Dòng chảy

Tạp chí Văn nghệ Quân đội khai mạc trại sáng tác văn học 2021

Thứ Tư, 01/12/2021 16:41

 Sáng nay, 1/12/2021 Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức lễ khai mạc Trại sáng tác văn học năm 2021 tại toà soạn số 4, Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trại sáng tác được tổ chức hướng tới chào mừng 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021) và Ngày truyền thống của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; hướng tới kỉ niệm 65 năm thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1/1957 - 1/2021); Nhằm tập trung sáng tác được nhiều tác phẩm có chất lượng tốt về chủ đề lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; ca ngợi, phản ánh những tấm gương người tốt, việc tốt trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, lao động, sản xuất, phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, đồng thời cũng là hoạt động hậu thuẫn cho Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội 2021-2022.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội phát biểu khai mạc Trại sáng tác văn học năm 2021. Ảnh: Thành Duy

Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 và thiên tai bất thường đang có những tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; tình hình biên giới, biển đảo luôn có diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có những sáng tác văn học nghệ thuật kịp thời để cổ vũ tinh thần cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước; những sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và người lính hôm nay đang ngày càng thưa vắng; Cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2021-2022 đã đi được một phần hai chặng đường, cần có nhiều hơn những tác phẩm đáp ứng về đề tài và có chất lượng tốt… Trại sáng tác văn học 2021 của tạp chí mong muốn sẽ tìm kiếm được nhiều hơn những tác phẩm mang nhịp đập của đời sống đương đại hôm nay.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và nhà phê bình văn học Văn Giá. Ảnh Thành Duy

Theo Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội: Trong một năm qua, cuộc thi thơ của Tạp chí đã đi được nửa chặng đường, thu hút hàng nghìn tác phẩm dự thi, mặt bằng chất lượng khá ổn định. Ban tổ chức mong muốn trại sáng tác văn học sẽ góp phần nâng cao hơn nữa về chất lượng, và số lượng tác phẩm; các nhà thơ dấn thân hơn nữa trong suy tư, cảm hứng, đề tài mà mình tâm huyết; các nhà phê bình phân tích, đánh giá, trao đổi sâu hơn, kĩ lưỡng hơn về chuyên môn với ban tổ chức cũng như với các tác giả.

Trại viết là nơi để các nhà thơ, nhà phê bình văn học tên tuổi, các biên tập viên và các tác giả trao đổi kinh nghiệm sáng tác về đề tài của cuộc thi thơ. Trước thực tế, các nhà thơ thế hệ chống Pháp, chống Mĩ dần vắng bóng thì việc định hướng, phát triển thế hệ viết kế cận là hết sức quan trọng, cần thiết. Trại sáng tác văn học là nơi bồi dưỡng, phát hiện các cây bút trẻ. Ban tổ chức cuộc thi hi vọng rằng, đứng trước những biến động, âu lo, thử thách cũng như những cơ hội, tiềm năng của đời sống hôm nay, mỗi người viết sẽ tìm cho mình được hướng đi mới, đầy sáng tạo, bứt phá để khẳng định ngòi bút.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng. Ảnh: Thành Duy

Tại buổi khai mạc trại sáng tác, các nhà thơ, nhà phê bình đã chia sẻ nhiều ý kiến và cảm nhận xoay quanh công việc sáng tác cũng như cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng: Không chỉ đơn thuần là phục vụ cho cuộc thi thơ, trại sáng tác văn học như một sự mời gọi, động viên các tác giả. Những trao đổi nghiệp vụ, kĩ năng và chuyên môn là điều mà người viết rất quan tâm. Đề tài của cuộc thi rất rộng mở, sâu sát, gắn bó với mạch đập của đời sống hôm nay, từ đó cá nhân mỗi người viết sẽ liên hệ, cảm nhận và viết với sự rung cảm của cá nhân mình. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cũng chia sẻ, anh quan tâm đến hình ảnh người lính trên mặt trận phòng chống dịch bệnh, thiên tai và hướng đến khai thác sâu đề tài này trong thời gian tới.

Nhà thơ Trang Thanh. Ảnh: Thành Duy

Với nhà thơ Trang Thanh thì sự cộng tác và tham gia cuộc thi thơ như một mối duyên với Văn nghệ Quân đội. Những bài thơ của chị in trên tạp chí cũng chính là những tác phẩm đánh dấu sự trở lại với thơ ca của chị sau một thời gian chị ngưng xuất hiện. “Có lúc tôi nghĩ rằng mình đã rời xa văn chương, nhưng mối duyên này đã khích lệ tôi viết trở lại”, nhà thơ Trang Thanh xúc động chia sẻ.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Hậu bày tỏ sự quan tâm của mình về đề tài viết: Tôi hướng sự chú ý của mình đến những đối tượng và sự việc xuất phát từ làng quê trước những tác động của thời công nghiệp. Tôi phản ánh những thực trạng tréo ngoe, những khóc - cười thời đại. Cùng với đó, tôi cũng viết về đề tài chiến tranh với những cuộc di dân khổng lồ đồng thời thể hiện sự chiêm nghiệm thế sự về cái nhìn hậu chiến.

Nhà thơ Nguyên Như (trái) và nhà thơ Nguyễn Đức Hậu. Ảnh: Thành Duy

Có cùng mối quan tâm về đề tài, nhà thơ trẻ Nguyên Như chia sẻ: Trước tiên tôi luôn muốn viết về gia đình mình với những người thân yêu, gần gũi bởi từ đây cảm xúc viết trong tôi được hình thành. Dân tộc thiểu số cũng là chủ đề tôi muốn hướng đến, tôi muốn đi sâu vào vùng văn hoá, bản sắc, tâm thức của các cộng đồng người và cũng từ đó định hình sáng tác của mình theo một lối đi riêng.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên buổi lễ khai mạc được thực hiện dưới hình thức online. Buổi khai mạc có sự tham gia của các nhà thơ, nhà phê bình văn học tại Hà Nội cùng sự kết nối với các nhà thơ, các tác giả tham dự cuộc thi thơ từ khắp mọi miền đất nước.

Nhà thơ Ngô Đức Hành và nhà văn Như Bình. Ảnh: Thành Duy

Trại sáng tác văn học năm 2021 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội sẽ kéo dài đến ngày 15/12/2021. Ban tổ chức hi vọng sẽ nhận được sự tham gia, kết nối của đông đảo các tác giả trong cả nước.

HOÀI PHƯƠNG

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)