Dòng chảy
THE BOOKER PRIZES 2021 - TÁC PHẨM NÀO SẼ ĐƯỢC VINH DANH? - Bài 3

“A Passage North” - Sóng ngầm của những mất mát, đau thương

Thứ Tư, 06/10/2021 06:42

Nội chiến là chất liệu sáng tác của nhiều tiểu thuyết lớn; ở đó, các nhà văn mượn ngôn ngữ như cách nói ra những gì họ đang nghĩ suy, về sự tàn sát, máu đổ và những luân lý đến muôn ngàn năm vẫn còn khó hiểu. Amamanda Ngozi Adichie từng viết về cuộc nội chiến Biafra của Nigeria, nơi đất nước bị chia ba bởi ba sắc dân với hình ảnh trái bầu mang mặt đứa bé đầy ám ảnh. Cũng tương tự thế, nhà văn trẻ người Tamil Anuk Arudpragasam đã sử dụng bối cảnh cuộc nội chiến hơn 30 năm của Sri Lanka trong các tác phẩm của mình; mà nếu trước đó, hậu họa chỉ như phông nền khai thác trong The Story of a Brief Marriage (tạm dịch: Câu chuyện về một cuộc hôn nhân ngắn ngủi); thì đến cuốn sách thứ hai, những gì bức thiết nhất đã nổ ra, dẫn đến A Passage North (tạm dịch: Một chuyến đi về phương Bắc) đầy xung năng của cái ngột ngạt trong sự mệt nhoài của mất mát, kí ức và khổ đau.

Loạt bài trong chủ đề:

Bài 1: "The Promise" - Một bản sử thi về gia đình hiện đại

Bài 2: "Bewilderment" - Những nghi ngại về tương lai bất định

Khởi nguồn từ sự xung đột sắc tộc giữa phần lớn cư dân theo đạo Phật, nói tiếng Sinhala ở hòn đảo phía Nam và người dân tộc thiểu số Tamil phía Bắc; cuộc nội chiến kinh khủng đã xảy ra trên Đảo quốc Sri Lanka thập niên 70s của thế kỉ trước; nhằm đảm bảo một nhà nước Tamil độc lập, ngăn chặn sự phân biệt và đàn áp sắc dân thiểu số. Là một tri thức người Tamil, Anuk Arudpragasam như đang hóa thân mình vào Krishna - nhân vật chính của tiểu thuyết này - một người đến Ấn Độ hoàn thành chương trình thạc sĩ, tự mình gây dựng một cuộc sống mới; sau nỗi đau mất cha trong trận đánh bom ngân hàng thời kì nội chiến. Rời khỏi Ấn Độ, anh về Sri Lanka vừa mới tái dựng và hồi phục sau cuộc loạn li, để tìm lại những mảnh ghép mình đã bỏ quên, hoặc chưa khi nào tận mắt chứng kiến.

Là người học triết tại Đại học Colombia Hoa Kì, dấu ấn cá nhân đậm tính suy tư của Anuk trong tác phẩm này là khó phai mờ. Xuyên suốt toàn bộ tiểu thuyết, không có bất cứ một mẫu đối thoại nào xuất hiện. Anh khép kín dòng suy tưởng của mình, để như những bức tượng bán thân, từng sự kiện một chạy qua trí nhớ tàn suy như những lên xuống của điện não đồ. Cách viết dòng suy tưởng thật sự là con dao hai lưỡi: hoặc là cuốn hút vì chung tần số; hoặc là không thể chấp nhận vì quá nông cạn, hoặc quá sâu sắc để mà thấu hiểu. Để nói về trường hợp của A Passage North, dễ nói nó nằm lưng lửng - vừa mang cái triết trẻ tuổi của Anuk, nhưng cũng có lúc cá nhân và tiểu tiết đến không cần thiết. Cuốn tiểu thuyết này đa diện, nhiều cửa; một người có thể nhìn thấy được bản thân mình ở một vài cửa, hoặc không cửa nào, khiến nó gợi nhiều suy tư và ngẫm nghĩ, chứa sự đối chiếu, nhìn nhận và rồi thỏa mãn nhận ra chúng ta vốn luôn khác biệt.

Tiểu thuyết "A Passage North" của Anuk Arudpragasam.

MỘT CUỘC HÔN NHÂN

Krishna trong tiểu thuyết này được Anuk cá nhân hóa qua nhiều mối quan hệ, từ gia đình, tình yêu, cho đến những vấn đề lớn hơn như tuổi trẻ, tha hương và xã hội hiện đại. Là một tri thức làm việc và sinh hoạt ở Ấn, trong một lần nhìn thấy Anjum - cô bạn gái hoạt động trong lĩnh vực chính trị, đấu tranh cho quyền bình đẳng - anh đã quyết định về lại Colombo, Sri Lanka để tham gia vào các tổ chức phi chính phủ cũng nhằm mục đích ấy. Trong một lần về dự đám tang đột ngột của Rani - một người phụ nữ trung tuần nhận lời chăm sóc bà anh sau cơn đột quỵ tuổi già; anh đã nhận thấy và ngẫm nghĩ nhiều hơn về bản thân mình, về sự đứt gãy với Anjum, về Sri Lanka và chính cuộc nội chiến từ lâu đã biến nơi đây thành bãi chiến địa; trên chuyến tàu hướng lên phía Bắc.

Tình yêu là thứ hạ gục bản thân anh từ phía bên trong. Giữa anh và Anjum tồn tại một mối quan hệ mở - một thế giằng co mà họ chưa bao giờ thừa nhận, nhưng thực sự là có tồn tại. Anjum - một phụ nữ thị thành với suy nghĩ tự do, không lựa chọn cho mình bất cứ một khuôn khổ, quy tắc hay giới tính nào. Phụ nữ tự do - là cô, nếu có thể khái quát. Trong mối quan hệ giữa hai người họ, cô luôn chối từ bất cứ một xác suất nào về khả năng chung sống cùng nhau trong tương lai dài; bởi lẽ, với Anjum mọi thứ chỉ là tạm bợ, không có sau này. Hai người họ dành hết thời gian cho nhau, họ sống như những con người tuyệt vọng bị dồn vào chân tường, phê pha, làm tình rồi nói hoặc đọc cùng nhau. Với những lần gặp nhau đó, các đêm không ngủ nối dài thành ngày, và sau đó là buổi chiều sẻ chia cái kén và những giấc mơ. Thế giới chỉ còn tồn tại lại hai người họ, mọi thứ xung quanh chỉ như trò đùa hoặc một ảo ảnh.

Thế lưỡng nan trong trạng thái tình cảm của Krishna là sự phụ thuộc. Anh không bao giờ muốn cô thấy anh ham muốn cô nhiều hơn là ngược lại. Anh không nhắn nhiều hơn một tin một lần, không gửi tin nhắn tiếp theo khi cô chưa hồi đáp và luôn chờ sau khoảng một giờ mới hồi đáp lại, trong khi thậm chí là muốn trả lời nó ngay lập tức. Ở Krishna là sự phân tranh giữa các giá trị cũ và mới, của người trưởng thành và bọn trẻ con, của giam hãm và tự do, của gia trưởng và cởi mở. Sâu trong anh, cảm giác chiếm ngự vẫn luôn còn đó, anh không thừa nhận sự thua cuộc của bản thân mình; mà thay vào đó, như bài thơ cũ trong kho tàng văn chương của người Tamil - Perita Puranam - về việc Poosal - thay vì xây dựng một đền thờ hiển hiện cho Nữ thần Shiva, nhưng vì nghèo đói, đã phải xây dựng chỉ trong tâm trí mình. Krishna cũng làm một việc tương tự, anh tạo ra chiếc kén hoang tưởng cho mối tình đó. Anh ru ngủ mình bằng kí ức, để rồi nhận ra, không có gì là thực. Anh không đối mặt, mà chạy trốn trong chính nỗi sợ và nỗi nhớ; và đó cũng là thứ Rani đang mang theo mình đến bên vòm lửa.

MẤT MÁT CHIẾN TRANH

Rani có ba đứa con, hai trai một gái; và cả hai người con trai đều mất trong cuộc nội chiến. Chứng kiến cái chết của con trai mình, bà chịu đựng sự trầm cảm và tuyệt vọng, suốt hàng tuần và hàng tháng, chỉ có thể làm chúng vơi đi bằng liệu pháp shock điện ở Colombo dẫu cho đến nay đã được chứng minh là không còn hiệu quả. Bị ám ảnh bởi cái chết ấy, những gì hiện lên đằng trước mắt bà không còn là thực, như thể, với thế giới này, quá khứ là cái duy nhất có thực trên đời. Luôn luôn mất ngủ, bà đồng nhất cháu gái với con trai mình. Ác mộng khiến bà câm lặng, và mang trên vai gánh nặng không thể nói ra. Bà xem phim ảnh nhưng không cần tiếng, sắc màu và mọi hình ảnh như mây lướt qua mặt hồ. Dường như với bà từ sau cái chết của hai người con, mọi thứ đã sụp đổ. Và chính bà chứ không ai khác, là người tự xây trong mình đền đài tưởng tượng, nơi mọi màu sắc chưa chết và mọi thứ vẫn còn bình thường.

Tác giả Anuk Arudpragasam. Nguồn: Curtis Brown 

Không riêng Rani, chuyến đi hướng lên phía Bắc sau một năm từ khi về lại Colombo cũng mang cho anh hoài niệm về cuốn phim tài liệu đã xem khi còn ở Ấn, về những nữ chiến binh cảm tử Black Tiger người Tamil mà dù thành công hay không, họ cũng chưa bao giờ có kì vọng sống sót trở về. Họ không sợ chết mà thực tế, họ bình thản về nó, vì khi nghĩ về cái chết họ đã hi sinh, rồi đây nó sẽ tái sinh một quốc gia mới như trên thiên đường. Cái chết với họ không phải kết thúc, mà mới chỉ là khởi đầu. Khi được hỏi mình sẽ làm gì nếu người còn lại được cho là đã phản bội tổ chức, Puhal và Dharshika - hai người bạn thân - đã không nói gì ngoài việc thi hành theo đúng luật định, về việc kết liễu dù cho đó có là ai đi nữa. Chiến tranh đã làm đổi khác con người, họ vẫn tồn tại theo từng cá nhân và tự bản thân xây nên cái bất khả của toàn lâu đài hướng về tương lai - dẫu là tuyệt vọng như Rani hay là hi vọng như hai cô gái - thì sau rốt, đều là bất khả.

*

Khi được hỏi vì sao lại lấy cuộc nội chiến ở Sri Lanka làm bối cảnh chính, Anuk không ngần ngại thừa nhận, rằng A Passage North như khúc điếu văn cho hàng ngàn người Tamil mất đi trong 2 năm cuối cuộc chiến. Khi chính trị cấm để tang, thì những không gian riêng tư và bán công khai nên được dựng lên, và cuốn sách này là một trong số đó. Dễ thấy nó không nói riêng về quá khứ hay là tương lai, mà chính bầu không khí bất công và đầy tang tóc đã ám muội lên mỗi người họ - từ người tham gia vào trong cuộc chiến như hai nữ chiến binh ở phim tài liệu, như Rani - người vui sướng vì được tận mắt thấy con mình đã chết, còn hơn là hi vọng nó vẫn còn sống ở nơi nào đó, tránh xa khỏi những ngôi mộ vô danh; và cả chính Krishna - khi đó như tiếng gọi đưa anh lên phía miền Bắc như Siddhartha một hôm bừng tỉnh và đã nhận ra thế giới xung quanh đang dần biến đổi, mà cũng có thể là Anjum - người luôn khước từ tương lai bất định, con người hoài nghi và chưa bao giờ tin vào những điều mình đang đấu tranh. Bản điếu văn về lịch sử Sri Lanka này đầy mất mát, thở than; và dĩ nhiên Anuk đem nó chôn chặt vào những tầng sâu, như những lớp băng lâu ngày chưa tan, và sẽ mãi mãi không thể quên được.

Là tác giả trẻ, nhưng với A Passage North, Anuk Arudpragasam đã mang đến người đọc một sự phức tạp nhất định với những trải nghiệm rất lạ so với trước đây. Dòng suy tưởng như những con sông ngón tay đang vươn về phía mất mát, đau buồn, kí ức, cô đơn, chấn thương và dường như sẽ không bao giờ có thể phục hồi. Khéo léo đan xen các câu chuyện thần thoại về Đức Phật với sự giác ngộ; về Poosal với sự mở rộng tâm trí cũng như bài thơ sử thi Kalidasa - Người đưa tin - về một tình yêu xa cách; Anuk linh hoạt, khóa kín nhưng khơi lên được những con sóng ngầm, của mất mát, đau thương, giận dữ và rồi nổ tung. Tuy còn nhiều tranh cãi về độ nông - sâu của ngần ấy suy tư, nhưng có thể thấy, ít nhiều đây là một tiểu thuyết có sức nặng và khai thác được những niềm đau một cách khơi gợi và nhiều ám ảnh.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)