Sáng 15/12/2021 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”.
Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu và hơn 90 tham luận của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cả nước; đại diện cơ quan quản lí văn học, nghệ thuật; các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành… Trong các tham luận gửi tới hội thảo, có 20 tham luận về chủ đề bảo vệ biên giới hải đảo; 20 tham luận viết về đề tài đại dịch Covid-19; 40 bài chủ đề xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật; 15 bài chủ đề giao lưu quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra nước ngoài; năm bài chủ đề đấu tranh bảo vệ nền tảng, tư tưởng phản bác các luận điệu sai trái… Qua đây cho thấy sự quan tâm khá đồng đều và có trọng điểm của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, các nghệ sĩ về các nội dung của Hội thảo. Đằng sau nội dung của hơn 90 bài tham luận cho thấy sự gắn bó của văn học nghệ thuật với những vấn đề lớn lao, bức xúc, nóng bỏng của đời sống xã hội, chính trị và văn hóa của đất nước.
Đoàn chủ tịch chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nói: “Trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, các cơ quan văn học, nghệ thuật, và đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta đã cố gắng bắt nhịp với cuộc sống sôi động, phong phú, phản ánh được khát vọng chân, thiện, mĩ của nhân dân; xu thế đi lên của đất nước và thời đại. Những vấn đề nào trong đời sống xã hội đương đại đã trở thành sức hút, sức hấp dẫn đối với văn học, nghệ thuật? Làm thế nào để văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ ý thức rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình trước đất nước và nhân dân? Làm thế nào để văn nghệ sĩ sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh để nắm bắt và chuyển hoá sự ngổn ngang, bề bộn, nhiều mặt phức tạp của hiện thực đổi mới đất nước thành tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, chân chính? Đó chính là cơ sở để ban tổ chức hội thảo lựa chọn chủ đề “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”.
Hội thảo đã tập trung làm rõ vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ ở năm vấn đề quan trọng và cấp thiết của đất nước đó là: văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phòng, chống dịch Covid-19; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nhận định về các vấn đề của Hội thảo đối với văn học nghệ thuật, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho rằng: “Năm nhóm vấn đề có tính chất gợi mở của hội thảo đề cập đến nhiều phương diện, cấp độ khác nhau về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật với sự phát triển bền vững đất nước hôm nay. Với ánh sáng của lý tưởng thẩm mĩ tiến bộ, nhân văn, bằng tài năng, tinh thần trách nhiệm và thái độ nhập cuộc, dấn thân mạnh mẽ, mọi khía cạnh của hiện thực đời sống đều có thể trở thành những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc của tác phẩm nghệ thuật. Hiện thực không đồng nghĩa với chân lí nghệ thuật; nhưng chân lí nghệ thuật lại được kết tinh trên hành trình chiếm lĩnh chiều sâu hiện thực cuộc sống, khám phá thế giới tâm hồn phong phú vô tận của con người. Văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ đích thực không bao giờ quay lưng với những vấn đề lớn lao của đất nước và nhân dân mình”.
Về các tham luận tham dự Hội thảo, có nhiều cách tiếp cận, lí giải vấn đề, xuất phát từ thực tiễn trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật khác nhau nhưng đều bám sát chủ đề Hội thảo. Có nhiều tham luận nhận được sự quan tâm, trao đổi tại Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
Giáo sư Phong Lê quan tâm đến vấn đề lực lượng sáng tác, ông cho rằng, phải xác định thế hệ trẻ là lực lượng chủ công dấn thân vào những vấn đề thời sự của đất nước để sáng tạo những tác phẩm chất lượng, ông chia sẻ: “Tôi mừng vui khi một tên tuổi mới xuất hiện và biết ơn tất các các bậc cha anh đi trước mình. Đồng hành cũng là niềm vui, thay thế nhau cũng là niềm vui, đứt gãy cũng là vui, đó là sự phát triển của lịch sử văn học mà chúng ta phải tôn trọng. Tôi luôn mong chờ và hi vọng những cây bút trẻ sẽ nói lên tiếng nói của mình trước những vấn đề của cuộc sống hôm nay”.
Nhấn mạnh đến vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc trong bối cảnh hôm nay, nhà văn Nie Thanh Mai chia sẻ: “Chúng tôi đang mất dần cái hay cái đẹp của dân tộc mình. Việc đưa văn học nghệ thuật về với cộng đồng, đặc biệt là về vùng sâu vùng xa, tiếp cận với người dân tộc thiểu số có nhiều ý nghĩa nhất định. Bởi những cái hay, cái đẹp vốn dĩ của người dân tộc thiểu số qua cảm quan của nghệ sĩ sẽ đẹp hơn, có giá trị thẩm mĩ hơn. Những điều ấy phải được phản hồi trở lại để người dân tộc thiểu số cảm nhận. Từ đó họ nhận ra được những điều bình thường hàng ngày từ nếp nhà, lời ăn tiếng nói, trang phục hay những câu chuyện kể khan thâu đêm có giá trị nhất định về nhiều mặt văn hóa”.
PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh: “Văn học nghệ thuật đã góp phần cùng nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19, cổ vũ, động viên cả nước kiên cường trong công tác phòng, chống dịch. Qua đó, thêm lần nữa khẳng định văn học nghệ thuật luôn đồng hành cùng hiện thực đời sống hôm nay”.
Ở một góc nhìn riêng về văn học, nghệ thuật với đời sống hôm nay, nhà thơ Hữu Việt chia sẻ, văn học nghệ thuật cũng cần phải có độ lùi, khi hiện thực diễn ra, người sáng tạo phải đi lùi lại để nhìn nhận/ cảm nhận sâu sắc hơn, đa diện hơn, thấu đáo hơn.
Nói về giải pháp để văn học, nghệ thuật trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, theo nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó tổng thư kí Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho rằng: Nhà nước phải đầu tư sao để đưa văn học, nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Đội ngũ cán bộ đảng viên, các cán bộ, lãnh đạo phải là tấm gương văn hóa. Không nhất thiết phải quá am hiểu văn học nghệ thuật như những người có chuyên môn, song luôn khuyến khích, động viên, đồng hành với đội ngũ văn nghệ sĩ mới thì sức lan tỏa đến xã hội sẽ lớn hơn, tốt đẹp hơn.
Chiếm lĩnh, chiêm nghiệm, phản ánh và sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật về vấn đề quan trọng và cấp thiết của đất nước hôm nay, các văn nghệ sĩ đã và đang hướng đến mục tiêu cao nhất là nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn, lí tưởng, xây dựng nhân cách, lối sống con người Việt Nam thời kì mới. Tuy nhiên, từ hội thảo đến thực tiễn còn nhiều khoảng cách, cần sự chung tay, nỗ lực của không riêng một cá nhân hay tổ chức, đơn vị nào.
ĐỨC SƠN
VNQD