Dòng chảy

Những bí ẩn khó lí giải đã khiến Gong Ji Young viết

Thứ Bảy, 27/11/2021 18:13

Một trong những nhà văn nổi bật nhất Hàn Quốc - Gong Ji Young - vừa có buổi mạn đàm với độc giả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc trong khuôn khổ chương trình giao lưu trực tuyến K-Book Talk Series do Viện Văn học dịch thuật Hàn Quốc tổ chức. Tại đây, nữ nhà văn Hàn Quốc đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh cuốn tiểu thuyết Chiếc thang cao màu xanh vừa được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Gong Ji Young tiết lộ tác phẩm của bà bắt nguồn từ chuyến tàu chở hơn 14.000 người tị nạn chạy trốn chiến tranh Nam - Bắc Hàn do tu sĩ Thomas chỉ huy.

Gong Ji Young sinh năm 1963, và khởi đầu văn nghiệp vào năm 1988, khi đang bị giam giữ tại trại giam trong phong trào biểu tình, với tập truyện ngắn Bình minh đang hé đăng trên tờ Tác phẩm và Phê bình. Năm 1993, qua tác phẩm Đi một mình như sừng tê giác, bà đã phác họa rõ nét sự phân biệt đối xử cũng như những áp bức mà người phụ nữ phải gánh chịu, đồng thời mở ra cánh cửa văn học cho phụ nữ mới và xoáy sâu vào chủ nghĩa phụ nữ.

Sau đó, Gong Ji Young đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng khác, và đã trở thành một trong những nhà văn Hàn Quốc được độc giả yêu quý. Các tác phẩm này có thể kể đến như Chị Bong Soon, Cô gái hiền lành, Thời gian hạnh phúc nhất của chúng ta, Sự im lặng…

Ngoài tiểu thuyết, Gong Ji Young cũng cho ra đời nhiều tập tản văn nổi bật như Cho dù là vậy, Linh hồn không có vết thương, Tôi vẫn một mình như giọt mưa, Hành trình cầu nguyện 1-2, Nhẹ tựa lông hồng, Ngôi trường hạnh phúc trên núi Jiri…

Gong Ji Young đã từng đoạt được nhiều giải thưởng văn chương lớn và uy tín, như Giải Văn học Hàn Quốc thế kỉ 21, giải văn học tiểu thuyết Hàn Quốc, giải văn học Oh Young Soo, giải văn học Catholic Hàn Quốc lĩnh vực tiểu thuyết, giải đặc biệt giải báo chí Amnesty, giải thưởng văn học Yi Sang…

Năm 2018, cuốn tiểu thuyết Sự im lặng của bà đã được các chủ hiệu sách chọn là cuốn sách của năm. Tại Việt Nam, bà là một trong những nhà văn có tác phẩm được dịch và giới thiệu sớm nhất, có thể kể đến như Yêu người tử tù, Ngôi nhà hạnh phúc, Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ, Cá thu, Công thức nấu ăn tặng con gái và Chiếc thang cao màu xanh.

Nhà văn Gong Ji Young trong buổi tọa đàm.

Nội dung giao lưu tập trung nhiều vào tác phẩm mới được dịch sang tiếng Việt của Gong Ji Young. Chiếc thang cao màu xanh được viết vào năm 2013, là một tiểu thuyết về tình yêu, tuổi trẻ, đức tin, tôn giáo và cả chiến tranh. Trong văn nghiệp của Gong Ji Young, đây có thể nói là tác phẩm đánh dấu chuyển biến và phức tạp nhất của bà, khi khai thác rất nhiều đề tài, góc nhìn cũng như lồng ghép những diễn tiến lịch sử đã qua về chiến tranh Nam - Bắc Hàn.

Như chính bà thừa nhận, tác phẩm này được viết trong khoảng thời gian khó khăn nhất, khi đang mắc phải căn bệnh da liễu. Thành phố W. được lấy bối cảnh trong cuốn sách này là một thành phố có thật, ở đâu đó tại Hàn Quốc vô cùng nổi tiếng, tuy bà chưa từng đến đó, nhưng đã từng thấy nó trên tin tức và sách báo, tạp chí.

Khi được hỏi đâu là điểm khó khăn nhất khi viết cuốn sách này, Gong Ji Young đã không ngần ngại thừa nhận đó là cái chết của Angelo và Michael - hai tu sĩ và là bộ ba tam giác hoàn hảo của nhân vật chính - mục sư Yo Han. Angelo là một tuyến nhân vật vô cùng đặc biệt, mà trong buổi tọa đàm, rất nhiều độc giả bày tỏ sự hứng thú với nhân vật chứa nhiều diễn biến tâm lí phức tạp này.

Nói về điểm nhấn tôn giáo, tác giả Gong Ji Yong cũng cho biết, Thiên chúa giáo đã du nhập và được phổ biến tại Hàn Quốc rất lâu, và đã trở thành Đức tin cũng như lòng thành tôn giáo vững chắc cho dân tộc này rất nhiều năm qua. Việc cho tôn giáo vào tác phẩm này phần nào phản ánh quãng thời gian khi sáng tác khó khăn của bà, với mong muốn tìm được sự bình yên trong tác phẩm này.

Cũng tại buổi giao lưu tọa đàm, Gong Ji Young đã chia sẻ về những cảm nhận vô cùng riêng tư về sự bí ẩn. Theo bà, những nhạy cảm nằm trong tâm hồn là một trong những yếu tố thúc đẩy bà viết tiểu thuyết, ngay cả những chiếc lá phong từ xanh chuyển đỏ độ cuối thu trên chuyến hành trình lên núi ngay trước buổi tọa đàm mà bà dùng như phông nền trong buổi trò chuyện cũng là một sự bí ẩn vô cùng tự nhiên như thế.

Và dĩ nhiên, Chiếc thang cao màu xanh cũng chứa nhiều những sự khó lí giải như thế, về những luân lí phổ quát của tình yêu, tuổi trẻ và đức tin. Yếu tố lịch sử trong tác phẩm này cũng khá đặc biệt, khái quát lại một thời lịch sử vô cùng hào hùng của chiến tranh Nam - Bắc Hàn hòa nhiều đau khổ, bi tráng và cũng rất khó khăn.

Buổi tọa đàm do Viện Văn học dịch thuật Hàn Quốc tổ chức.

Giải thích về nhan đề Chiếc thang cao màu xanh, Gong Ji Young tiết lộ nó bắt nguồn từ chuyến tàu chở hơn 14.000 người tị nạn chạy thoát chiến tranh Nam - Bắc Hàn do người tu sĩ là cha Thomas chỉ huy. Chiếc thang dây được ném xuống tàu là ngõ thoát duy nhất cho những sinh mạng bé nhỏ, giữa hai bờ vực sống - chết; cạnh kề bên đó là đại dương với màu xanh bao la, để từ đó Chiếc thang cao màu xanh thành hình.

Ngoài ra tháp chuông và tiếng trạm xe lửa ở gần Tòa thánh Benedicto hơn 1.500 năm tuổi cũng như hình tượng của Chiếc thang cao màu xanh đã nối mảnh đất thể xác và khu vườn tinh thần, để tiếng chuông như lời hồi cố, tìm về mảnh đất của tâm hồn còn nhiều đau khổ và những vết thương.

Cũng tại buổi mạn đàm, nhiều độc giả đặt câu hỏi về tính nữ trong các tác phẩm của Gong Ji Young, rằng có hay không khi xây dựng hình tượng những người đàn ông mong manh, rụt rè, có phần yếm thế; nhằm phục vụ cho việc khẳng định thế giới quan cá nhân, đào sâu vào nội tâm phụ nữ hay không, Gong Ji Young cho biết, không chỉ các nhân vật nam, mà ngay cả những nhân vật nữ đa phần cũng có nét tính cách này, và phần nào đều có ảnh hưởng từ cuộc sống nội tâm của bà.

Khép lại buổi mạn đàm, nhà văn Gong Ji Young cũng mong muốn trong tương lai được kết nối nhiều hơn nữa với độc giả Việt Nam. Trong quá khứ, bà đã từng đến đây một lần nhưng chưa có nhiều cơ hội được kết nối với những người yêu quý văn chương của mình. Qua buổi trao đổi, Chiếc thang cao màu xanh dần được bóc tách ra với độc giả, để một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Gong Ji Young được nhìn nhận sâu sắc và đa diện hơn trong mắt độc giả Việt.

K-Book Talk Series - Meet Korean Literature Online là một loạt các buổi tọa đảm trực tuyến, nơi giao lưu gặp gỡ giữa những nhà văn Hàn Quốc và độc giả quốc tế. 9 nhà văn Hàn Quốc sẽ có các buổi gặp mặt trực tuyến với độc giả trên toàn thế giới, nhân kỷ niệm tác phẩm của mình hiện diện. Cụ thể chuỗi tọa đàm sẽ diễn ra tại 7 nước: Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Pháp, Việt Nam, Nhật Bản và Canada, mở ra không gian cảm thụ văn học Hàn Quốc bất chấp khó khăn của thời đại dịch.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)