Dòng chảy

Fantasy, sci-fi Việt: Miếng bánh có thật hay chỉ là... giả tưởng? (4)

Thứ Sáu, 09/04/2021 22:18

Bài 4: Độc giả Việt có hào hứng với fantasy, sci-fi Việt?

Thực tế thì độc giả lại chính là lực lượng quyết định thành bại ban đầu của mỗi tác phẩm. Khi đã xác định đi theo dòng văn học đề cao yếu tố giải trí thì căn cứ đầu tiên để nhìn nhận thành công của tác phẩm là bạn đọc chứ không hẳn ở phía các nhà phê bình “mũ cao áo dài”. Fantasay, sci-fi dường như sinh ra để dành cho người trẻ. Và họ đón nhận các ấn phẩm fantasy Việt như thế nào? Chúng tôi đã dạo qua một số diễn đàn sách và các nhóm đọc fantasy trên mạng để ghi nhận ý kiến từ phía họ.

Bài liên quan:

Bài 1: Fantasy, luồng gió mới cho văn đàn Việt

Bài 2: Trăm hoa đua nở có thành mùa hoa?

Bài 3: “Như thế nào?” và “Vì sao?”

Bài 5: Điều gì là quan trọng?

Bài 6: Các "bà đỡ" lên tiếng

Bài 7: "Bánh" fantasy, sci-fi có dễ làm?

Bài 8: Nhìn nhận đúng để có hướng đi đúng

Bạn đọc liệu có là bài toán khó giải đối với mỗi người viết sách fantasy, sci-fi Việt? Ảnh: Duzy

Với các đầu sách văn học khác, có thể lúc in ra chưa được đón nhận mặn mà ngay, nhưng được ghi nhận từ phía các nhà phê bình và cộng đồng đọc nhỏ là những người viết sẽ dần lan tỏa đến bạn đọc. Hoặc giả lúc mới xuất bản thì im ắng nhưng sau đó tác phẩm lọt vào một giải thưởng nghề nghiệp được cho là quan trọng nào đó thì cũng coi như một lần được sống lại trong sự tìm đọc của công chúng, được đơn vị xuất bản cho tái bản. Nhưng với tác phẩm fantasy, sci-fi nếu không “gây sóng gió” ngay khi vừa ra mắt thì khó mà có thể nghĩ đến chuyện trở thành đầu sách quen tên, đồng hành dài lâu cùng bạn đọc, khi mà người ta luôn đề cao chức năng “giải trí” của nó. Ở một nghĩa khác, có thể bạn đọc chưa phải là thước đo cuối cùng cho chất lượng nghệ thuật của tác phẩm nhưng họ lại là thước đo đầu tiên với tư cách là người thụ hưởng các sản phẩm văn học nghệ thuật.

Nhìn nhận về xu thế đọc fantasy, sci-fi ở Việt Nam, độc giả Vũ Ngọc Hưng (Hà Nội), cũng như rất nhiều độc giả khác đều nhắc đến dấu mốc sừng sững “Harry Potter”. Cũng là dễ hiểu, bởi đó là tác phẩm dòng fantasy chữ (ngoài ra còn fantasy truyện tranh, games, phim ảnh…) đầu tiên gây ảnh hưởng trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam. “Nó như đánh dấu một thời đại mới cho thể loại truyện fantasy vốn trước đây chưa nổi tiếng này”, Vũ Ngọc Hưng nhấn mạnh.

Độc giả Vũ Ngọc Hưng (ĐH Sư phạm Hà Nội).

Vì thế, có thể nói thị trường fantasy ở Việt Nam là rất tiềm năng, hoàn toàn có thể phát triển lớn mạnh được. Nhưng, lại có rất ít nhà văn Việt Nam quan tâm đến mảnh đất màu mỡ này, theo nhìn nhận của Vũ Ngọc Hưng. Độc giả này nhắc lại trường hợp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà anh cho là “nổi tiếng nhất” với bộ truyện Chuyện xứ Langbiang: “Bác Ánh cũng nhận ra rằng thị trường Việt có cơ hội phát triển thể loại truyện này nên đã viết thử, nhưng rõ ràng, khi nhắc tới Nguyễn Nhật Ánh, chúng ta thường không hay nhắc tới bộ truyện này lắm, mà hay nhắc đến các câu truyện kể về những đứa trẻ đồng quê hồn nhiên hơn đúng không?”. Cũng có những người trẻ đã viết những câu chuyện fantasy, nhưng do họ còn khá lạ lẫm, và do mới lần đầu viết nên không quen, nên họ thường hay dừng lại ở một vài câu truyện đầu và dừng hẳn.

Độc giả Huỳnh Ngọc Dung (TP Hồ Chí Minh)

Độc giả Huỳnh Ngọc Dung (TP Hồ Chí Minh) lại có cách nhìn nhận khác, rằng sự phân biệt “sách nội - sách ngoại” không chỉ với riêng dòng fantasy mà đa phần độc giả khi nghe tới tác phẩm Việt ở bất kì thể loại nào của tác giả trong nước thì đều có phần e dè. Mâu thuẫn ở đây được độc giả này chỉ ra, đó có thể là những tác giả có chỗ đứng, có tên tuổi khiến người ta nghe đến tên là mua sách thì lại ít viết fantasy; còn những tác giả viết fantasy lại là những người trẻ chưa có tên tuổi. Thế nhưng quan trọng hơn cả, Huỳnh Ngọc Dung nói rằng: “Đối với cá nhân mình thì văn học fantasy mà gắn với bối cảnh, địa danh, tên nhân vật,... của Việt Nam thì nó còn hơi lạ lạ và mình nghĩ mình cần thêm thời gian để làm quen với điều đó. Chỉ thế thôi, chứ mình tin các tác giả Việt Nam hoàn toàn có khả năng viết fantasy không thua kém tác giả nước ngoài. Mong chờ Việt Nam sẽ có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc thuộc dòng văn học fantasy.”

Độc giả Phạm Thu Phương (Hà Nội) đánh giá dòng fantasy rất có tiềm năng trong tương lai. Nói về sự thành công của dòng này ở các nước, Phương cho rằng vì nó đã có lịch sử phát triển cả trăm năm, còn ở Việt Nam, với chỉ khoảng hai thập kỉ trở lại đây fantasy mới nở rộ bằng việc tăng mạnh lượng người đọc, người viết. “Với sự non trẻ đó thì việc chưa có được fan đông là chuyện bình thường”, Phương nhìn nhận. Độc giả này cũng nhấn mạnh vai trò của các tác giả fantasy Việt cũng như so sánh những hạn chế của các cây bút viết kì ảo, giả tưởng trong nước: “Một ý tưởng xuất sắc, độc đáo, mới lạ và thu hút là cái mà các tác giả Việt Nam đang cực kì thiếu hiện nay. Hiện tại, họ chỉ quanh đi quanh lại những khuôn mẫu đã có sẵn như du hành thời gian, cuộc chiến ở thế giới khác, hay vũ trụ khác…”.

Độc giả Phạm Thu Phương (Hà Nội).

Bình luận sâu hơn về “tay nghề” của tác giả Việt, độc giả Vũ Ngọc Hưng cũng phân tích: “Yếu tố cốt lõi của fantasy là trí tưởng tượng - thường được ca ngợi là vô tận nhưng lại chính là giới hạn của bản thân người viết, không chỉ bởi tài năng có hạn mà còn bị ràng buộc vì định kiến lâu đời và các mô-típ sẵn có trong nhận thức của mỗi người. Chưa kể, người viết trẻ luôn có xu hướng viết theo phong trào và bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm đã xuất bản thành công, thế nên trí tưởng tượng của họ có phần bị gò bó, eo hẹp lại”.

Độc giả Thảo Nguyễn (Bình Dương) lại nhìn nhận ở một góc độ khác. Chị cho rằng, vấn đề độc giả Việt “lạnh nhạt” với fantasy Việt là do sự thiếu hụt trong tương tác giữa nhà văn và độc giả thông qua các kênh truyền thông. Quan điểm này cũng gần với vấn đề mà hai tác giả Nguyễn Dương Quỳnh và Ngân Zeta (ở bài sau) đề cập. Về việc độc giả Việt đón nhận những tác phẩm fantasy “madein Việt Nam” thế nào, và họ nghĩ gì về fantasy Việt, khi được hỏi về điều này độc giả Thảo Nguyễn nêu quan điểm: “Khi nhắc đến fantasy Việt, mình nghĩ ngay đến nhà văn Phan Hồn Nhiên - một tác giả mà đối với mình là người cầm cờ dấn bước vào mảnh đất vẫn còn ít nhà văn Việt Nam đặt chân tới. Nhớ lại thời những tác phẩm của chị Phan Hồn Nhiên được trích ra nhỏ giọt đăng lên báo Hoa Học Trò, hầu như tuần nào các bạn trẻ (trong đó có mình) đều rạo rực chờ đợi để mua ngay về mà ngấu nghiến. Rồi sau đó, khi các tác phẩm này được xuất bản, lượng độc giả trẻ chia sẻ thông tin và mua ủng hộ cũng rất lớn. Hiện giờ mình vẫn còn giữ đầy đủ các tác phẩm của chị và vẫn đang chia sẻ cho các em mình đọc. Mượn tên và các tác phẩm của tác giả Phan Hồn Nhiên làm ví dụ, mình muốn nói rằng, theo mình độc giả Việt vẫn luôn sẵn sàng đón nhận và ủng hộ các tác phẩm fantasy Việt được đầu tư nghiêm túc và chỉnh chu về nội dung và hình thức”. Tuy vậy, Thảo Nguyễn cũng thừa nhận, dễ dàng thấy rằng ngay cả các tác phẩm của một tác giả nổi tiếng vẫn luôn phải đón nhận nhiều luồng ý kiến khen chê trái chiều thì khi một tác phẩm Việt non nớt ra lò rất dễ bị "gãy" và bị lãng quên nếu chẳng may đứng trước búa rìu dư luận cũng là điều bình thường. “Một thực tế khá phũ phàng, một tác phẩm hay/chưa hay không nằm trong vòng quyết định của giới chuyên môn phê bình, mà nằm trong cách đánh giá của độc giả”, chị nói. Thực tế này có vẻ đúng với tác phẩm fantasy của người viết trẻ khi chúng gần như bị các nhà phê bình bỏ qua.

Độc giả Thảo Nguyễn (Bình Dương).

Dù dành nhiều thiện cảm cho sách fantasy Việt, nhưng khi nhận xét về các tác phẩm fantasy nội Thảo Nguyễn vẫn thẳng thắn nhận xét: “Khi đọc fantasy Việt, mình vẫn thấy toàn hơi hướng Châu Âu và hoàn toàn chưa tạo được dấu ấn riêng trong khi kho tàng văn hóa, văn học dân gian của Việt Nam phong phú, đa dạng và ma mị chẳng hề thua kém”. Chị cũng “khuyến cáo” các tác giả theo đuổi dòng fantasy nếu muốn có bạn đọc thì nên ghi nhận ý kiến cũng như thị hiếu của cộng đồng đọc fantasy cũng như đầu tư sáng tạo nên những tác phẩm fantasy “đậm hồn Việt” mới mong chắp cánh được cho fantasy Việt.

Sách nào viết ra thì cũng là để cho bạn đọc. Nếu bạn đọc không chịu bỏ tiền mua, không chịu đọc và tương tác thì không thể cứ in ra. Bởi thế, đầu ra cho tác phẩm fantasy Việt luôn là vấn đề nan giải, nhất là với tác giả mới, nếu như họ muốn sáng tác của mình hiện diện theo đúng quy chuẩn và cách thức của một tác phẩm văn học hợp pháp, một sản phẩm văn hóa đọc.

Bởi thế, việc tìm đầu ra cho bản thảo luôn là vấn đề đau đầu với nhiều người trẻ viết fantasy. Nhiều người đã than thở về việc này trên diễn đàn. Độc giả có nickname cao2107 vừa là người viết fantasy vừa là độc giả, trên diễn đàn Gacsach.com.vn đã trả lời một ý kiến chia sẻ về việc tìm đầu ra cho bản thảo fantasy quá khó, đến đâu cũng bị “xua đuổi”: “Chủ yếu thị trường đọc ở nước mình không có nhiều độc giả thể loại này, đa số sở thích vẫn ở các đề tài xã hội khác. Cái này cũng thông cảm, do văn hóa và tính cách con người Việt Nam nhẹ nhàng, trọng tình cảm, cho nên quan tâm đến các đề tài xã hội nhiều hơn là các yếu tố thần tiên, kì ảo, ma thuật... Có thể thấy từ văn học, cổ tích Việt Nam hầu hết đều nhẹ nhàng và không phong phú được như Châu Âu hay Trung Quốc. Từ rất lâu đã như vậy rồi, nên các tác giả Việt càng ít lựa chọn khai thác. Mà tác giả càng ít viết, càng ít có kinh nghiệm cho mảng này. Fantasy Việt vì vậy cũng không được định hình, không thể phát triển để trở thành một trào lưu. Một số rất ít độc giả có hứng thú thì cũng sẽ tìm đến các tác phẩm của các nước có bề dày kinh nghiệm về fantasy trước như Mĩ hay Trung Quốc, hiếm lắm mới cân nhắc đến tác giả Việt Nam, đơn giản vì không tin tưởng và chất lượng tác phẩm đa số cũng không thể sánh bằng.

Cũng trên topic trao đổi này, độc giả Reddye cũng là người muốn theo đuổi viết fantasy bày tỏ sự đồng tình nhưng khá lạc quan: “Fantasy hiện tại tuy là một mảng đề tài 'vắng' nhưng nếu nó phát triển thì sẽ rất mạnh mẽ. Mình đã nghĩ rất nhiều, tại sao nói đền thần thoại thì lại là Côn Luân, là Ngọc Đế, là Thiên Đình mà không phải là những Hùng Vương, những Thánh Gióng, những Sơn Tinh, Thủy Tinh? Khi văn học fantasy ở những nước Trung Quốc, Nhật, Châu Âu chưa phát triển, chẳng phải tình hình cũng như nước ta bây giờ sao? Nếu không đi thì không bao giờ đến”.

Bạn đọc trẻ hào hứng đón nhận các tác phẩm fantasy Việt tại một sự kiện ra mắt sách. Ảnh: Duzy

Một số nhận xét của các độc giả vừa nêu về việc fantasy Việt cần “gần gũi” hơn với bạn đọc Việt gần đây đã được các tác giả Việt cải thiện khá nhiều. Không khó để kể tên những tác phẩm fantasy Việt khai thác các yếu tố văn hóa, lịch sử, tâm linh của người Việt, đào sâu, tìm tòi một cách nghiêm túc, như bộ Bãi săn của Nguyễn Đình Tú; Đại Nam dị truyện, Lý triều dị truyện của Phan Cuồng; Thần chiến triều Trần của Vũ Phiên; Yagon - Những kẻ vô cảm của Phạm Bá Diệp…, v.v..

Hơn nữa, cho dù cho có những yêu cầu từ phía người đọc phải thế này hay thế khác không có nghĩa là người viết hoàn toàn phải chạy theo bạn đọc, bởi thực tế thì những tác phẩm fatasy “thuần Việt” như đã kể, với sự vào cuộc của cả những tác giả chuyên và không chuyên cũng không phải tất cả đều là những cuốn thuộc top bán chạy. Thị trường và bạn đọc luôn là dấu hỏi ngỏ mà mỗi cách làm, cách tiếp cận cũng chỉ là một trong những “phương án trả lời”, như một phép thử mà thôi. Nhưng dù thế thì bạn đọc, nhất là cộng đồng đọc fantasy, những người bỏ tiền mua sách vẫn là một kênh đáng để lưu tâm cũng như việc nhìn nhận nghiêm túc những ý kiến từ cộng đồng này là rất cần thiết nếu như tác giả Việt có tham vọng chạm được đến họ trước khi nghĩ đến chuyện có những ảnh hưởng rộng hơn trong bạn đọc. Bởi dù thế nào thì thị trường vẫn sẽ quyết định đến việc, sách văn học kì ảo, giả tưởng là miếng bánh có thật hay chỉ là… giả tưởng.

“Người viết nên đi theo thị hiếu của số đông độc giả hay chỉ cần viết theo ý mình? Đây là câu hỏi lớn không phải chỉ với những tác giả viết tiểu thuyết kì ảo - giả tưởng mà còn là câu hỏi lớn với toàn bộ nền văn học của nhân loại. “Đi theo thị hiếu của số đông độc giả” hay “phù hợp với quần chúng”… là một cái gì đó rất mơ hồ, bởi vì công chúng vốn dĩ bị phân hóa, và càng ngày sự phân hóa này càng rõ rệt. Sẽ không có một “đám đông công chúng” để người viết phải chạy theo chiều chuộng mà sẽ có nhiều nhóm cá nhân với những đặc tính khác nhau. Bởi thế, cho dù người viết xuất phát từ nhu cầu phù hợp với thị hiếu hay không thì điều quan trọng nhất đó là sự hiểu biết cuộc sống đến đâu.

Một cuốn sách thành công đối với người viết chính là được thi triển một cách trọn vẹn toàn bộ bản thân mình, từ tâm hồn đến tài năng. Bản thân tác giả có thể không phù hợp với một nhóm độc giả nào đó, nhưng vẫn phù hợp với những nhóm độc giả khác, bởi thế doanh số bán sách không quyết định sự thành công của tác giả mà chỉ quyết định sự thành công của đơn vị xuất bản”.

- Nhà văn Hà Thủy Nguyên -

(Bài 5: Điều gì là quan trọng?)

DƯƠNG TỬ - DUZY

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)