Dòng chảy

Tái bản tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội của Hà Ân và Tô Hoài

Thứ Năm, 07/10/2021 07:07

 Nhà văn Hà Ân và nhà văn Tô Hoài được biết đến là những nhà văn có những tác phẩm đặc sắc, thấm đẫm cảm xúc, tâm hồn, tinh thần người Hà Nội gắn với những thời kì lịch sử của dân tộc. Vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tái bản bộ đôi tiểu thuyết lịch sử Người Thăng Long, Khúc khải hoàn dang dở của nhà văn Hà Ân viết về thời đại nhà Trần và bộ ba tiểu thuyết lịch sử Quê người, Mười năm, Quê nhà của nhà văn Tô Hoài viết về Hà Nội thế kỉ 20.

Nếu nhà văn Hà Ân cho ta hình ảnh về một Thăng Long anh hùng xưa thì bộ tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội của nhà văn Tô Hoài là ba mảnh ghép tạo nên một cái nhìn xuyên suốt về Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ 20 đến khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi.

Nhà văn của những tiểu thuyết lịch sử

Nhà văn Hà Ân là tác giả của rất nhiều tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng như: Bên bờ Thiên Mạc, Trên sông truyền hịchTrăng nước Chương Dương. Ông rất đam mê viết về những vị anh hùng lịch sử của đất Thăng Long, Người Thăng LongKhúc khải hoàn dang dở là bộ đôi tiểu thuyết thành công nhất của ông. Ông đã chinh phục bạn đọc bằng những am hiểu sâu sắc về lịch sử cùng trí tưởng tượng phong phú của văn chương. Bạn đọc tìm thấy ở những trang văn Hà Ân một nguồn cảm xúc lớn lao mà người viết dành cho lịch sử dân tộc, lịch sử của vùng đất Thăng Long và những người anh hùng, qua đó khơi gợi vẻ đẹp của quá khứ, vẻ đẹp ấy chính là báu vật mà cho đến hôm nay Hà Nội vẫn tự hào lưu giữ.

Người Thăng Long được nhà văn Hà Ân viết năm 1980. Tác phẩm là một bản trường ca hào hùng về các vị vương, tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. Nhân vật trung tâm của truyện là Chiêu văn vương Trần Nhật Duật, người con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, thường được dân gian gọi là Ông Hoàng Sáu. Qua nét bút của nhà văn Hà Ân, ông là một người Thăng Long thanh lịch, tài hoa, không chỉ thông minh trí lực trong việc chỉ huy quân sự, chiến thắng giặc ngoại xâm, mà còn chiến thắng bản thân trong cuộc chiến với những oán cừu của cuộc đời. Tác phẩm đã tái hiện không khí náo nức sôi động của buổi Hội thề, không khí căng thẳng trang nghiêm của hội nghị Bình Than và trang trọng, hừng hực ý chí chiến đấu của hội nghị Diên Hồng, bên cạnh đó là vẻ đẹp lạ lẫm của lễ cướp dâu, đêm tiệc Mo nang hân hoan phóng túng …

Tiểu thuyết Khúc khải hoàn dang dở của Hà Ân ra đời sau hai mươi năm thai nghén, viết, đốt rồi lại viết. Tác phẩm là một bản hùng ca mãi mãi âm vang trang sử hào hùng và ghi dấu bóng hình người tình báo chiến lược tài ba Đỗ Vĩ cùng những tướng sĩ kiêu hùng, những người con ưu tú của dân tộc. Đỗ Vĩ cũng là một người con của đất Thăng Long, một tình báo tài giỏi của nhà Trần, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử, một nghệ sĩ đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt… Đỗ Vĩ đã thâm nhập vào lòng địch, gửi về cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn những tin tức vô cùng quan trọng. Cái chết bi tráng của ông đã góp phần đem lại khúc ca khải hoàn trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai.

Bộ đôi tiểu thuyết Người Thăng Long Khúc khải hoàn dang dở xứng đáng là những tiểu thuyết lịch sử hay nhất về những người con của đất Thăng Long - Hà Nội xưa cũng như tái hiện khung cảnh lịch sử của thời kì đó.

Nhà văn của Hà Nội thể kỉ 20

Là người am hiểu lịch sử, văn hoá của Hà Nội đến chân tơ kẽ tóc, nhà văn Tô Hoài đã bồi đắp thêm vào sự sâu sắc, tinh hoa ấy bằng chính những tác phẩm của mình. Bộ tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội của ông gồm: Quê người, Mười năm, Quê nhà là ba mảnh ghép tạo nên một cái nhìn xuyên suốt về Hà Nội trong những năm đầu thế kỉ 20 đến khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi.

Cả ba cuốn tiểu thuyết đều gắn với những kỉ niệm riêng của nhà văn với những quan sát trực tiếp theo cách nhìn riêng về thế giới cũng như quan niệm về hiện thực và con người của nhà văn, đồng thời cùng xoay quanh một vùng quê ngoại (Kẻ Bưởi) của Tô Hoài, nơi ông sinh ra và lớn lên. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996).

Quê người được viết năm 1941, kể về vùng quê bị chiếm đóng trước Cách mạng tháng Tám. Ngòi bút hiện thực của Tô Hoài đã xây dựng chân thực khung cảnh tiêu điều tàn lụi của làng Hạ với những người nông dân cần cù chất phác cam chịu sống nhẫn nhục trong nghèo khó, bao nhiêu ước mơ khát khao được sống hạnh phúc an bình đều như ánh đèn leo lét trong gió, nhưng giữa cảnh nghèo chồng chất ấy, Tô Hoài vẫn thấy ở họ - những người nông dân ngoại thành Hà Nội nét hóm hỉnh, duyên dáng, những chuyện nên thơ tình tứ, những nhân vật chỉ có ở Hà Nội, những câu chuyện chỉ có ở Hà Nội.

Mười năm được viết năm 1957, tiểu thuyết khắc hoạ những người nông dân được tập hợp dưới phong trào Ái hữu thời kì Mặt trận Dân chủ. Họ đã tìm thấy sự tự tin, thấy con đường để thay đổi vận mệnh của chính mình. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức đã nhận xét: “Viết Mười năm, Tô Hoài có ý thức khái quát cả một thời kì lịch sử của một vùng quê dệt cửi qua những chặng đường đấu tranh thời phong trào Ái hữu ở thời kì Mặt trận Dân chủ rồi phong trào Việt Minh sôi nổi thời kì Tiền khởi nghĩa cho đến khi Cách mạng tháng Tám hoàn toàn thành công. Tô Hoài đã khai thác câu chuyện ở làng Hạ với biết bao biến động, đổi thay. Tô Hoài viết về miền đất quen thuộc, gần gũi của quê hương mà ở đấy ông đã sống những ngày nhiều kỉ niệm”.

Quê nhà được viết vào năm 1978, là cuốn sách viết sau cùng trong bộ ba này, nhà văn trở ngược dòng thời gian kể về hoạt động của các nghĩa quân chống thực dân Pháp trong hai lần đánh chiếm Hà Nội. Một số sự kiện lịch sử được nhắc đến gắn với danh nhân lịch sử Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Lưu Vĩnh Phúc…, nhưng nhân vật chính yếu của tiểu thuyết là các anh hùng vô danh - những người dân thường, những người thợ dệt làng Hạ và các phường xóm trong thành ngoài nội đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược.

Những người Hà Nội được đặt vào các khung cảnh khác nhau trong các thời điểm lịch sử của Hà Nội đều thể hiện những phẩm chất cốt lõi của mình. Ngòi bút của Tô Hoài nâng niu những nét đẹp văn hóa tinh tế của Hà Nội từ trong lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, nếp sống dù hoàn cảnh có khắc nghiệt độc giả vẫn nhận thấy sự đáng yêu, dễ thương trong nhân vật, trong câu chuyện của ông lưu giữ phong vị nên thơ trong nếp sống sinh hoạt nơi làng quê.

Bộ ba tiểu thuyết được Tô Hoài viết trong gần 40 năm là tác phẩm tiêu biểu của ông - một người Hà Nội, một nhà văn Hà Nội.

ĐỨC SƠN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)