Dòng chảy  Văn nghệ

Nhà thơ Võ Văn Trực: “Mảnh trăng rụng xuống bên trời”

Thứ Sáu, 05/04/2019 12:51

Nhà thơ Võ Văn Trực, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các bác sĩ và gia đình tận tình cứu chữa, chăm sóc nhưng vì tuổi cao, sức yếu nên đã từ trần vào hồi 2h42 phút ngày 5/4/2019 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, hưởng thọ 84 tuổi.

Nhà thơ Võ Văn Trực

Nhà thơ Võ Văn Trực sinh ngày 28/01/1936 tại làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1958 ông ra Hà Nội học đại học và sau khi tốt nghiệp về nhận công tác tại Bộ Ngoại giao. Nhưng rồi ông đã xác định theo đuổi con đường văn chương. Năm 1962, ông về làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Thanh niên. Năm 1977, ông về làm biên tập viên rồi giữ chức Phó tổng biên tập tại Báo Văn nghệ cho đến khi nghỉ hưu.

Cầm bút từ những năm 1960, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1975, Võ Văn Trực viết nhiều thể loại. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm: 1/ thơ: Chú liên lạc đội Xích vệ (1971), Trận địa quê hương (1972), Người anh hùng đất Hoan Châu (1976), Ngày hội của rạng đông (1978), Hành khúc mùa xuân (1980), Trăng phù sa (1983), Tiếng ru đồng nội (1990), Hương trong vườn bão (1995); 2/ văn xuôi: Nắng sáng trời ngoại ô (1979), Câu chuyện những dòng sông (1983), Những dấu chân lịch sử (1985), Đèo lửa đèo trăng (1987), Truyền thuyết núi Hai Vai (1990), Chuyện làng ngày ấy (1993), Những thi sĩ dân gian (1996), Cái đầu hói và vết sẹo (2006); 3/ sưu tầm, khảo cứu: Vè Nghệ Tĩnh (in chung, 1962), Cố Bợ (1983), Kho tàng ca dao xứ Nghệ (in chung, 1996)…; trong đó nhiều tác phẩm đã được trao giải thưởng của Hội Văn nghệ Hà Nội, Bộ Giao thông - Vận tải…

Nhà thơ Võ Văn Trực (trái) và nhà thơ Tế Hanh thời trẻ

Về thơ của nhà thơ Võ Văn Trực, nhà nghiên cứu Thái Doãn Hiểu từng nhận định: “Với thơ, Võ Văn Trực đã cởi mở tiết lộ mọi bí mật của tâm hồn anh. Đó là trái tim bóc trần của một người chính trực luôn gắn bó với đời nhưng cô độc, ưa trầm ngâm chiêm nghiệm và phán xét trước mọi nhân tình thế cố. Võ Văn Trực đã trút bỏ được đôi cánh nặng nề của hiện thực để thơ thanh thoát bay lên. Thơ anh chân mộc mà thắm, trực diện và quyết liệt, phúng thích mà vẫn trữ tình. Thơ Võ Văn Trực chứa hương, bão, máu, lửa cháy đến tận cùng buồn vui của kiếp người”.

Dưới đây là một số bài thơ của nhà thơ Võ Văn Trực:

 

Tìm trong kí ức

 

Anh lục tìm trong kí ức

Câu nói nào em nói với riêng anh

Mà hôm đó lá rờn xanh như ngọc

Bầy chim non nhảy nhót hót muôn cành

 

Anh lục tìm trong kí ức

Ánh mắt nào em muốn gửi trao anh

Mà hôm đó khi trống trường tan học

Ngôi sao chiều chợt hiện sáng long lanh

 

Anh lục tìm trong kí ức

Bàn tay nào em muốn nắm tay anh

Mà hôm đó nhánh bàng khô run rẩy

Nắng vàng rơi trên vai áo lặng thinh...

 

Ôi dĩ vãng thân yêu và trong trắng

Bỗng hiện lên như một áng mây buồn

Rồi lạnh lẽo tan dần vào xa vắng

Tay anh cầm một ảo giác cô đơn

 

Giá hồi ấy anh biết rằng em đã...

Và lòng anh đừng vờ vĩnh ngây thơ

Thì có phải giờ đây anh đỡ khổ

Đi tìm em trong kí ức vu vơ.

 

Chị

 

Em đọc lại một bài vè dân gian

Nói về chị thời còn con gái

Em mường tượng ngày hội xuân thuở ấy

Đám trai làng theo chị vượt đò ngang

Khúc dặm vè dìu dặt ngân vang

Trên bến nước sông Bùng đêm hát bội

Ôi thời gian như một triều sóng nổi

Xô buồn đau lên mặt chị già nua

 

Mấy mươi năm đất thay đổi theo mùa

Cây thay đổi qua bao ngày nóng lạnh

Trời vào hạ mưa rào rồi lại tạnh

Tiết đông về gió bấc lại hanh heo

Khóm tre già bìm bịp trở mình kêu

Vừa tắt tiếng, chim chìa vôi đỏng đảnh...

Chị vẫn thế, với dáng hình mỏng mảnh

Chân lội bùn, áo bạc mốc phèn chua

Nuôi đàn em ăn học lúc còn thơ

Đến khi lớn rời nhà đi mọi ngả

Em bước vào cuộc trường chinh vất vả

Mỗi lần về, chị luộc trứng đùm cơm

Tiễn theo em đến tận cuối đường thôn

Rồi đứng lặng, ứa hai hàng nước mắt

Trong gian khổ, em nhớ về xa lắc

Một làng quê diệu vợi mờ xanh

Bóng chị đi mưa đẫm ướt thân mình

Ruộng nước bạc tái bầm tay cấy lúa

Bãi mật bên sông cờ hoa mới trổ

Chị nghiêng mình vun từng gốc ngô xanh

Nhớ nhung sao là cái nắng hanh hanh

Nắng xào xạc như những điều tâm sự

Tháng hai ấm, hoa xoan rơi tím ngõ

Chị trồng cây, chim sẻ đến từng đàn...

 

Ngày mẹ mất, em về chịu tang

Chị ôm mặt, nghẹn lời, nức nở:

"Cậu đã về đấy ư? Mẹ không còn nữa

Còn chị đây thu xếp cửa nhà..."

Em rùng mình, một thoáng lạnh bơ vơ

Bỗng ấm lại trong tình thương của chị

Mơ hồ thấy dáng hình của mẹ

Trong dáng đi xăm xắn chị chiều nay

Áo em sờn chị vá chị may

Con cá nục, chị chiều em, kho nhạt

Cơm nếp rồng thơm chị đơm đầy bát

Nhìn em ăn, đôi mắt chị rưng rưng

Tam nhật mẹ xong, em lại lên đường

Chị dặn nhỏ: "Mẹ mất rồi, có chị

Cậu nhớ về luôn như hồi còn mẹ..."

Em ngoái nhìn chị đứng dưới vòm đa

Dõi theo em khuất nẻo phía cầu ga...

 

Đêm cuối thu

 

Tiếng mèo kêu xé ngang đêm

Nàng thu lá động trước thềm gọi đông

 

Chuyện đời bao nỗi đục trong

Câu thơ cháy đến tận cùng buồn vui

 

Mảnh trăng rụng xuống bên trời

Mùa thu đã chết tuyệt vời trong ta.

P.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)