Dòng chảy
THE BOOKER PRIZES 2021 - TÁC PHẨM NÀO SẼ ĐƯỢC VINH DANH? - Bài 4

“The Fortune men” - Những ám ảnh sắc tộc

Thứ Tư, 13/10/2021 09:44

Booker 2021 được đánh giá là mùa giải đa dạng, khi không chỉ có sự phong phú trong các thể loại ở danh sách rút gọn, mà các câu chuyện, đề tài cũng như bản thân tác giả có nhiều hơn một dòng máu góp mặt. Nếu những năm trước các yếu tố này thường bị giới hạn, thì năm nay với sự góp mặt của Sunjeev Sahota, người Anh gốc Ấn và Nadifa Mohamed, người Anh gốc Somali với nhiều dấu ấn địa phương hơn đã hiện diện. Là câu chuyện dường như vẫn luôn tồn tại ở lục địa già, The Fortune Men (tạm dịch: Những người đàn ông may mắn) là góc nhìn về những nỗi đau quá khứ, của nhân tính bị bỏ rơi và hơn hết là những con người có số phận đáng thương bị dìm xuống đáy xã hội.

Loạt bài trong chủ đề:

Bài 1: "The Promise" - Một bản sử thi về gia đình hiện đại

Bài 2: "Bewilderment" - Những nghi ngại về tương lai bất định

Bài 3: “A Passage North” - Sóng ngầm của những mất mát, đau thương

“Người may mắn” hay “Fortune men” là cách mà cộng đồng người Somali gọi những người thủy thủ đồng hương giàu có trở về nhà sau từng chuyến đi biển. Ở đây, Nadifa Mohamed dùng lại cụm từ này không chỉ với ý nghĩa đó, mà mở rộng ra hơn, bởi đôi khi bất hạnh cũng là một tài sản lớn. Cuốn tiểu thuyết này dựa trên câu chuyện có thật những năm 1950 ở Cardiff thuộc xứ Wales, về Mahmood Mattan - một người đàn ông Somali bị xử tội oan trong vụ mưu sát một phụ nữ Do Thái với mục đích cướp của. Đây là người đầu tiên trong lịch sử nước Anh bị kết án giết người oan trái, và vụ án chỉ được lật lại sau 46 năm khi có nhiều bằng chứng và nhân chứng mới.

Tác phẩm The Fortune Men. 

Lấy bối cảnh năm 1952 ở Vịnh Tiger - nơi nhộn nhịp động đúc những người rày đây mai đó - với các thủy thủ Somali, Tây Ấn Độ, những doanh nhân người Malta và các gia đình Do Thái, The Fortune Men là một lát cắt vào thời đoạn chuyển tiếp - giữa nỗi ám ảnh của các vấn đề yếm thế về chủng tộc, màu da; của vấn nạn bài Do Thái, hạn chế Da màu, và việc xem họ chỉ như những công cụ kiếm chác, của những người Anglo Saxon nghi ngại và đầy chán ghét.

Như một thừa nhận, Nadifa Mohamed tiếp cận vụ án của Mahmood Mattan hoàn toàn tình cờ, dựa trên một bài báo vào năm 2004, khi cô vô tình lướt thấy tiêu đề trên tờ Daily Mail, mà chưa hề biết có sự tồn tại của bất cứ cộng đồng Somali nào ở nước ngoài. Mang theo sự tò mò về người đồng hương này, hóa ra cha của Nadifa từng quen biết Mahmood những năm 1950. Và từ đó, những câu hỏi về người đàn ông ấy bắt đầu hiện ra, về một người bình thường, hay ăn mặc đẹp và đã kết hôn với một phụ nữ xứ Wales có 3 người con. Anh là một thủy thủ gốc Somali, nơi quê nhà cha anh là trưởng hội đồng bộ tộc, và đã dành 24 năm săn đuổi giấc mơ nhìn ngắm thế giới, từ Hargeisa ở Somali qua Úc đến Brazil, Anh và hằng hà sa số những điểm đến khác.

Vào một ngày tháng 3 năm 1952, Lily Volpert - một chủ cửa hàng 42 tuổi đã bị sát hại, cổ họng bị cắt một đường chí mạng và 3 vết cắt phụ. Một số nhân chứng cho biết đã thấy một người đàn ông Somalia trong khu phố, và cảnh sát bắt giữ Mattan. Mặc dù thiếu nhiều bằng chứng cũng như có mâu thuẫn trong các lời khai của các nhân chứng nhiều lên bất thường sau khi gia đình nạn nhân treo thưởng 200 bảng Anh cho bất cứ thông tin có ích nào. Mahmood bị kết tội giết người và treo cổ trong tháng 9 trong năm đó, không được kháng án cũng như có sự khoan hồng từ Hoàng gia Anh.

NGƯỜI DO THÁI VÀ NHỮNG NỖI SỢ

Dĩ nhiên cốt truyện dựa trên sự kiện thật là một lợi thế vô cùng lớn cho một nhà văn khi khởi đầu cuốn tiểu thuyết của mình; nhưng bằng cách xây dựng đường hướng, cách khai thác chi tiết, Nadifa Mohamed - một trong những gương mặt nhà văn trẻ triển vọng của châu Phi - đã thể hiện mình, khi cô hòa trộn được vấn đề thâm căn cố đế vốn luôn tồn tại, và những sự kiện rất thời sự vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Thông qua đó, cô cũng cho thấy một nền văn hóa Somali mang đậm bản chất, với sự đa dạng, phong phú; cũng như một lịch sử nhiều biến động khi trở thành thuộc địa, bị sang tay cho phát xít, bị chiếm trở lại, và rồi dấn bước trở về độc lập.

Cuốn tiểu thuyết này chạy song song hai câu chuyện, một của Mahmood - người bị kết án, và một của nhà Volacki - mà người chị cả là nạn nhân trong vụ án này. Là một gia đình Do thái gốc Nga uy tín, tuy có được sự hỗ trợ của cảnh sát và những người dân trong cộng đồng da trắng; thế nhưng hai chị em họ vẫn luôn nơm nớp lo sợ và chưa bao giờ quên được những gì dân tộc mình đã phải trải qua. Họ luôn lo lắng khi nghe bất cứ tiếng động nhỏ nào, trong khi Violet - người chị cả - liên tục phải kiểm tra cửa nhà đã được khóa chưa, dù nó có đến tận 5 lần khóa. Dòng máu Do Thái chảy trong người họ và sự bài Do Thái ngay cả trên mảnh đất vốn chống phát xít đôi khi khiến họ dè chừng, vì so về bản chất, người Anh hay xứ Wales vẫn gần với người Đức hơn là một dân tộc xa lạ di cư từ Đông Âu.

Trong những nỗi sợ thầm lặng đó, những cái tên mà Violet từng nhớ khi còn trẻ, những khuôn mặt mà bà không còn nhận ra được trong những bức ảnh đen trắng; nay trở lại trong những cơn mơ, mong muốn có được thức ăn, nước uống và cả một nơi để nghỉ. Bà gửi tiền cho những người quen xa lạ, cả ở Amsterdam, Frankfurt, Istanbul, Thượng Hải… mà chưa bao giờ biết được liệu có đến được tay họ không. Khi mọi thứ bất trắc xảy đến sau án mạng của chị gái mình, Diana cho rằng gia đình này đang bị nguyền rủa. Dễ thấy dường như những nỗi ám ảnh ấy bám đuổi và theo suốt họ, dẫu ở trạng thái nào: là thực hay mơ, rõ ràng hay là hồ nghi, hiện thực và cả tương lai. Nhưng Cardiff không chỉ có người Do Thái, mà còn là cộng đồng những người da màu.

NGƯỜI DA MÀU YẾM THẾ

Là tuyến truyện chính được xây dựng song song với câu chuyện của nhà Volacki, Mahmood Mattan đại diện cho người Somali rời bỏ quê hương tìm miền đất hứa và hạ cánh nơi vùng đất như cái nôi thứ 2 của mình. Là một bóng ma thật sự, anh luôn thay hình đổi dạng, từ một kiểu anh hùng bé mọn, trộm vặt, mộng mơ; cho đến con bạc kiêu hãnh, người cha lém lỉnh, người chồng ghen tuông. Anh có cuộc hôn nhân với Laura - một người đàn bà xứ Wales - có ba con trai, và sau một cuộc li thân, anh chuyển vào ở trong một nhà trọ do người đàn ông Jamaica làm chủ trên một con phố đông đúc.

Việc xây dựng hình tượng Mahmood như đại diện cho một cộng đồng Somali lâu đời nhất bên ngoài châu Phi, mà Cardiff là nơi tiên phong cho chủ nghĩa đa văn hóa. Những người thủy thủ đã thôi bám biển như anh đam mê cá cược, bài bạc, đua ngựa; dễ nói là có đời sống dường như băng hoại, chính điều đó làm họ trở thành cái gai trong mắt cảnh sát, mà ta có thể thấy rõ tình trạng này qua những dòng miêu tả Không thể thể hiện ra sự yếu đuối. Mahmood học cách bước đi của người da màu với vai nhô cao, cố giấu đi nhân dạng, cằm gập vào cổ để nón che hết khuôn mặt, để rồi tất cả chỉ còn là một cái bóng chuyển động […] Những người thủy thủ da màu khác giữ dao hoặc lưỡi lam trong túi, nhưng với anh, rủi ro luôn là quá lớn. Cảnh sát biết rõ anh, họ có thể tìm kiếm một chiếc đồng hồ đang mất tích và thấy những thứ kia - và rồi gì nữa? Hai năm cho tội tàng trữ vũ khí.

Nhưng Mahmood đặc biệt hơn thế. Anh vừa thô lậu nhưng cũng hào hoa, anh vừa cục súc nhưng cũng tiến bộ. Anh thích xem phim, không muốn người khác thấy mình nhơ nhớp, anh yêu thương mẹ, lắng nghe những lời bà viết nhưng bất lực không muốn về lại quê nhà, với sự nghiệp tiếp quản từ cha, với hàng dài những đứa em trai chờ cưới; trong khi anh chỉ muốn đi đây đi đó, hiểu được vẻ đẹp của thế giới này, xem cung điện, tàu bè, núi non… Anh cũng là một người cha nửa trưởng thành nửa trẻ con, anh lo lắng cho từng đứa một, sợ chúng lây bệnh từ những tù nhân mà anh ở cùng; và có một tình yêu vô cùng hoang dại với Laura. Thế nhưng, cộng đồng da màu vẫn là chướng ngại trong mắt dân cư ở đây, họ cho rằng Tụi mọi đã lấy đi hết công việc và những người đàn bà của ta [...] Họ không thấy bất cứ người da đen nào nên có quyền kiếm tiền, cưới vợ hoặc bất cứ điều gì họ muốn. Để rồi những người Somali trơ lì cảm xúc, họ trở thành một bức tường đá, không còn bị sốc, không còn thương hại hay bất có bất cứ những phản ứng nào. Nhưng người da trắng sẽ không bao giờ để cho họ yên, mà những lời chứng với số tiền 200 bảng treo lơ lửng trên đầu, đã mang đến cái chết cho một người vô hại, đầy khao khát yêu đời.

Nhà văn người Somali Nadifa Mohamed. Nguồn: Royal Sociery of Literature

PHIÊN TÒA SẮC TỘC

Phiên tòa Mahmood tham dự và nghe lời chứng đã như một chiếc máy trộn hết bao u sầu và nỗi phẫn uất của người da trắng trước mảnh đất tinh khiết nay bỗng chốc lại có quá nhiều đốm đen. Họ tị hiềm trong việc làm ăn, bởi dẫu sao thì những người di cư luôn tích cóp được nhiều hơn những người bản xứ. Họ muốn có được số tiền trước mắt; và ngay cả vị luật sư bào chữa, không hiểu ông ta cố ý hay là vô tình nói lời bất lợi - để Bồi thẩm đoàn là những phụ nữ da trắng nội trợ bỏ phiếu chống, và kết tội anh. Trong cơn phẫn uất, Mahmood đã gào lên rằng Điều gì khiến các người sợ hãi. Chẳng phải các người đã giết những người da đen chúng tôi chỉ như một môn thể thao đó sao? Anh có thể là một thiên thần, nhưng vì da màu và dẫu cho anh chân thành, tử tế và mềm dẻo đến đâu, thì họ vẫn sẽ coi anh là một con Qủy.

Và Nadifa Mohamed cũng không dừng ở đó, cô lướt qua quãng đời đấy biến động và chông gai của Mahmood như cách khơi lại những gì người da trắng đã làm với họ, về quá trình thực dân hóa của Anh, về việc biến những người đàn ông thành ra nấu nướng, làm vú em, giặt giũ. Chúng muốn những người vợ không bao giờ còn tin vào những người đàn ông của mình nữa. Lịch sử biến động chuyển giao từ Anh cho phát xít Ý, rồi 6 tháng sau lại về như cũ. Chỉ có con đường kháng chiến mới thoát khỏi đó, và sự ám ảnh đó, về nỗi vui mừng đó; dường như chỉ được giải tỏa phần nào ở đầu câu chuyện, sau cái chết của vua George VI và sự ra đời của một kỉ nguyên phi thực dân mới,

Cuốn tiểu thuyết này của Nadifa Mohamed cũng đồng thời mở ra mối đồng cảm của cộng đồng những người xa quê, của sự gắn bó chặt chẽ và đầy khắng khít về những gì mà họ cho là bất công. Họ đã tích cực hỗ trợ Mahmood, là những người quyên tiền cho việc bảo vệ pháp lí mặc dù anh đủ điều kiện để được trợ giúp. Ngôn ngữ, văn hóa và sự đoàn kết; những yếu tố rất riêng và rất cá nhân đã được cô mang vào đây, như lần nữa khẳng định sự liên hệ máu thịt giữa những người con của xứ sở đồi cát xa xa.

*

Trở thành một người đàn ông cũng giống như củi biến thành tro than: đó là quá trình phá hủy từ từ cho đến khi một thứ tinh nguyên ra đời. Nước mắt làm mềm tâm hồn trong khi nỗi đau thì thít chặt nó. Với The Fortune Men, Nadifa Mohamed đã viết nên bản hiến chương đòi hỏi công bằng, hạn chế bất công; một yêu cầu đòi hỏi tự do vô cùng bức thiết mà ai cũng xứng đáng có. The Fortune Men biến chuyển, nhiều tham vọng và đại diện cho những tiếng nói yếm thế đầy đẹp đẽ.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)