Alexis Wright, nhà văn thổ dân quan trọng nhất nước Úc, trong những năm qua đã được biết đến là tác giả của những tiểu thuyết sử thi với những tiếng kêu gào chờ được lắng nghe. Mới đây, bà cũng là một trong những tên tuổi được kì vọng sẽ được gọi tên ở giải Nobel Văn chương 2024.
Rất lâu trước khi trở thành một nhân vật nổi tiếng trong giới văn chương Úc, Alexis Wright là một “thư kí” ghi chép biên bản trong các cuộc họp cộng đồng ở những thị trấn xa xôi hẻo lánh. Được các bô lão thổ dân đích thân giao nhiệm vụ quan trọng này, công việc của bà là chép lại lời họ bằng chữ của mình. Bà cho biết nó rất vất vả nhưng lại xoa dịu được lòng nhiệt thành của tuổi trẻ đối với những sự thay đổi diễn ra quá chậm. Bà chia sẻ rằng: “Theo một cách nào đó, đó là một ‘khóa đào tạo tốt’. Họ dạy tôi cách lắng nghe và biết kiên nhẫn.”
Wright, 73 tuổi, là tác giả của những tiểu thuyết sử thi qua đó cho thấy được sự kiên nhẫn, bền bỉ và quan sát cẩn thận mà bản thân bà đã học được trong hàng ngàn giờ dài ghi chép trong những cuốn sách trải dài hàng trăm trang, trong đó từ giọng nói này đến giọng nói khác kêu gào được lắng nghe trong một vòng xoáy vô cùng hỗn loạn. Jane Gleeson-White, một nhà văn và nhà phê bình người Úc, cho biết: “Bà ấy đứng trên tất cả những người khác trong nền văn học Úc. Nhưng những gì bà ấy đang làm vẫn chưa được hiểu đầy đủ.”
Lấy bối cảnh tại quê hương mình (bà là thành viên của bộ tộc Waanyi ở Vịnh Carpentaria, trên bờ biển phía bắc của Úc), Praiseworthy là tiểu thuyết dài nhất và phức tạp nhất của nữ nhà văn tính cho đến nay. Lần lượt là một câu chuyện tình yêu, một cuộc hành trình của người anh hùng và một lời kêu gọi hành động về chủ quyền của thổ dân, câu chuyện diễn ra dưới làn sương mù đen tối ở Lãnh thổ phía Bắc của Úc. Nó kể câu chuyện về Cause Man Steel, một người thổ dân nhìn xa trông rộng khi mơ ước mình sẽ chăn thả 5 triệu con lừa hoang để thành lập một tập đoàn vận tải cho thế giới hậu nhiên liệu hóa thạch. Đây là một dự án mà ông hi vọng sẽ cứu được hành tinh này và biến bản thân trở thành tỉ phú thổ dân đầu tiên.
Các nhà phê bình văn học ca ngợi cảm giác cấp bách của cuốn tiểu thuyết và mạng lưới nguồn cảm hứng văn học rộng lớn của nó. Nhà phê bình Declan Fry đã viết trên tờ The Guardian rằng: “Giống như mọi tác phẩm của Wright, Praiseworthy mô tả những nhân vật tàn ác, bất công, đạo đức giả và bạo lực đấu tranh chống lại những hoàn cảnh tàn ác, bất công, đạo đức giả và bạo lực. Tóm lại là quan điểm hiện thực về chủ nghĩa thực dân”.
Là một nhà hoạt động lâu năm về quyền đất đai, Wright là người ủng hộ văn hóa và chủ quyền của thổ dân. Bà cho biết câu hỏi về cách mà những thổ dân, vốn đã bị thiệt thòi do tác động của chủ nghĩa thực dân và bị các chính phủ thù địch liên tiếp tấn công, sẽ vượt qua biến đổi khí hậu như thế nào khiến mình bận tâm. Bà nói: “Tôi thấy mọi người làm việc chăm chỉ mỗi ngày để cố gắng tạo ra sự khác biệt thế nhưng nó mãi không đến”.
Khoảng đầu năm nay, Úc đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn quốc về việc có nên thành lập một Bộ “Tiếng nói” hay không. Theo đó đây là cơ quan được ghi nhận trong hiến pháp có chức năng tư vấn cho chính phủ Úc về các vấn đề liên quan đến thổ dân. Cuộc trưng cầu dân ý được coi là bước đầu tiên hướng tới việc sửa chữa những sai lầm lớn trong lịch sử, nhưng chiến dịch đã sa lầy vào thông tin sai lệch và trong một số trường hợp là phân biệt chủng tộc. Cuối cùng có hơn 60% người Úc bỏ phiếu phản đối chống đề xuất này. Wright không hề ngạc nhiên trước kết quả bỏ phiếu và cũng không mấy ấn tượng trước đề xuất ban đầu mà bà cho rằng có phạm vi hẹp.
Bà bắt đầu viết Praiseworthy chính khi nghĩ về tương lai của người dân bản địa. “Chính phủ liên tục cắt giảm và không thực sự hướng đến quyền tự quyết của người dân bản địa theo bất kì cách mạnh mẽ hay có ý nghĩa nào. Và rồi Can thiệp bắt đầu. Điều đó thật là kinh hoàng”. Theo đó vào năm 2007, sau khi có báo cáo về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em thổ dân trên các phương tiện truyền thông Úc bùng nổ, chính phủ đã áp dụng tình trạng khẩn cấp cho vùng lãnh thổ phía Bắc, từ cấm hoặc hạn chế bán rượu hoặc các văn hóa phẩm khiêu dâm cho đến trưng dụng đất đai, phúc lợi và tước bỏ các biện pháp bảo vệ đối với luật tục và tập quán văn hóa gọi là Can thiệp.
Bộ luật này đã khiến nhiều người bị ảnh hưởng kinh hãi, hoang mang và được nhiều người đồng ý là đã vi phạm nhân quyền để rồi không đạt được mục tiêu gì. Sự can thiệp và hậu quả của nó hiện rõ trong Praiseworthy. Trong một chương sách tàn khốc, Tommyhawk, cậu con trai 8 tuổi của nhân vật chính, bị cuốn vào thế giới tin tức trên phương tiện truyền thông khiến cậu tin rằng những người lớn quanh mình là những kẻ ấu dâm muốn làm hại cậu. Bà nói về động cơ này: “Tôi chỉ nghĩ trẻ em thổ dân hẳn đã nghe chúng - nghe người khác nói về gia đình bị quỷ ám của mình. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến bọn trẻ đây?”
Một số tác phẩm nổi tiếng của Alexis Wright
Đọc Praiseworthy như một thổ dân, Mykaela Saunders, nhà văn cũng như học giả đến từ bộ tộc Koori cho biết nó đã mang lại cho bà một sự nhẹ nhõm. Bà nói: “Những câu chuyện đó thực sự chưa từng được kể trên phương tiện truyền thông hay trong văn học, vì vậy trong cuốn sách này những gì gây ra cho người bản địa đã được phơi bày. Đây là những gì mà tâm lí chúng tôi và cả con cái chúng tôi đã phải chịu đựng”.
Tác phẩm của Wright thường lấy cảm hứng từ truyền thống truyền miệng của dân tộc bà cũng như từ các nhà văn thành công toàn cầu như James Joyce, Gabriel García Márquez và Carlos Fuentes. Nhà phê bình Gleeson-White cho biết: "Bà ấy đã mang 60.000 năm của những bài hát và câu chuyện kể vào thế kỉ 21 – một thế kỉ 21 hiện diện trọn vẹn và mọi thời đại cũng đều xuất hiện trong cùng một nơi". Tác phẩm của Wright đôi khi được mô tả là "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo". Nhưng thay vào đó, bà coi nó là "siêu thực", nơi câu chuyện được đan xen với lịch sử, thần thoại và thực tại tâm linh, siêu thời gian, để làm cho thực tế trở nên "thực tế hơn”. Bà nói “Thế giới thổ dân đã được tạo nên từ thời xa xưa. Đó là một thế giới bắt nguồn từ một thế giới cổ đại, và thế giới cổ đại nằm ngay tại đây, ở đây và ngay bây giờ.”
Mặc dù bộc tộc Waanyi có liên quan đến vùng cao nguyên phía nam của Vịnh Carpentaria, nhưng Wright lại được sinh ra cách đó khoảng 220 dặm về phía nam, tại thị trấn nông thôn Cloncurry nóng bức thuộc Queensland vào năm 1950. Cha bà là người da trắng và mất khi bà mới vừa lên 5. Bà được mẹ và bà ngoại là người thổ dân nuôi dưỡng. Từ năm 3 tuổi, Wright đã nhảy qua hàng rào phía trước nhà để tìm bà ngoại của mình, Dolly Ah Kup, một phụ nữ thổ dân gốc Hoa, và lắng nghe bà kể câu chuyện về Carpentaria, quê hương bà ngoại khao khát nhưng buộc phải rời xa nó. Vì vậy mà nơi có cây chà là, hoa súng và rùa bơi trong làn nước trong vắt đã chi phối trí tưởng tượng thời thơ ấu của Wright. Bà không đến đó cho đến khi trưởng thành. Theo truyền thống của thổ dân, bà gọi nơi này là “quê hương,” và nó đóng vai trò mạnh mẽ như bất kỳ nhân vật con người nào trong tác phẩm của bà.
Cuộc sống ở Cloncurry, cách thành phố lớn gần nhất khoảng 500 dặm, “có những khó khăn riêng”, bà nói. “Đó không phải là một thị trấn mà thổ dân được đối xử tốt, nơi đây như kiểu ‘chúng ta và họ’ vậy.” Bà rời thị trấn năm 17 tuổi và đi khắp Úc cũng như New Zealand, làm việc như một nhà hoạt động, phát thanh viên, cố vấn, biên tập viên, nhà giáo dục và nhà nghiên cứu. Bà đã dành nhiều năm ở Alice Springs, miền trung nước Úc, nơi bà gặp chồng mình trước khi chuyển đến Melbourne và vẫn ở đây từ năm 2005.
Carpentaria là cuốn tiểu thuyết thứ hai của bà, đã bị hầu hết các nhà xuất bản lớn từ chối vì lo ngại rằng một cuốn tiểu thuyết thổ dân có dung lượng lớn và khá văn chương sẽ không bán được. Tuy nhiên, nó đã trở thành một cú hit bất ngờ, giành được Giải thưởng Miles Franklin - giải thưởng văn học cao nhất của Úc - vào năm 2007. The Swan Book ra mắt sau đó vào năm 2013 cũng gây dấu ấn vì là một trong những tiểu thuyết Úc đầu tiên về biến đổi khí hậu, được phát hành vào thời điểm thủ tướng nước này khi đó là Tony Abbott gọi mối liên hệ giữa cháy rừng và biến đổi khí hậu là “hoàn toàn nhảm nhí”.
Đã một thập kỉ từ cuốn sách đó và độc giả Úc đã cởi mở hơn một chút với những tác phẩm viết về những trải nghiệm của thổ dân hoặc biến đổi khí hậu, và bà cũng có những độc giả riêng bên ngoài đất nước, khi Carpentaria hiện được xuất bản bằng 5 thứ tiếng. Nhưng con đường dài để cuốn tiểu thuyết tìm được độc giả không làm Wright bận tâm. Bà cho biết: "Có một số thứ cần phải có thêm thời gian, và tôi đang làm mọi cách để các tác phẩm có thể tồn tại một cách lâu dài”.
TRỊNH PHƯƠNG dịch từ The New York Times
VNQD