại trắng. Số phận của bài thơ Sau chiến tranh cũng thật kì lạ. Nó mặc nhiên có mặt ở nhiều tuyển tập thơ viết về chiến tranh. Năm 2012, khi làm “Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do của Việt Nam để an ủi linh hồn những người đã mất vì chiến tranh của các nhà thơ Việt Nam và Nhật Bản”, bài thơ Sau chiến tranh lại được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tuyển chọn, dịch sang tiếng Anh và tiếng Nhật in ở Nhật Bản. Từ đó đến nay, kể từ khi nó lần đầu được in trên báo chí trung ương, đã gần bốn mươi năm trôi qua, nhưng mỗi lần đọc lại bài thơ ấy, trong sâu thẳm tôi vẫn dào lên nhiều cảm xúc. Hình ảnh anh hùng Nguyễn Ngọc Chữ, người tiểu đoàn trưởng, vị ân nhân, người đã cứu mạng sống của tôi trong trận chiến một mất một còn thời trận mạc hiện lên nguyên vẹn. Sau này, mỗi năm vào dịp 30 tháng 4, mấy thằng lính còn sống của trung đoàn 52, sư đoàn 320 chúng tôi khi ngồi với nhau thường đọc lại bài thơ ấy. Bài thơ chưa phải đã là bài thơ hay, nhưng nó chân thực, là kí ức, là một phần đời của mỗi người lính trận chúng tôi...

Thời bây giờ, sáng tạo thơ ca đã bước sang một giai đoạn khác với nhiều đổi mới, tìm tòi, nhiều hình nhiều hệ... Nghĩ cho cùng thời nào có tiếng nói của thời ấy. Ví như ngày xưa, quần the khăn xếp, áo tứ thân... là mực thước thời trang. Giờ nó chỉ còn được dùng như một nghi thức trong đình đám hội hè... Chợt nhớ, cuộc tranh luận văn nghệ Việt Bắc (25-28/9/1949) giữa Thế Lữ, Xuân Diệu và Nguyễn Đình Thi, công bằng mà nói thì cũng chẳng lợi lộc gì cho thơ. Cuộc sống tự nó mặc nhiên phải thay đổi. Không thay đổi sẽ trở nên khép kín, băng giá. Khư khư sống với chuẩn mực đã lỗi thời, thì cái chuẩn mực đó chẳng khác gì cái xác. Thế nhưng thay đổi, nhất là đối với thơ ca, nói thì dễ nhưng làm lại không đơn giản. Một nhà nghiên cứu phê bình văn học nói với tôi: Có nhà thơ ngày ngày tuyên ngôn cách tân đổi mới, nhưng đọc thơ của anh ấy tôi không thấy hay, ngược lại chỉ thấy làm trò. Tôi bảo: Anh đọc anh thấy nó hay nghĩa là bài thơ đó hay, anh không thấy nó hay tức nó là bài thơ dở, ai nói gì kệ họ, đó là anh mà...

Nói vậy, nhưng bằng cuộc đời của mình tôi nghiệm thấy, tìm tòi hay cách tân như thế nào là công việc của mỗi nhà thơ. Khi còn trẻ khát khao học hỏi, nhưng đến một độ nào rồi mà vẫn loay hoay với cái ngoài mình thì phải xem lại. Vấn đề muôn thuở dù hiện đại đến đâu cũng phải bắt đầu từ mặt đất, từ trong sâu thẳm con người anh bật ra. Nó là tự thân của chính nhà thơ chứ không phải gượng ép, không phải cố gồng lên cho hiện đại mà vầy vò chữ nghĩa. Làm vậy chỉ khổ cho thơ. Thơ vốn sống ở chỗ hay chứ không sống ở chỗ hiện đại. Mặc nhiên, đã là thơ hay bao giờ cũng hiện đại. Nhưng hiện đại chưa chắc đã hay. Từ hiện đại đến hay là một đỉnh núi. Hơn đâu hết thơ bắt đầu từ cuộc đời, là trải lòng mình ra. Mỗi nhà thơ là duy nhất, không thể thay thế. Không một thiên tài nào có thể thay thế được trái tim chân thực. Nhà thơ là trên đường, là đi về phía phận người, không gì khuất phục, cũng không gì là khuôn mẫu hay áp đặt. Mọi áp đặt chỉ mang lại méo mó và bệnh hoạn. Từ cuộc đời đến thơ... tôi thú nhất là để thỏa lòng mình, là được sống tự do, sống thật với “cõi lặng” của mình. Chạy theo cái đâu đâu, cái ngoài mình, cái “chơi” của người khác... thì khổ!.
T.A.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)