Tối 22/12/2021 Alpha Books đã tổ chức online chương trình Chiến trường và những khoảnh khắc sinh tử. Đây là chương trình nằm trong chuỗi Midnight Talk - là các buổi trò chuyện về lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục diễn ra hằng tuần, với mong muốn tạo ra không gian để cùng bàn luận, chia sẻ, phát triển kiến thức.
Buổi talk show Chiến trường với những khoảnh khắc sinh tử được tổ chức nhân dịp kỉ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng thời cũng là để giới thiệu thêm những cuốn sách về đề tài chiến tranh, trong đó có cuốn sách Đội trinh sát và con chó Sara viết về chiến tranh biên giới Tây Nam của nhà văn Trung Sỹ do Thương hiệu Sống thuộc Alpha Books xuất bản đạt giải C sách Quốc Gia vào tháng 11 vừa qua.
Các khách mời tham dự buổi Talk: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Trung Sỹ, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Anlpha Books, Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Toàn, nhà thơ Lữ Mai (điều phối chương trình), nhà văn Vũ Công Chiến.
Những khoảnh khắc sinh tử
Nhắc đến những cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập của dân tộc, có lẽ chúng ta đều nghĩ đến những chiến công lừng lẫy vang dội đã được lịch sử khắc ghi, nhưng bên cạnh đó còn là những chiến trường khốc liệt với những khoảnh khắc sinh tử của người lính. Chiến trường nào cũng khốc liệt, chiến thắng nào cũng đánh đổi bằng máu xương của những người lính, của những người con đất Việt. Trong chương trình, các khách mời đặc biệt là những người cầm súng trong chiến tranh, cầm bút trong hoà bình đã tái hiện những kí ức đáng nhớ nhất, những khoảnh khắc sinh tử của chính mình và đồng đội ở các chiến trường họ đã trực tiếp tham gia chiến đấu.
Nhà văn Vũ Công Chiến, tác giả của cuốn sách Chúng tôi thời hậu chiến, Hồi ức lính (giải thưởng Văn xuôi Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017) chia sẻ: “Tôi tham gia kháng chiến chống Mĩ, góp một nét rất nhỏ trong bức tranh lớn của chiến tranh. Lúc đó miền Bắc không gia đình nào là không có người tham gia chiến tranh. Đã có rất nhiều hi sinh, mất mát. Trai Hà Nội lúc đó rất kiêu hùng, “chết xanh cỏ sống đỏ ngực”, ai cũng tâm niệm mình phải là người chiến sĩ chiến đấu. Khi đặt chân đến Trường Sơn, chưa giáp mặt quân thù nhưng chúng tôi đã hiểu thế nào là chết chóc. Một đại đội bị lộ thì không ai sống sót được bởi bom toạ độ, rồi những trận sốt rét cũng cướp đi rất nhiều bộ đội. Những lằn ranh sinh tử xuất hiện ngay khi chưa đối mặt với quân địch. Chúng tôi chỉ biết cầm súng chiến đấu theo mệnh lệnh cấp trên và hơn hết là mệnh lệnh trái tim và luôn xác định mình có thể chết bất cứ lúc nào”.
Những hồi ức chiến tranh đầy ám ảnh trở về trong trí nhớ của nhà văn, người lính Vũ Công Chiến. Ngày 1/4/1975, khi quân ta đang trên đà chiến thắng, ông cùng đồng đội đang giải phóng thị xã Tuy Hoà, ba người đồng đội ngồi trên chiếc xe tăng T54 chạy đầu tiên bị một quả rốc két M72 bắn, họ đã hi sinh khi ngày chiến thắng đã đến rất gần. Người lính không tránh được những khoảnh khắc sinh tử đó, có khi đồng đội đang ở xung quanh, chỉ một tiếng nổ, ông nhìn quanh đã chỉ thấy còn một mình mình. Cảm giác xót xa vì thương tiếc đồng đội, vì còn lại chỉ mình thôi sẽ chiến đấu thế nào. Ám ảnh nhà văn Vũ Công Chiến nhất chính là trận đánh đầu tháng 12/1972, trong trận đánh ở bản Bốc, chốt bốn người của ông đã tiêu diệt được một tốp địch. Chúng tiếp tục tấn công và khi phát hiện hầm của bộ đội đã bắn DK sập hầm. Khi tỉnh lại, ba đồng đội của ông đã hi sinh. Ông cõng đồng đội qua sông, không thể khóc được nhưng cảm giác đau xót ấy không bao giờ quên được. Trận đánh nào trong chiến tranh cũng ác liệt, bởi địch hơn chúng ta về vũ khí, lực lượng. Nhưng vượt qua tất cả các ông đã chiến đấu, trước hết là vì tình đồng đội. Đồng đội đã gắn bó với nhau bởi gian khổ thiếu thốn và hi sinh vì nhau. Nhà văn Vũ Công Chiến khẳng định: “Sự lớn lao đáng nhớ nhất của chúng tôi là tình đồng đội”.
Nhà văn Trung Sỹ thổi một khúc nhạc kỉ niệm tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh.
Nhà văn Trung Sỹ, tác giả của Chuyện lính Tây Nam, Hà Nội mũ rơm tem phiếu, Đội trinh sát và con chó Sara, người đã chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam chia sẻ: “Khi chiến tranh chống Mĩ kết thúc, tôi cứ nghĩ từ nay sẽ không còn kẻ thù nào dám xâm lược chúng ta. Tháng 12/1978 chúng tôi đã nhận ra chiến tranh thực sự. Chiến trường Tây Nam rất khác từ đối tượng tác chiến đến cách đánh… Trước khi tôi vào một tháng, các anh kể rất khốc liệt. Có đến 4, 5 sư đoàn Kh'mer Đỏ đánh sư đoàn tôi. Tháng 3/1979, đại đội 1 anh hùng, tiểu đoàn tôi là tiểu đoàn anh hùng nhưng đã bị tập kích bất ngờ, chúng tôi phải bỏ tử sĩ để rút lui, khi đánh lên cướp lại thì anh em bị địch bắn giết rất dã man. Những ngày tháng chiến đấu ấy đã có rất nhiều điều xảy ra nhưng thật khó nói. Một thiếu niên Khmer Đỏ có thể cầm súng bắn chúng tôi nhưng một bà mẹ bên phía họ lại là người chỉ chúng tôi nơi chúng ẩn náu. Mọi thứ đan cài vào nhau, rất khó diễn tả, khó kể lại được rành rọt cảm giác ấy…”
Thứ mà chiến tranh để lại không chỉ là hòa bình mà ở một góc khuất nào đó, nó ghim lại trong kí ức người lính những khoảnh khắc sinh tử hào hùng, bi tráng và cả những nỗi đau, sự mất mát. Qua câu chuyện của những người lính, chúng ta hôm nay sẽ hiểu sâu sắc hơn về câu chuyện của những người lính chiến, những bí mật thường bị lãng quên nơi chiến địa hay câu chuyện về số phận người lính thời bình.
Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Toàn kể, ông lên đường năm 1971 khi đang là sinh viên năm 4 khoa Toán trường Tổng hợp Hà Nội. Trong kí ức của ông, chiến trường Quảng Trị là máu, nước mắt và bùn, ông bị thương nhưng vẫn sống, quanh ông đồng đội lần lượt ngã xuống…
Viết để trả nợ
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bày tỏ cảm xúc khi tham dự talk: Những người lính trở về luôn mang món nợ tinh thần, họ thấy mình mắc nợ với đồng đội nhưng không phải ai cũng viết ra được. Các nhà văn từng là người lính họ viết như để trả nợ, để trang trải lòng mình, trả nợ đồng đội đã ngã xuống, sau mới là để cho con cháu trong nhà biết về quá khứ và để bạn đọc biết thêm về chiến tranh. Những cuốn sách như thế sẽ bổ sung cho những cuốn sử. Không ai muốn làm lính ra trận mà tình thế bắt buộc chúng ta phải cầm súng. Chúng ta viết về chiến tranh không phải để ca ngợi mà để chúng ta tưởng nhớ người ngã xuống và soi vào cuộc sống hôm nay. Sự khốc liệt rùng rợn mà họ đã trải qua khiến chúng ta thêm cảm phục các nhà văn. Những kí ức mà họ không thoát ra được họ đã viết ra để người sống hay người mất đều được chia sẻ.
Cuốn chúng tôi thời hậu chiến của nhà văn Vũ Công Chiến đã kể về những người lính sau chiến tranh một cách chân thực, sâu sắc. Ông viết để kể số phận mỗi người lính, người đồng đội của ông. Và viết để tri ân. Những người lính đã bước vào cuộc chiến khi họ còn rất trẻ, đó cũng là bước chân đầu tiên vào đời của họ. Cuộc sống của lính đã rèn luyện họ, cho họ kinh nghiệm đối mặt và vượt qua như thế nào… Tất cả đã được nhà văn viết lại bằng câu chuyện và cảm xúc của chính mình. Những đồng đội trong lúc gian khổ quá hay trước lúc hi sinh đều gọi “Mẹ ơi!”. Kí ức ấy đã găm sâu vào lòng nhà văn để khi trở về từ chiến trường, điều đầu tiên là ông quỳ xuống ôm chân mẹ. Ông suy nghĩ rất nhiều về việc mình trở về. “Mẹ tôi ôm tôi khóc rồi thôi, còn những người mẹ cầm giấy báo tử khóc đến cạn nước mắt mà con họ không thể trở về. Đã nhiều đồng đội hi sinh nhường cho tôi được trở về với mẹ…”. Vũ Công Chiến viết để tri ân đồng đội, viết để kể về số phận đồng đội cũng là kể với đồng đội cuộc sống của mình. Ông và những người trở về vẫn sống như một người lính Cụ Hồ. Mỗi người bươn trải một cuộc sống nhưng họ vẫn sống vì đồng đội và giữ phẩm chất của anh bộ đội, không bị sa ngã vì vật chất.
Với Đội trinh sát và con chó Sara, nhà văn Trung Sỹ lại viết về những người lính ở một góc nhìn khác. Cuốn sách thuộc loại tiểu thuyết chiến tranh, thông qua câu chuyện về chú chó Sara được một anh bộ đội Việt Nam nhặt được trên vỉa hè gần bến cá ở Kampong Ch’nang, Campuchia. Nhờ cặp móng huyền đề, sự thông minh, nhanh nhẹn và sự trung thành, Sara thoát khỏi món “rựa mận” và gia nhập vào “đời lính”. Một trang sử được lột tả một cách chân thật và gần gũi thông qua những mẩu chuyện xung quanh chú chó Sara và các anh bộ đội Việt Nam trong quá trình đấu tranh chống lại tội ác diệt chủng của Kh’mer Đỏ. Nhà văn Trung Sỹ nói: người lính không được chọn cho mình chiến hào mà là lịch sử đã chọn. Chiến trường tây Nam đầy khốc liệt đã đi vào trang sách của ông như một cách để thêm một lần nữa ông sống lại tuổi trẻ, một lần nữa sống cùng với đồng đội của mình, cả những đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.
Đọc những cuốn sách trên chúng ta thấy rõ sự tài hoa của các nhà văn, nhưng cũng ở đó thấm đẫm sự trải nghiệm chiến tranh với những lằn ranh sinh tử rõ rệt mà mong manh mà nếu không trực tiếp trải qua họ sẽ không thể viết được như thế. Vũ Công Chiến và Trung Sỹ là những người lính chiến lão luyện, dày dạn kinh nghiệm chiến trường nay trở thành những người viết, bởi có những động lực thôi thúc từ bên trong, bởi món nợ đồng đội mà họ luôn canh cánh trong lòng.
KIM NHUNG
VNQD