Giải Nobel Văn học 2021 đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố chiều 7/10 (khoảng 6 giờ chiều Việt Nam) cho nhà văn Abdulrazak Gurnah "vì sự thâm nhập kiên định và nhân ái trong các tác phẩm của ông đối với chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa."
Nobel Văn học 2021 vinh danh nhà văn Abdulrazak Gurnah.
Abdulrazak Gurnah (sinh năm 1948 tại Zanzibar) là một tiểu thuyết gia gốc gác người Tanzania, một đất nước ở phía đông châu Phi, ông chuyển đến Anh vào năm 1968. Ông học đại học và lấy bằng tiến sĩ tại đất nước này. Ông là Giáo sư giảng dạy Văn học Anh tại Đại học Kent cho đến khi nghỉ hưu. Ông sống tại Vương quốc Anh và viết bằng tiếng Anh. Mối quan tâm chính trong sáng tác của ông là viết về thời hậu thuộc địa, chủ nghĩa thực dân, đặc biệt là liên quan đến châu Phi, vùng Caribê và Ấn Độ.
Cho đến nay, ông đã viết khoảng 10 tiểu thuyết và 1 tuyển tập truyện ngắn có nhan đề My Mother Lived on a Farm in Africa (tạm dịch: Mẹ tôi đã sống trên một trang trại ở châu Phi; 2006). Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông là Paradise (tạm dịch: Thiên đường; 1994). Tác phẩm ra đời sau một chuyến đi nghiên cứu đến Đông Phi vào khoảng năm 1990. Đó là câu chuyện sống động về tuổi mới lớn và một câu chuyện tình buồn. Tiểu thuyết này lọt vào vòng chung kết giải Booker và Whitbread Prize của nước Anh. Các tiểu thuyết khác của ông Desertion (tạm dịch: Sự ruồng bỏ; 2005) và By the Sea (tạm dịch: Gần biển; 2001), lọt vào danh sách dài của Booker và danh sách rút gọn Giải thưởng sách của Los Angeles Times.
Ngoài ra, trên cương vị là một học giả, ông cũng có nhiều đóng góp khi biên tập hai tập Tiểu luận về văn bản châu Phi, viết nhiều bài báo về một số nhà văn thời hậu thuộc địa đương thời gồm VS Naipaul, Salman Rushdie và Zoë Wicomb. Ông là biên tập cho cuốn A Companion to Salman Rushdie (Cambridge University Press, 2007)...
Gurnah cũng hướng dẫn các dự án nghiên cứu về cách viết của Rushdie, Naipaul, GV Desani, Anthony Burgess, Joseph Conrad, George Lamming và Jamaica Kincaid.
Nhà văn Abdulrazak Gurnah. Nguồn: The Guardian
Có thể nói, Nobel Văn học là một trong những giải thưởng uy tín nhất hành tinh, được độc giả và giới văn chương đón đợi mỗi năm. Chủ nhân của giải thưởng này hàng năm khiến cho tất thảy mọi người đều chú ý, nhất là những năm gần đây khi lời hứa “đa dạng hóa" giải thưởng này của Viện hàn lâm Thụy Điển được đưa ra.
Một vụ bê bối liên quan làn sóng #MeToo (lạm dụng tình dục) khiến giải thưởng năm 2018 bị hoãn lại. Sự kiện này cũng thổi bùng lên dư luận về việc ưu tiên các ứng cử viên là nam giới và có xu hướng "châu Âu hóa" danh sách chủ nhân giải thưởng. Bởi, trong lịch sử 120 năm tồn tại của giải Nobel Văn học, thì có đến 95 văn sĩ đoạt giải là người châu Âu hoặc Bắc Mĩ, chiếm đến hơn 80%. Pháp là nước sở hữu nhiều giải Nobel Văn học nhất với 15 huy chương. Thêm vào đó, trong số 117 cá nhân được vinh danh thì chỉ có 16 người là phụ nữ.
Để xoa dịu dư luận, Viện Hàn lâm Thụy Điển - cơ quan phụ trách giải thưởng Nobel Văn học - đã đưa ra nhiều tiêu chí mới, đồng thời cam kết sẽ mang tới một giải văn chương toàn cầu hơn và bình đẳng giới hơn.
Kể từ tuyên bố này, hai nữ tác giả đã được tôn vinh tại Nobel văn chương, đó là tiểu thuyết gia người Ba Lan Olga Tokarczuk (đoạt giải năm 2018) và nhà thơ Mĩ Louise Gluck (năm 2020).
Năm nay, có nhiều gợi ý cho người sẽ là người phụ nữ thứ 17 đoạt giải trong lịch sử như Joyce Carol Oates và Joan Didion (Mĩ), Anne Carson (Canada), Lyudmila Ulitskaya (Nga), Can Xue (Trung Quốc), Maryse Conde và Annie Ernaux (Pháp), và nữ tiểu thuyết gia có bút danh Elena Ferrante (Ý).
Song, sự chiến thắng của tiểu thuyết gia, học giả Abdulrazak Gurnah, phần lớn đã đáp ứng các tiêu chí mà Viện hàn lâm Thụy Điển hướng đến.
Tiểu thuyết Paradise (tạm dịch: Thiên đường) của Abdulrazak Gurnah.
Trước đó, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) ngày 4/10 đã trao giải Nobel Y học năm 2021 cho các nhà khoa học Mĩ David Julius và Ardem Patapoutian vì phát hiện ra các thụ thể trên da cảm nhận nhiệt độ và xúc giác và có thể mở đường để phát triển phương pháp điều trị cho các loại bệnh, trong đó bao gồm cả đau mãn tính. Ngày 5/10, ba nhà khoa học được Viện Hàn lâm Thụy Điển vinh danh trong giải Nobel Vật lí năm 2021 đó là: Syukuro Manabe, Klaus Hasselmann và Giorgio Parisi cho những nghiên cứu về các hiện tượng hỗn loạn và có vẻ ngẫu nhiên. Syukuro Manabe và Klaus Hasselmann đặt nền móng cho tri thức của nhân loại về khí hậu Trái Đất và tác động của con người. Trong khi đó Giorgio Parisi được vinh danh nhờ những đóng góp mang tính đột phá cho lí thuyết vật liệu hỗn độn và các quá trình ngẫu nhiên. Ngày 6/10, giải Nobel Hóa học 2021 xướng tên hai nhà khoa học Benjamin List và David W.C. MacMillan với “công trình nghiên cứu liên quan tới quá trình phát triển một hình thức xúc tác hữu cơ không đối xứng (asymmetric organocatalysis). Mùa giải Nobel năm 2021 sẽ tiếp tục với lễ công bố các giải Nobel Hòa bình ngày 8/10 và Nobel Kinh tế vào ngày 11/10. Do ảnh hưởng của Covid 19, năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm, Thụy Điển sẽ không thể diễn ra như mọi năm, mà sự kiện sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình, phát đi trực tuyến. Theo thông báo ngày 23/9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ. |
NGỌC HIÊN dịch
VNQD