Dòng chảy
THE BOOKER PRIZES 2021 - TÁC PHẨM NÀO SẼ ĐƯỢC VINH DANH? - Bài 6

“No One Is Talking About This” - Tiếng nói mới cho những đề tài và vấn đề mới

Thứ Sáu, 29/10/2021 08:21

Sự vụ bê bối của Mark Zukerberg và Facebook gần đây trong việc bảo mật thông tin hay vụ tấn công vào Điện Capitol của những người ủng hộ Trump hồi tháng một vừa rồi thông qua Twitter đã phần nào cho thấy những tác động sâu sắc của truyền thông - mạng xã hội lên bất cứ một cá nhân nào. Là nhà thơ, nhà viết tiểu sử nổi lên từ tác phẩm đầu tay Priestdaddy, No One Is Talking About This (tạm dịch: Không ai nói về điều này) của Patricia Lockwood có thể làm nản lòng bất cứ ai trông đợi về một chủ đề thông thường trong lối viết kiểu cũ.

Loạt bài trong chủ đề:

Bài 1: "The Promise" - Một bản sử thi về gia đình hiện đại

Bài 2: "Bewilderment" - Những nghi ngại về tương lai bất định

Bài 3: “A Passage North” - Sóng ngầm của những mất mát, đau thương

Bài 4: "The Fortune men" - Những ám ảnh sắc tộc

Bài 5: "Great Circle"- Vòng tròn vô tận

Được vào danh sách rút gọn của giải Women’s Prize for Fiction lẫn Booker 2021, No One Is Talking About This lạ lẫm, ương ngạnh, khó chịu nhưng cũng đầy thách thức. Được so sánh với Nora Ephron - cây viết cho những vấn đề phụ nữ (già lão, trung niên), Patricia Lockwood sở hữu trong mình một sự quan sát sâu sắc và bền gan với những vấn đề mới, nổi cộm dễ gây tranh cãi - về cái nôi mới của các phong trào và thời đại này.

CỔNG THÔNG TIN

Cốt truyện bám theo một người kể chuyện giấu tên, được Patricia tiết lộ như là ngôi sao trên mạng xã hội. Người phụ nữ này bắt đầu phổ biến khi đăng lên một dòng tweet “Liệu một con chó có thể sinh đôi được không?” và ngay lập tức, những cơn bão trái chiều nổi lên. Chính câu hỏi tưởng như vô thưởng vô phạt ấy đã giúp cô ta tham gia diễn thuyết khắp nơi, về cổng thông tin, về những gì đang diễn ra, nổi tiếng và trở nên phổ biến.

Tiểu Thuyết "No One Is Talking About This".

Hẳn nhiên không chỉ một người trên sân khấu ấy, mà có đến hàng trăm, hàng nghìn những người dẫn đầu xu hướng như thế trên các diễn đàn hàng năm vòng quanh thế giới. Patricia viết phần đầu này của cuốn sách tưởng như vô tận, mà phần lớn được tạo đúng bằng độ dài của một dòng tweet của “con chim xanh”. Với phông nền là một nhà thơ, nhiều nhà phê bình gọi No One Is Talking About This là sự cách tân thơ ca theo khuynh hướng hậu hiện đại. Nhưng nhiều khi chính những người ấy cũng nằm trong số những cổng thông tin, với các diễn giả đi qua đi lại trong vẻ ngờ vực vô nghĩa lí.

Nếu Rupi Kaur từng viết Sữa và mật gây sốt khi kết hợp được những nét vẽ sketch line – art cùng những dòng thơ súc tích, ngắn gọn vừa vặn cho một khung hình của instagram; thì việc Patricia mô phỏng lại chuỗi những tweet dùng trên twitter cũng không mấy xa lạ. Cô xáo trộn chúng, cho chúng xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Rời rạc, khép kín nhưng đều hướng về những trần thuật tự thân. Có thể thấy những chương đoạn Patricia một cách tham vọng viết ra có phần kinh dị và đầy phi lí. Đôi khi chúng là những câu chuyện cười, một vài ghi chú, những câu hỏi, một lời hồi đáp… nhưng hầu như rất khó phân định là của ai viết và dành cho ai vào những lúc nào.

Bản chất lộn xộn và vô nghĩa này cũng hàm ẩn trong những dụ ngôn được thể hiện thô, chưa qua tinh chỉnh, những tưởng ngẫu nhiên nhưng dường như hàm chứa một điều gì đó như nghệ thuận sắp đặt. Những ví dụ như “Tôi tin chắc rằng thế giới mới này ngày càng đầy tràn”, “Tại sao những cổng thông tin lại là riêng tư, khi bạn vẫn luôn đăng nhập mỗi khi mình cần, mọi nơi mọi lúc?”, “Những biểu đồ tròn hiện trên màn hình cho tôi biết được mình đã dành bao nhiêu thời giờ tranh cãi với người mình chưa từng gặp” hay “Cái thế giới này đang tiến ngày càng gần hơn và gần hơn nữa, mà mạng lưới (spider-web) kết nối con người ngày càng dày hơn và rắn đanh lại như một loại lụa (silk).”

QUÁI VẬT GẦM THÉT

Phần 1 cứ thế tiếp diễn với hàng lô, hàng lốc những lời tự sự như được nhặt ra từ khắp mọi nơi trên địa cầu này. Tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng đến phần 2, Patricia đã tiến xa hơn khi tìm cách gom chúng chung về một mối, để hiểu rõ hơn những gì đang xuất hiện. Chuyển từ trọng tâm chính là nhân vật không tên sang em gái mình – người mà “sống đời sống ít trớ trêu hơn mình đến 200%” - đang mang thai, nhưng tồi tệ hơn, đứa bé này bị mắc hội chứng Proteus, khiến các mô ở vài cơ quan phát triển không đúng tỉ lệ. Mà ở trường hợp này là đầu em bé quá lớn. Người mẹ khó thể sống sót sau khi sinh ra, trong khi đứa trẻ cũng không khả quan mấy với tương lai của mình.

Một sự đồng nhất những gì diễn ra giữa Internet và cổng thông tin - những thứ nhân tạo, với đứa con - cũng nhân tạo nốt, như một dụng ý ngầm của những gì vẫn đang diễn ra. Cũng từ phôi thai rồi thành lớn mạnh, những gì nuôi dưỡng đứa bé chính là dưỡng chất phía trong người mẹ, trong khi với Internet, đó chính là những thóa mạ, câu từ vô thưởng vô phạt, làm tổn thương nhau và hư hại nhau. Con người nuôi dưỡng đứa bé với hết lòng thương yêu, ngược lại, Internet được nuôi lớn mình bằng sự thù hằn, gian xảo, dối trá.

Những gì trôi nổi trên tảng băng ấy được Patricia ghi lại luôn là nghi ngại. “Cô đã rất vui nhưng vào mỗi đêm lại thành lo lắng, vì không có một căn cứ thật chuẩn xác nào cho biết rằng đã đủ hay chưa”,“Dường như hiện tại không phải là đời sống thực, thật vậy ư, nhưng những ngày này, cái gì mới là thật chứ?”. Con người trôi nổi trong không gian ấy dường như buông thả. Họ bị dẫn dắt bởi chính truyền thông, tự buông xuôi mình và buông xuôi người. Trong họ luôn là những cảm xúc bị kìm nén trong những mạng lưới, khe nứt, mạng nhện… để rồi cuối cùng chiếc cổng thông tin như nơi rủa xả, là chiếc thùng rác thu lại những gì tràn ra, và dẫn đến, những gì tồn tại trong đó chỉ là chán chường.

Nhà văn, nhà thơ Patricia Lockwood. Nguồn: The Guardiab

Một cách ẩn sâu, Patricia cũng ghi lại được sự phức tạp của con người. Chẳng hạn như “Chủ nghĩa tư bản! Bạn ghét nó, nhưng lại kiếm tiền từ nó”, “Đó là sai lầm khi tin người khác sống không sâu sắc bằng bạn. Nhưng ở mặt khác, bạn cũng chưa bao giờ sống đậm nét hơn”, “Nhật kí của những người kia mở ra ngay trước mắt bạn” hay “Hãy nghĩ về cơ thể mình khi nó tăng lên từ 1 cho đến 2 độ… đó gọi là sốt và ta có thể chết đi nếu nó kéo dài suốt một tuần lễ. Nhưng hãy nghĩ đến đại dương qua hàng năm trời tăng lượng nhiệt đó… Muốn cười phá lên.”

Những nghi ngại, phức tạp và kìm nén đã dụng mình để nuôi con quái thú của hội chứng Proteus lớn lên, để một ngày kia nó sẽ thực bào ăn luôn vật chủ. Mạng Internet là thế, nguy hại và đầy gian truân. Nó thay hình đổi dạng, muôn phương vạn hướng theo kiểu phi tuyến không theo điều kiện. Cũng như lòng người, như những nhận xét hay các đánh giá về những gì vẫn đang diễn ra. Từ đó phản ánh đời sống của con người hiện nay hoàn toàn nhân tạo. Họ trống rỗng, xốp nhẹ - những tưởng tiếp thu được hết mọi thứ, nhưng hóa ra không có gì là thật, không có gì trường tồn, duy trì và lớn mạnh mãi. Như nhà trào lộng Machado De Assis người Brazil từng viết trong Nghệ thuật làm ông lớn rằng: “mức độ trống rỗng tinh thần hoàn hảo rất cần thiết cho cái nghề nghiệp cao quý này”

Là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của một cây viết đầy thể nghiệm, No One Is Talking About This có thể gây ra bất cứ sự tranh cãi nào, bởi nhẽ, cũng vốn như bản chất của những dòng tweet hay cổng thông tin, nó không thật, giả hiệu và đầy che đậy. Trào lộng như Machado De Assis nhưng cũng sâu sắc như Nora Ephron, Patricia Lockwood thật sự đột phá nhưng cũng đồng thời lột bỏ gông xiềng. Là tiếng nói mới cho những đề tài và vấn đề mới. Lạ lẫm, huyễn hoặc và gây nhiều tranh cãi. Nhưng nhiều khi tranh cãi cũng là ngợi khen, bởi nó mang được hiệu ứng trong thế hệ này.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)