. NGUYỄN PHÚ
Dạo ấy, đã mấy năm ở biên giới, rồi lại chuyển về cơ quan Biên phòng tỉnh, lần lữa mãi tôi mới lên được Lũng Cú. Hôm ấy là một ngày mùa đông, rét và lất phất mưa. Tôi được Nguyên Bình - một bạn văn đang công tác tại Toà án huyện Đồng Văn chở vào núi Rồng - Lũng Cú. Là người sống trên dưới chục năm ở đây, lại tham gia viết khảo cứu dư địa chí nên Nguyên Bình có quá nhiều chuyện để kể cho tôi suốt cung đường hơn 20km… Dưới lưa thưa mưa, đá co cụm lại với màu xám bạc, như uất nghẹn mà hiên ngang, kiêu hùng. Trên những khoảng đất ngô, đậu và lanh chen chân nhau, xanh mướt mát, uốn lượn vũ khúc sau những ngày khô khát. Lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy những vạt tam giác mạch trải dài. Nguyên Bình bảo không phải chính vụ nên năng suất thấp bà con ít trồng, hoa cũng không thật đẹp.
Những bờ rào đá nối tiếp nhau vững chãi mang một vẻ trầm mặc, ẩn giấu nhiều bí mật. Đứng trên cao nhìn xuống mỗi gia đình có một thế giới riêng thật sinh động trong cái bờ rào đá ấy. Tôi dừng lại trước một bờ rào đá, thử dùng sức của chàng trai hai tám tuổi để đẩy xem độ bền vững ra sao. Nguyên Bình cười khì khì như chế giễu rồi cùng tôi “một, hai, ba…” đẩy nhưng chẳng ăn thua gì. Tôi nhớ những bờ rào đá này đã rất nhiều lần đi vào những áng văn mướt óng, lấp lánh hoa tuyết của nhà văn Đỗ Bích Thuý và xuất hiện đầy mê hoặc trên nhiều bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nông Tú Tường. Những văn nghệ sĩ ấy đã yêu quê hương mình như máu thịt, và sáng tạo không ngừng. Cao nguyên này là thế, ai sống chết vì quê hương sẽ được những quà tặng vô giá.
Thiếu tá Trần Minh Tuấn, nhân viên Trạm Kiểm soát Biên phòng Lũng Cú có mười hai năm công tác ở trạm xung phong dẫn chúng tôi đi. Vào tới chân núi Rồng thì trời đã bừng nắng từ lúc nào. Tôi không khỏi ngạc nhiên vì nhận ra cái nắng khoẻ khoắn, vạm vỡ với bầu trời ngăn ngắt xanh trong. Thấp thoáng một vài mảng mây còn ngủ quên trên sườn núi. Ngước lên đỉnh núi Rồng, cột cờ sừng sững, uy nghi. Lá cờ đỏ đến xốn xang đang tung bay trong gió. Núi Rồng thật sao? Cột cờ đây ư? Tôi đứng lặng trong niềm xúc động. Hình như Nguyên Bình và Tuấn cũng xúc động nên hai người đứng bên tôi hồi lâu. Cả ba cùng hướng lên ngọn cờ. Khi tôi hỏi cảm xúc của Tuấn những lần mang cờ Tổ quốc lên thay, anh bảo mỗi khi thấy lá cờ mới tươi tắn, tung bay lồng lộng anh vui và không khỏi bồi hồi. Anh như thấy rõ hơn hình hài Tổ quốc, niềm tự hào được “trấn ải” ở một vùng đất thiêng của ông cha, và cả một chút xao xuyến nhớ nhà. Trung bình một tháng các anh phải thay hai lá cờ, có thời điểm do thời tiết một tuần phải thay một lần. Anh chia sẻ, có rất nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ, ngành và lãnh đạo địa phương đã được đơn vị tặng những lá cờ cũ, mọi người đều rất trân trọng, nâng niu. Được sự cổ vũ của Nguyên Bình và Tuấn, tôi quyết định trèo lên đỉnh cột cờ theo những bậc thang bằng sắt phía trong. Một cảm giác run rẩy thật khó tả, tôi vốn không phải là người sợ độ cao. Vịn tay vào cột sắt, gần chạm vào lá cờ rộng 54 mét vuông, tôi nhìn ra bốn phía.
Không xa nơi tôi đứng đây là mỏm “tột Bắc” mà ngày học phổ thông khi vẽ lược đồ Việt Nam lên trang giấy học trò tôi đặt bút vào đấy, rồi cứ thế mà đưa tay lượn theo hình chữ S phía Đông, phía Tây để hiện ra một Việt Nam của riêng tôi. Kia là xóm Lô Lô Chải, xa nữa là xóm Séo Lủng. Vài chục nếp nhà bình yên dưới bóng tre, thông, sa mộc. Người và nhà và cây cùng ôm ấp lấy nhau mà giữ đất trời biên cương. Trong những nếp nhà ấy có giáo mác, gậy gộc, cung nỏ... Và có cả những bài tình ca giao duyên, khúc hát ru con của bà mẹ trẻ, tiếng khèn gọi bạn giao tình, tiếng trống đồng rền vang, hào sảng trong vũ hội... Đồng bào nơi đây giữ đất, giữ bản, giữ nhà bằng những thứ ấy. Mắt tôi vẫn không rời phương Bắc. Tôi nhìn vào phía xa xăm, trùng điệp núi non kia và thấy mình yêu thương phần đất ruột thịt phía sau lưng hơn.
Tuấn kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động trên đỉnh núi Rồng. Từng có một đoàn khách từ Cà Mau ra, phần lớn là những cựu binh. Tuổi cao nhưng các má, các bác, các chú rất hăm hở, hăng hái leo lên đỉnh núi. Khi lên đến nơi rồi, thấy cột cờ có người chạy đến ôm lấy thân cột, rồi rơm rớm đôi mắt. Rồi cứ thế khóc ngon lành… Lại có đôi bạn trẻ từ Hà Nội lên tận núi Rồng để thực hiện bộ ảnh cưới. Tôi tin họ không phải là người chơi ngông. Thời nào cũng vậy, tình yêu Tổ quốc luôn ở trong tim mỗi người. Và mỗi người thể hiện tình yêu ấy theo cách của riêng mình. Vừa nghe chuyện, vừa nhìn ngắm như muốn thâu lại từng dáng núi, từng đám mây, từng ô ruộng, từng mái nhà nho nhỏ nơi này vào trong sâu thẳm trái tim. Càng thêm xốn xang khi nhớ đến mấy câu thơ của Chế Lan Viên: Ôi, Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi, Tổ quốc nếu cần ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông.
Trên đường trở về, chúng tôi gặp mấy em bé Lô Lô, Mông, Nùng chăn bò, chơi đùa dưới chân núi. Các em đều lem luốc chân tay, mặt mày. Nhưng các em cười với tôi. Có nụ cười nào ấm áp, sáng rỡ hơn nụ cười chiều biên viễn này? Nụ cười thân tình như ruột thịt dưới chân núi Rồng. Ngày mai các em sẽ là những công an viên, dân quân, cán bộ thôn bản, xã huyện hay chỉ là những biên dân bình thường thì các em vẫn luôn là người bảo vệ mảnh đất thiêng của dân tộc bằng công sức, mồ hôi và bằng cả tiếng khèn, tiếng trống nữa. Mỗi em sẽ là một “cột mốc sống” cùng với những người lính biên phòng như Tuấn và bao đồng đội của tôi làm cho mảnh đất này vững bền, bình yên.
Chia tay Tuấn, tôi vẫn không dám nói với anh đây là chuyến đi từ biệt Hà Giang của tôi. Có nên nói không khi anh cũng có một miền quê xa xôi như tôi để về, nhưng anh đã bám trụ, đã yêu cao nguyên này hơn hai mươi năm. Tôi và Nguyên Bình đi rồi, Tuấn còn đứng mãi ở cổng Trạm Biên phòng Lũng Cú và phía sau bóng cờ như một đám mây đỏ đang phấp phới bay.
Tháng trước, bạn tôi, Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, người đã có 20 năm gắn bó với cao nguyên đá, nhắn một cái tin: “Hôm nào lên Lũng Cú chơi, thăm lại chiến trường xưa chứ?” Đúng là trên 10 năm rồi tôi chưa quay lại Hà Giang, nơi tôi cùng Nhiệm và hai người bạn chung khóa đại học đã trải qua một quãng thanh xuân phơi phới, đầy sôi nổi, nhiệt thành, mồ hôi và cả nước mắt đã từng rơi trên những dải biên cương. Thời gian gió cuốn, bây giờ có lẽ Tuấn đã nghỉ hưu, Nguyên Bình chuyển công tác, cột cờ Lũng Cú cũng được xây dựng lại to đẹp, bề thế hơn... Lời nhắn của bạn làm bao kí ức trong tôi chợt ùa về. Tôi đã nghĩ đến một chuyến đi. Và từ hôm ấy thi thoảng trong tôi lại hiện lên hình ảnh lá cờ thắm đỏ lồng lộng bay trên đỉnh núi Rồng.
N.P
VNQD