Sáng 10/1, tại Hà Nội, gần 50 nhà văn thuộc Chi hội Nhà văn Quân đội tham dự Đại hội cơ sở Hội nhà văn Việt Nam nhiệm kì XI 2025-2030.
Tham dự có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các đồng chí Phó chủ tịch, Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khoá X. Đoàn chủ tịch điều hành đại hội gồm có: Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam, Phó chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội, Trợ lí Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng.
Đại hội làm việc trong buổi sáng để tổng kết hoạt động của Chi hội nhiệm kì 2020 - 2025, tiến hành bầu Ban chấp hành Chi hội nhiệm kì 2025 - 2030, đóng góp các ý kiến vào dự thảo tổng kết công tác nhiệm kì Hội Nhà văn Việt Nam, bầu đoàn đại biểu tham dự Đại hội Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam 2025-2030.
Toàn cảnh đại hội
Thẳng thắn tổng kết, chỉ ra phương hướng nhiệm kì mới
Theo Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương đánh giá, trong nhiệm kì qua, các hội viên của Chi hội Nhà văn Quân đội luôn giữ vững phẩm giá, nhân cách, bản lĩnh chính trị của một quân nhân. Mặc dù thời cuộc có những thay đổi, biến động với sự xuất hiện phức tạp của nhiều quan điểm, tư tưởng, cùng những sức ép xã hội khác, nhưng các nhà văn đã từng trong quân ngũ, đang trong quân ngũ vẫn gìn giữ nguyên vẹn sự cao thượng, trong sạch và lạc quan của mình. Không một thành viên nào trong Chi hội có những sáng tác, những phát biểu đi ngược lại với lợi ích của dân tộc và quốc gia. Không một thành viên nào trong Chi hội tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp trong nước và quốc tế.
Nói về những thành tựu trong năm qua, Nhà văn Nguyễn Bình Phương nói: “Về căn bản, những nhà văn có tuổi, có thành tựu vẫn tiếp tục bền bỉ sáng tác và gặt hái được những thành công mới, cống hiến cho đời sống của văn học đương đại Việt Nam nói chung và ở mảng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng nói riêng. Trong khi đó thế hệ các nhà văn trẻ đang tại ngũ cũng từng bước khẳng định mình bằng những tác phẩm chất lượng, cá tính và khá cởi mở. Kết quả là nhiều thành viên trong Chi hội Nhà văn Quân đội đã đạt được các giải thưởng như: giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, cùng nhiều những giải thưởng danh giá khác”.
“Chi hội Nhà văn Quân đội cũng là chi hội có nhiều thành viên thành gia tích cực vào các hoạt động văn học nói chung cũng như tham gia vào các hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam. Có thể nói, tuy sáng tác văn học là một hoạt động độc lập, khác biệt, nhưng với cốt cách của người nghệ sĩ, chiến sĩ các thành viên trong Chi hội Nhà văn Quân đội vẫn có sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ”.
Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội cũng cho rằng, cần nghiêm túc nhìn nhận lại: Nhiệm kì qua những hoạt động của Chi hội chưa đúng với tầm vóc thực chất của mình. Nguyên nhân đầu tiên là do hạn chế về nguồn kinh phí để hoạt động, nguyên nhân thứ hai là, Ban chấp hành của chi hội về căn bản là những người kiêm nhiệm, chưa có điều kiện dành nhiều thời gian tập trung thiết kế, xây dựng cho các hoạt động của chi hội và chưa thường xuyên chăm lo, kết nối giữa các hội viên với nhau.
Do đó, trong phương hướng nhiệm vụ nhiệm kì XI 2025-2030, Đại hội đã đưa ra 12 phương hướng hoạt động trọng điểm hướng tới kỉ nguyên mới như tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định trong công cuộc chấn hưng văn hóa.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội
Chân thành đóng góp các ý kiến
Đối với hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kì 2020 - 2025, đại diện Đoàn Chủ tịch, Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã trình bày dự thảo báo cáo tổng kết công tác Hội nhiệm kì vừa qua.
Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong nhiệm kì 2020 - 2025, trong đó có những bất cập ở từng lĩnh vực sáng tác. Cụ thể: Chưa có nhiều tác phẩm thực sự tạo ra những rung động tới đời sống xã hội; Còn phổ biến hiện tượng phụ thuộc vào cảm hứng ngẫu hứng, mà hạn chế tính đều đặn, bền bỉ chuyên nghiệp; Chưa có nhiều những tác phẩm kĩ lưỡng, công phu với sự đa tầng nghĩa cũng hạn chế trong khi lại khá nhiều tác phẩm dễ dãi và hời hợt; Tình trạng số lượng vẫn chiếm ưu thế hơn chất lượng. Bên cạnh đó, ở lĩnh vực lý luận phê bình vẫn còn có sự chưa ăn nhịp giữa sáng tác với lý luận phê bình; sự phát hiện, tôn vinh các tác phẩm có giá trị chưa được kịp thời; trong nghiên cứu, có hiện tượng nghiêng về nghiên cứu những giá trị đã được thẩm định mà chưa mạnh dạn mổ xẻ đánh giá những tác phẩm mới, còn đang nằm trong sự phân vân của độc giả.
Các cơ quan cấp 2 của hội còn lúng túng trong công tác quy hoạch nhân sự. Đây là một vấn đề kéo dài trong nhiều năm và cũng là vấn đề chung ở các tổ chức văn học, nghệ thuật và báo chí truyền thông cho dù đến thời gian này hầu hết các cơ quan cấp 2 của Hội đã có những bước kiện toàn cơ bản về tổ chức để đảm bảo hoạt động có hiệu quả những nhiệm vụ của Hội.
Việc quảng bá và giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới còn nhiều hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp cao, chủ yếu là vận động cá nhân, do đó chưa phản ánh đúng thực chất diện mạo chất lượng của văn học Việt Nam. Hội Nhà văn đã có chiến lược quảng bá văn học ra thế giới từ những nhiệm kì trước nhưng khó khăn nhất là không có bất cứ nguồn kinh phí nào từ Nhà nước đầu tư cho chiến lược quan trọng này. Ngày thơ Nguyên tiêu đã có những thay đổi có tính chuyên sâu như tổ chức các hội thảo về thơ, có chủ đề cụ thể cho từng Ngày thơ nhưng chưa thực sự trở thành một Lễ hội văn hóa mới như mục tiêu khóa IX đề ra.
Ở phần thảo luận đóng góp ý kiến, Thiếu tá, nhà văn Uông Triều thấy rằng đây là giai đoạn văn học đang trầm lắng, Đại hội Chi hội Nhà văn Quân đội là một nơi mà các hội viên thẳng thắn đấu tranh, đưa ý kiến tranh luận để ngày càng gây dựng niềm tin, tự hào về những nhà văn mặc áo lính. Đó chính là tiền đề để cải thiện góc nhìn của công chúng để gia tăng độ tin cậy, sự thiện cảm của công chúng đối với người cầm bút.
Với hoạt động của Chi hội Nhà văn Quân đội, Trung tá, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhận thấy các tác phẩm trong thời kì này thiếu bóng dáng của hình ảnh anh bộ đội thời bình. Do đó, cần chú trọng phối hợp, tạo điều kiện tổ chức các trại sáng tác, hoạt động thực tế để các nhà văn có được vốn tư liệu vạm vỡ, đày đặn, được sống trải mình và thấm đẫm trong không gian thực tế của người lính thời bình để các tác phẩm thực sự mang hơi thở thời đại, nhịp điệu của cuộc sống, học tập, lao động và chiến đấu của người lính hôm nay.
Trong thời đại công nghệ, Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy lại cho rằng đối diện với sự phát triển nhanh, năng động và biến đổi không ngừng của các phương tiện giải trí, những nhà văn quân đội cũng cần chuyển mình trong tâm thế cởi mở, đón nhận đa chiều để có sự tỉnh táo, vững tâm thế trước những ứng xử trên không gian mạng xã hội.
Trước những việc đã làm, phương hướng phát triển và mục tiêu nhiệm kì mới của Chi hội Nhà văn Quân đội, Đại tá, nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng, việc cấp thiết chính là bồi dưỡng, phát triển thế hệ kế cận – những cây bút trẻ trong làng văn hướng tới giai đoạn chuyển giao, bồi đắp thế hệ...
Các hội viên dự đại hội
Công tâm lựa chọn đại biểu
Phát biểu tại Đại hội cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI Chi hội Nhà văn Quân đội, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, sự có mặt của mình trong ngày hôm nay không phải để chỉ đạo hay đóng góp ý kiến gì, mà theo ông, đây là dịp để ông lắng nghe trực tiếp các ý kiến đóng góp về Hội Nhà văn Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, tiến tới Đại hội. Ông cảm ơn những đóng góp thẳng thắn, chân thành giúp mình có những hình dung những điều cần làm, cần tránh và thế trận mới của giai đoạn 2025-2030.
Chủ tịch Hội Nhà văn cho rằng, mỗi nhà văn có một tâm thế trước thời cuộc, tuy nhiên, khẳng định mình thì chỉ có tác phẩm. Không gì có thể thay thế được lương tri, lương tâm người cầm bút, bởi làm nên vị thế, danh dự của nhà văn chỉ có thể là các tác phẩm có giá trị.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Quân đội với 5 thành viên gồm: Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương; Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai; Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh; Đại tá, nhà văn Phạm Văn Trường và Thiếu tá , nhà thơ Đoàn Văn Mật.
Cùng với đó, bên cạnh 11 đại biểu đương nhiên, Đại hội đã bầu ra 27 đại biểu tham dự đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ XI dự kiến tổ chức vào tháng 4/2025.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tại Đại hội.
Các nhà văn lựa chọn đại biểu cho lá phiếu của mình.
Tại Đại hội các nhà văn quân đội cũng đã bỏ phiếu tiến cử chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng đề cử thành viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá XI.
Ra mắt Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Quân đội nhiệm kì 2025 - 2030.
PV
VNQD