Dòng chảy

“Antigone” - Một vở kịch đẹp dưới bàn tay Trần Lực

Chủ Nhật, 14/11/2021 16:59

Sau thành công tại liên hoan “Kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam” với vở diễn “Bạch đàn liễu”, đoàn kịch Lucteam tiếp tục cho ra mắt công chúng vở diễn “Antigone” tại Nhà hát Tuổi trẻ. Phiên bản “Antigone” của đạo diễn, NSƯT Trần Lực dàn dựng là vở diễn mở đầu trong chuỗi dự án “Sân khấu Antigone” do Viện Goethe tại Hà Nội phối hợp cùng Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức.

“Antigone” là một kiệt tác sân khấu, văn chương thế giới ra đời cách đây khoảng 2500 bởi nhà viết kịch đại tài thời Hy Lạp cổ đại - Sophocles. “Antigone” được xây dựng trên cốt truyện huyền thoại cổ đại lấy bối cảnh ở Thebes, nhân vật chính là nàng Antigone, con gái của Oedipus, em gái của Polynik. Sau khi Polynik và Eteocles chết, Creon, người từng là cố vấn cho Oedipus lên làm vua, nắm mọi quyền lực ở Thebes. Nhà vua Creon đã ra lệnh: chôn vị vua hợp pháp Eteocles, còn ném xác Polynik cho bầy kền kền, vì Polyink đã từng trỗi dậy chống lại ông. Nàng Antigone không chấp nhận chứng kiến hình phạt kinh khủng với Polyink nên đã tự mình đi mai táng cho anh trai, điều này là trái lệnh của vua, và nàng buộc phải chấp nhận cái chết.

Hình ảnh trong vở diễn. Ảnh: PV

“Antigone” đối với khán giả Việt Nam vẫn còn tương đối xa lạ, bởi quan điểm và góc nhìn của phương Tây và phương Đông vẫn còn có khoảng cách nhất định. “Antigone” do NSƯT Trần Lực dựng là một vở kịch “đẹp” - công phu trong diễn xuất và biên đạo, đặc biệt đã kéo gần hơn khoảng cách giữa kịch cổ điển phương Tây với khán giả Việt Nam. Kịch bản gốc gần 100 trang được sửa lại bởi nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng với lời thoại dễ hiểu, mang hơi thở đương đại.

Lucteam được công chúng biết tới với phương pháp sân khấu ước lệ biểu hiện đã gây được tiếng vang trong nhiều vở diễn như: “Quẫn”, “Bạch đàn liễu”, “Nữ ca sĩ hói đầu”… “Antigone” dưới bàn tay dàn dựng của NSƯT Trần Lực cũng dựng theo lối ước lệ biểu hiện: ước lệ về không gian, tối giản sân khấu. Mở màn xuất hiện tấm thảm trắng và chiếc vương miện, khi kết thúc hạ màn cũng là chiếc vương miện đặt trên tấm thảm trắng. Chiếc vương miện là biểu hiện của quyền lực tối cao, nhưng cũng là biểu hiện cho sư đau khổ, cho những cái chết: Antigone, Creon, Ismen, con trai của Creon… Tấm thảm trắng còn gợi mở tính ước lệ rất cao như sân khấu Chèo của người phương Đông, trong Chèo thường xuất hiện manh chiếu ở giữa sân khấu, còn trong “Antigone” NSƯT Trần Lực sử dụng miếng thảm trắng. Từ đó, giúp khán giả đương đại có thể tưởng tượng và cảm nhận theo nhiều ý hiểu riêng.

Đạo diễn, NSƯT Trần Lực chia sẻ với khán giả sau vở diễn. Ảnh: PV

“Antigone” với sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ đầy tài năng đang dần khẳng định được tên tuổi trong lòng công chúng yêu kịch: Ngọc Trâm, Phương My, Trường Khang, Anh Tuấn, Thanh Long, Mạnh Thắng, Tùng Nam, Minh Đức. Ước lệ biểu hiện còn được thể hiện qua hình thể diễn xuất, buộc diễn viên phải cảm nhận ăn khớp trong từng lời thoại, từng hành động với nhịp phách trống.

Phần âm nhạc được phối khí bởi nhạc sĩ Nguyễn Thanh Nam. Một vở kịch cổ điển phương Tây nhưng khán giả được nghe tiếng đàn bầu, sáo trúc, bởi thế, câu truyện huyền thoại phương Tây đã phảng phất không gian hồn cốt Việt Nam.

Dù đã có nhiều sáng tạo đột phá trong vở diễn, nhưng “Antigone” do NSƯT Trần Lực dàn dựng vẫn gửi gắm cho khản giả những thông điệp, những tư tưởng cốt lõi của Sophocles. NSƯT Trần Lực chia sẻ sau vở diễn: “Tôi vẫn theo tư tưởng của Sophocles, mỗi đạo diễn khi đọc kịch bản Antigone thì sẽ có góc nhìn khác, họ có cảm nhận, cảm xúc và quan điểm khác tôi. Những kịch bản là kiệt tác của nhân loại thì ở trong đó luôn có nhiều nghĩa lớp lang, nhiều ẩn ý. Thông điệp vở kịch gửi gắm cho chúng ta là tính nữ quyền, chúng ta thường bảo người phụ nữ yếu đuối, nhưng điều đó không hề. Khi phụ nữ có lòng tin, có tình yêu thì họ sẽ thật sự mạnh mẽ”.

Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội phát biểu sau buổi diễn. Ảnh: PV

Dự án “Sân khấu Antigone” sẽ diễn ra từ ngày 6/11/2021 - 19/3/2022 với sự tham gia của một số gương mặt: đạo diễn NSƯT Trần Lực, NSƯT Bùi Như Lai, đạo diễn Hà Nguyên Long, đạo diễn Lê Thị Hòa An, nghệ sĩ sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng và biên đạo Trần Minh Hải dựng sáu phiên bản “Antigone” khác nhau.

Do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn khá phức tạp, số lượng khán giả vào rạp chỉ giới hạn. Khán giả vào xem phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, có thẻ xanh Covid-19, quét mã QR khai báo y tế, trong lúc xem phải ngồi giãn cách và đeo khẩu trang trong suốt vở diễn.

NGUYỄN ĐỨC CẦM

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)