Dòng chảy  Văn nghệ

“Place-making trong bối cảnh Á Đông”

Thứ Sáu, 29/03/2019 22:15

Tối 29/3/2019, tại X-hub (46 Bích Câu, Hà Nội), TS.KTS Tô Kiên - quy hoạch sư cao cấp và quản lí Dự án, Tập đoàn Tư vấn phát triển hạ tầng Eight-Japan (EJEC) - đã có buổi nói chuyện về chủ đề “Place-making trong bối cảnh Á Đông”.

TS.KTS Tô Kiên tại buổi nói chuyện

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi 6 tọa đàm có chủ đề "Kiến trúc sư tìm gì?" thuộc chương trình Architecture Leader Perspective Minitalk, là một chương trình chuyên biệt gồm các chuỗi hội thảo nằm trong chương trình mở rộng của Architecture Leader Perspective do Tập đoàn Lixil khởi xướng từ năm 2015.

Place-making (tạm dịch là kiến tạo địa điểm, nơi chốn) là một thuật ngữ được sử dụng ngày càng rộng rãi trong lĩnh vực thiết kế đô thị, quy hoạch đô thị và cộng đồng. Quá trình kiến tạo này truyền cảm hứng cho mọi người thuộc mọi thành phần cùng chung tay lên ý tưởng, sáng tạo và tái tạo các không gian công cộng và không gian cộng đồng trong các đô thị để phù hợp với chính nhu cầu của họ. Chính vì thế, nó thường là quá trình “bottom-up” (từ dưới lên) và được thực hiện cùng (with) và bởi (by) mọi người thuộc mọi thành phần. Place-making thường được áp dụng cho các không gian công cộng và cộng đồng quy mô vừa và nhỏ như quảng trường mini, công viên, sân chơi, ngõ phố, đường dạo, sân cộng đồng...

Do vậy, place-making khác với quá trình xây dựng các không gian công cộng lớn như quảng trường, nhà ga, trục đường... do chính quyền đầu tư (“top-down” - từ trên xuống). Place-making cũng tăng cường sự kết nối giữa người sử dụng và các địa điểm công cộng nói trên, và giúp họ xích lại gần nhau hơn.

TS.KTS Tô Kiên nhấn mạnh: “Nhiều khi người ta cứ đánh đồng khái niệm. Không gian công cộng là thuộc về bất kì ai, còn không gian cộng đồng là chủ yếu thuộc về một cộng đồng người nhất định. Chẳng hạn, sân chung cư là không gian cộng đồng - nơi chủ yếu dành cho những cư dân của chung cư đó. Không gian công cộng nhiều khi bị biến thái, bị xâm chiếm, bị cản trở, hoặc quá sang trọng…, do vậy, không còn là địa điểm/nơi chốn dành cho tất cả mọi người (people) theo đúng nghĩa của nó”.

Tham dự place-making là đa thành phần như cộng đồng dân cư, tổ dân phố, chính quyền, những người ngoài đi làm ở khu vực đó, các chuyên gia, kiến trúc sư, nghệ sĩ, giới truyền thông... Tiến trình place-making bắt đầu bằng việc nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá các giá trị hiện có của các không gian đô thị, từ đó cùng bàn bạc và đề xuất các giải pháp nâng cấp hay tạo dựng các giá trị địa phương mới.

Place-making không chỉ giúp hoàn thiện công cuộc thiết kế đô thị và cộng đồng, mà còn giúp tạo ra nhiều sáng tạo trong việc sử dụng và quản lí không gian công cộng và không gian cộng đồng một cách phù hợp và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sống trong các đô thị, hướng tới mục tiêu đô thị đáng sống, đô thị nhân văn và “vị nhân sinh”.

Sau phần tổng quan với các khái niệm và rất nhiều ví dụ minh họa từ những trải nghiệm nghề nghiệp cá nhân trên thế giới, TS.KTS Tô Kiên đi sâu vào một số dự án trong khu vực Á Đông, đặc biệt là Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. “Mong muốn của tôi cũng như những người làm nghề là kiến tạo và lan toả phương hướng, nguyên lí, triết lí nghề nghiệp phù hợp với bối cảnh Á Đông” - TS.KTS Tô Kiên nói.

Phần cuối của bài nói chuyện, TS.KTS Tô Kiên giới thiệu hai dự án cộng đồng gần đây của diễn giả tại ngoại vi TP Hồ Chí Minh và Tam Kỳ (Quảng Nam), đem đến cho cử tọa những góc nhìn mới của người trong cuộc về xu hướng và thực tiễn place-making ở Việt Nam.

Con đường thuyền thúng là một điểm nhấn du lịch độc đáo tại Tam Thanh, Tam Kì, Quảng Nam (Ảnh: Internet)

Từ các ví dụ đa dạng, bài thuyết trình tổng kết và đánh giá khái quát về place-making đa thành phần trong bối cảnh Á Đông với đặc thù khá đa dạng như thế mạnh và thế yếu trong làm việc tập thể, sự hạn chế trong tư duy và tính cách, hệ thống tôn ti và định kiến xã hội, những thế mạnh cũng như rào cản văn hoá, đặc thù của từng thành phần tham gia.., từ đó có những gợi ý về cách tổ chức cho một số loại hình dự án cụ thể trong những bối cảnh khác nhau.

Sau phần trình bày của TS.KTS Tô Kiên là phần thảo luận sôi nổi của cử toạ với nhiều đóng góp chuyên môn đáng chú ý, chẳng hạn như ý kiến phát biểu của TS.KTS Phó Đức Tùng: “Trong thời kì hiện đại, kiến trúc sư cần sở hữu kĩ năng của người làm công tác xã hội. Kiến trúc sư là một mắt xích trong một dự án cộng đồng nhưng đồng thời là nhà chuyên môn dùng học thuật, triết lí, nguyên lí để dẫn dắt cộng đồng cùng chung tay làm nên dự án đó. Với dự án cộng đồng, cơ chế tổ chức là quan trọng, nhưng dù sao thì bộ máy cũng chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải là kiến trúc sư giỏi, tức là người có khả năng tạo ra được hồn cốt của địa điểm/nơi chốn tương thích với một cộng đồng chính thụ hưởng, thuộc về địa điểm/nơi chốn ấy”.

TS.KTS Phó Đức Tùng phát biểu tại sự kiện

SONG LONG

 

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)