Dòng chảy  Văn nghệ

Rồng trong nghệ thuật tạo hình thời Lý, Trần, Hồ

Thứ Ba, 09/04/2019 08:59

Tối ngày 8/4/2019, tại tầng 3 AGOhub 12 Hòa Mã, Hà Nội, Thư viện Kiến trúc - Nghệ thuật CA' Library tổ chức buổi toạ đàm "Rồng Lý, rồng Trần, rồng Hồ" cùng diễn giả, nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Văn Lục.

Rồng là hình tượng một sinh vật thần thoại, được tạo nên qua nhận thức và trí tưởng tượng của con người. Hình tượng rồng mang hình dáng gần giống loài bò sát như thằn lằn, kì đà, thuồng luồng, cá sấu, rắn..., tuy nhiên do quá trình giao lưu văn hóa bằng con đường buôn bán, truyền bá và du nhập các tín ngưỡng, tôn giáo giữa các quốc gia, hình tượng rồng có sự tương đồng với nhau qua sự ảnh hưởng và tiếp nhận văn hóa giữa các nước phương Đông.

Ở phương Đông, hình tượng rồng thường xuất hiện trong các tác phẩm chạm khắc và hội họa, đặc biệt là trong Phật giáo và Đạo giáo. Trong nghệ thuật hội họa, hình tượng rồng có sự kết hợp của 9 loài vật có thật trong thế giới tự nhiên, tạo nên sự uy quyền và linh thiêng. Cùng với việc trải qua từng thời đại, từng triều đại khác nhau ở mỗi quốc gia, hình tượng rồng cũng đã biến đổi, chuyển mình sang nhiều hình dạng phù hợp với quan điểm và thẩm mĩ của con người trong mỗi thời kì, ở các vùng miền bản địa.

Tại buổi toạ đàm, diễn giả, nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Văn Lục đã có những thuyết minh, kiến giải thú vị, mới mẻ về những “biến dịch” nhất định của biểu tượng quan trọng - hình rồng trong nghệ thuật tạo hình thời trung đại ở Việt Nam, qua ba triều đại là Lý, Trần và Hồ, nhằm cung cấp cho cử toạ những gợi dẫn để có thể tham khảo và vận dụng khi nhìn nhận hiện vật di sản văn hoá và ý nghĩa lịch sử các triều đại.

 

Qua các triều đại chính sử Việt Nam, hình rồng là biểu tượng văn hoá của nước - với ý nghĩa "quốc gia". Từ nhìn nhận tổng quan đó, diễn giả nêu thí dụ ba triều đại liên tiếp là Lý, Trần và Hồ. Nguyên bản của rồng là nước, cụ thể là dòng sông. "Đại Việt" hay "Đại Ngu" là quốc gia có nền tảng nông nghiệp tự nhiên.

Văn hoá Việt Nam là văn hoá nước, nguyên bản của rồng là nước

Nguyên mẫu của con rồng thời Lý là dòng sông Hồng đoạn chảy qua đồng bằng. Nhà Trần kế thừa nhà Lý với biểu tượng "Thăng Long" - kinh đô ở bờ tây sông Hồng, song biểu tượng con rồng thời Trần lại được tạc dựng theo nguyên mẫu tổ hợp sông Diêm Hộ - sông Trà Lý - sông Lân ở Thái Bình. Con rồng Trần có thân to dày hơn tạo cảm giác chắc khoẻ hơn, phải chăng mang ước vọng trường tồn của đất nước gắn với dòng họ?

Mẫu vật ở Kinh thành Thăng Long - rồng Trần

Con rồng biểu tượng lại cuộn mình trong những thời điểm đất nước nguy nan, để vững bền viên mãn thì không chỉ bởi ý chí lãnh đạo mà còn bởi sức mạnh lòng dân. Lãnh đạo nhà Trần ban đầu phù tá nhà Lý để củng cố đất nước, cũng vậy, lãnh đạo nhà Hồ vốn là thần tử của nhà Trần. Hồ Quý Ly dời đô về quê hương Thanh Hoá, ban đầu ở Cung Bảo Thanh với danh nghĩa phù Trần, sau tập trung xây dựng thành nhà Hồ. Hình rồng nhà Hồ trở nên thanh thoát hơn so với hình rồng nhà Trần - gợi cảm giác uyển chuyển linh hoạt vốn có của biểu tượng con rồng. Dời chuyển về Thanh Hoá là giải pháp lưỡng đầu thọ địch: phía bắc quân Minh, phía nam quân Chàm? Nguyên mẫu của con rồng nhà Hồ là tổ hợp sông Mã, sông Lèn, sông Đáy.

  

Mẫu gạch trong Thành Nhà Hồ - rồng Hồ

Như vậy, một hình ảnh có hướng tự nó là tĩnh tại trong không gian, song qua tư duy thị giác có thể đoán định hình đó chuyển động như bay lên hay hạ xuống: ý nghĩa gợi mở của một hình có thể nằm bên ngoài bản thân của hình đó. Theo chân mây con rồng, chúng ta có thể nhận thức lại một diện mạo văn hóa...

TRẦN ANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)