Dòng chảy  Văn nghệ

Khi điện ảnh không còn là loại hình nghệ thuật dành riêng cho giới đặc tuyển

Chủ Nhật, 08/09/2019 00:01

Ngày 5/9/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải cuộc thi "Phim ngắn kĩ thuật số màn ảnh dọc" - cuộc thi do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Prenez Du Relief và liên hoan phim ngắn 3D Angoulême (Cộng hòa Pháp) phát động từ ngày 15/01/2019.

Tham dự sự kiện, ngoài Ban tổ chức, Ban giám khảo, những người dự thi và công chúng quan tâm đến cuộc thi, còn có sự hiện diện của đại diện các tổ chức trong và ngoài nước như Phân viện Puskin, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Hà Nội, Hội đồng Anh tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, Công ti IFI Solution...

Cuộc thi “Phim ngắn kĩ thuật số màn ảnh dọc” dành cho bất kì ai muốn thử sức trong việc làm phim ngắn bằng chính chiếc điện thông minh của mình, là cơ hội để các bạn trẻ yêu thích điện ảnh trong cả nước có thể thử sức sáng tạo qua những câu chuyện, thể hiện những suy nghĩ của bản thân qua những thước phim do chính mình thực hiện. Đây là cuộc thi độc đáo, tiên phong, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động phát triển ngành khoa học Thông tin và truyền thông của IFI, bao gồm: Hội thảo quốc tế “Truyền thông mới trong kỉ nguyên chuyển đổi số” (4/2019), Khóa đào tạo điện ảnh 4.0 (6/2019), Phòng nghiên cứu Thông tin - Truyền thông, Chương trình đào tạo thạc sĩ thông tin - truyền thông số hợp tác với Đại học Toulon Cộng hòa Pháp (dự kiến khai giảng tháng 11/2019).

Sau 6 tháng kể từ ngày phát động, Cuộc thi “Phim ngắn kĩ thuật số màn ảnh dọc” đã nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, với hơn 70 tác phẩm gửi về dự thi từ mọi miền đất nước.

Ban giám khảo Cuộc thi bao gồm các đạo diễn, chuyên gia, nhà phê bình và nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Đặng Nhật Minh - đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Việt Nam, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nikkei Asia; ông François Serre - Chủ tịch Hiệp hội Prenez Du Relief (đơn vị tổ chức liên hoan phim ngắn 3D Angoulême, Cộng hoà Pháp); ông Nguyễn Lê Tâm - họa sĩ, nhạc sĩ, báo Công an Nhân dân; ông Nguyễn Long Hưng - họa sĩ, chuyên gia về công nghệ 3D, Giám đốc Công ti Phim đồ họa Vietnam Graphics; bà Lê Phương Mai - Chủ nhiệm Khoa Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh.

NSND Đặng Nhật Minh (thứ 5 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các thí sinh tham dự cuộc thi

Kết quả Cuộc thi như sau:

- 01 giải Nhất: 01 chuyến tham dự và trình chiếu tác phẩm tại Angoulême International Short Film Festival in 3D/Relief and VR 2019 (Pháp) thuộc về tác phẩm Trôi của tác giả Lê Đình Tuyển, Báo Thanh niên (đồng thực hiện với tác giả Võ Huy Thăng, Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM);

- 01 giải Nhì: 01 điện thoại Nokia 7 Plus thuộc về tác phẩm Mẹ yêu con nhất trên đời của tác giả Nguyễn Thị Thu Hương, nhà làm phim độc lập;

- 01 giải Ba: 01 điện thoại Nokia 6.1 Plus thuộc về tác phẩm Claustrophobia của tác giả Trần Trung Hiếu, Đài Truyền hình Việt Nam;

- 03 giải Khuyến khích: 01 suất tham dự miễn phí khóa đào tạo điện ảnh 4.0 do IFI tổ chức vào tháng 11/2019, gồm các tác phẩm Huyền thoại mẹ của Phạm Thị Thêm, Linh của Đỗ Tri Nguyên và Black Rouge của Vũ Phương Thảo.

Giải Nhất Cuộc thi thuộc về tác phẩm Trôi của Lê Đình Tuyển

Tại Lễ trao giải, NSND Đặng Nhật Minh thay lời cho Ban giám khảo phát biểu:

“Là một người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực điện ảnh, đã từng tham dự rất nhiều liên hoan phim quốc tế, tôi vẫn cảm thấy thích thú với ý tưởng tổ chức một cuộc thi làm phim ngắn kĩ thuật số màn ảnh dọc của Viện Quốc tế Pháp ngữ. Đây có lẽ là một trong những cuộc thi đầu tiên thuộc loại này trên thế giới.

Theo tôi, đây là một cuộc thi có nhiều ý nghĩa và có tính cách tân. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh vào 2 khía cạnh, đó là khía cạnh công nghệ, và khía cạnh xã hội.

Về công nghệ, ngay cái tên và tiêu chí của cuộc thi đã cho chúng ta thấy một điều rất mới mẻ, đó là sự tác động sâu rộng của các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số, vào các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật điện ảnh. Trong lịch sử, mỗi một lần công nghệ mới xuất hiện, nó lại làm thay đổi hoàn toàn nền nghệ thuật thứ 7.

Phim có tiếng thay thế cho phim câm.

Phim màu thay thế cho phim đen trắng.

Phim 3 chiều thay thế cho phim 2 chiều.

Bây giờ đến lượt công nghệ số. Nó làm thay đổi không chỉ chất liệu từ phim nhựa sang phim kĩ thuật số, mà là cả định dạng khuôn hình, thay đổi cách chúng ta cảm thụ điện ảnh, trong đó có vai trò của người nghệ sĩ và người tiếp nhận.

Về khía cạnh xã hội, chúng ta thường nghĩ đến điện ảnh như một loại hình nghệ thuật dành cho giới đặc tuyển. Bởi vì điện ảnh truyền thống đòi hỏi một sự học tập, rèn luyện công phu, những trang thiết bị đắt tiền, cồng kềnh, một cách tổ chức chuyên nghiệp của một đội ngũ làm phim gồm nhiều thành viên thuộc các chuyên môn khác nhau… Nhưng với công nghệ số, điện ảnh đã trở thành nghệ thuật đại chúng mà hầu như tất cả mọi người đều có thể tham gia vào quá trình sáng tạo, đặc biệt là ở thể loại phim ngắn. Chính bằng cách này, điện ảnh góp phần dân chủ hóa và làm giàu có đời sống tinh thần của nhân loại nhờ sự sáng tạo của hàng triệu người.

Tất cả các yếu tố này được thể hiện rất rõ qua cuộc thi và các tác phẩm dự thi lần này.

Điều đáng nói ở các phim dự thi và đặc biêt là các phim đoạt giải đó là sự đam mê của các tác giả, là trách nhiệm đối với xã hội, là mối quan tâm đến những thân phận nhỏ bé của những con người sống quanh mình. Mong rằng các tác giả sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo để tiếp tục sáng tác những tác phẩm mới hay hơn, giàu ý nghĩa hơn, góp phần lan tỏa tình yêu điện ảnh đến mọi người.

Xin chúc mừng thành công của cuộc thi. Mong rằng Viện Quốc tế Pháp ngữ sẽ biến cuộc thi này thành sự kiện thường niên”.

NHẬT VŨ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)