Anita Desai và việc viết tiểu thuyết ngắn để chúng “không kết liễu mình”

Thứ Ba, 21/01/2025 05:36

Trong cuốn tiểu thuyết Rosarita mới nhất, Anita Desai đã lấy bối cảnh ở Mexico - đất nước mà bà luôn cảm thấy giống quê hương Ấn Độ đến nỗi bản thân “như đang ở mẫu quốc vậy”.

Anita Desai đã từng sống ở những thành phố khác nhau, từ Delhi, London cho đến Boston, nhưng khi quyết định chọn nơi định cư, bà đã tìm thấy Thung lũng sông Hudson ở New York. Bà cho biết mình đến đây lần đầu đúng 40 năm về trước để thăm 2 nhà làm phim Ismail Merchant và James Ivory. Tuy chuyến đi đó vô cùng tình cờ nhưng lại đưa đẩy đời bà theo một cách khác, đến nỗi sau đó bà đã định cư tại trên một trong những đoạn sông ấn tượng nhất nơi đây. Tác giả 87 tuổi nhớ lại khi đang ngồi trong ngôi nhà ở Cold Spring tràn ngập ánh nắng với các giá sách chạy dọc theo 4 bức tường rằng: “Tôi đã khám phá ra một phần tuyệt đẹp của nước Mĩ tại đây”.

Nhà văn Anita Desai.

Tuy đã định cư ở một nơi xác định, nhưng trong suốt văn nghiệp, Desai là một nhà văn luôn không cố định. Trong nhiều thập kỉ, bà đã khám phá nhiều bối cảnh văn học và nghệ thuật khác nhau, từ các tu viện Ấn Độ xa xôi đến các thị trấn khai thác mỏ Mexico và vùng ngoại ô nước Mĩ. Song song với đó, bà cũng mở rộng tầm nhìn cho nhiều thế hệ nhà văn Ấn Độ cả trong cũng như ngoài nước. Và giờ đây, mặc dù cuối cùng cũng đã “bám rễ” ở nơi cố định, nhưng trí tưởng tượng của bà vẫn đang tiếp tục lang thang khắp nơi.

Rosarita – tiểu thuyết mới nhất của bà – cũng là điển hình cho điều nói trên. Đây là câu chuyện đầy vẻ bí ẩn lấy bối cảnh San Miguel de Allende ở Mexico, nơi chiêm nghiệm ma quái phủ đầy sự thật cũng như kí ức, bạo lực xen lẫn nghệ thuật. Trong đó, một sinh viên Ấn Độ tình cờ phát hiện ra dấu vết quá khứ ẩn giấu của mẹ mình với tư cách là một nghệ sĩ ở Mexico những năm 1950. Nhưng khi càng tiến sâu vào vấn đề này, cô càng hoài nghi rằng đây có là sự thật hay chỉ là những ảo ảnh được nuôi dưỡng bởi “những tưởng tượng và sự dối trá” của một người lạ địa phương?

Salman Rushdie - người ngưỡng mộ sâu sắc tác phẩm của Desai kể từ những cuốn sách đầu tiên như Clear Light of Day (1980) mà ông cho biết gợi mình nhớ đến Jane Austen – đã chia sẻ rằng: “Cả Anita và Austen đều mang đến cho người đọc một trạng thái nhẹ nhàng và yên tĩnh đến mức khó tin, tuy vậy ẩn sâu bên dưới là một trí thông minh dữ dội và sự dí dỏm sắc sảo, không ngừng gây sốc”. Ông cũng nói thêm Rosarita báo hiệu một “khởi đầu mới cho Anita”. Với bầu không khí bí ẩn và siêu thực, tác phẩm này gợi nhớ đến Jorge Luis Borges hơn là Austen.

Ảnh minh hoạ. 

Tuy vậy thì sự bí ẩn vốn không quá xa lạ với Anita Desai. Là con gái của một người cha Bengali và một người mẹ Đức, Desai cho biết bà chưa bao giờ hòa nhập được với các gia đình Ấn Độ trong suốt quá trình lớn lên ở Delhi. Khi bà 10 tuổi, Ấn Độ giành được độc lập và bà đồng cảm mạnh mẽ với sứ mệnh của đất nước còn non trẻ này. Bà chia sẻ rằng: “Chúng tôi rất tự hào khi được thuộc về một Ấn Độ mới cũng như độc lập. Trở thành một phần của đất nước dưới sự lãnh đạo của Nehru đã mang lại cho chúng tôi niềm tự hào và cảm giác thoải mái không dễ có được trong những năm tháng trước đó”.

Khi bà bắt đầu viết vào những năm 1960, bà đã chịu ảnh hưởng của một thế hệ tác giả hậu độc lập như RK Narayan, Raja Rao và Mulk Raj Anand. Ruth Prawer Jhabvala, người hàng xóm của bà vào thời điểm đó, đã khuyến khích bà theo đuổi sự nghiệp văn chương. Bà bộc bạch rằng: “Ngôi nhà và cuộc sống ở Delhi xưa là nơi tôi hiểu rõ nhất, nơi tôi liên tục viết về. Sau Clear Light of Day, tôi được biết đến như một nhà văn nữ viết về vị trí của người phụ nữ bên trong gia đình. Sau đó tôi bám lấy nó nhiều lần đến nỗi cảm thấy được những hạn chế, từ đó mà tôi muốn mở ra cánh cửa mới và bước khỏi đó”.

Và cuốn sách đánh dấu cho quãng đường mới đó là In Custody ra mắt vào năm 1984. Theo Kalpana Raina, một nhà văn và dịch giả sinh ra ở Kashmir, nó đã ghi lại “sự suy tàn của một ngôn ngữ, của một nền văn học và của một nền văn hóa. Tính cho đến nay, đây vẫn là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của Desai, và đã được chuyển thể thành phim mang tên Merchant-Ivory vô cùng thành công vào năm 1993.

Sự nghiệp của Desai tiếp tục mở rộng trong những năm tiếp theo, với một loạt tiểu thuyết như Baumgartner's Bombay (1988), Journey to Ithaca (1995) và Fasting, Feasting (1999) kể về một nhóm người xa lạ ở những vùng đất mới. Bản thân Desai đã chuyển đến Mĩ vào giữa những năm 1980 để dạy viết tại MIT. Mùa đông khắc nghiệt cùng những thứ khác đã gây sốc cho chính những gì bà thấy quen thuộc. Khi tuyết rơi dày đặc vào năm đầu tiên đó, bà đã đặt một chuyến đi đến Oaxaca, ở Mexico, và còn trở lại chính vùng đất này một cách thường xuyên cho đến ngày nay.

Bà cho biết: "Việc tìm hiểu Mexico đã mở ra cho tôi một thế giới khác, một cuộc sống khác. Thật kì lạ vì nó giống Ấn Độ đến mức khiến bản thân thấy như đang ở nhà. Nhưng vẫn có điều gì đó ở Mexico mang tính siêu thực hơn là thực tế". Rosarita giống như cuốn sách The Zigzag Way ra mắt vào năm 2004 của bà, khi cùng lấy Mexico làm bối cảnh chính. Chia sẻ về nguồn cảm hứng, Desai cho biết khi tình cờ đọc được câu chuyện về nghệ sĩ người Punjab - Satish Gujral - người đã học với Diego Rivera (chồng cũ của nữ danh họa Frida Kahlo) và những họa sĩ vẽ tranh tường người Mexico khác, bà bắt đầu hình dung ra một câu chuyện liên kết “những vết thương, sự tàn phá” của hai sự kiện lịch sử dữ dội: sự phân chia của Ấn Độ - sự kiện đã chia cắt tiểu lục địa này theo các đường lối tôn giáo vào năm 1947, và cuộc Cách mạng Mexico - một cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 1910.

Theo thời gian, bà đã chắt lọc những mảnh ghép trong câu chuyện của mình, đan xen vào đó một cốt truyện về mẹ và con gái như "phần quen thuộc nhất” của bản thân mình. Bà thừa nhận rằng ngay cả với bà, đó cũng là một điều bí ẩn khi bà không biết rồi đây mọi chuyện sẽ đi tới đâu. Tuy nhiên, có một điều bà biết chắc cuốn sách lần này sẽ là một tiểu thuyết ngắn, cô đọng và ấn tượng. Bà chia sẻ hình thức này "không đòi hỏi năng lượng cũng như sức bền như các tiểu thuyết thông thường” và nói đùa rằng “Ta có thể hoàn thành nó trước khi nó kết liễu ta".

Trong khi Desai tuyên bố đây có thể là cuốn sách cuối cùng của mình, thì song song đó, bà cũng đang tận hưởng những trải nghiệm mới khi chứng kiến cô ​​con gái Kiran Desai tiếp tục hành trình viết văn. Tác phẩm đầu tay của Kiran, Hullabaloo in the Guava Orchard xuất hiện vào năm 1998, ngay sau lễ kỉ niệm 50 năm của Ấn Độ. Tác phẩm tiếp theo là Di sản mất mát, một kiệt tác trải dài từ Harlem đến dãy Himalaya và khiến mẹ mình kinh ngạc, đã giành được Giải thưởng Booker danh giá vào năm 2006. Rushdie đã gọi cặp mẹ con này là “triều đại đầu tiên của tiểu thuyết Ấn Độ hiện đại.”

Kiran hiện là một phần của nhóm tiểu thuyết gia Ấn Độ ấn tượng nổi lên trong những năm 1990 trong giai đoạn toàn cầu hóa, khác xa với thế giới khép kín và biệt lập mà Anita từng biết khi bà là một nhà văn trẻ viết bằng tiếng Anh nhiều thập kỉ trước. “Tất nhiên đã có sự nở rộ mạnh mẽ kể từ thời điểm đó và mối liên hệ liền mạch hơn giữa Ấn Độ và các ‘đứa con lưu vong’ của mình. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhớ rằng chính những nhà văn ‘cô đơn’ như mẹ tôi đã mở ra cánh cửa cho các thế hệ viết văn sau này”.

Kiran gọi cuộc đời viết lách dài lâu của mẹ mình là một “món quà” và không chắc rằng nó đã kết thúc hay chưa. Cô nói thêm: “Bà sinh ra ở Ấn Độ thuộc Anh và đã trải qua những thay đổi to lớn. Bây giờ bà luôn nói rằng mình không viết nữa, nhưng mỗi lần đi ngang qua phòng bà, tôi đều thấy bà ngồi bên bàn làm việc. Những ngày tháng của bà, ở tuổi 87, vẫn hoàn toàn dành cho việc đọc sách, đọc về sách và về viết lách. Như thể toàn bộ cuộc đời bà đã sống trong thế giới nghệ thuật vậy, và mọi trải nghiệm đều được nhìn nhận qua lăng kính này.”

LINH TRANG dịch từ The New York Times

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)