Dòng chảy

Ra mắt sách tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Chủ Nhật, 10/10/2021 06:30

 Nhân dịp ra mắt hai cuốn sách Tiếng người trong văn, là di cảo của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Xuân Khánh - một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi - tập hợp những bài viết về con người và tác phẩm của ông, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến tưởng nhớ nhà văn vào sáng 9/10/2021.

VĂN CHƯƠNG PHẢI THỨC DẬY TIẾNG NGƯỜI

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (1933 - 2021) nổi tiếng trong hai mươi năm qua khi ông quay lại văn đàn với những cuốn tiểu thuyết đồ sộ viết về lịch sử phong tục văn hoá Việt Nam. Không thể không nhắc đến các tác phẩm của ông trong dòng chảy của văn học Việt Nam: Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, Chuyện ngõ nghèo. Cuốn sách Tiếng người trong văn là di cảo của nhà văn để lại, được gia đình gửi đến Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, đây được xem là cuốn hồi kí của nhà văn viết về cuộc đời mình, viết về các bạn văn của ông cũng như văn nghiệp của ông. Cuốn sách Nguyễn Xuân Khánh - một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi là chân dung và tác phẩm Nguyễn Xuân Khánh trong mắt bạn bè và các nhà nghiên cứu văn học đương thời.

Các khách mời tham dự buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh chụp màn hình

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, nơi được in hầu hết các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi ông trở lại với văn đàn chia sẻ: Qua các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh chúng ta thấy sức mạnh của những trí thức nặng lòng mong đất nước đổi mới phát triển hơn. Đọc Nguyễn Xuân Khánh chúng ta học được sự trăn trở của người trí thức trước thời cuộc, tình cảm thiết tha yêu mến của nhà văn với văn hoá lịch sử đất nước, tình cảm sâu sắc với những người bà, người mẹ,… tinh thần thông điệp tác phẩm gửi gắm thông qua văn hoá. Bạn đọc của ông ở mọi lứa tuổi có thể học ông ở những góc nhìn, sự tiếp cận khác nhau. Ông đã để lại tình yêu văn hoá, văn chương trong lòng bạn đọc.

Cổ Nhuế và Thanh Nhàn là hai vùng quê ven Hà Nội, nơi in dấu ấn cuộc đời và dấu ấn văn chương Nguyễn Xuân Khánh. Trong cuốn hồi kí, đoạn viết tặng người anh họ giống như bản sơ yếu lí lịch của nhà văn. Tuổi thơ cơ cực, hoàn cảnh éo le nhưng dường như điều đó đã hun đúc nên một nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sau này. Qua đó cũng hé lộ tác phẩm đầu tiên ông viết là tiểu thuyết Rạng đông nhưng không được xuất bản và sau này đã thất lạc. Truyện ngắn Một đêm đoạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, (không có giải Nhất) vào năm 1958 chính là dấu mốc văn chương đầu tiên của nhà văn. Tập Rừng sâu in năm 1963 và được Nhị Ca viết bài đăng ở Tạp chí Nghiên cứu Văn học đã khẳng định tài năng văn chương của Nguyễn Xuân Khánh từ giai đoạn đó.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định: Tiếng người trong văn cho ta thấy, ta biết, ta gặp một Nguyễn Xuân Khánh trong cuộc đời thường và cuộc đời văn chương, từ cảnh ngộ riêng của ông đến cảnh ngộ riêng của các bạn ông, trong những vui buồn sướng khổ của kiếp nhân sinh và kiếp văn nhân, để rồi mỗi người trong số họ đều đã mang vác trọn cây thánh giá của mình đi đến cuối con đường sống, con đường văn. Một hành trình làm người, làm văn trải qua những “vết cắt”. Có thể đọc cuốn sách này theo ba “vết cắt”: thứ nhất là cuộc đời nhà văn, thứ hai là cuộc đời các bạn văn, thứ ba là hành trình văn chương của Nguyễn Xuân Khánh.

Tiếng người trong văn, hiện lên sâu đậm những câu chuyện thời thơ ấu của Nguyễn Xuân Khánh, kí ức về người mẹ thân yêu và những người thân thiết có ảnh hưởng rất lớn tới đời văn của ông. Ở đó còn là kỉ niệm với những đồng nghiệp tên tuổi như Tô Hoài, Vũ Bằng, Trần Dần, Lê Bầu, Dương Tường, Châu Diên... mà giờ đây phần lớn họ đã là người thiên cổ. Những câu chuyện lần đầu được kể, như chuyện cuốn sách đầu tiên đã bị thất lạc, khó có thể là cuốn “độc đáo” nhưng kỉ niệm về nó “tươi roi rói”, chuyện cuốn Làng nghèo viết ở Trại sáng tác Thanh Liệt cũng chỉ “trung bình thôi”, giờ không nên in. Và nhất là “chuyến phiêu lưu” li kì của bản thảo Trư cuồng, mà sau này có người cho rằng để xuất bản được cũng thật là một kì tích... Qua những lát cắt đó, với quãng thời gian từ lúc nhà văn chỉ mới là cậu thiếu niên vô tư và nhiệt huyết, yêu thi ca và cách mạng, đến lúc thành lão nhà văn ở đầu thế kỉ 21, người đọc sẽ nhận ra chuyện riêng mà cũng là chuyện chung của cả đất nước trong một thời đoạn lịch sử trải từ chiến tranh vắt qua Đổi mới. Những éo le thời cuộc, những gian khổ nghề cầm bút, những trăn trở làm người và xây đời… của một trí thức đích thực, của một nhà văn lớn được chia sẻ giản dị, gọi đúng tên trong cuốn sách này. Một con người, cả đời mang “tấm lòng trong” và trí tuệ sáng, làm ngời lên Tiếng người trong văn, như nhà văn đã cảm thán, “văn chương phải thức dậy tiếng người, phải có tiếng người trong văn”.

CHIỀU SÂU VĂN HOÁ CỦA MỘT TÀI NĂNG

Tham dự buổi giao lưu trực tuyến, nhà văn Hoàng Quốc Hải bày tỏ sự xúc động bởi ông là người cùng thời với Nguyễn Xuân Khánh, chứng kiến nhiều thăng trầm của Nguyễn Xuân Khánh. Ông nói: “Đối với nhà văn chân chính, không khó khăn nào cản trở được anh. Khó khăn sẽ trở thành trải nghiệm cho đời văn. Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn như vậy, ông không đưa hận thù vào văn chương. Ông đã tìm được diễn ngôn đa thanh, đọc ông chúng ta sẽ trải qua mọi cung bậc của cảm xúc con người. Nhưng sau tất cả ta thấy được ở ông, quan trọng nhất là sự nhân ái, cao thượng. Ông là nhà văn lớn. Nhà văn lớn sẽ làm cho bạn đọc lớn lên sau khi đọc tác phẩm, vì đó là tác phẩm có tư tưởng”.

Cuốn sách Nguyễn Xuân Khánh - một nụ cười mỉm, một nghiệp văn xuôi đã tuyển chọn dày dặn các bài viết hay về đời văn Nguyễn Xuân Khánh. Đọc cuốn sách này, bạn đọc có thể thấy được toàn bộ thông tin về con người và sự nghiệp của ông, một cuộc đời đầy những thăng trầm và một sự nghiệp đồ sộ tuy đầy chông gai. Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn Hà Nội, sinh ra, lớn lên và gắn bó với Hà Nội cả cuộc đời. Ông sống cùng lịch sử Hà Nội từ những năm chống Pháp đến đương đại, và có thể nói ông là một trong những trí thức Hà Nội có cuộc đời và sự nghiệp hiếm có.

Phần đầu của sách, qua những bài viết của Châu Diên, Dương Tường, Trịnh Y Thư, Hồ Anh Thái,… người đọc có thể hình dung rất rõ tâm thế và nhân cách nhà văn của ông, đồng thời hiểu biết thêm nhiều về sinh hoạt tư tưởng - văn nghệ một thời. Phần sau là những bài nghiên cứu của các cây bút lí luận văn học hàng đầu hiện nay về các tác phẩm văn chương của ông, những cuốn tiểu thuyết đồ sộ đã được đón nhận nhiệt liệt từ cả giới chuyên môn và đông đảo bạn đọc suốt mấy chục năm qua, với các giải thưởng văn chương danh giá nhất nước.

Tiến sĩ văn học Đoàn Ánh Dương, người biên soạn cuốn sách này cho rằng: có thể đọc Nguyễn Xuân Khánh từ những lí thuyết của văn học phương tây. Tuy nhiên khi viết ông chỉ quan tâm đến sự chuyển giao văn hoá, và theo đuổi nó trong tất cả các tác phẩm.

Có thể chia nghiệp văn của Nguyễn Xuân Khánh thành ba giai đoạn rõ ràng. Giai đoạn đầu ông viết theo con đường của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn sau ông hướng ngòi bút theo hướng chống lại chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng ông không theo hướng cách tân hình thức một cách triệt để, ông vẫn tin rằng văn chương cần có trách nhiệm xã hội để thể hiện vai trò với công chúng. Những năm 2000 nhà văn hoàn toàn thay đổi quan điểm văn chương của mình, ông không quan tâm đến dòng chảy văn học lúc đó nữa, ông tìm hiểu khía cạnh thiên về văn hoá lịch sử dân tộc. Ông đi sâu vào văn hoá làng và khẳng định sức sống của văn hoá làng.

Tiến sĩ văn học Đoàn Ánh Dương nhấn mạnh: Nguyễn Xuân Khánh là hiện thân cho tình yêu, lòng kiên trì và sự gắn bó sâu nặng với văn chương chữ nghĩa. Sáng tác của ông là biểu kiến phẩm cách trí thức và chiều sâu văn hóa của một tài năng vươn lên trong bão táp thời cuộc bằng sức sống truyện kể, cái sức mạnh mà vì đó nó đem lại cho ông lí do để sống và nhờ được sống nên trở thành lí do để viết.

Cũng tại buổi giao lưu, con trai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, anh Nguyễn Tâm Tư có chia sẻ rằng, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh còn một bản thảo có tên Trôi sông nhưng hiện không rõ bản thảo đang nằm ở đâu, gia đình và bạn bè vẫn đang cố gắng tìm lại. Với thông tin này, bạn đọc hi vọng sẽ còn được đọc nhà văn ngay cả khi ông đã về cõi của người hiền.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)