Dòng chảy

Tiểu thuyết mới của Ngô Minh Ích tiếp tục dòng sinh thái

Thứ Ba, 02/11/2021 07:21

Văn chương sinh thái những năm gần đây đã nhận được sự đón nhận vô cùng lớn cả trong giới xuất bản lẫn độc giả. Trên thế giới, các đề cử lớn nhỏ hàng năm hầu như luôn xuất hiện các tác phẩm khai thác đề tài này. Có thể kể đến như Vòm Rừng của Richard Powers từng chiến thắng giải Pulitzer 2019, A New Wilderness hay Chiếc xe đạp mất cắp của tác giả người Đài Loan Ngô Minh Ích cũng từng đi đến danh sách đề cử của giải Booker. Mới đây, bằng việc tiếp tục hoàn thành Người mắt kép, Ngô Minh Ích đã cho thấy anh là một trong số những nhà văn nặng lòng với hiện thực này với sự quan tâm hướng vào sinh thái từ góc nhìn phương Đông. Người mắt kép của anh cũng vừa được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam.

Người mắt kép bao gồm 2 mạch truyện được kể song song, một của Atile’i - chàng thanh niên 15 tuổi sống trên đảo Wayo Wayo, và một của Alice - giáo sư văn học ở huyện H trực thuộc Đài Loan. Cả hai người họ đều trải qua những bi kịch trong cuộc đời mình, với Atile’i đó là chuyến đi cuối cùng lênh đênh trên biển không thấy ngày về; trong khi với Alice đó là nỗi đau mất chồng và con trai trong lần leo núi và không bao giờ còn trở về nữa.

ĐI SÂU VÀO TRONG BẢN CHẤT

Khác với Chiếc xe đạp mất cắp có hình tượng và bối cảnh lịch sử trải dài thấu suốt, Người mắt kép là tác phẩm hướng hoàn toàn về sinh thái trong một nỗ lực nhằm khắc họa lại những gì đang diễn ra dựa trên sự kiện có thật. Năm 1997, nhà hải dương học Charles J. Moore lần đầu tiên phát hiện ra khối lớn phế liệu bằng nhựa do con người xả ra ở Bắc Thái Bình Dương, và không lâu sau đó, đây chính là nơi Atile’i và Alice được số phận rong ruổi cho gặp nhau lần đầu.

Tiểu thuyết "Người mắt kép" của Ngô Minh Ích. 

Nếu tác phẩm trước đó Ngô Minh Ích tập trung nhiều vào bối cảnh lịch sử, để các yếu tố về sinh thái và quyền động vật chỉ là thành tố phụ; thì ở tác phẩm này, nó hoàn toàn là về sinh thái, về sự thật và những yếu tố vẫn còn ẩn giấu. Từ bản sắc dân tộc cho đến quyền động vật, từ khai thác xây dựng tài nguyên cho đến thiên tai bão lũ… Ngô Minh Ích bằng sự tưởng tượng tinh tế kết hợp với những hiện thực vẫn đang diễn ra; đã viết nên một lời cảnh báo vô cùng thức thời về hiện thực của thế giới trong những ngày này.

Cốt truyện đầu tiên bám chặt vào trong hòn đảo thần thoại Wayo Wayo nằm trên biển lớn cách xa lục địa. Được tín ngưỡng tại đây là Kabang - Thần biển - người từng trừng phạt con người vì thói ích kỷ tiêu hoang các loài cá, để hậu quả là mỗi gia đình không thể có hơn một người con trai, mà người con trai thứ đến tuổi trưởng thành phải dong talakawa ra biển không chờ ngày về. Người dân ở đây quen với muối, với biển. Nơi nào cũng nghe thấy biển, nói gì cũng có từ biển. Vào mùa chim di cư thì săn trứng, còn những mùa khác chèo thuyền sang rãnh san hô để săn hải âu, cốc biển, hải yến…

Người dân trên đảo Wayo Wayo giỏi kể chuyện và ưa ca hát, ở đó cuộc sống là âm hưởng tồn tại trong tiếng ca và những chuyện kể. Atile’i là một thiếu niên giỏi giang, ưa nhìn, nhưng là con trai thứ nên anh phải chịu ràng buộc bởi luật lệ lâu đời. Sau những ngày dài lay chuyển, anh lên được một hòn đảo rác - xoáy rác Thái Bình Dương - với những thứ bị bỏ lại, từ gương, nilon, quần áo… mà phần chìm dưới nước còn lớn gấp rất nhiều lần phần nổi trên biển. Xem như nhà mình, Atile’i cứ thế trôi nổi rồi một ngày bị đánh xô úp vào bờ biển Đài Loan.

MỘT THIÊN SỬ THI VỀ SINH THÁI

Người mắt kép rất có thể được so sánh với Vòm Rừng của Richard Powers về độ trải dài trong nội dung và các trải nghiệm đan xen của mình. Ngô Minh Ích một cách tự nhiên đã nhắc nhớ những gì con người đã, đang và sẽ làm với môi trường hiện tại. Bằng cách xây dựng mạch truyện song song nhiều cảm xúc về Alice - một người trên bờ vực tuyệt vọng; ông cũng mở rộng biên độ ra hơn với những tộc người Bunun và Ami bản địa, với tình hình quy hoạch, xây dựng vô độ; với lối khai thác tài nguyên làm ảnh hưởng đến nhiều sinh vật sống khác…

Nếu Powers tin nhiều vào Thần thoại Bắc Âu với Yggdrasil - cây thế giới, thì Ngô Minh Ích bằng cách gắn kết các mối quan hệ làng xã phương Đông thường thấy để làm nên một góc nhìn chung. Nếu Hafey - bà chủ của Sisid Thứ 7 trước đó từng là nạn nhân của hậu trường ngành du lịch - dần dần nhận ra sự vỗ về và e ấp của giáo đường rừng rậm dành cho mình; thì Dahu - nhân viên cứu hộ, người học cao về rừng và hơn hết là một đứa con của bộ tộc Bunin, luôn tìm cách giao tiếp với rừng, nói chuyện với sao trời, cây cối… vì hẳn đây là những gì Dihani (Chư thần) tạo ra.

Những bộ tộc người gốc Đài này có mối quan hệ khắng khít với nhau, không chỉ bởi huyết thống hay vùng địa lí; mà đó còn bởi những gì họ phải gánh chịu vì việc quy hoạch, khai thác quá mức không chừa một ai. Nơi này vốn là của dân bản địa, giờ thì chẳng biết nó thuộc về người nào, có lẽ là của những người mua đất xây biệt thự sân vườn, bầu chọn một tên huyện trưởng mà trong đầu chỉ nghĩ đến những miếng mồi béo bở, cuối cùng mở thông đường sá mới chăng. Sau khi đường sá được xây xong, bờ biển và thung lũng mọc lên vô số những tòa kiến trúc với vô số kiểu dáng của nhiều quốc gia, mà lối nào cũng lai tạp.

Và đó cũng rất có thể là những người nước ngoài, những nhà vận động hành lang vì môi trường, những người từng góp phần mình vào đục đẽo núi non; bỗng chốc nhận ra tiếng rền của núi không còn là nhân hóa. Detlef và công việc khoan núi làm đường của anh sẽ rất bình thản nếu không gặp Sara, để nghe thật rõ và khẽ khàng những gì tự nhiên đang phản hồi lại. Và Sara, nếu không có đôi mắt kép chứa đầy u hoài của cha mình, Amundsen - người săn cá voi, đứng dậy đấu tranh khi con người đang săn hải cẩu một cách phi nhân đạo - thì cô đã chẳng đến nơi mà “xúp rác đặc nguyên thủy” đánh vào, để mở lòng hơn với những cư dân bản địa.

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI MẮT KÉP

Mắt người đơn thuần chỉ có một thấu kính, nhưng mắt côn trùng thì ngược lại, có rất nhiều thấu kính. Nói đúng hơn, đó là mắt kép, gồm hàng ngàn phần tử, mỗi phần tử ứng với một ô mắt. Điều đó có nghĩa là gì, liệu con người quá bé nhỏ trong thế giới của mình? Những gì họ đang nhìn thấy chỉ là tầng nông, là phạm vi cục bộ rất nhỏ mà không bao quát, hay rất hẹp và có giới hạn? Người mắt kép là một hình tượng đi xuyên suốt các nhánh câu chuyện của từng người một trong số các nhân vật của cuốn tiểu thuyết này. Và giống như Dahu nói, thời khắc vận mệnh không đứng yên một chỗ, giống như một mũi tên đi tìm loài heo rừng vậy; người mắt kép hay giới tự nhiên chỉ xuất hiện rất riêng vào một khoảnh khắc nào đó, khi họ hiệp lực được với tự nhiên, và hai góc nhìn từ cả hai phía trùng khít vào nhau, không có khoảng hở.

Nhà văn Ngô Minh Ích sinh năm 1971, người Đài Loan. Nguồn: Artists & Climate Change

Trong câu chuyện đi săn lợn rừng của Dahu, chẳng phải dáng nhìn có ngàn con mắt đã cho anh biết số phận của mình, khi sinh ra không dành cho nghề săn bắn? Và cũng chẳng phải trong chuyện của Amundsen, khi nhận thức được sự phi nhân đạo của việc săn bắt hải cẩu - những sinh vật hoàn toàn không có sức kháng cự, nếu so với cá voi mà người đi sẵn phải đánh đổi mạng sống của mình, thì đôi mắt của ông chẳng phải biến thành mắt kép mà Sara thấy đó sao? Khi người ta hợp sức với thiên nhiên, góc nhìn của họ mở ra và đến được với chân lí sống một cách hòa thuận. Người mắt kép không hẳn là một con người, mà đó là tia nhận thức, là cú rạch ngang trời khi con người ta bỗng chốc ngộ ra chân lí bản thân mình cũng đang thuộc về tự nhiên, về hệ sinh thái và chuỗi mắc xích nối liền cá thể với nhau, để con người cũng nằm trong đó, nhỏ bé và khiêm nhường như những loài khác.

Mắt kép cũng đã xuất hiện trên những họa tiết bướm vào ngày Alice nhận thấy Atile’i, để che chở, bổ sung và sẻ chia mất mát cho nhau. Hai con người, hai số phận; tưởng như chẳng dính dáng vào nhau, lại có thể an ủi nhau qua những đêm tối, cũng chẳng phải là một vẻ đẹp tự nhiên khác hay sao, khi mà ánh mắt nào đó luôn luôn dõi theo từng cử động một. Và đến cuối cùng, vào thời khắc Jakobsen đang trên bờ vực của sự sống, cái chết; cuối cùng rồi thì người ấy cũng xuất hiện, để cho anh biết mình đang đắm chìm vào trong điều gì, những điều thực thực ảo ảo, những thứ chìm giấu ẩn sâu trong những nỗi đau anh phải gắng chịu. Người mắt kép cũng như Kabang, cũng như tự nhiên - luôn luôn dòm ngó và điều chỉnh mỗi khi cần thiết. Đó là một sợi dây tương quan, một sự khắng khít cho những cảm tình dễ bề hiểu được chung một cảm xúc.

*

Từ bán đảo Scandinavia đến rừng rậm Amazon, từ đảo Wayo Wayo huyền thoại đến Đài Loan nằm trên điểm đến của xoáy rác Thái Bình Dương; Ngô Minh Ích bằng tài kể chuyện cuốn hút và sự sáng tạo độc đáo đã mang đến người đọc một tác phẩm về sinh thái đầy tính cảnh báo cũng như phô bày hiện trạng của ngay hiện tại. Kì ảo một cách thu hút như Người chết chết trôi đẹp nhất thế gian của Márquez nhưng cũng hiện đại, nhiều sức gợi, to lớn và hùng vĩ như những thiên sử thi của Richard Powers, Người mắt kép là một tác phẩm mà những ai yêu mến sinh thái - tự nhiên, cũng như muốn tìm sợi dây nối dài mối gắn kết ấy, rất nên tìm đọc và trải nghiệm.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)