Để khẳng định, công việc sáng tạo của người nghệ sĩ không phải sự bất lực trước nỗi tuyệt vọng mà là tìm liều thuốc giải cho nỗi trống rỗng của sự tồn tại và sự khốc liệt của thực tại, các hoạ sĩ trong nhóm Đa diện đã trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Triển lãm Đa diện 6 đã khai mạc sáng 1/11/2012 tại Hà Nội.
Đa diện 6 có sự tham gia của bảy hoạ sĩ: Nguyễn Công Hoài, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng Rô), Khổng Đỗ Duy, Chu Việt Cường, Nguyễn Minh (Minh Phố) và Tào Linh. Các hoạ sĩ giới thiệu với công chúng gần 60 tác phẩm được sáng tác trong thời gian đại dịch. Trong thời gian dài bị cách li, bị cô lập với xã hội, dường như con người tìm tới nghệ thuật nhiều hơn. Sự trở lại của Đa diện như một lời khẳng định nhu cầu giao tiếp nghệ thuật của không chỉ các nghệ sĩ trong nhóm mà của tất cả mọi người.
Tác phẩm của hoạ sĩ Tào Linh.
Đúng như cái tên Đa diện, các nghệ sĩ đã coi nghệ thuật là một khối đa diện, họ tìm kiếm con đường riêng khác để làm nên diện mạo của mình trong sự đa diện ấy bằng những nỗ lực mang đầy màu sắc cá nhân. Đa diện tôn trọng mọi xu hướng hội họa, mọi tìm tòi cũng như cách thể hiện và chất liệu.
Theo hoạ sĩ Doãn Hoàng Lâm chia sẻ: Mỗi lần triển lãm là một lần Đa diện làm mới mình. Dịch bệnh đã làm cho các hoạ sĩ đào sâu hơn vào con đường mà mình đã chọn. Mỗi người tự đổi mới trong cách nghĩ, cách vẽ của mình để đem đến một triển lãm ấn tượng. Với cá nhân Doãn Hoàng Lâm, anh muốn mượn ngôn ngữ hình thể để kể những câu chuyện về đời sống, số phận của con người thông qua biểu cảm, cảm xúc, cá tính. Phong cách biểu hiện đã giúp anh đem đến ấn tượng mạnh cho người xem.
Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng.
Ở Đa diện mỗi hoạ sĩ theo đuổi một phong cách sáng tác khác nhau và ai cũng muốn thể hiện đến cùng phong cách của mình, điều đó làm cho Đa diện thực sự là một triển lãm mĩ thuật đem lại nhiều cảm xúc cho công chúng. Nguyễn Công Hoài và Doãn Hoàng Lâm gần nhau trong phong cách biểu hiện, đề cao cảm xúc mạnh. Nguyễn Mạnh Hùng tìm tòi bất tận trong phong cách trừu tượng, anh biến tấu đào sâu vào kĩ thuật làm cho hình thức tác phẩm trở nên mới lạ. Tào Linh cũng là phong cách biểu hiện theo một cách riêng, bề ngoài tác phẩm có vẻ nhẹ nhàng nhưng ẩn sâu bên trong là sự rốt ráo tìm tòi đau đáu về nghề trong những đổi mới của tạo hình. Chu Viết Cường trung thành với sơn mài hiện thực, nhìn tưởng dễ nhưng thực ra rất khó và kì công, hoạ sĩ phải thích thú yêu mến phong cảnh mới đào sâu hết nhẽ được. Nguyễn Minh tìm ngôn ngữ phố trong hình kỉ hà đơn giản, đưa về các hình vẽ hình học đơn giản nhưng mà có sự cân đo đong đếm tỉ mỉ về màu sắc, hoà sắc để tạo nên hiệu quả thị giác rất cao. Khổng Đỗ Duy là người thay đổi lớn nhất trong lần này, trước đây anh theo chủ nghĩa lãng mạn có tính của chủ nghĩa ấn tượng phong cảnh, lần này đề tài anh theo đuổi vẫn như vậy, xuất phát từ cảm xúc/ cảm hứng nhưng các tác phẩm mang tính biểu cảm cao hơn, màu sắc mạnh hơn do nội lực bên trong và sự chín muồi.
Tác phẩm của hoạ sĩ Khổng Đỗ Duy.
Nói về các tác phẩm của mình, hoạ sĩ Khổng Đỗ Duy cho biết: với tám bức tranh được vẽ trong giai đoạn mới nhất anh đều vẽ bằng sơn dầu. Đây là những tác phẩm được kết hợp yếu tố dân gian và hoài niệm. Anh vẽ những gì gắn bó gần gũi nhất với mình, những đồ vật xưa như bức bình phong là đặc trưng của người Việt, cây sung gắn liền với tuổi thơ… Điều này đem đến cho các tác phẩm một cảm xúc chân thực nhất. Hoạ sĩ đã kể một câu chuyện thông qua các bức tranh, đó là vệt hồi ức. Khổng Đỗ Duy nhấn mạnh: “Đời sống đã nhiều lo lắng, đau khổ, bấp bênh nên tôi muốn kể những điều tươi vui, ấm áp, lành mạnh để mọi người hướng đến sự nhẹ nhàng, hi vọng nhưng cũng lắng đọng về cuộc sống này”.
Không ai vẽ về đại dịch nhưng các hoạ sĩ đều suy tư, chiêm nghiệm về sức sống của nghệ thuật trong đại dịch. Biến cố của đời sống thực tại làm cho nghệ thuật trở nên ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn với rất nhiều người, mặc dù, nghệ thuật vốn luôn luôn là một giá trị bất biến.
Các tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Minh
Triển lãm kéo dài đến 7/11/2021 tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
HOÀI PHƯƠNG
VNQD