Dòng chảy

Khi hội hoạ hé lộ những góc khuất của lịch sử

Thứ Hai, 12/05/2025 14:09

 Trong bóng tối của Thế chiến thứ hai, hơn 20.000 thanh niên Việt Nam đã bị đưa sang Pháp dưới danh nghĩa “lính thợ”. Đây là một lực lượng lao động bị cưỡng bức phục vụ cho nền công nghiệp chiến tranh của mẫu quốc. Họ làm việc trong các nhà máy đạn dược, nông trại và xưởng chế tạo, trong điều kiện khắc nghiệt và bị đối xử vô cùng khắc nghiệt. Khi chiến tranh qua đi, nhiều người bị lãng quên trên chính mảnh đất họ từng đổ mồ hôi vì nó, có người thực hiện được giấc mơ hồi hương, nhưng cũng nhiều người không thể. Hơn nửa thế kỉ sau, câu chuyện của họ mới bắt đầu được nhắc đến, được hé lộ trong những tác phẩm truyện tranh.

Những thân phận bị lãng quên

Sáng 11/5/2025, tọa đàm Truyện tranh: Khi văn hóa - lịch sử kết duyên cùng hội họa do NXB Kim Đồng phối hợp với Viện Pháp tổ chức. Sự kiện được tổ chức nhân dịp ra mắt hai cuốn truyện tranh Kí ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến IIKí ức kiều bào: Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới. Hai tác phẩm tái hiện sinh động lịch sử, cũng như bằng hình họa và màu sắc để khắc hoạ số phận những người Việt tha hương giữa thế kỉ 20 đầy biến động. Buổi toạ đàm cũng góp phần khơi dậy những nhịp cầu văn hóa, văn học giữa Việt Nam và Pháp.

Kí ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt Nam đến Pháp giữa Thế chiến II của tác giả Pierre Daum, phần tranh vẽ của hoạ sĩ Clément Baloup, kể về hành trình của những người lính thợ, hay còn gọi là ONS, lực lượng lao động người Việt bị trưng tập bắt buộc sang Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Vào thời điểm đó, họ được đưa sang “chính quốc” để làm việc trong các nhà máy, công xưởng, cánh đồng… Khi chiến tranh kéo dài, nhiều người bị mắc kẹt tại Pháp, có người buộc phải ở lại, có người tự nguyện gắn bó, và cả những người trở về cũng không tránh khỏi những thăng trầm vì danh phận “lính thợ”. Trong suốt nhiều thập niên, câu chuyện của họ gần như bị lãng quên, cả trong kí ức người Pháp lẫn người Việt. Cuốn truyện tranh đã tái hiện sinh động câu chuyện về những người lính thợ Việt Nam, những con người đã có những đóng góp thầm lặng nhưng đáng kể cho nền sản xuất tại Pháp trong thời chiến. Đồng thời, họ cũng là lực lượng sớm bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào cách mạng Việt Nam, giữa một giai đoạn lịch sử thế giới đầy biến động.

Các khách mời tham dự buổi toạ đàm.

Kí ức kiều bào: Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế Giới do hoạ sĩ Clément Baloup viết lời và vẽ tranh đưa bạn đọc quay về gần một thế kỉ trước, khi những chuyến tàu thủy từ cảng Hải Phòng vượt đại dương, chở theo hàng nghìn nông dân Việt Nam đến làm việc tại các quần đảo xa xôi ở châu Đại Dương. Họ ra đi theo diện lao động tự nguyện, kí hợp đồng 5 năm với các công ty tuyển dụng do chính quyền thực dân Pháp quản lí. Những người lao động ấy được gọi là “chân đăng”, cách gọi giản dị bắt nguồn từ việc họ “đăng kí một chân làm việc” nơi đất lạ. Cuốn sách khắc họa cuộc sống của những chân đăng làm phu mỏ ở New Caledonia xưa, từ đó hiểu thêm về một thế hệ người Việt tha hương. Mang theo những mưu cầu giản đơn, họ không thể ngờ rằng sẽ phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ và đương đầu với nhiều biến cố.

Hai cuốn truyện tranh mang đến câu chuyện sinh động về cuộc đời của những người Việt Nam sống xa quê hương trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, họ vẫn bộc lộ nhiều phẩm chất điển hình của người Việt: cần cù, dũng cảm, lạc quan, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh và luôn hướng về quê cha đất tổ.

Kí ức lịch sử qua tranh vẽ

Tại buổi toạ đàm, hoạ sĩ Clément Baloup chia sẻ: “Bố tôi là người Việt. Năm 20 tuổi, ông rời quê hương sang Pháp làm việc cho một công ty ở Paris, rồi sau đó tiếp tục đi qua nhiều vùng miền khác nhau trên đất Pháp và các lãnh thổ hải ngoại, thuộc địa. Tuổi thơ tôi là những năm tháng theo chân bố đi khắp nơi, chứng kiến tận mắt công việc và cuộc sống của những người lính thợ, những con người lặng lẽ, cần cù mà ít khi được nhắc đến. Đó là những kí ức rất quan trọng đối với tôi.

Kí ức sáng tác, nếu không được gìn giữ, sẽ dần phai mờ theo thời gian. Chúng ta cần làm tốt công việc của người gìn giữ kí ức, để không đánh mất những mảnh ghép quý giá của lịch sử. Sách giáo khoa không nói về lính thợ. Họ sống quá đỗi bình dị nên dễ bị lãng quên, nhưng chính vì thế mà câu chuyện của họ càng cần được kể lại, để chúng ta không đánh mất kí ức về họ, và cả về một phần thực tế của lịch sử. Với tôi, hình họa là thế mạnh, là công cụ giúp tái hiện kí ức bằng những hình dung cụ thể, sống động. Tôi muốn tái hiện lại một không gian văn hóa, lịch sử qua truyện tranh, để kí ức ấy được sống lại và tiếp tục lan tỏa.”

Một số phác hoạ cho các tác phẩm truyện tranh của hoạ sĩ Clément Baloup.

Lí giải vì sao chọn truyện tranh làm con đường sáng tác, hoạ sĩ Clément Baloup nhấn mạnh: Truyện tranh vốn gắn liền với tuổi thơ, nơi màu sắc, hình vẽ và những đoạn hội thoại ngắn gợi nên sự gần gũi. Với các hoạ sĩ, truyện tranh còn là một phương tiện biểu đạt sâu sắc hơn thế. Thông qua truyện tranh, người đọc có thể cảm nhận được chiều sâu của văn hóa, của lịch sử. Việc lựa chọn hình ảnh để thể hiện không chỉ là quyết định về mĩ thuật, mà còn là lựa chọn một góc nhìn lịch sử cho câu chuyện được kể.

Hoạ sĩ Clément Baloup sinh năm 1978, có mẹ người Pháp và cha là Việt kiều Pháp. Anh sinh ra ở Pháp, lớn lên ở châu Âu, Polynesia và Nam Mĩ. Clément Baloup học mĩ thuật ở Việt Nam vào cuối những năm 1990, thời điểm truyện tranh đang dần được thay đổi về quan niệm. Trước đây, nó chủ yếu dành cho thiếu nhi, nhưng giờ đây, truyện tranh đã mang tính biểu đạt cao hơn, có chiều sâu suy ngẫm. Hình họa, trong trường hợp hai cuốn sách viết về người lính thợ, giúp làm mềm đi những câu chuyện nặng nề, tạo khoảng lặng để người đọc tiếp cận dễ hơn với lịch sử.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp, anh bắt đầu hành trình sáng tác tự do. Đó là giai đoạn anh có nhiều hoang mang về việc vẽ gì, viết gì, nói điều gì cho thật sự đúng với mình? Clément Baloup nhận ra rằng, mình cần bắt đầu từ những gì mình biết rõ nhất. Cơ hội cộng tác với các nhà xuất bản thôi thúc anh tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, và cả về chính bản thân mình, về bố anh, và vì sao anh là một người con lai.

Tác phẩm đầu tay của anh cũng bắt nguồn từ đó, một câu chuyện về hành trình của bố anh khi ông đến Pháp. Ban đầu, hoạ sĩ Clément Baloup nghĩ mình vẽ chỉ cho bản thân, như một cách tự trò chuyện với kí ức. Nhưng thật bất ngờ, tác phẩm lại được nhiều người đón nhận. Bạn đọc tìm thấy trong đó hình ảnh của bạn bè, người thân, và sự quan tâm đến văn hóa Việt Nam nơi đất khách. Khi nói về kí ức của kiều bào, anh nghĩ đến những câu chuyện đa chiều, đa nghĩa, không chỉ là hồi ức cá nhân, mà còn là kí ức cộng đồng. Những mảnh ghép ấy góp phần hình thành nên một bản sắc Việt trong lòng cộng đồng hải ngoại. Và những tác phẩm tranh vẽ của anh đã truyền tải được sâu sắc, sống động tinh thần đó.

Nhiều bạn đọc quan tâm đến câu chuyện về những người "lính thợ" qua tranh vẽ đã đến tham dự buổi toạ đàm.

Với hai tập Kí ức kiều bào, họa sĩ Clément Baloup tái hiện những lát cắt quá khứ phức tạp của một cộng đồng người Việt gần như bị lãng quên trong dòng chảy lịch sử. Mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt cùng mối quan tâm sâu sắc đến văn hóa, lịch sử Việt Nam, anh khai thác câu chuyện kiều bào từ nhiều góc nhìn: sự khác biệt giữa quan điểm người trong cuộc và thế giới bên ngoài, những ngã rẽ định mệnh của đời sống tha hương, và mối liên hệ giữa các thế hệ trong gia đình.

Dựa trên tư liệu lịch sử, lưu trữ, phỏng vấn và ghi chép cá nhân, Baloup tái dựng một thực tại đan xen giữa quá khứ và hiện tại, trải dài từ Việt Nam đến Pháp và New Caledonia. Với anh, truyện tranh không chỉ là một phương tiện kể chuyện, mà còn là cách bày tỏ suy nghĩ, đối thoại với người khác và chia sẻ góc nhìn riêng của mình với thế giới.

Nhà nghiên cứu văn học Lê Nguyên Long chia sẻ: “Tôi đặc biệt quan tâm đến những thân phận di dân và tự sự di dân. Truyện tranh, với sức mạnh của hình ảnh, có khả năng làm dịu đi những câu chuyện nặng nề, đau khổ, những điều vốn thường bị cản trở bởi rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa hay sự thiếu vắng cơ hội được cất lên tiếng nói. Truyện tranh là sự kết hợp hài hòa giữa tranh và lời, nơi hình ảnh không chỉ minh họa mà còn mang vai trò dẫn dắt cảm xúc. Điều quan trọng nhất mà truyện tranh mang lại là khả năng tái hiện con người và câu chuyện một cách sống động, trực quan. Văn chương, về bản chất, là sự nghiền ngẫm về hiện thực dưới góc nhìn của người sáng tác. Khi tư liệu thực tế không thể nói hết mọi điều, lúc ấy, văn chương, và cả truyện tranh xuất hiện để lấp đầy phần cảm xúc và chiều sâu mà con chữ tư liệu không thể với tới.”

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)