: Cuốn sách gần nhất của nữ tác giả người Mĩ Robin Wall Kimmerer - Tết cỏ ngọt - đã bán được 2 triệu bản trên toàn thế giới và là một trong 100 cuốn sách hay nhất thế kỉ 21 được độc giả của tờ The New York Times bình chọn. Giờ đây, bà đang chuyển sang đấu tranh với chủ nghĩa tư bản qua nền kinh tế quà tặng mà mình khắc họa trong tác phẩm mới mang tên The Serviceberry.
Giá trị của những mối thân tình
Khi nhà sinh thái học và nhà văn Robin Wall Kimmerer đến thành phố để làm việc và bắt đầu cảm thấy xa rời thế giới tự nhiên, bà thích thực hiện một bài tập thở. Theo đó, bà sẽ hít vào và nghĩ về thứ mà mình đang làm tương đồng ra sao với một cái cây rồi thở ra. Bà chia sẻ “đó là cách siêu cơ bản để nhận ra sự tương hỗ của chúng ta trong thế giới này, rằng ta không hề tách biệt”. Bà cũng nói thêm một khi ai đó bắt đầu nhận ra mình có mối liên hệ cộng sinh với thực vật, điều đó cũng có khả năng thay đổi quan điểm chính trị của họ. Bà chia sẻ một trong những "ảo tưởng" lớn nhất của chủ nghĩa tư bản thị trường là khái niệm về lợi ích cá nhân. Nếu định nghĩa mình theo quan điểm kinh tế, người ta sẽ thích “tối đa hóa lợi nhuận đầu tư”, nhưng đối với bà, sự tối đa hóa là được ở gần những với những cái cây, các chú chim hay với đất mẹ.
Tác giả Robin Wall Kimmerer
Cuốn sách thứ hai của Kimmerer, Tết cỏ ngọt, được xuất bản vào năm 2013 bởi nhà xuất bản phi lợi nhuận Milkweed Editions, đã trở thành hiện tượng truyền miệng, lọt vào danh sách bán chạy nhất năm 2020 và tính đến nay đã chạm đến mốc 2 triệu bản. Cuốn sách đẹp đẽ, khác thường và là điều hiếm hoi có thể khiến ta nhìn thế giới này theo một cách khác. Trong các bài luận chứa đựng yếu tố khoa học, hồi kí, trí tuệ bản địa và câu chuyện dân gian, Kimmerer, một người Mĩ bản địa, đã mời mọi người xem xét lại mối quan hệ của họ với thực vật và động vật. Bà bộc bạch mình muốn "giúp mọi người yêu thế giới thêm một lần nữa".
Trong khi đó cuốn sách mới The Serviceberry lại là một sự chắt lọc tinh tế và thanh lịch một số ý tưởng chính trị của bà. Cuốn sách sử dụng hình tượng serviceberry – một loại quả mọng đỏ tím dại – để khám phá ý tưởng về nền kinh tế quà tặng, một nền kinh tế được xây dựng xung quanh sự kết nối và có đi có lại như một giải pháp thay thế cho nền kinh tế thị trường. Về mặt sinh học, Serviceberry chia sẻ quả mọng với những loài chim, côn trùng cũng như con người, và ngược lại tất cả những yếu tố trên cũng lần lượt đảm bảo cho sự sống còn của nó. Trong thế giới này, mọi sự thịnh vượng đều là tương hỗ.
Khi chúng ta mua một thứ gì đó, chúng ta có quyền sở hữu và cảm thấy mình có thể sử dụng theo ý muốn. Tuy nhiên, khi một thứ gì đó là một món quà, chúng ta nhận ra trách nhiệm của mình bỗng lớn lao hơn. Bà dẫn chứng “Một chiếc mũ len bạn mua ở cửa hàng sẽ giữ ấm cho bạn nhưng nếu nó được đan bởi bàn tay của người dì yêu thương, thì bạn sẽ gắn kết với nó theo cách rất khác”. Một quả serviceberry hái bên vệ đường rõ ràng giống như một món quà từ thiên nhiên, nên sẽ là tham lam nếu hái hết hoặc chặt trụi bụi cây. Sẽ thế nào nếu chúng ta nhận ra nhiều thứ hơn là một món quà từ thiên nhiên?
Serviceberry theo đó chính là cuốn sách đầu tiên mà Kimmerer viết khi biết giờ đây mình đã có lượng độc giả rộng rãi và cũng cảm thấy "thận trọng" hơn, đặc biệt là khi bà đang mạo hiểm vào lãnh địa mới chính là kinh tế. Nó xuất phát từ một bài luận mà bà đã viết cho tạp chí Emergence của Mĩ vào năm 2022. Ban đầu, bà đã từ chối viết về kinh tế vì không hiểu mấy về cách vận hành, "ngoài ra những gì tôi hiểu là chủ nghĩa tư bản thị trường bằng cách nào đó đang phá hủy những thứ mà mình yêu thích, rằng tôi cũng đang đồng lõa vì đó là thế giới mặc định chúng ta đang sống". Nhưng sau đó, bà nhận ra rằng với tư cách là một nhà sinh thái học, bà đã nghiên cứu lâu dài về "nền kinh tế của thiên nhiên", cách năng lượng và tài nguyên được phân phối giữa các sinh vật sống. "Và vì vậy, tôi tự hỏi liệu những suy ngẫm, sự bối rối, sự phản kháng của riêng tôi có thể có giá trị đối với người khác hay không".
Trong cuốn sách này, bà đã giới thiệu các quầy hàng nông trại miễn phí được sử dụng để chia sẻ rau dư thừa, và Little Free Library - sáng kiến chia sẻ sách đã lan rộng khắp nước Mĩ như những ví dụ về nền kinh tế quà tặng đang phát triển mạnh. Bà lập luận rằng những dự án như vậy tồn tại sẽ giúp mọi người có nhiều động lực hơn để chống lại chủ nghĩa tư bản hiện đại
Văn xuôi trong cuốn sách mới sống động đầy chất thơ và cũng dữ dội. Trong đó bà đã viết về những người tham lam, không trung thực và gọi họ là "Darrens", theo tên của Darren Woods, CEO của ExxonMobil - công ti nhiên liệu hóa thạch gây ra ô nhiễm khổng lồ. Bà nói rằng khi mình cảm thấy "bị tê liệt” khi nhớ rằng ngay cả một hệ thống lớn như chủ nghĩa tư bản toàn cầu cũng do các cá nhân lãnh đạo. "Chúng ta phải coi họ là những Windigo[1] thật sự".
Kimmerer đã tham gia vào phong trào bảo vệ môi trường từ lâu nhưng tin rằng những nỗ lực của phong trào này nhằm tạo ấn tượng thế giới đi đến hồi kết để mọi người hành động là sai lầm. Bà nói rằng nỗi sợ không thúc đẩy mọi người hành động. Nhưng tình yêu thì có. “Chúng ta nghe rất nhiều về: 'Vậy, bạn có hi vọng không?' Hi vọng cho điều gì chứ? Đối với tôi, đó là giúp mọi người yêu thế giới này thêm một lần nữa.”
Hai tác phẩm nổi tiếng của Robin Wall Kimmerer
Khoa học và những lựa chọn
Là một tác giả, nguồn cảm hứng đầu tiên của Kimmerer là nhà khoa học và nhà văn Loren Eiseley, người có những khám phá trữ tình về khoa học tự nhiên như một hình mẫu mà bà noi theo. Bà cho biết mình cũng lấy cảm hứng từ nhà thơ Wendell Berry và Rachel Carson, tác giả của Mùa xuân vắn lặng – tác phẩm nền tảng cho phong trào môi trường hiện đại. Kimmerer cho biết bà ngưỡng mộ Carson như một nhà khoa học nữ tiên phong và là người "kết hợp kiến thức với ý thức trách nhiệm". Bà nói thêm: “Tôi e rằng có quá nhiều nhà khoa học ẩn sau quan niệm rằng tính khách quan bằng cách nào đó sẽ bị ảnh hưởng nếu họ ủng hộ phe này thay cho phe kia, rằng họ phải trung dung với tất cả mọi thứ. Tôi phản đối quan niệm này. Khi muốn hiểu cách mà thế giới này vận hành, thì ai tốt hơn cộng đồng khoa học để cùng đứng lên và kể câu chuyện này chứ?”
Kimmerer, người đã có một sự nghiệp xuất sắc khi là giáo sư Sinh thái môi trường tại Đại học Tiểu bang New York (SUNY), tuy vậy vẫn chỉ trích thứ học thuật mà bà mô tả là "rất thủ cựu và giáo điều". Khi bà nộp đơn xin học sau đại học, một cố vấn đã viết rằng "bà ấy đã làm rất tốt đối với những gì mà một người Da đỏ có thể làm được". Trong suốt nhiều năm, Kimmerer cảm thấy bản thân buộc phải tuân thủ những quy luật mới và điều đó cũng đồng nghĩa với gạt bỏ di sản bản địa của chính mình. Ông nội của bà đã được gửi đến một trường nội trú công lập, nơi học sinh bị tước bỏ ngôn ngữ và truyền thống bản địa, nhưng Kimmerer lại được cha mẹ nuôi dưỡng như một phần của bộ tộc Potawatomi. Bà hiện đang lãnh đạo Trung tâm Người bản địa và Môi trường tại SUNY, nơi ủng hộ sự kết hợp giữa trí tuệ bản địa và khoa học hiện đại. Bà nói với học sinh của mình rằng họ phải biết "song ngữ", rằng họ phải hiểu về truyền thống trí tuệ của dân tộc mình. Phương pháp khoa học là công cụ tốt nhất để giải quyết các câu hỏi thực tế, nhưng nó không được trang bị để trả lời cho những câu hỏi về giá trị hoặc là đạo đức.
Năm 2022, Kimmerer đã giành được học bổng của Qũy "thiên tài" MacArthur. Chia sẻ về thành tích và món tiền thưởng 800.000 USD, bà đã nói rằng "Ôi trời ơi, đó là hành trình có hơi buồn cười". Bà chia sẻ mình “nổi tiếng” với việc lười trả lời email, và quả thật nhiều tháng trước đó đã nhận được mail từ tổ chức này. Nhưng bà đinh ninh họ muốn mình giới thiệu một người xứng đáng, và bà cũng định trả lời, nhưng công việc cứ cuốn bà đi, dẫn đến quên mất. Vào một ngày nọ đại diện của Qũy đã gọi cho bà và nói rằng có chuyện rất gấp cần phải trao đổi. Bà xếp lịch cho họ vào cuối buổi chiều trong 20 phút rãnh rỗi khi đang lái xe, và có thể nói cuộc nói chuyện ấy là một cú sốc.
Bà kể lại “Tôi lái xe vào một công trường xây dựng, giờ đây nó đã in sâu trong kí ức… Tôi không thể tin được những gì họ nói. Quả là món quà to lớn!” Khoản tài trợ này đã giúp bà có thể giảm bớt số thời gian làm việc ở trường đại học và dành nhiều thời gian hơn cho việc viết lách. Bà đang miệt mài thực hiện dự án tiếp theo và cũng là tham vọng nhất tính cho đến nay. Trong những cuốn sách trước, bà đã mời độc giả của mình học hỏi từ thực vật, nhưng trong cuốn này, thực vật mới chính là người kể chuyện. Bà chia sẻ “Đây là một thử thách sáng tạo thú vị khi trao tiếng nói và tính cách cho cây cối”. Một số phần của cuốn sách đã được đánh máy, nhưng độc giả sẽ phải đợi lâu hơn một chút vì phần lớn nội dung của nó vẫn chỉ tồn tại bằng mực xanh lá cây và tím trong các bản thảo nằm rải rác giữa những tờ giấy màu vàng trong văn phòng trồng đầy cây xanh của Kimmerer.
LINH TRANG dịch từ The Guardian
[1] Windigo là quái vật ích kỉ, ăn thịt người trong câu chuyện của người Mĩ bản địa
VNQD