Năm mươi năm sau giải phóng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã tiến một bước dài với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Hướng tới ngày hội mừng 50 năm thống nhất non sông, trí thức, công nhân, nông dân, người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên… rảo bước đi trên con đường tự do, tự chủ trong buổi tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành. Trong hàng quân danh dự diễu hành qua quảng trường Thống Nhất những ngày qua, có các khối sĩ quan Bộ đội Biên phòng đại diện cho hàng ngàn cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm tuần tra canh gác, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh với các loại tội phạm để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Các anh đang viết tiếp những trang sử hào hùng mà lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đã dày công vun đắp trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mĩ cứu nước
Theo bước chân thần tốc
Sau chiến thắng Phước Long, nhận thấy sự tương quan lực lượng ở miền Nam có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị đã quyết định lên kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976 và tranh thủ thời cơ thực hiện “Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa”. Suốt hai tháng mùa xuân năm 1975, chúng ta đã tiến hành ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong thời khắc trọng đại của dân tộc, Bộ Công an chỉ đạo Bộ Tư lệnh CANDVT phải bảo vệ vững chắc biên giới miền Bắc, đồng thời tích cực chi viện cho cách mạng miền Nam, với phương châm “trước vững, sau mạnh”.
Từ 1964 đến tháng 5 năm 1975, CANVT đã cử 2.925 cán bộ chiến sĩ an ninh vũ trang (ANVT) và các đơn vị B17, B18, B19… vào chiến trường phối hợp chiến đấu. Đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh cũng đã cử nhiều đoàn công tác vào làm việc với các đồng chí Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt để khảo sát tình hình triển khai lực lượng bảo vệ biên giới và hiệp đồng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới bờ biển tại các các vùng tự do thuộc cách mạng quản lí, trước đại thắng mùa xuân năm 1975, hàng loạt các đồn trạm biên phòng, chốt kiểm soát đã được thiết lập trên các tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia. Ngày 27/1/1973, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, An ninh vũ trang miền Nam đã triển khai thành lập và xây dựng hai đồn biên phòng Lò Gò, Xa Mát tại Tây Ninh. Đây là hai Đồn Biên phòng đầu tiên được thành lập trên tuyến biên giới Việt nam – Campuchia. Bên cạnh đó cũng cho triển khai các cơ sở đầu tiên để chuẩn bị cho việc xây dựng hệ thống đồn trạm biên phòng trên toàn bộ biên giới miền Nam Việt Nam sau này.

Chiến sĩ An ninh vũ trang tiếp quản đại nội Huế. Ảnh: TL
Sau hiệp định Paris, chiến trường Bình Trị Thiên chia thành hai khu vực: vùng giải phóng chiếm 83% diện tích, vùng địch kiểm soát chiếm 17%, lấy sông Thạch Hãn là đường ranh giới. Lực lượng ANVT Quảng Trị lúc này phải quản lí tuyến biên giới Việt Lào và đoạn bờ biển của vùng mới giải phóng. Nhân dân đã đổ ra đường chào đón hòa bình, chào đón quân giải phóng. Lực lượng an ninh vũ trang Quảng Trị lúc này phải quản lí tuyến biên giới Việt Lào và đoạn bờ biển của vùng mới giải phóng. Các đồn biên phòng Lao Bảo, phân đội 3 bảo vệ cảng Đông Hà, phân đội 190 bảo vệ Cửa Tùng, đồn biên phòng 170 Cửa Việt, trạm kiểm soát Nam Hiền Lương đã nhanh chóng được triển khai xây dựng trong nửa đầu năm 1973. Vừa xây dựng đồn trạm mới, các chiến sĩ quân hàm xanh nơi đây vừa tập trung giúp đỡ nhân dân xây lại những nếp nhà trên đống hoang tàn, đổ nát. Các trạm an ninh trở thành điểm tựa cho bà con giữa lúc bộn bề hậu chiến.
Cũng tại Quảng Trị, các chiến sĩ ANVT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho 4 đợt bàn giao và trao đổi tù binh bên bờ Thạch Hãn. Các anh đã chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động của những chiến sĩ trong giờ phút trở về từ nhà tù của địch. Thượng tá Trần Anh Tuấn, nguyên thành viên phái đoàn giám sát quốc tế của Việt Nam đã xúc động vô cùng khi chứng kiến nhiều tù nhân kiên trinh sau khi qua bờ Bắc liền cởi bỏ trang phục cùng mọi thứ mang theo ném trả về bờ Nam. Những người tù khổ sai ốm yếu, mang trong mình di chứng của bao lần bị địch tra tấn… đều được các chiến sĩ dìu dắt, chăm sóc tận tình.
Ngày 10 tháng 3 năm 1975, ta mở chiến dịch Tây Nguyên, tấn công mở đầu vào Buôn Ma Thuột nhằm tiêu diệt và giải phóng toàn khu vực, đồng thời tiến đánh sang các tỉnh ven biển miền Trung, thực hiện chia cắt chiến lược. Chiến dịch thắng lợi, hơn 10 vạn quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, hơn 60 vạn đồng bảo các dân tộc Tây Nguyên được giải phóng. Trên miền đất còn nóng bỏng lửa đạn, Bộ Công an và Tỉnh ủy các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk đã chỉ đạo các ban ANVT nhanh chóng triển khai lực lượng cơ động để chốt giữ, kiểm soát hơn 700 km đường rừng dọc tuyến biên giới, truy quét kịp thời bọn tàn quân chạy trốn, đẩy lùi bọn phản cách mạng ra khỏi bờ cõi.
Ngày 26 tháng 3, Huế hoàn toàn giải phóng. Ta đã đánh tan tập đoàn phòng thủ của địch gồm 4000 quân thiện chiến nhất của chúng tại đây. Dẫu vẫn còn ngổn ngang dấu tích của những cuộc di tản, tháo chạy, song việc tiếp quản diễn ra khá thuận lợi. Trên mọi ngả đường, trên mọi luồng sông của cố đô, khắp thành nội tràn ngập không khí hân hoan mừng chiến thắng. Thanh niên Huế hát vang bài ca cách mạng, những em bé phất cao lá cờ giải phóng. CANDVT Vĩnh Linh, Quảng Bình đã kịp thời chi viện cho ANVT Trị Thiên - Huế vừa tiến quân về chốt giữ các mục tiêu phía trước, vừa bảo vệ vững chắc tuyến sau, đồng thời góp phần đưa hơn 10 vạn dân từ Đà Nẵng – Huế trở về quê cũ.
3 ngày sau, lúc 15 giờ ngày 29 tháng 3, quân ta đã chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng và hoàn toàn làm chủ thành phố. Từ những căn cứ khác nhau, các đơn vị ANVT gồm 3 đại đội vào Đà Nẵng và một phân đội vào thị xã Hội An với phương châm “đánh địch mà đi”. Công tác tiếp quản các công sở của chế độ cũ như Ty cảnh sát Đà Nẵng, cơ sở tình báo CIA… được tiến hành nhanh chóng. Tại cảng Đà Nẵng, những người lính ANVT Quảng Đà đã mưu trí, tỉnh táo đón tiếp hàng trăm con tàu quốc tế, công tác kiểm tra kiểm soát được xiết chặt, quyết tâm không để lọt một đối tượng khả nghi nào có thể xâm nhập. Nhờ đó, các cơ sở kinh tế - văn hóa được bảo đảm an toàn, dòng điện thắp sáng được duy trì ổn định, giúp các công xưởng cũng như đời sống của người dân diễn ra bình thường.
Sau Đà Nẵng là các tỉnh thuộc đồng bằng khu 5 từ Phú Yên, Khánh Hòa tới Ninh Thuận, Bình Thuận được giải phóng. Đồng chí Nguyễn Ngọc Châu – nguyên đại đội trưởng ANVT Phú Yên cho biết, tuy không có những trận đánh ác liệt với hỏa lực mạnh như chiến trường khác, song đã có rất nhiều các chiến sĩ ANVT hi sinh trên đường tiến vào giải phóng khu 5 bởi những loạt đạn bắn tỉa của của một số kẻ ngoan cố đang trên đường rút chạy. Nén lại đau thương và căm hận, mệnh lệnh truyền đi khắp các đơn vị cơ sở là phải triển khai tích cực các biện pháp nhằm ổn định tình hình ngay từ những ngày đầu. Và chỉ vài ba ngày sau giải phóng, những hàng dừa lại líu ríu bóng trẻ thơ hái quả. Những làng biển đã bắt đầu có bóng thuyền ra lộng vào khơi bởi vững lòng hơn khi có bóng người chiến sĩ an ninh gác nơi cửa bể.
Tạm biệt đô thành lên biên giới
Những ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, trong bước quân đi thần tốc của năm cánh quân hùng dũng tiến về giải phóng Sài Gòn, những người lính ANVT đã đón lấy vận hội của dân tộc, chiến đấu kiên cường, quả cảm trong lòng địch để gây hoang mang, rối loạn đội hình chiến đấu của chúng. Nhiều tổ ANVT hoạt động trong nội thành Sài Gòn theo sự phân công của biệt động thành đã bám sát các mục tiêu trọng yếu, chia quân rà soát các tuyến đường để làm nhiệm vụ tiếp ứng, dẫn đường cho các đơn vị thiết giáp, bộ binh từ năm cửa ô tiến vào nội đô Sài Gòn. Đồng thời chủ động chiến đấu trấn áp những hàng binh manh nha chống đối, bắn lén tại các điểm xung yếu, hỗ trợ quân chủ lực khi có yêu cầu.
Ngay từ ngày 26 tháng 4, từ ấp Bảy Bàu tỉnh Tây Ninh, các đồng chí Lê Thanh, Ba Bên, Sáu Bình, Sáu Hoàng, Sáu Huấn, Nguyễn Văn Thu… cùng cán bộ chiến sĩ các đơn vị chia thành ba hướng bảo vệ Trung ương Cục tiến vào Sài Gòn. Chiều ngày 30 tháng 4, các mũi đã bảo vệ các đồng chí lãnh đạo có mặt kịp thời và an toàn tại dinh Thống Nhất. Ngày 1 tháng 5, các đơn vị chiếm lĩnh cơ quan Tổng nha cảnh sát, Cảnh sát đặc biệt, Ngân hàng quốc gia, Nhà đèn khám Chí Hòa, Đại sứ quán Mỹ. Tiếp đó mở rộng diện tiếp quản cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 5 tháng 5, dưới sự quản lí, kiểm soát của lực lượng ANVT, cảng Sài Gòn đã có thể tiếp tục hoạt động đón tàu bè trong nước và nước ngoài. Sau bao năm mong đợi, con tàu đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, con tàu thống nhất nước nhà đã cập bến Nhà Rồng.

Chiến sĩ An ninh vũ trang cắm cờ trên Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia. Ảnh: TL
Khi tình hình đã tạm yên, lịch sử lại đặt trên vai lực lượng CANDVT một nhiệm vụ mới với những thử thách mới của công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia khi non sông liền một dải. Giữa lúc các cán bộ, nhân viên các cơ quan từ căn cứ trở về trung tâm các tỉnh, thành phố để thực hiện việc xây dựng hệ thống chính quyền, nhân dân từ nơi sơ tán trở về quê hương xây dựng đời sống mới thì các chiến sĩ an ninh vũ trang miền Nam, CANDVT miền Bắc lại khoác ba lô ngược dòng người lên biên giới xây đồn, lập trạm, thiết lập vành đai bảo vệ biên giới mới giải phóng và bắt đầu một cuộc chiến đấu mới trấn áp phản cách mạng, chống fulro không kém phần cam go và quyết liệt.
Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia từ Tây Ninh đến Hà Tiên được triển khai 41 đồn; tuyến bờ biển Nam Bộ triển khai 48 đồn; các đảo có đông dân cư là Côn Đảo và Phú Quốc được triển khai 10 đồn… Trong hai năm 1975 - 1976, công an nhân dân vũ trang đã triển khai 143 đồn, 23 trạm biên phòng với hơn 6.000 cán bộ, chiến sỹ ở các tỉnh thành miền Nam, khép kín vành đai bảo vệ biên giới trên cả hai tuyến biên giới đất liền và tuyến biển. Bên cạnh đó, CANDVT miền Nam đã từng bước làm thất bại “Kế hoạch hậu chiến” của CIA, bắt giữ 550 vụ, trong đó có 9 toán gián điệp biệt kích do CIA tổ chức xâm nhập qua biên giới các tỉnh phía Nam.
Đồng thời phát hiện gần 2000 đối tượng địch cài cắm, móc nối, xây dựng cơ sở ngầm chống phá cách mạng. Ta ráo riết truy quét tàn quân ngụy, tiêu diệt và bắt được 17 nghìn tên, tổ chức trên 2000 cuộc truy quét tàn quân Fulro, diệt gần 450 tên, bắt và gọi hàng hơn 600 tên. Tuyến biển đảo phía Nam thời gian này cũng là những điểm nóng với âm mưu kích động nhân dân trong nước vượt biên và xâm nhập, thu thập tin tức tình báo của kẻ thù. Các đơn vị đã phát hiện 31.687 lượt tàu thuyền nước ngoài xâm nhập vùng biển Việt Nam và ngăn chặn thành công 2.575 vụ vượt biên, vượt biển trái phép.
Niềm vinh dự lớn lao làm sao, khi ngày 15 tháng 5, trong hàng quân danh dự diễu hành qua quảng trường Thống nhất mừng Ủy ban quân quản Sài Gòn ra mắt nhân dân thành phố, có khối chiến sĩ ANVT đại diện cho hàng ngàn cán bộ chiến sĩ công an nhân dân vũ trang ưu tú đang ngày đêm bám rừng, bám biển, bảo vệ cách mang, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Viết về sự kiện trọng đại ấy, Báo CANDVT (nay là Báo Biên phòng) có đoạn: “ Khúc quân hành rộn rã hôm nay còn vang vọng bước chân Trường Sơn của mấy ngàn cán bộ chiến sĩ CANDVT miền Bắc chi viện cho tiền tuyến, làm trọn lời thề chỉ biết còn Đảng, còn mình, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam và đã lập công xuất sắc…”

Đồn trạm mới được lập trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Ảnh: TL
Tại Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 30, đại biểu công an, CANDVT hai miền Nam Bắc đã gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách. Cao Bắc Lạng gặp Cà Mau - Kiên Giang, Hà Nội – Huế - Sài Gòn ngồi sát bên nhau, thỏa lòng mong đợi trong niềm vui thống nhất. Thay mặt cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Lê Duẩn đã biểu dương những cố gắng của toàn thể cán bộ chiến sĩ công an và giao nhiệm vụ cho lực lượng công an nói chung và CANDVT nói riêng, tiếp tục phục vụ tốt hơn nữa các nhiệm vụ chính trị của Đảng, ra sức xây dựng chế độ mới, kinh tế mới, con người mới Xã hội chủ nghĩa.
Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 4 năm 1975 đến cuối năm 1976, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Đảng đoàn Bộ công an, lực lượng CANDVT đã hoàn thành công tác hiệp đồng tác chiến, triển khai tổ chức lực lượng bảo vệ biên giới trên địa bàn cả nước, đồng thời tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ công tác biên phòng để bảo vệ biên giới. Cùng với các lực lượng, quần chúng nhân dân phát huy sức mạnh kịp thời trấn áp có hiệu quả các đối tượng phản cách mạng, bọn tàn quân fulrô, ngụy quyền…, bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng biên giới tổ quốc Việt Nam thống nhất.
Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai là xu thế thời đại, cũng là nguyện vọng của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình và có trách nhiệm với sự phát triển thịnh vượng của nhân loại. Trải qua hơn nửa thế kỉ xây dựng và trưởng thành, truyền thống “trung thành với Đảng/ Tận tụy với dân” của người chiến sĩ quân hàm xanh vẫn vẹn nguyên giá trị, vẫn hiển hiện trong từng nhiệm vụ, từng hoạt động của người lính biên phòng trên biên giới hôm nay. Để biên cương Tổ quốc - hành lang giới hạn không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam không chỉ đẹp núi sông hùng vĩ mà còn đang chuyển mình mạnh mẽ để hội nhập và phát triển cùng thế giới.
PHẠM VÂN ANH
VNQD