Chiều 23/12/2021, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã khai mạc triển lãm Hội Nhà báo Việt Nam: Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang. Nhiều hiện vật gốc, các tư liệu, hình ảnh quý giá về Hội Nhà báo Việt Nam từ khi hình thành, phát triển đến nay đã được trưng bày và giới thiệu đến công chúng.
Qua triển lãm, công chúng sẽ thấy rõ hơn báo chí Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tại buổi khai mạc triển lãm, các nhà báo hôm nay đã dâng hoa tưởng niệm các nhà báo tiền bối đã hi sinh vì Tổ quốc.
Tại triển lãm, có nhiều hiện vật, tài liệu gốc, hình ảnh lần đầu tiên được công bố. Một số hiện vật tiêu biểu như: Sổ tay ghi chép của nhà báo Nguyễn Tường Phượng; Bộ ký giả của Chủ tịch Hội Nhà báo Xuân Thủy sử dụng tại ĐH II năm 1959 và các cuộc tiếp khách đối ngoại những năm 1960; Bộ bàn ghế mây của nhà báo Hoàng Tùng; Áo trấn thủ của Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân Trần Công Mân do đồng nghiệp làm báo tại Bungari tặng; Tài liệu họp báo quốc tế của phái đoàn ta tại Paris thời kì 1968-1973…
Phát biểu khai mạc tại buổi triển lãm, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: Thế kỉ 20 đã ghi vào lịch sử đất nước chúng ta những cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại chống lại những kẻ thù hung bạo nhất thế giới mà chúng ta oanh liệt giành chiến thắng. Thế kỉ 21 tiếp tục chứng kiến một Việt Nam thống nhất và đổi mới, kiên cường vượt mọi khó khăn, thách thức với khát vọng mạnh mẽ nhằm phát triển đất nước hùng cường và hạnh phúc. Viết nên những trang sử vẻ vang đó, có đóng góp to lớn, rất đáng tự hào của đội ngũ nhà báo cách mạng - Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Bộ ký giả của Chủ tịch Hội Nhà báo Xuân Thủy sử dụng tại ĐH II năm 1959 và các cuộc tiếp khách đối ngoại những năm 1960.
Ở phần đầu tiên, triển lãm giới thiệu về Bác Hồ, người sáng lập, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam và Gia Định báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời năm 1865, mở ra trang đầu cho sự phát triển của báo chí nước nhà. Sau đó Bác Hồ đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, xuất bản Báo Thanh Niên ra số đầu vào ngày 21/6/1925; phá vỡ độc quyền báo chí của thực dân Pháp, khai sinh dòng báo chí cách mạng Việt Nam.
Phần tiếp theo, triển lãm giới thiệu về quá trình vận động thành lập và những tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam, giai đoạn năm 1925 - 1945 với bước phát triển vượt bậc. Ngày 27/12/1945, tại Hà Nội, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, tự do. Hai năm sau, năm 1947, Đoàn Báo chí Kháng chiến được thành lập, tập hợp báo giới trong một đoàn thể cứu quốc thống nhất, có tổ chức chặt chẽ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Đây là hai tổ chức nghề nghiệp đầu tiên của báo giới được thành lập sau 1945. Ngày 21 tháng 4 năm 1950, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức ra đời, với tên gọi ban đầu là Hội Những người viết báo Việt Nam, tại thôn Roòng Khoa, Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên. Nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng, là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội.
Một góc trưng bày tại triển lãm.
Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu tới công chúng về Hội Nhà báo Việt Nam - báo chí Việt Nam trong công cuộc cách mạng và kháng chiến chống Pháp; Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước; Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ đổi mới…
Cùng với triển lãm trưng bày, Hội Nhà báo Việt Nam cũng lần đầu tiên công chiếu bộ phim tài liệu Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang dài 30 phút về Hội Nhà báo Việt Nam đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam hoàn thiện và đã được cấp có thẩm quyền thẩm định về chất lượng, nội dung. Bộ phim nói về lịch sử vẻ vang của Hội nhà báo Việt Nam, khơi gợi tinh thần nhà báo là chiến sĩ, nêu bật vai trò của người làm báo qua các thời kì. Bộ phim khẳng định, đội ngũ các nhà báo Việt Nam, với sự quả cảm, bề dày kiến thức và kinh nghiệm đã được tôi luyện, bồi đắp suốt bảy thập kỉ, đã và đang viết tiếp trang sử vẻ vang về lòng yêu nước, yêu hòa bình, yêu sự thật và lẽ phải trên hành trình tiến về phía trước, với niềm tin son sắt, kiên trinh của người làm báo cách mạng; một nền báo chí nhân văn, vì con người, vì cộng đồng, đã, đang và sẽ tiếp tục lập nên những kì tích, góp phần kiến tạo nên sức mạnh mới của dân tộc và thời đại.
Lần đầu tiên công chiếu bộ phim tài liệu "Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang".
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, bộ phim là sự nỗ lực của Bảo tàng Báo chí Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của Truyền hình Nhân Dân và các đơn vị liên quan. Bộ phim có nhiều tư liệu và hình ảnh quý giá, lần đầu tiên được công bố.
Triển lãm Hội Nhà báo Việt Nam: Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang được thực hiện trước thềm Đại hội lần thứ 11 Hội Nhà báo Việt Nam. Các hội viên, các nhà báo và công chúng cả nước sẽ có dịp xem phim và ôn lại những chặng đường lịch sử của đất nước, của báo chí nước nhà, thông qua những kỉ vật nghề báo, những câu chuyện làm nghề trong những năm tháng làm báo gian nan, vất vả, nhiều mất mát, hi sinh nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào của các nhà báo, hội viên lớp trước.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam bức tranh "Người đi tìm hình của nước".
Triển lãm trưng bày này cũng là dịp để Hội Nhà báo Việt Nam nhìn lại chặng đường lịch sử gần 72 năm ra đời và phát triển (21/4/1950-21/4/2022), nhằm khẳng định và tôn vinh hình ảnh nhà báo - chiến sĩ của đội ngũ người làm báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
ĐỨC SƠN
VNQD