Nhà báo chiến sĩ: Chỉ có thể đứng thẳng!

Thứ Tư, 28/10/2020 16:36

Báo Quân đội nhân dân là một tờ báo lớn không chỉ của Quân đội mà còn của cả nước với bảng vàng thành tích: 2 Huân chương Quân công (hạng Ba, 1956; hạng Nhất, 1961); Huân chương Chiến công (1961); Huân chương Lao động (1963); Huân chương Hồ Chí Minh (1990); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2000); Huân chương Sao vàng (2005); Anh hùng Lao động (2010); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2010). Hướng tới kỉ niệm 70 năm ngày ra số đầu tiên (20/10/1950-20/10/2020), đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc đối thoại với các đồng chí: Đại tá - Nhà báo Đoàn Xuân Bộ - Tổng biên tập; Đại tá - Nhà báo Đỗ Phú Thọ - Phó Tổng biên tập; Đại tá - Nhà báo Ngô Anh Thu - Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Từ trái sang: Đại tá - Nhà báo Đoàn Xuân Bộ, Đại tá - Nhà báo Đỗ Phú Thọ và Đại tá - Nhà báo Ngô Anh Thu.

VNQĐ: Xin chào các đồng chí trong Ban lãnh đạo Báo Quân đội nhân dân! Chúng ta đều là những người lính cầm bút, đều chung nhiệm vụ viết về người lính, về quân đội, rộng hơn là về cuộc sống của nhân dân góp phần vào nhiệm vụ chung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong nhiệm vụ chung ấy thì văn và báo là một. Báo Quân đội nhân dân từng có những nhà văn tên tuổi cống hiến trọn đời cho cách mạng. Nhiều nhà văn quân đội cũng từng là nhà báo hoặc đang viết báo... Chúng tôi muốn được biết thêm về những câu chuyện hôm qua của Báo Quân đội nhân dân để độc giả Tạp chí Văn nghệ Quân đội hình dung rõ hơn về tờ báo tiên phong của Quân đội ta?

Đại tá - Nhà báo Đoàn Xuân Bộ: Xin cảm ơn các nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Như chúng ta đều biết, Báo Quân đội nhân dân là cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam. Trải qua 70 năm phấn đấu cũng là chiến đấu không ngừng nghỉ, với quyết tâm cao nhất của người lính Cụ Hồ, Báo Quân đội nhân dân đã gặt hái được những thành tựu đáng tự hào. Xin cảm ơn các nhà văn đã có câu hỏi để chúng tôi có dịp thể hiện những suy nghĩ về những thế hệ đi trước với lòng kính trọng và biết ơn, cũng là cách bồi dưỡng thêm ý chí rèn luyện nhân cách nhà báo - chiến sĩ hôm nay, để luôn có được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Tiền thân của Báo Quân đội nhân dân là tờ Tiếng súng reo - tờ báo đầu tiên của lực lượng vũ trang nhân dân. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941) quyết định thành lập Hội Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh). Trước những đòi hỏi cấp bách của Cách mạng, cuối năm 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo gấp rút thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong Chỉ thị, Người nêu rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, tờ báo Tiếng súng reo ra đời. Như chúng ta đều biết, Quân đội ta trưởng thành hầu như từ hai bàn tay trắng thì Tiếng súng reo cũng không ngoại lệ. Không có máy chữ. Không phương tiện in ấn. Chỉ được viết tay. Những đội viên (trong 34 đội viên) viết chữ đẹp được chọn để chép thành nhiều bản trên các loại giấy viết với nhiều khuôn khổ khác nhau. Báo còn được dịch ra các tiếng Tày, Nùng... để đến được với đồng bào khu căn cứ địa. Tuy vậy, nội dung báo khá phong phú, ngoài nêu vắn tắt tin trong nước còn có tin thế giới, về nhiệm vụ trước mắt của Cách mạng... Tờ báo đã làm rất tốt nhiệm vụ Bác giao là “tuyên truyền”...

Sau thời gian chuẩn bị, ngày 5/8/1945, tại Chiến khu Việt Bắc, Báo Quân giải phóng số 1 được phát hành. Trực tiếp phụ trách là đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng ban chỉ đạo mở rộng là một số đồng chí Ủy viên quân sự cách mạng Bắc Kì. Xã luận của số đầu tiên nêu mục đích, nhiệm vụ, vai trò của Báo: “sẽ là một người bạn của các đồng chí đội trưởng, chính trị viên, đội viên... sẽ hết sức góp phần củng cố và mở rộng bộ đội, giúp làm cho sinh hoạt chính trị trong bộ đội được dồi dào... Báo Quân giải phóng lại là người bạn của quốc dân...”

Sau ngày 2/9/1945, Báo Quân giải phóng chuyển về Hà Nội, để phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới, theo yêu cầu của Bác Hồ, Báo đổi tên thành Chiến thắng, tòa soạn đặt tại 36 Lý Thường Kiệt. Đầu năm 1946, trước nhiệm vụ mới, Đảng ta cho xuất bản thêm tờ Sao vàng. Tháng 2/1947, Trung ương Quân ủy ra chủ trương sớm xuất bản một tờ báo mới của lực lượng vũ trang. Báo Vệ Quốc quân ra đời. Trong bối cảnh thời kì đầu cuộc kháng chiến cực kì gian khổ, thiếu thốn, ngày 10/3/1947, hàng nghìn tờ Báo Vệ Quốc quân được phát hành. Đây là một dấu mốc lớn của những nhà báo - chiến sĩ. Trang nhất của báo in Thư Hồ Chủ tịch chúc mừng Báo Vệ Quốc quân. Bác viết: “Vệ Quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc. Báo Vệ Quốc quân là để nêu cao tinh thần và kỉ luật của bộ đội”.

Đầu năm 1948, trước yêu cầu phát triển chiến tranh du kích, Tổng Chính ủy quyết định xuất bản thêm tờ Báo Quân du kích. Tháng 6/1950, trước bối cảnh lịch sử mới, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định sáp nhập hai tờ Vệ Quốc quân và Quân du kích thành một tờ báo chung của quân đội. Được sự đồng ý của Bác Hồ, Báo Quân đội nhân dân ra đời, đồng chí Lê Liêm - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Chủ nhiệm báo. Ngày 20/10/1950 là ngày lịch sử trọng đại của báo: số đầu tiên của Báo Quân đội nhân dân ra đời tại bản Khau Diều - Định Biên Thượng - Định Hóa - Thái Nguyên.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại sân bay Juba, Nam Sudan nhân dịp Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam triển khai tới Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Liên Hợp quốc tại Nam Sudan. Ảnh: TL.

VNQĐ: Như vậy Báo Quân đội nhân dân gắn liền với sự trưởng thành của Quân đội ta và được sự chỉ bảo, dìu dắt trực tiếp của Bác Hồ - Nhà báo Cách mạng vĩ đại. Vậy ở ngay số đầu tiên, chắc chắn có Chỉ thị của Bác và sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quân đội ta?

Đại tá - Nhà báo Đỗ Phú Thọ: Đúng vậy! Trên tờ Quân đội nhân dân số 1, Bác nhắc nhở hết sức cụ thể và rất mực chân tình những chiến sĩ làm báo: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”. Những điều này luôn là kim chỉ nam cho các thế hệ nhà báo quân đội từ đó cho mãi đến sau này. Và theo tôi, là mãi mãi, vì lời Bác luôn mang tính phổ quát cho bất kì giai đoạn cách mạng nào, dù có sang thời 4.0 rồi 5.0, 6.0. Cùng với lời của Bác là bài viết quan trọng mang tính định hướng phân tích sâu sắc hai nhiệm vụ cơ bản của quân đội lúc bấy giờ - bài Đánh thắng và bảo vệ mùa màng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Chỉ nhìn từ góc độ báo chí, chúng ta càng phải khẳng định Cách mạng nước ta tự hào có những nhà báo kiệt xuất như Bác Hồ, như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh..., với hiểu biết sâu rộng, tầm nhìn xa, nhất là có sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị, tư tưởng...

VNQĐ: Thưa các đồng chí, thế hệ trẻ hôm nay rất tự hào về cuộc kháng chiến chống Pháp lịch sử “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu”. Góp phần vào chiến thắng vĩ đại này không thể thiếu đội quân báo chí vừa cầm súng vừa cầm bút làm báo ngay trên chiến trường. Xin các đồng chí cho biết kĩ hơn về chuyện tác nghiệp báo chí trên mặt trận Điện Biên Phủ?

Đại tá - Nhà báo Đoàn Xuân Bộ: Ngày 20/11/1953 giặc Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ thì ngày 27/11/1953 Tổng cục Chính trị có ngay Chỉ thị về Công tác chính trị tư tưởng trong Đông - Xuân 1953-1954 nhấn mạnh công tác tuyên truyền. Với Báo Quân đội nhân dân thì chiến dịch này là thời kì sôi động nhất, chưa bao giờ có phóng viên đi đông và tập trung như bấy giờ. 5 nhà báo ra mặt trận có Hoàng Xuân Tùy (Phụ trách chung kiêm Trưởng ban Tuyên huấn mặt trận), Trần Cư (Thư kí tòa soạn), Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp, họa sĩ Nguyễn Bích, về sau được bổ sung Nguyễn Trần Thiết. Trước khi lên đường, tòa soạn tiền phương học chính trị một tuần, ngoài tài liệu, đồ nghề, quân tư trang còn được trang bị thêm vài chiếc bút máy loại mới, xẻng và súng đạn. Hầu hết phóng viên đều giỏi tiếng Pháp nên mang đi một số sách báo văn học Pháp, Nga, Trung Quốc. Ở Mường Phăng, mỗi phóng viên tự làm đèn hộp (làm từ hộp đựng xà phòng, thuốc đánh răng) để đi lấy tin viết bài. Nhà in cũng ở luôn Mường Phăng. Tin tức bài vở gửi về được biên tập và sắp chữ ngay. Báo in xong được đội phát hành gánh chạy theo các đơn vị đang hành quân. Tờ báo trở thành món ăn tinh thần của bộ đội, góp phần hết sức đắc lực vào công tác chính trị trong chiến dịch. Trải qua 140 ngày đêm, Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ ra được 33 số. Lần đầu tiên trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam và có thể là cả lịch sử Báo chí thế giới, có một tòa soạn ra được nhiều số báo như vậy ở ngay mặt trận, lại định hình khá nhiều mục, thể hiện qua gần 10 thể loại báo chí...

Về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và bài học thì chính PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú đã có bài viết in trên Báo Quân đội Nhân dân trân trọng đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Tòa soạn tiền phương lịch sử này. Theo chúng tôi, nếu được như vậy là điều đáng quý. Nhưng đáng quý hơn cả là Tòa soạn ấy đã trở thành tài sản vô giá của Báo Quân đội nhân dân nói riêng, cho Báo chí Cách mạng nói chung. Những nhà báo chiến sĩ ấy là những tấm gương sống về nghề báo về nhân cách nhà báo, dũng cảm đến tận cùng, yêu nghề cháy bỏng và cực kì thông minh... Ở trong nước và cả nước ngoài đã có Hội thảo khoa học về Tòa soạn anh hùng này.

Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân vượt sông vào tâm lũ tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) tháng 8-2019. Ảnh: TL.

VNQĐ: Theo chúng tôi đây còn là bài học cho báo chí hôm nay là bất kì tờ báo nào cũng phải chăm chút tới lực lượng cộng tác viên. Vì chỉ có 5 người mà làm được công việc khổng lồ như vậy nếu không có sự cung cấp tin tức, bài vở, thậm chí cả vật chất... từ cộng tác viên cho Tòa soạn.

Đại tá - Nhà báo Đoàn Xuân Bộ: Đúng vậy! Xin cảm ơn các nhà văn đã nói lên một phương diện mang tính bản chất của Tòa soạn là tờ báo có nhiệm vụ hướng về những người lính tại mặt trận, do vậy tin tức phải trung thực, nóng hổi, có tác dụng tư tưởng. Tòa soạn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, sâu sát của cấp trên, còn là sự giúp đỡ tận tình, vô tư của các chiến sĩ đang trên chiến hào đánh giặc.

VNQĐ: Dư luận hôm nay đánh giá cao nhiệm vụ Chống diễn biến hòa bình và Phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa của Báo Quân đội Nhân dân. Chắc chắn vấn đề này Báo ta cũng có truyền thống? Vì công cuộc xây dựng đất nước bao giờ cũng có xây, có chống?

Đại tá - Nhà báo Đỗ Phú Thọ: Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nói một cách hình tượng theo Bác Hồ là đang trong bóng tối bước ra ánh sáng, thì không tránh khỏi choáng váng. Ngay đầu năm 1956, Báo Quân đội nhân dân đã tham gia đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái với một loạt bài mang tính chiến đấu sắc bén, góp ý, phê bình những tư tưởng ngả nghiêng, dao động... Báo đã kịp thời triển khai cụ thể hóa, sinh động hóa Nghị quyết 60/NQ-TW là văn kiện đầu tiên của Đảng về đẩy mạnh công tác báo chí, đưa báo chí đến gần hơn với quần chúng, tăng cường ảnh hưởng của các báo Đảng nhằm làm tốt hơn công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho quần chúng.

VNQĐ: Và đó cũng là bài học cho hôm nay?

Đại tá - Nhà báo Đoàn Xuân Bộ: Đúng thế! Tuyệt đối chấp hành chỉ thị của Đảng, bám sát đường lối, nắm chắc thực tiễn, đột phá vào vấn đề trọng tâm là bài học để Báo Quân đội nhân dân làm tốt mọi nhiệm vụ, trong đó có Chống diễn biến hòa bình và Phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa. Tôi nhớ, Đại hội XII của Đảng diễn ra vào thời điểm Đổi mới tròn 30 năm, cùng với tuyên truyền về Đại hội, Báo cũng mở đợt tuyên truyền về 30 năm Đổi mới. Tháng 1/2016, Báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục Thành tựu 30 năm Đổi mới trên trang nhất, thu hút rất nhiều học giả, cộng tác viên tên tuổi có uy tín tham gia và được bạn đọc nhiệt liệt đón nhận.

Học theo Bác Hồ “Dĩ bất biến ứng vạn biến” tạo ra cho người làm báo sự nhạy cảm và năng động cần thiết. Ngay từ khi Hội nghị TW 4 (khóa XII) còn chưa diễn ra, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức vệt bài Phòng chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta. Nhờ “khơi đúng mạch, vạch trúng nguồn”, vấn đề ngay lập tức được dư luận quan tâm. Nhiều cán bộ lão thành, nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học, nhiều độc giả đủ mọi giai tầng, lứa tuổi gửi email, điện thoại, viết thư... động viên, chia sẻ, gửi gắm niềm tin.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại một điểm chốt ngăn chặn dịch covid 19 thuộc Đồn Biên phòng Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.

VNQĐ: Thưa các đồng chí, báo chí cách mạng Việt Nam ghi nhận, khẳng định nhiều tấm gương nhà báo - chiến sĩ của Báo Quân đội nhân dân qua nhiều thế hệ. Ví như thời chống Pháp chúng ta có 5 “ngôi sao” trên mặt trận Điện Biên Phủ. Xin các đồng chí kể cụ thể một vài tấm gương thời chống Mĩ?

Đại tá - Nhà báo Đỗ Phú Thọ: Trong lịch sử Báo Quân đội Nhân dân có 2 nhà báo được nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là Nhà báo, Thượng úy - Liệt sĩ Lê Đình Dư (truy tặng 2015) và Nhà báo - Đại tá Đặng Thọ Truật (phong tặng 2015). Báo Quân đội nhân dân có 9 Nhà báo - Liệt sĩ.

Lê Đình Dư nguyên là phóng viên chiến trường Báo Quân đội nhân dân thuộc đơn vị Tiểu đoàn 47, Trung đoàn 240 (Bộ Tư lệnh B5). Ông sinh năm 1931, quê ở xã Hương Sơ, nay là phường An Hòa, thành phố Huế. Năm 1950, ông gia nhập quân đội rồi đi học phi công. Từ 1951-1954, ông tham gia nhiều chiến dịch trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến đấu ở một đơn vị pháo cao xạ. Sau đó công tác tại Quân chủng Hải quân. Từ năm 1962, Lê Đình Dư theo nghề viết báo, luôn xông xáo đi vào các chiến trường ác liệt nhất. Đầu năm 1968, tại Cửa Việt (xã Gio Hà, Gio Linh, Quảng Trị), ông sát cánh cùng Tiểu đoàn 47 chiến đấu dũng cảm, đánh bại nhiều cuộc tiến công của địch và anh dũng hi sinh trên chiến hào. Báo chí Cách mạng Việt Nam, các nhà báo - chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam khắc ghi lời của Nhà báo Lê Đình Dư nói với đồng chí Tiểu đoàn trưởng: “Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn, còn phóng viên chúng tôi chỉ có thể đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là máy ảnh, bút máy ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù”. Lời nói đó đã trở thành bài học thiêng liêng của những người làm Báo Quân đội!

Người thứ hai chúng tôi muốn kể là nhà báo Nguyễn Đức Toại - tấm gương về sự chuyên nghiệp, dấn thân, thận trọng, lăn lộn trực tiếp nơi chiến trường. Ví như khi viết về điển hình tiêu biểu Phùng Quang Thanh (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Gặp, nghe nhân vật nói trên diễn đàn (tại Hội trường Quân khu 4) đã thấy hấp dẫn đủ để viết bài, nhưng với bản tính thận trọng, anh đã theo nhân vật lăn lộn cùng ăn ở, cùng chiến đấu ròng rã trong một tháng trời để viết 1,5 trang báo thật sự sống động đúng với những gì mà nhân vật có. Đây là tấm gương sống để thế hệ phóng viên Báo Quân đội nhân dân hôm nay và cả mai sau noi theo trước khi đặt bút viết, dù chỉ là một mẩu tin cũng phải thật, phải mắt thấy tai nghe.

VNQĐ: Báo chí thế giới đang trong thời khủng hoảng, Báo chí Việt Nam cũng đang trong thời khó khăn nhưng Báo Quân đội nhân dân là một trong 6 cơ quan báo chí được Nhà nước quy hoạch trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện. Báo Quân đội nhân dân đã có và đã làm những gì để đáp ứng nhiệm vụ này?

Đại tá - Nhà báo Ngô Anh Thu: Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân ngoài báo ngày còn có Quân đội nhân dân Cuối tuần, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng. Đặc biệt, Báo Quân đội nhân dân Điện tử đang xây dựng theo hướng tòa soạn hội tụ sử dụng đa ngôn ngữ với tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Lào, tiếng Khmer; đa phương tiện, đa loại hình trong sản xuất và phân phối tin tức: phương tiện báo in, báo nói, báo hình, báo mạng, smartphone, smartTV... Các phương tiện gắn kết chặt chẽ, tương hỗ nhau để truyền tải thông tin đầy đủ nhất dưới hình thức sinh động kết hợp ngôn ngữ viết, hình ảnh, video, âm thanh (audio), thiết kế đồ họa (design) cùng các tương tác. Chương trình Video-Audio đã chính thức đi vào hoạt động. Trong khi đổi mới nội dung và trình bày để hướng tới hay hơn, hấp dẫn hơn, luôn giữ vững tính định hướng của báo thể hiện ở bản lĩnh, chính xác, kịp thời, sinh động, hiệu quả.

Theo yêu cầu làm báo hiện đại, Báo Quân đội nhân dân phải tinh, gọn cả về con người và phương tiện. Phóng viên tác nghiệp theo nguyên tắc 3 trong 1 thậm chí 5 trong 1, một người phải thành thạo nhiều việc. Muốn vậy phải tự học, tự rèn là chính, dĩ nhiên cơ quan tạo điều kiện tối đa để các phóng viên học tập chính trị, quân sự, chuyên môn, nghiệp vụ... ở các trường trong và ngoài quân đội. Muốn có “tòa soạn hội tụ” thì trước hết con người phải “hội tụ”, về bản lĩnh, nghiệp vụ, về sử dụng các phương tiện hiện đại...

VNQĐ: Thưa các đồng chí, các tòa soạn báo theo mô hình truyền thông đa phương tiện hiện nay đã luôn vận dụng và tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Báo Quân đội nhân dân đã triển khai AI như thế nào? Vấn đề sinh thái thân thiện với môi trường trong in ấn, phương tiện, nguyên vật liệu,... đã được triển khai ra sao?

Đại tá - Nhà báo Ngô Anh Thu: Ở Việt Nam đã có một số tờ báo tiếp cận công nghệ AI ví như chuyển văn bản từ dạng viết sang dạng đọc. Với đặc thù và lợi thế riêng, Báo Quân đội nhân dân đang phối hợp với các cơ quan có thế mạnh về AI như Viettel, FPT... để xây dụng mô hình và khai thác, tận dụng AI ở nhiều khâu cơ bản, quan trọng. Hiện nay báo in không còn nhân viên đánh máy, tư liệu được số hóa... Công nghệ sản xuất đã tính kĩ tới vấn đề hạn chế thấp nhất sự ô nhiễm môi trường... Nhìn chung, Báo Quân đội nhân dân luôn trong tư thế đón bắt và vận dụng những công nghệ tiên tiến nhất phù hợp với sự phát triển năng động theo hướng hiệu quả, nhân văn.

VNQĐ: Thưa các đồng chí, như vậy chúng ta càng thấy rõ hơn Báo Quân đội nhân dân thật xứng đáng với danh hiệu hai lần Anh hùng. Nếu quá khứ cắt nghĩa hiện tại, hiện tại cho thấy tương lai thì bạn đọc cũng đã hình dung ra sự phát triển mạnh mẽ của tờ Báo lớn đi đầu trên mặt trận tuyên truyền của Đảng và Quân đội. Để làm được điều này, tổ chức Đảng của Báo chắc chắn phải vững mạnh. Xin các đồng chí nêu những nét khái lược bài học kinh nghiệm nổi bật?

Đại tá - Nhà báo Đỗ Phú Thọ: 70 năm qua các thế hệ nhà báo Quân đội đã sống, phấn đấu theo lời dạy của Bác Hồ: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch Cách mạng”. Là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, lại có trong tay công cụ, phương tiện thông tin đại chúng quan trọng đối với đời sống xã hội, Báo Quân đội nhân dân đã làm tốt nhiệm vụ giữ vững định hướng chính trị, quán triệt sâu sắc đường lối quân sự để tuyên truyền sâu rộng, sáng tạo, hiệu quả đường lối của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội. Báo Quân đội nhân dân còn cung cấp thông tin định hướng dư luận, tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, củng cố niềm tin, tăng cường sự nhất trí về chính trị tư tưởng, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân... Tổ chức Đảng của Báo thật sự đóng vai trò lãnh đạo, là hạt nhân, là điểm tựa, là niềm tin của Tòa soạn. Yêu cầu đầu tiên của cán bộ đảng viên Báo Quân đội nhân dân là bản lĩnh chính trị vững vàng. Đúng là phải “mắt sáng”, “lòng trong”, “bút sắc”. Nhà báo quân đội trước hết phải có tấm lòng son, lấy đó làm “cái bất biến” để “ứng” với “cái vạn biến” là sự mênh mông bao la và cực kì phức tạp ở đời để hoàn thành nhiệm vụ.

Những điều có thể coi là nguyên nhân dẫn đến sự thành công của Báo, theo tôi, có thể khái quát là: Luôn giữ vững định hướng chính trị, coi chính trị là linh hồn, là sinh mệnh của tờ Báo. Xây dựng, rèn luyện bản lĩnh, phong cách nhà báo - chiến sĩ. Không ngừng cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của Đảng và đòi hỏi của cuộc sống. Biết phát huy thế mạnh, điểm mạnh truyền thống. Nắm bắt xu thế phát triển hiện đại hóa của báo chí để nhạy bén đề xuất và thực hiện các đột phá để hội nhập, phát triển.

VNQĐ: Xin chân thành cảm ơn các đồng chí! Xin chúc Báo Quân đội nhân dân thành công hơn nữa, tỏa sáng hơn nữa, ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa, để cả bạn đọc nhiều nơi trên thế giới sẽ đọc Báo Quân đội nhân dân, qua đó hiểu và yêu mến đất nước Việt Nam.

VNQĐ

VNQD
Thống kê