Tại Ba Lan, Olga Tokarczuk trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ The Guardian chia sẻ về tiểu thuyết kinh dị mới nhất mang tên The Empusium: A Health Resort Horror Story, niềm yêu thích John Cheever và hành trình tìm kiếm một London-trong-mơ của bản thân mình. Cuốn sách được bà coi là tác phẩm cuối cùng trước khi nghỉ hưu của mình.
Năm 2018, Olga Tokarczuk, 62 tuổi, nhận cùng lúc giải Nobel văn chương và Booker Quốc tế cho tiểu thuyết Beiguni Những người không ngừng chuyển động. Bà được ban giám khảo giải Booker Quốc tế khen ngợi vì "sự dí dỏm, tinh nghịch và hài hước". Từ đó đến nay đã có liên tục nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn của bà được chuyển ngữ sang tiếng Anh, và mỗi lần xuất hiện nó luôn tạo ra những cơn dư chấn.
Nhà văn Olga Tokarczuk
Tác giả Annie Proulx, nổi tiếng với nhiều truyện ngắn, so sánh bà với WG Sebald, trong khi tác phẩm sử thi dài 900 trang The Books of Jacob thì được nhiều trang phê bình so sánh với những kiệt tác hậu hiện đại của Thomas Pynchon, George Perec, Roberto Bolaño hoặc García Márquez. Từng được Ủy ban Nobel mệnh danh là “bộ óc bách khoa toàn thư”, trong cuốn sách mới của mình, Tokarczuk đã mời độc giả đến một viện điều dưỡng trước Thế chiến thứ nhất để cùng khám phá những điều kì bí hiện diện nơi đây.
- Bà có thể chia sẻ cuốn sách mới này được “thai nghén” như thế nào không?
+ Ý tưởng về cuốn sách này đã nảy ra trong đầu tôi nhiều năm trước đó nhưng khi ấy tôi đang đắm mình trong việc sáng tạo The Books of Jacob, do đó cuốn tiểu thuyết này đã phải chờ đợi một khoảng thời gian để được cất tiếng dù tôi vẫn thường làm việc trên nhiều bản thảo khác nhau. Tôi nhớ khi ấy mình cũng đang viết Drive Your Plow Over the Bones of the Dead nữa. Có thể nói điều thực sự giúp ích cho The Empusium là đại dịch. Sau tất cả những chuyến gặp gỡ nhân dịp được giải Nobel, tôi đã có cơ hội trở về nhà - tổ ấm của mình trong những khu rừng ở Lower Silesia.
- Điều gì khiến bà lấy cuốn Núi thần của Thomas Mann ra mắt vào năm 1924 để làm cơ sở cho tác phẩm này?
+ Với cuốn sách bạn vừa nhắc đến ấy, tôi vừa thấy yêu mà lại vừa ghét. Tôi đã đọc nó 5 hoặc 6 lần kể từ khi còn là một thiếu niên và mỗi lần đọc lại có những suy ngẫm riêng, song hành với việc trưởng thành. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là rất nhiều lần bản thân bị loại khỏi cuốn tiểu thuyết với tư cách là một độc giả và một con người, khỏi những câu hỏi mà nó đặt ra cũng như các câu trả lời mà nó đưa ra. Điều đó khiến tôi nhận ra khi đứng trước giá sách của cha mình khi còn là một cô gái thì phần lớn các cuốn kinh điển được đặt ở đó chỉ đề cập đến các vấn đề giữa những người đàn ông. Tôi nghĩ trải nghiệm nói trên tương đối phổ biến: các cô gái phải đối mặt với sự vắng bặt của bản thân mình bên trong văn học. Tôi đã viết The Empusium dựa trên một chút tức giận cũng như thù hằn, tôi cho là vậy.
- Vì sao bà lại sử dụng yếu tố kinh dị?
+ Tôi thích kinh dị và nhận ra rằng chỉ bằng những công cụ của thể loại đó thì mới có thể miêu tả những chủ đề mà mình muốn nói, từ bạo lực ẩn giấu cho đến sự kì thị phụ nữ vốn luôn lan tràn trong toàn bộ nền văn hóa của chúng ta. Đó là căn bệnh dai dẳng mà ta vẫn đang sống cùng. Đó là một kẻ săn mồi vẫn luôn hiện diện và luôn chờ lúc tấn công chúng ta.
- Việc giành giải Nobel Văn chương có tạo nên sự khác biệt nào cho công việc của bà không?
+ Phản ứng đầu tiên của tôi [với chiến thắng này] là một trạng thái gần như đông cứng bởi nhiều lí do. The Empusium có thể nói là một liệu pháp: viết lách với tôi vừa quan trọng lại vừa thú vị. Nó có thể mang lại niềm vui cho bản thân tôi cũng như khiến tôi được là mình nhất. Tôi dự định trong thời gian tới vẫn sẽ tập trung vào việc viết thôi. Tôi không muốn bị kéo vào các buổi lễ trao giải và lễ kỉ niệm nữa.
Các tác phẩm nổi tiếng của Olga Tokarczuk
- Có ngạc nhiên không khi tác phẩm của bà là tác phẩm bán chạy nhất của một nhà xuất bản Anh Quốc?
+ Rất là ngạc nhiên, nhưng Antonia Lloyd-Jones, dịch giả của tôi, nói rằng tôi có khiếu hài hước rất Anh. Cô cho tôi biết khốn thay điều này lại không được đón nhận mấy ở chính Ba Lan.
- Trước khi trở thành tác giả, bà là một nhà trị liệu tâm lí. Điều đó có giúp bà nhiều trong viết lách không?
+ Tôi nghĩ là có. Công việc trị liệu đã mở ra cho tôi những cánh cửa kì lạ về các trạng thái tâm lí của con người. Tôi rút ra rằng mỗi người là một cuốn sách biết đi cũng như biết cách lắng nghe câu chuyện vẫn đang diễn ra trong đầu của mình mà không để nó đứt đoạn bởi quá tập trung khi đang viết xuống.
- Bà cũng đã sống ở Anh trong một thời gian. Bà nhớ gì về điều đó?
+ Đó là năm 1987. Tôi vừa tốt nghiệp đại học và đến London để học tiếng Anh cũng như tranh thủ làm việc một chút giống như nhiều người Ba Lan khác. Tôi làm việc tại một khách sạn phía sau con phố Harrods. Tôi sống trên Đường Fulham và đến Camden Town với một nhóm người đến từ khắp nơi để uống rượu vang. Bạn biết đấy, các hiệu sách, cửa hàng băng đĩa cũng như thang máy lên tận tầng 7 là một cú sốc với bản thân tôi - một người đến từ Ba Lan cộng sản. Tôi đã đến thăm London nhiều lần trong 10 năm qua, và trong những lần đó tôi cũng cố gắng tìm kiếm London những năm 1980 vẫn thường xuất hiện trong lúc mình mơ. Nhưng đó là việc bất khả!
- Bà có yêu thích tác giả truyện kinh dị đặc biệt nào không?
+ Tôi thấy truyện kinh dị hiện đại tương đối sáo rỗng. Tôi thích tác phẩm thuộc thể loại này từ cuối thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20 hơn, của những người như Edgar Allan Poe, Gérard de Nerval hay Dostoevsky. Ở Ba Lan, chúng tôi có Stefan Grabiński, một nhà văn đã sống cũng như sáng tác giữa hai cuộc chiến vĩ đại. Ông đã kết hợp truyện kinh dị theo motif cũ với các vấn đề xoay quanh xã hội công nghiệp. Tôi cũng muốn giới thiệu một truyện ngắn của Dino Buzzati tên là Seven Floors ra mắt vào năm 1954. Nó thực sự rất đáng sợ.
- Gần đây bà đã đọc gì?
+ Mùa thu này tôi đã chú tâm nhiều hơn vào những truyện ngắn. Tôi đã quay lại với Chekhov cũng như trải nghiệm A Swim in a Pond in the Rain của George Saunders. Những câu chuyện của John Cheever cũng mở cho tôi những viễn kiến mới. Tôi đã hối tiếc khi đọc xong cuốn sách, cảm giác mà tôi không có một thời gian dài.
- Bà có dự án mới nào đang thực hiện không?
+ Có, một cuốn tiểu thuyết rất lớn mà tôi tự hứa sẽ viết cách đây nhiều năm như cách tri ân đến những người dân của Lower Silesia. Khu vực tuyệt vời này ở trung tâm châu Âu đã có lúc biến mất sau đó lại được tái định cư. Nó rất thân thương với tôi, vì bản thân tôi cũng đang sinh sống tại đây. Về mặt hình thức, cuốn sách này tương tự như Bieguni Những người không ngừng chuyển động nhưng tầm nhìn toàn cảnh của nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực trí tuệ và tôi cảm thấy rất mệt mỏi.
- Đâu là yếu tố cần có khi bà sáng tác?
+ Sự bình tâm để tôi có thể lắng nghe được những đối thoại trong đầu của mình. Tôi vô cùng hạnh phúc khi suy nghĩ và viết, đó có thể nói là một cơ chế phòng thủ tuyệt vời mà tôi đã phát triển để chống lại những thử thách của cuộc sống hàng ngày. Nhưng tác phẩm mà tôi đang viết có thể là cuốn sách lớn cuối cùng của tôi, vì tôi hiện đang gặp phải những vấn đề khủng khiếp với cột sống của mình. Tôi nghe cơ thể của mình lên tiếng: “Tokarczuk, tư thế này của bà khi viết không còn phù hợp nữa. Hãy lo mà nghỉ hưu đi!”. Và tôi nghĩ đó là điều bản thân sẽ làm.
The Guardian
VNQD