Dòng chảy  Quốc phòng

Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, Ngô Văn Vũ: Đã là người lính, có lệnh là đi tư thế sẵn sàng!

Chủ Nhật, 28/01/2018 00:53
Ngô Văn Vũ 2
Chính ủy Ngô Văn Vũ
Tôi thực sự bất ngờ khi vào thăm hai đồn Biên phòng Tân Thanh và Hữu Nghị, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi ngay khi bước chân vào đơn vị đó là bầu không khí trang nghiêm, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; sự gọn gàng, ngăn nắp, tình cảm chân tình, đầm ấm, nhưng không khí làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc. Sau khi trao đổi với chỉ huy đơn vị chúng tôi mới được biết, hiện nay đơn vị đang phải căng mình ra để đảm nhiệm rất nhiều công việc trong cùng một lúc, như: Tuần tra, quan sát bảo vệ biên giới; bám nắm địa bàn, tuyên truyền, vận động quần chúng; đấu tranh phòng chống tội phạm... tại các cửa khẩu, suốt ngày nhộn nhịp người và phương tiện qua lại biên giới, cần nhiều ca kíp để làm việc. Và, nhất là tại các “điểm nóng” chốt chặn để chống xuất nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu trên biên giới, cần rất nhiều người để triển khai; một số đồng chí sau hơn hai tháng trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Hội nghị cấp cao APEC, nay mới được nghỉ tranh thủ theo quy định. Sự bận rộn ấy, còn được nhìn thấy ở cả ngươi lãnh đạo cao nhất của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh - Đại tá, Chính ủy Ngô Văn Vũ. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ hạn hẹp đầu buổi sáng, anh đã chia sẻ cùng chúng tôi về những công việc thầm lặng, nhưng rất đỗi vất vả của những người lính biên phòng, nơi miền biên viễn phía Bắc Tổ quốc.
 

PV: Thưa đồng chí Chính ủy, ngày xưa những người lính biên phòng thường gắn liền với hình ảnh “Rạp mình trên lưng ngựa/ Ngựa lao nhanh như bay/ Cả cánh rừng nổi gió”. Vậy nhưng, qua những lần đến với những người lính biên phòng ở các đồn, hầu như rất ít khi tôi được bắt gặp những hình ảnh ấy…
Chính ủy Ngô Văn Vũ: Vâng, khuyển, mã chính là hai con vật gần gũi, “tri tình” với người lính biên phòng chúng tôi trải qua bao năm tháng, và hình ảnh người lính biên phòng trên lưng ngựa, dắt theo chú chó tuần tra trên lưng chừng núi đã đi vào thơ văn, vào kí ức của không ít người. Hình ảnh ấy xuất phát từ đặc thù công tác các đồn biên phòng, đóng quân ở vùng biên giới xa xôi, địa hình chia cắt, đồi núi chập trùng, khe sâu, đèo cao, thác suối gập ghềnh. Trong điều kiện đó, để tổ chức tuần tra, quan sát bảo vệ biên giới, những chú ngựa, chú chó là hết sức hữu dụng và phù hợp hơn cả với công việc nơi đây. Tuy đất nước đã có nhiều đổi mới và phát triển, việc đầu tư để làm đường tuần tra, đường lên các đồn, trạm biên phòng đã được triển khai, cùng với đó, các phương tiện khác như xe máy, ô tô cũng trở thành thông dụng, nên người lính biên phòng đã có nhiều sự lựa chọn để đi lại. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, chúng tôi vẫn phải “tri tình” với hai con vật thân thuộc ấy, để thực hiện nhiệm vụ trên những cung đường tuần tra mà địa hình khó khăn, hiểm trở; đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm.

PV: Nói đến biên giới Lạng Sơn trước đây, không thể không nhắc đến những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ. Sau những nỗ lực của hai chính phủ, việc phân giới, cắm mốc hoàn thành, tình hình trở nên ổn định, nhưng không phải vì thế mà không có những vấn đề mới nảy sinh. Đồng chí Chính ủy có chia sẻ gì về vấn đề này?
Chính ủy Ngô Văn Vũ: Tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn dài hơn hai trăm ba mươi ki lô mét, gồm hai cửa khẩu quốc tế là: Cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị, cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng, một cửa khẩu chính là: Cửa khẩu song phương Chi Ma, và chín cửa khẩu phụ. Số lượng cột mốc là bốn trăm bảy tư, trong đó có ba trăm bốn mươi bốn mốc chính, một trăm ba mươi mốc phụ; địa bàn khu vực biên giới gồm hai mươi xã và một thị trấn biên giới. Trách nhiệm của những người lính Biên phòng Lạng Sơn là quản lí, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên tuyến biên giới của tỉnh. Sau khi các văn kiện pháp lí trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc có hiệu lực thi hành từ ngày mười bốn, tháng bảy, năm hai nghìn không trăm mười, chúng ta đã có căn cứ pháp lí để giải quyết các vấn đề trên biên giới. Nhưng không phải thế, mà không có vấn đề phức tạp nảy sinh, chẳng hạn như: Các yếu tố về thiên nhiên như bão lũ, xói mòn dòng chảy, thậm chí là cả con người tác động; hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu... thường xuyên diễn ra, làm cho tình hình luôn phức tạp.

PV: Vâng, để giải quyết tất cả những điều đó không phải chỉ mình ta mà còn liên quan trực tiếp đến các lực lượng, nhân dân khu vực biên giới của nước bạn. Về vấn đề này, Bộ đội Biên Phòng Lạng Sơn thực hiện như thế nào?
Chính ủy Ngô Văn Vũ: Nhằm xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với nước láng giềng, những năm vừa qua, công tác đối ngoại đã được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Việc phối hợp với các lực lượng chức năng Trung Quốc được thực hiện theo cơ chế ba cấp, trong đó có Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng bốn tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, với Quân khu Quảng Tây về vấn đề quản lí, bảo vệ biên giới, cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác Quốc phòng hai bên. Vì đường biên giới hai nước chủ yếu đi qua địa hình rừng núi, phức tạp, có nhiều đoạn khó nhận biết trên thực địa, rất dễ xảy ra việc nhận thức khác nhau giữa hai bên về hướng đi của đường biên giới. Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi đã tham mưu cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp tỉnh để hội đàm, thống nhất với cấp chính quyền tương đương phía Trung Quốc, cùng nhau tổ chức lực lượng tiến hành phát quang đường thông tầm nhìn biên giới, cắm thêm một số cọc bê tông, tăng dầy dấu hiệu trên những đoạn biên giới này, tạo thành một hành lang thông thoáng trên đường biên giới để nhân dân và các lực lượng của cả hai bên dễ nhận biết, tạo nhận thức chung thống nhất, tôn trọng chủ quyền của nhau khi triển khai các hoạt động trên biên giới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng, trong nhiều năm qua, thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên Phòng Trung Quốc, tổ chức các lần tuần tra song phương đạt kết quả tốt.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, phối hợp với Tổng đội Công an Biên phòng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây về vấn đề đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống khủng bố, chống xuất, nhập cảnh trái phép, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới, cửa khẩu hai bên. Cụ thể, chúng tôi đã phối hợp với bạn thực hiện tốt Chương trình kết nghĩa “Xây dựng đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên”; Chương trình giao lưu chính trị giữa đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Việt Nam với trạm Kiểm tra Biên phòng Hữu Nghị Quan, Trung Quốc; tham mưu cho địa phương cấp xã, triển khai có hiệu quả chủ trương kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới (kết nghĩa bản - bản), cho đến cuối năm 2017, đã tổ chức kết nghĩa được tổng số 9 cặp bản hai bên. Hằng năm, vào các dịp lễ, tết, hai bên đều tổ chức các đoàn sang thăm, chúc mừng, giao lưu văn hóa, thi đấu giao hữu các môn thể thao, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế..., góp phần tăng cường mối quan hệ, đoàn kết hai bên, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và ngày càng phát triển.

 
bbb
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng sơn kiểm tra đường biên, cột mốc quốc giới -
Ảnh: PV

PV: Với Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, việc phát huy vai trò của nhân dân và các lực lượng chức năng trong quản lí, bảo vệ biên giới thế nào?
Chính ủy Ngô Văn Vũ: Về việc này, chúng tôi đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTG, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, hiện thực hóa chủ trương xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc. Nói cho dễ hiểu thì, nền biên phòng toàn dân tức là cách tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện... thế nào, để kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội biên phòng với tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân khu vực biên giới, tạo lập thế trận rộng khắp, phát huy sức mạnh tổng hợp để quản lí, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và an ninh biên giới quốc gia một cách hiệu quả nhất, đó chính là: Tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tổ chức, bố trí các cụm dân cư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương; huy động công sức toàn dân để tham gia tích cực vào nhiệm vụ quản lí, bảo vệ biên giới; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kĩ thuật, công trình... phụ vụ cho công tác biên phòng... Thời gian vừa qua, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn chúng tôi, đã tổ chức cho năm mươi tập thể và hơn bảy trăm hộ gia đình có đất sát biên, kí nhận đoạn biên giới và các cột mốc quốc giới, để phối hợp cùng với bộ đội biên phòng quản lí, bảo vệ; giao chỉ tiêu cho mỗi đồn biên phòng tập trung tham mưu cho các xã biên giới xây dựng đạt một số tiêu chí nông thôn mới như xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện chương trình giáo dục cộng đồng; tham gia củng cố cơ sở chính trị; phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh; tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm, chống các tệ nạn xã hội xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Ngoài ra hằng năm mỗi đồn giúp dân làm từ một, đến hai công trình có ý nghĩa thiết thực phục vụ dân sinh, như: Đường bê tông liên thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn; giúp bà con làm mương thủy lợi; tặng bò giống, tặng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo; hỗ trợ các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình “Nâng bước em tới trường”, nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ năm trăm nghìn đồng một cháu mỗi tháng, đến khi các cháu học hết lớp 12; tổ chức cho quân y các đồn biên phòng khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; tổ chức cho bà con đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả... Những nội dung này, được các đồn đăng kí với Bộ Chỉ huy ngay từ đầu năm và triển khai nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện trong thời kì mới.

PV: Đó là những vấn đề về cột mốc, đường biên, xây dựng khu vực biên giới. Ngoài ra, công tác cửa khẩu cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn. Đồng chí có thể chia sẻ vấn đề này?
Chính ủy Ngô Văn Vũ: Đối với công tác cửa khẩu, chúng tôi bám sát vào quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng để tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Những năm vừa qua, chúng tôi đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quy hoạch, xây dựng và mở rộng một số cửa khẩu; rà soát, đề nghị và ban hành quy định về quản lí các lối mở; tổ chức phân luồng xuất, nhập cảnh; xuất, nhập khẩu đi vào trật tự, nền nếp, tạo thuận lợi cho các hoạt động lưu thông biên giới. Năm 2017, chúng tôi đã triển khai kịp thời, hiệu quả việc cấp thị thực điện tử tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị theo chỉ đạo của cấp trên, đồng thời báo cáo, đề xuất áp dụng thí điểm phần mềm do nhóm tác giả của đơn vị sáng kiến đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn nghiệm thu công nhận và chỉ đạo triển khai tại các cửa khẩu: Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh và Cốc Nam phục vụ cho công tác quản lí xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu rất nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng việc giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong, phương pháp làm việc, ý thức tổ chức kỉ luật cho cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ tại cửa khẩu, không để xảy ra các biểu hiện tiêu cực trong khi thực hiện nhiệm vụ. Vấn đề cải cách hành chính, quản lí, khai thác, sử dụng có hiệu quả các trang, thiết bị tại cửa khẩu cũng được quan tâm. Năm 2016, chúng tôi đã làm thủ tục cho gần ba triệu lượt khách xuất, nhập cảnh, xuất, nhập biên trên hai triệu lượt phương tiện và hàng chục nghìn tấn hàng hóa qua lại cửa khẩu thuận lợi, an toàn. Từ đầu năm 2017 đến giờ, đăng kí kiểm soát gần hai triệu lượt hành khách, trên sáu trăm nghìn lượt phương tiện xuất nhập cảnh; phát hiện, xử lí bốn vụ công dân của cả Việt Nam và nước ngoài thuộc diện cấm xuất cảnh, nhập cảnh, sử dụng hộ chiếu hết giá trị. Tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giao lưu hợp tác quốc tế.

PV: Thế còn với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm các loại?
Chính ủy Ngô Văn Vũ: Công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao. Chúng tôi đã phát hiện nhiều vụ, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội về ma túy, tiền giả, pháo các loại, đã thu hơn bốn ki lô gam hêrôin, gần ba ki lô gam ma túy đá và ma túy loại mới chưa có trong danh mục, hàng nghìn viên ma túy tổng hợp, gần 2 tỉ Việt Nam đồng giả, hơn 4 tấn pháo các loại, bắt và xử lí trên 100 vụ nhập lậu hàng hóa, gia cầm giống... trị giá trên 1 tỉ đồng. Đặc biệt, chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp trên sáu mươi khẩu súng tự chế. Tiêu biểu là Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, đồn Biên phòng Tân Thanh; cá nhân có các đồng chí: Ninh Văn Hợp, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ; đồng chí Vũ Bá Thanh, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, đồn Biên phòng Tân Thanh; đồng chí Sầm Văn Khoa, Đội trưởng Đội Trinh sát, đồn Biên phòng Tân Thanh; đồng chí Nguyễn Đức Giang, Nhân viên Biên phòng, đồn Tân Thanh, đồng chí Dương Văn Ngọ, Sĩ quan điều tra, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

PV: Trong thời gian đi thực tế tôi thấy công việc của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Lạng Sơn vô cùng bận rộn và vất vả, ít có điều kiện chăm sóc cho gia đình. Đối với vấn đề này, sự quan tâm của Bộ Chỉ huy với anh em thế nào, thưa đồng chí Chính ủy?
Chính ủy Ngô Văn Vũ: Áp lực công việc của những người lính biên phòng nói chung và Biên phòng Lạng Sơn nói riêng là rất lớn. Dù ở giữa thời bình, nhưng họ phải thường xuyên đối mặt với rất nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí còn nguy hiểm cả đến tính mạng. Đa số các đồng chí dù nhà gần, hay nhà xa thì cũng phải trên dưới một tháng mới được về thăm gia đình một lần; còn khi có yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, đòi hỏi trực quân số liên tục như chống buôn lậu vào dịp cuối năm, tổ chức các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm hoặc như trực APEC vừa qua, thì có nhiều đồng chí đến hai tháng mới được về một lần. Vì thế, quan tâm giáo dục, động viên bộ đội kịp thời là việc làm thường xuyên của Lãnh đạo, Chỉ huy các cấp, nhất là đối với Bộ Chỉ huy chúng tôi. Tuy nhiên, dù hết sức bận rộn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xoay vòng cho mỗi đồng chí, tính trung bình một năm cũng ít nhất một tháng được nghỉ một lần; đối với chiến sĩ, thì thực hiện theo luật nghĩa vụ quân sự; các trường hợp có việc đặc biệt, cấp thiết thì thay ca, đổi ca hoặc tăng cường quân số giữa các bộ phận với nhau. Cùng với việc giáo dục, động viên về tinh thần, chúng tôi còn giúp đỡ cả vật chất đối với các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, như làm nhà tình nghĩa, nhà đồng đội để các đồng chí yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ.

PV: Việc thực hiện chủ trương tăng cường sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cho Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía Nam, anh em có tâm tư gì không, thưa đồng chí Chính ủy?
Chính ủy Ngô Văn Vũ: Đã là người lính, có lệnh là đi tư thế sẵn sàng! Có gì đâu mà phải suy nghĩ. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ điều động, luân chuyển, rất nhiều đồng chí đang ổn định công việc, phần lớn là trụ cột gia đình, vợ con ổn thỏa, nên khi đi công tác xa đã có những xáo trộn nhất định, nhất là về tình cảm, vì thế, hai ba đợt đầu nhiều anh em cũng khá nặng nề về tâm tư, nguyện vọng về chuyện xa gia đình, vợ con. Song, do được giáo dục, động viên tốt, nên tất cả đều thông suốt. Khi đi công tác ở phía Nam, trong đó bố trí chức danh thế nào, khi trở ra ngoài này, chúng tôi bố trí như thế, nhiều trường hợp được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, anh em rất phấn khởi; một số lần tăng cường gần đây, hầu hết các đồng chí đều viết đơn xung phong. Qua đó mới thấy, khi tư tưởng đã thông, trên dưới một lòng, thì chẳng khó khăn nào ngăn nổi bước chân người lính trên dặm trường.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chính ủy về cuộc trò chuyện này!
 
P.V

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)