Giữa tháng 11 vừa qua, hàng chục người biểu tình đã tụ tập bên ngoài nơi diễn ra lễ trao giải Giller là Khách sạn Park Hyatt ở Toronto để phản đối giải thưởng này.
Chỉ cách đó một đêm, buổi trao giải Baillie Gifford cũng khép lại với người chiến thắng là tiểu thuyết gia người Úc Richard Flanagan, nhưng ông cũng tuyên bố sẽ hoãn việc nhận tiền thưởng để khẳng định quan điểm của mình. Và hai ngày sau, hơn một trăm tác giả đã kí một bức thư ngỏ lên án “sự đạo đức giả sâu xa” của giải thưởng JCB dành cho văn học.
Những người biểu tình chỉ trích nhà tài trợ đứng sau giải Baillie Gifford
Tất cả những sự kiện trên đều đến từ sự phản đối dành cho những nhà tài trợ đứng sau giải thưởng. Tuy phần hiện kim mà người chiến thắng nhận được là không hề nhỏ với 100.000 USD Canada (1,7 tỉ đồng) cho giải Giller, 50.000 bảng Anh (1,6 tỉ đồng) cho giải Baillie Gifford và 2,5 triệu rupee (750 triệu đồng) cho giải JCB cũng như cơ hội thúc đẩy sự nghiệp, nhưng có không ít nhà văn thắng giải đã từ chối nhận chúng, qua đó thể hiện quyết tâm đặc biệt bởi nguồn tiền thưởng mà họ nhận được đến từ các doanh nghiệp sản xuất vũ khí, tàn phá môi trường và không cam kết để giảm phát thải khí thải nhà kính.
Trong bài phát biểu nhận giải Baillie Gifford được ghi âm trước qua video, tác giả đoạt giải Booker với cuốn Đường hẹp lên miền bắc thẳm Richard Flanagan cảm ơn ban giám khảo cũng như các nhà tài trợ nhưng cũng cho biết bản thân sẽ không nhận món tiền thưởng cho đến khi nào mà Baillie Gifford thông báo lên kế hoạch cắt giảm đầu tư vào khai thác nhiên liệu hóa thạch. Quyết định của Flanagan cũng đã khép lại một năm biểu tình chống lại đơn vị tài trợ này, khi trước đó điều này đã khiến cho 9 lễ hội văn học của Vương quốc Anh không thể diễn ra như các năm trước.
Trước khi cuốn sách Question 7 mà Flanagan được công bố là người chiến thắng ra mắt, Peter Singlehurst - đại diện của Baillie Gifford - đã đưa ra lời bảo vệ cho doanh nghiệp này khi khẳng định rằng khoản đầu tư của công ti mình vào nhiên liệu hóa thạch là thấp hơn mức trung bình của ngành nhưng không mấy thuyết phục. Ông cho biết dẫu có làm gì thì việc giảm thải một cách hoàn hảo vẫn là bất khả, bởi việc sản xuất vẫn luôn để lại “dấu chân” của điều gì đó, ở nơi nào đó.
Flanagan cho biết “Tôi không coi Baillie Gifford là kẻ thù. Tôi nghĩ rằng sự ủng hộ của họ đối với văn học là một hành động thiện chí. Đề nghị của tôi là để mọi người cùng nhau đoàn kết và nhắc nhở nhau về những điều có thể. Tôi không đưa ra quyết định này từ bất kì vị thế đạo đức nào cả, bởi vì chúng ta đồng lõa với nhau trong việc sử dụng máy bay, lái ô tô, tiêu thụ đồ nhựa... Nhưng tôi không thể viết một cuốn sách như Question 7 khi có phần nói về thảm họa khí hậu, sự hủy diệt cũng như biến mất của thế giới mà mình yêu quý để rồi nhận giải từ chính những người muốn phá hủy nó”.
Trong khi đó John Vaillant – người chiến thắng năm ngoái cho một cuốn sách có đề tài về cháy rừng – lại đồng ý nhận giải. Valliant cho biết: “Flanagan có quyền làm bất cứ điều gì mà anh ấy thích với giải thưởng của mình. Nhưng qua đó ta có thể thấy nguồn tài trợ cho nghệ thuật đang rất dễ tổn thương và thu hẹp dần”. Đứng trước điều này ông cho rằng cách tiếp cận tốt nhất là “duy trì sự tham gia cũng như áp lực, nhưng hãy thể hiện lòng biết ơn ngay cả khi nó không hoàn hảo hay không thoải mái”.
Philippe Sands, người đã giành giải thưởng Baillie Gifford năm 2016, cho biết: “Tôi tôn trọng những tình cảm mà Richard Flanagan bày tỏ, mặc dù anh ấy cũng có thể làm như tôi đó là trao tiền thưởng cho nhiều tổ chức vì lợi ích công cộng khác nhau”. Trong khi đó Viet Thanh Nguyen được đề cử cho giải thưởng năm nay đã kêu gọi Baillie Gifford thoái vốn khỏi các khoản đầu tư gây tranh cãi và cam kết quyên góp 5.000 bảng Anh mà mình nhận được cho một tổ chức xuất bản tác phẩm văn học của người Palestine ở dải Gaza khi được đề cử.
Hoàn toàn ngược lại, tiểu thuyết gia Anne Michaels lại bị chỉ trích vì quyết định nhận giải Giller, một giải thưởng văn chương lâu đời của Canada. Theo đó lễ trao giải năm ngoái đã bị gián đoạn 2 lần do các cuộc biểu tình phản đối nhà tài trợ Scotiabank về khoản đầu tư của ngân hàng này vào nhà sản xuất vũ khí Elbit Systems của Israel. Michaels cũng bị chỉ trích vì bài phát biểu của người chiến thắng khi không đề cập đến Gaza hay các cuộc biểu tình, nhưng vẫn nói rằng bà viết bài nhận giải "để những người chết cũng có thể đọc".
Nhà văn Anne Michaels bị chỉ trích khi nhận giải Giller
Madeleine Thien – tác giả của cuốn Đừng nói chúng ta không lợi quyền, người đã giành giải thưởng Giller năm 2016 - gần đây cũng đã yêu cầu giải thưởng này xóa tên, hình ảnh và tác phẩm của mình ra khỏi trang web. Nữ nhà văn cho biết “Tôi không phán xét bất kì ai cả. Nhưng về phần mình với những khiếm khuyết của bản thân tôi, tôi muốn trung thành với những cốt lõi trong thế giới mà mình tạo ra”.
Giải JCB gần đây cũng gia nhập vào làn sóng chỉ trích khi nhà tài trợ của họ là một công ti sản xuất thiết bị hạng nặng và “đóng vai trò quan trọng trong việc phá hủy nhà cửa, sinh kế một cách kinh hoàng trên khắp Ấn Độ, Kashmir và Palestine". Isobel Tarr, đồng giám đốc của Culture Unstained, một nhóm vận động kêu gọi các tổ chức văn hóa cắt đứt quan hệ với nhiên liệu hóa thạch, cho biết: “Nhìn chung, “làn sóng mới” phản đối Scotiabank, Baillie Gifford và JCB cho thấy các nhà văn không mấy hài lòng khi tài năng và công sức của họ bị sử dụng để tạo ra hình ảnh tích cực cho các công ti đang tham gia vào những hoạt động gây chia rẽ sâu sắc”.
Liệu những sự kiện này có ngăn cản những người chiến thắng giải thưởng trong tương lai với các nhà tài trợ gây tranh cãi chấp nhận giải thưởng hoặc tiền thưởng, và liệu điều đó có thể đe dọa đến nguồn tài trợ của những giải thưởng đó không? Sands nghi ngờ rằng cách tiếp cận của Flanagan sẽ ảnh hưởng đến những người khác. Ông cho biết "Đây là quyết định vô cùng cá nhân" cũng như hi vọng việc tài trợ cho giải thưởng phi hư cấu mang tên mình vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai xa.
Nhắc đến khoản tài trợ 100.000 bảng Anh của các tác giả dành cho các lễ hội văn chương vào mùa hè này khi Baillie Gifford đã hủy hỗ trợ, Tarr cho biết bà coi đó là "một điều tích cực khi các nhà văn không chỉ thách thức thực trạng trong lĩnh vực này mà còn tích cực đưa ra giải pháp để khẳng định quyền lực của mình". Tuy vậy, những người khác lại không tin rằng những giải pháp thay thế như vậy có đủ khả năng duy trì cho các năm sau, bởi các cuộc biểu tình trên toàn ngành đang diễn ra cùng lúc với "sự sụt giảm lớn" về nguồn tài trợ cũng như hỗ trợ của chính phủ trong "thời kì kinh tế khó khăn”, khiến cho bức tranh của các giải thưởng ngày càng ảm đạm.
TRIỀU DƯƠNG theo The Guardian
VNQD