Dòng chảy  Văn nghệ

NSND Lan Hương và vai diễn “Em bé Hà Nội”

Thứ Bảy, 06/04/2019 20:47

Trong tuần đầu tiên của Tháng phim tôn vinh những nữ diễn viên nổi bật (miền Bắc), chiều thứ bảy ngày 6/4/2019, tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Trung tâm TPD tổ chức trình chiếu bộ phim điện ảnh kinh điển Em bé Hà Nội và giao lưu với NSND Lan Hương.

Bộ phim Em bé Hà Nội của đạo diễn Hải Ninh do diễn viên Lan Hương thủ vai chính từng đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ III (1975), giải đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Moskva 1975

Em bé Hà Nội của đạo diễn Hải Ninh kể câu chuyện em bé Ngọc Hà (diễn viên Lan Hương) ở Khâm Thiên đi tìm gia đình sau một trận ném bom ác liệt mùa đông năm 1972 trong bối cảnh đổ nát, hoang tàn của Hà Nội. Ngọc Hà được đoàn tụ em gái nhưng mẹ em thì mãi mãi ra đi sau hành động cứu các em nhỏ ở vườn trẻ nơi bà làm việc.

Phim khởi quay mùa hè năm 1973 - nửa năm sau ngày máy bay B52 Mĩ oanh tạc phố phường Hà Nội. Diễn xuất chân thực cùng những góc quay đặc tả kết hợp với triết lí nhân văn khiến Em bé Hà Nội trở thành một trong những phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.

Tại buổi giao lưu, với sự dẫn dắt của đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung, những người yêu điện ảnh có mặt đã được nghe NSND Lan Hương chia sẻ về vai diễn cách đây ngót nửa thế kỉ của mình.

NSND Lan Hương và đạo diễn Đỗ Quốc Trung tại buổi giao lưu

Hồi nhỏ NSND Lan Hương sống với ông bà ngoại ở khu tập thể của xưởng phim, bản thân hay chụp ảnh cho các lớp quay phim, dần dà tiếp xúc với phim ảnh nên chị rất thích. Năm lên 6-7 tuổi, cô Đức Hoàn cho chị đóng vai cái Tý trong phim Chị Dậu nhưng đáng tiếc là vì một vài lí do nên bộ phim bị dang dở. Chính cô Đức Hoàn là người đầu tiên gọi chị là “thần sầu” và nhận xét chị có cái mặt rất điện ảnh. Sau đó, NSND Hải Ninh có lần gặp và ấn tượng vì đôi mắt "buồn thảm" của chị. Đạo diễn gợi ý bao giờ có phim sẽ gọi chị phân vai. Cho đến năm 1972, NSND Hải Ninh viết kịch bản phim có tên Em bé An Dương, sau chuyển thành Em bé Khâm Thiên, cho rằng vẫn chưa tiêu biểu, cuối cùng chuyển tên lần thứ ba là Em bé Hà Nội. Lúc này, NSND Hải Ninh sực nhớ tới cô bé có đôi mắt sầu thảm là chị bấy giờ. Khi đó, chị 10 tuổi và đã về ở với mẹ. Khi NSND Hải Ninh tới nhà mời chị đi thử vai thì mẹ chị kịch liệt phản đối, vì bà không muốn cho chị theo nghệ thuật. Bà nghĩ ra cách cắt phăng mái tóc dài đến hông của chị tới ngang tai để chị không còn phù hợp với vai diễn “em bé Hà Nội”, và viện đủ lí do để NSND Hải Ninh từ bỏ ý định chọn chị vào vai diễn. Mặc dù NSND Hải Ninh cương quyết “Tôi sẽ chờ cho tóc cháu dài ra rồi quay phim” nhưng mẹ chị vẫn không chịu. Nhờ có thư tay của ông Trần Duy Hưng - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lúc bấy giờ gửi về mẹ chị mới thay đổi quyết định, tuy nhiên bà ra điều kiện chỉ cho chị đóng duy nhất một phim này mà thôi. “Đó là lí do em bé Hà Nội trong phim có mái tóc tới mang tai trong khi thời điểm ấy, hình ảnh những bé gái đầu đội mũ rơm, tết tóc hai bên đã khắc sâu vào tâm trí mỗi người. Tôi cũng tiếc mái tóc ấy nhưng tôi thích đóng phim tới nỗi bỏ ăn để chống đối mẹ” - NSND Lan Hương nói.

Về cảnh quay trong phim Em bé Hà Nội mà bản thân ấn tượng nhất, NSND Lan Hương cho biết, đó là cảnh quay ở những hố bom chưa dọn dẹp sau trận “Điện Biên Phủ trên không”. “Có một cảnh quay tôi đi quanh những hố bom để tìm nhà trong đoàn làm phim ở một nơi khác, máy quay được treo trên cầu cẩu ở rất xa. Tôi chỉ có một mình ở đó, xung quanh vắng lặng, hoang tàn, đổ nát. Cho đến giờ nghĩ lại tôi vẫn sợ”. “Còn một cảnh quay tôi khiến người khác sợ đó là cảnh ô tô đang chạy và tôi chạy song song với bánh xe. Mọi người đứng ngoài xem tôi diễn mà không khỏi lạnh gáy vì dù chiếc xe chạy chậm nhưng tai nạn rất có thể sẽ xảy ra trong tích tắc. May mắn tôi bình an và được khen ngợi vì cảnh đó diễn quá đạt”.

Về kĩ năng diễn xuất, NSND Lan Hương chia sẻ: “Thực ra, khi ấy, tôi đâu có biết thế nào là kĩ năng diễn xuất. Tôi chỉ cố gắng làm theo lời hướng dẫn của đạo diễn, tưởng tượng mình cũng ở trong hoàn cảnh mất mẹ, lạc em để khóc, để diễn… Quả thực, khi hình dung mình cũng bị rơi vào tình cảnh đó, tôi thấy rất sợ hãi. Tôi cố gắng nhớ lại cảm giác hoảng hốt khi nghe thấy tiếng còi báo động, tiếng máy bay địch gầm rít trên bầu trời, nhớ lại những lần bà ngoại lao đến ôm, đẩy vào hầm trú bom. Bà dùng thân mình để che chắn cho tôi nhiều nhất có thể. Có lúc tôi nghĩ, bà muốn tôi như cuộn bông hay chú mèo con, để bà có thể ôm trọn, ghì chặt trong lòng. Rồi tôi lại hình dung lúc mình ở trong lòng bà, he hé mắt nhìn ra xung quanh xem có gì bất thường không. Tôi sợ… Tôi không dám mở to mắt ngay lập tức. Hay có lúc, tôi cũng mường tượng lại gương mặt thất thần, bàng hoàng của bà, của mẹ khi nghe tiếng còi báo động mà nhìn quanh, không thấy tôi đâu… Bởi thế, trong rất nhiều cảnh, tôi diễn bằng chính nỗi sợ hãi thật của mình”.

Với NSND Lan Hương, ngày hôm nay, cái tên “em bé Hà Nội” vẫn rất trân trọng và thân thương. “Phải thành thật rằng tôi luôn cố gắng để giữ cái tên đó. Từ sau bộ phim, tôi đã cố gắng không ngộ nhận lúc nhỏ mình thành công như thế nào, vai diễn Em bé Hà Nội có tiếng vang ra sao… mà vẫn luôn cố gắng để vượt lên cả trong lĩnh vực sân khấu lẫn điện ảnh. Tôi muốn làm cái mới và không muốn sống mãi nhờ vào cái tên ‘em bé Hà Nội’, nhưng cũng vì cái tên đó mà tôi phấn đấu không mệt mỏi trong suốt nhiều năm để giữ lại tên này”. “Hà Nội gói trọn kí ức tuổi thơ tôi. Đó cũng là nơi tôi gửi lại những năm tháng thanh xuân với nhiều ngã rẽ trên đường đời. Đến bây giờ, khi lên chức bà ngoại đã lâu, hành trình đời tôi vẫn không thôi gắn bó với nơi này. Khi đã trải qua nhiều va đập, thăng trầm của cuộc sống, ngẫm lại, có nhiều chi tiết liên quan đến vai diễn Ngọc Hà sau này đã vận vào đời tôi… Bởi thế, tôi tin vào chữ duyên và định mệnh”.

Trong khuôn khổ Tháng phim của những vì sao, Trung tâm TPD tổ chức triển lãm ảnh các diễn viên gạo cội miền Bắc từ ngày 5/4 đến ngày 20/4/2019 tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội 

VIỆT PHONG

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)