Dòng chảy  Văn nghệ

Phan Cẩm Thượng và NGHỆ THUẬT NGÀY THƯỜNG

Thứ Bảy, 09/03/2019 19:17

 

Nhân dịp Nxb Đà Nẵng phối hợp với Như Books xuất bản cuốn Nghệ thuật ngày thường phần hai và tái bản cuốn này phần một, sáng ngày 9/3/2019, không gian nghệ thuật Ơ KÌA HÀ NỘI (639/39/39 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) đã tổ chức sự kiện trò chuyện về hai ấn phẩm nói trên và giao lưu với tác giả Phan Cẩm Thượng. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà văn Nguyễn Trương Quý tham gia sự kiện với tư cách là diễn giả.

Các diễn giả và cử toạ tại sự kiện

Cuốn Nghệ thuật ngày thường của hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng được Nxb Phụ nữ xuất bản năm 2008. Cuốn sách này tập hợp những bài viết của tác giả xoay quanh 4 vấn đề chính: Suy nghĩ về nghệ thuật, Nghệ thuật ngày thường (chủ yếu giới thiệu các hoạ sĩ), Tản văn nhàn đàmNông thôn và kiến trúc. Sau cuốn sách này, Phan Cẩm Thượng tiếp tục viết và tập hợp những nghiên cứu và phê bình về nghệ thuật và xã hội, coi như là phần hai của cuốn sách, vì cách đặt vấn đề và suy tưởng không có gì thay đổi. Vừa qua, Nxb Đà Nẵng đã phối hợp với Như Books xuất bản cuốn Nghệ thuật ngày thường phần hai đồng thời tái bản cuốn Nghệ thuật ngày thường phần một.

Bộ sách Nghệ thuật ngày thường của Phan Cẩm Thượng do Nxb Đà Nẵng và Như Books vừa mới ấn hành

Tác giả Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “Phần hai của cuốn sách vẫn là những quan tâm và trăn trở của tôi về đời sống và nghệ thuật, nơi tôi học hành, lao động và trưởng thành. Hai chủ đề mới ở phần hai này - Đời sống thường ngàyVăn hoá sử - là những suy tư, tự vấn và những chuyên luận của tôi về văn hoá trong chiều sâu lịch sử.

Biết gì viết nấy là cách thành thật của người viết báo. Điều quan trọng là đã lao vào trần thế, thõng tay giữa chợ, thuật lại chuyện sông núi và nhân tình, trước là nói với mình, sau là cho chúng bạn hay, và cũng vì thế mà lúc nào cũng lưu luyến với cuộc sống, càng khó khăn càng có nhiều chuyện để suy ngẫm và viết ra”.

Hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

Hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân phát biểu: “Với nghiên cứu lí luận, lịch sử văn hóa nghệ thuật thì các công trình ‘hàn lâm’ dài hơi là phần lõi xác định tầm thâm cao của nghiên cứu. Với Phan Cẩm Thượng là các công trình uy tín như: Điêu khắc cổ Việt Nam, Đồ họa cổ Việt Nam, Điêu khắc Tây Nguyên, Chùa Dâu - Tứ Pháp, Chùa Bút Tháp, Tập tục đời người v.v… Những công trình này có tính nền tảng để dạy, để học và nghiên cứu tiếp. Vùng đệm là những bài viết có tính nghiên cứu và các bài phê bình, là các sản phẩm báo chí chuyên đề, chuyên ngành. Vùng này hấp dẫn người đọc vì dễ đọc hơn, tác giả được tự do hơn trong việc đưa ra các nhận xét, bình giá, phản ứng tức thời có tính diễn đàn… Mảnh đất trù phú của đời thường nghệ thuật cho phép tác giả gieo những hạt mầm đơn lẻ, đưa ra những phác thảo để rồi chính mình hay thế hệ sau sẽ gieo cấy cả một cánh đồng, xây cất cả một cấu trúc mới. Vùng ngoại biên còn mênh mông hơn với một nhà nghiên cứu thực thụ bởi đôi khi chiều cao sâu của các công trình khoa học chỉ là sự xoay dọc ra một cách cô đúc dải kiến thức nền rộng rãi ở chiều ngang. Chủ đề, đề tài cứ miên man như phong cảnh vô bến bờ, người đi như du sơn, du thủy. Đi đâu, ngồi đâu, ngâm ngợi, phán xét gì tùy thích. Miễn là gặp tri âm. Phong cách viết lại càng tự do, tùy hứng, người đọc cũng thích thú vì được gần gũi người viết hơn”.

Trong lời giới thiệu Nghệ thuật ngày thường phần hai, nhà thơ Đỗ Trung Lai viết: “Đi khắp nơi, sống với, quan sát và ghi chép văn minh đương thời của nhiều làng xã, nhiều vùng và tộc người, họ Phan như kẻ viết du kí, cho ta biết ở chân Trường Sơn, người Ka Tu sống thế nào; ở Kinh Bắc cổ, người ta đang làm gì; ở các xứ Thái, Mường, những ‘người đồng thời’ của ta có ‘chân dung’ vật thể ‘đương đại’ ra sao v.v... Rồi vượt qua quan sát/du kí, họ Phan giở lại mọi tập tục xưa nay của họ, gọi tên văn hóa gốc của họ, suy xét xem chúng còn/mất, sứt sẹo thế nào, lí do và hậu quả ra sao… Cuối cùng, họ Phan kiến giải, đề xuất đầy băn khoăn/bất lực, từ lịch sử gần (chiến tranh, bao cấp) và rất gần (thị trường); những cách chữa chạy chúng (…) Những điều thú vị trong sách này của họ Phan rất nhiều, cả nghe ngay được và cả còn có thể bàn thảo (…) Hồi cuối, Tản văn nhàn đàm, được họ Phan viết tự do nhất, cá nhân nhất, thì cũng văn chương nhất (…) Họ Phan, người và chữ, cũng cho ta thấy kì thú như là “kì hoa, dị thảo, quái thạch, cổ thi” vậy. Họ Phan tư duy từ văn hóa, văn hiến, tâm trạng, tâm linh mà cũng chẳng xa lạ gì với thế giới phẳng (…) Đọc một cuốn sách hay cũng giống như là được trò chuyện với một nhà thông thái - người xưa bảo thế”.

Tại buổi giao lưu, các diễn giả và các cử toạ như hoạ sĩ Lê Thiết Cương, Lê Đình Nguyên, Lê Trí Dũng, đạo diễn Trần Quốc Trọng, Nguyễn Hoàng Điệp… đánh giá cao khả năng dấn nhập sâu rộng của Phan Cẩm Thượng vào đời sống nghệ thuật cũng như đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt là tinh thần đối thoại, phản biện, là khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, khả năng tìm về vốn văn hoá cổ của dân tộc.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Lối viết hàn lâm là lối viết trung tính, còn lối viết phi hàn lâm là lối viết có giọng, có văn. Đọc Phan Cẩm Thượng để ta mài sắc giác quan mà cảm nhận, trải nghiệm nghệ thuật ngày thường”.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: “Phan Cẩm Thượng say mê truyền thống văn hoá Bắc Bộ nhưng không thần tượng hoá, trung tâm hoá nó mà biết truy vấn một cách khắt khe, có nghĩa là không ve vuốt một cái đẹp đã đóng khung”.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: “Căn cốt của người Việt Nam là yêu nghệ thuật. Ngày nay, nghệ thuật không còn là tháp ngà dành cho một số ít người. Nghệ thuật xét cho cùng là xuất hiện ở mọi ngõ ngách của ngày thường. Đọc sách của Phan Cẩm Thượng để tin hơn, rằng ở trong đời thường này luôn tồn tại những thứ nghệ thuật khác nhau, để mình yêu, để mình phỉ báng, để mình hoang mang, để mình lựa chọn… Với ý nghĩa đó, Nghệ thuật ngày thường của Phan Cẩm Thượng là sách dành cho số đông, chứ không phải chỉ dành cho những người trong giới hạn lĩnh vực chuyên môn hẹp”.

P.V

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)