Cửa sổ văn nghệ

Đưa hát Xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại

Thứ Ba, 26/05/2015 09:53

Theo lộ trình, sau 4 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, tỉnh Phú Thọ đang gấp rút triển khai đúng tiến độ để hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO đưa Di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, về nội dung này.
 

Phóng viên (PV): Theo đúng cam kết với UNESCO, cuối năm 2015, Di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan sẽ được đề nghị đưa ra khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp. Đề nghị đồng chí cho biết, địa phương đã thực hiện lộ trình này đến đâu?
 

Đồng chí Hà Kế San: Ngay từ năm 2011, khi hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, tỉnh Phú Thọ đã xác định ngay việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản hát Xoan là việc làm cấp thiết. Việc đầu tiên là tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và hoàn thiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2020. Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2058/QĐ-TTg ngày 7-11-2013, góp phần quan trọng tạo tiền đề cho địa phương trong việc thực hiện cam kết với UNESCO về bảo tồn hát Xoan. Cho đến nay, dựa trên các tiêu chí của UNESCO thì hát Xoan đã bảo đảm mang tính giá trị, tính cộng đồng và được truyền dạy liên tục từ đời này qua đời khác. Đặc biệt, những gì mà địa phương đã, đang làm khẳng định sức sống mạnh mẽ của hát Xoan kể cả trong không gian văn hóa đặc trưng và trong đời sống đương đại.
 

Đồng chí Hà Kế San.
 

Hiện nay, địa phương đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ theo đúng tiến độ. Theo lộ trình, tháng 12-2015, chúng ta sẽ trình hồ sơ lên UNESCO báo cáo về việc thực hiện cam kết và đề nghị UNESCO đưa Di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ trở thành Di sản văn hóa đại diện nhân loại.
 

PV: Theo các tiêu chí của UNESCO, hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả cụ thể nào trong công tác bảo tồn hát Xoan tại cộng đồng?
 

Đồng chí Hà Kế San: Trước hết, các không gian diễn xướng của hát Xoan đã được địa phương phục dựng, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về “môi trường sống” của loại hình di sản văn hóa đặc sắc này. Hát Xoan là một hình thức diễn xướng dân gian, còn được gọi là hát Cửa đình, hát Thờ... Để hát Xoan tồn tại phải có không gian văn hóa riêng của nó. Tại Phú Thọ hiện nay vẫn còn một số làng Xoan cổ như: Làng Kim Đới, làng Thét, làng Kim Đức, làng An Thái... và một số làng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Ở các địa phương này, nhiều đình, đền, không gian văn hóa gắn liền với hát Xoan đã được địa phương quan tâm, tu bổ và tôn tạo. Đây sẽ là nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn, truyền dạy và lưu giữ Di sản văn hóa hát Xoan trong cộng đồng.
 

Vấn đề con người, yếu tố quan trọng nhất nhằm bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan cũng được địa phương quan tâm ngay từ ban đầu. Các nghệ nhân được coi là những báu vật nhân văn sống, là người giữ gìn và bảo tồn di sản. Khi hát Xoan được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, số nghệ nhân hát Xoan thời điểm đó có 34 nghệ nhân, trong đó Phú Thọ có 31 người và Vĩnh Phúc có 3 người. Đến nay 4 cụ đã qua đời, chỉ còn lại 27 cụ tuổi cũng đã rất cao, cá biệt có nghệ nhân đã hơn 100 tuổi. Tỉnh Phú Thọ đã xác định, việc bồi dưỡng thế hệ kế cận cần tập trung ở các phường Xoan gốc. Kết quả sau gần ba năm đào tạo, đến nay đã có một đội ngũ các nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ tuổi tham gia học và gìn giữ hát Xoan. Hiện đã có hơn 80 nghệ nhân, nghệ sĩ được đào tạo qua các lớp tại cộng đồng; thường xuyên có hơn 100 học viên ở các lứa tuổi tham gia các lớp học. Bên cạnh đó, hát Xoan được địa phương tích cực đưa vào truyền dạy trong trường học.
 

Biểu diễn hát Xoan trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015.


Việc sưu tầm, biên soạn hát Xoan được địa phương tiến hành một cách gấp rút. Tỉnh Phú Thọ phối hợp cùng Viện Âm nhạc Việt Nam đã xây dựng được một tổng tập hát Xoan với hơn 1.200 trang, sưu tầm nhiều làn điệu, bài hát được thu thanh, ghi đĩa và số hóa để tiện cho việc phục vụ bảo tồn và nghiên cứu lâu dài. Hơn 4.000 đĩa CD và 3.000 cuốn sách “Hát Xoan Phú Thọ-tuyển chọn” đã được nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản. Các hoạt động nhằm bảo tồn hát Xoan cũng được tổ chức thường xuyên. Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2015, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động hát Xoan để quảng bá sâu rộng đến cộng đồng như: Thi hát Xoan cho lứa tuổi thanh-thiếu niên; tổ chức biểu diễn hát Xoan cổ tại các làng Xoan gốc... Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 20 câu lạc bộ hát Xoan.
 

PV: Sau khi đưa hát Xoan ra khỏi danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, thì tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục chú trọng những vấn đề gì, thưa đồng chí?
 

Đồng chí Hà Kế San: Với hàng loạt kết quả thực hiện trong giai đoạn 2013-2015, như: Đẩy mạnh công tác phục hồi, bảo tồn, truyền dạy và thực hành hát Xoan; tu bổ, khôi phục các di tích lịch sử-không gian diễn xướng, không gian trình diễn hát Xoan… chúng tôi tin tưởng rằng, đến năm 2016, UNESCO sẽ đưa hát Xoan ra khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Kết quả ấy đã khẳng định cam kết của tỉnh Phú Thọ với UNESCO, với các bộ, ngành ở Trung ương về bảo vệ và phát huy di sản hát Xoan Phú Thọ.
 

Trong giai đoạn tiếp theo, địa phương sẽ tiếp tục lộ trình thực hiện các bước của Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan. Trước mắt, địa phương tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp lý, các kế hoạch cụ thể, chi tiết trong quản lý, bảo vệ hát Xoan; tạo được sự đồng thuận của các bộ, ngành Trung ương và địa phương để đề ra các biện pháp thiết thực, tích cực, cụ thể, bắt tay vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Xoan.
 

Từ năm 2016 đến 2020, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung đầu tư tu bổ, phục hồi cho năm di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì, khôi phục các lễ hội, tục lệ hát Xoan truyền thống; phục hồi cho các di tích còn lại tại các phường Xoan gốc, hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích liên quan đến hát Xoan. Đến năm 2020, phấn đấu nâng tỷ lệ người biết hát Xoan trong thanh niên và thiếu niên, nhi đồng ở các phường Xoan gốc của tỉnh lên 70%.
 

Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, địa phương cũng đặc biệt quan tâm phát huy các giá trị văn hóa tạo thành tiềm năng du lịch. Vì thế, địa phương cũng phấn đấu đến năm 2020 sẽ khôi phục thành công các lễ hội, tục lệ hát Xoan truyền thống, xây dựng không gian văn hóa gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây sẽ là điểm nhấn trong các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất Tổ.
 

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguồn: QĐND (Duy Văn)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)