Lisa Lucas là một trong những nhân sự được tuyển dụng rình rang nhằm khuấy động ngành công nghiệp xuất bản suốt nhiều thập kỉ vốn được đánh giá là khá thủ cựu vài năm trước đây. Thế nhưng, sự ra đi gần đây của cô cùng các biên tập viên và giám đốc điều hành da màu nổi tiếng khác đã khiến cho một số người đặt ra câu hỏi về cam kết đa dạng hóa của các nhà xuất bản này có thật hay không?
Khi Lisa Lucas được tuyển dụng vào mùa hè năm 2020 để đảm nhận vị trí quan trọng tại nhánh Pantheon và Schocken của nhà xuất bản Penguin Random House lớn nhất nước Mĩ, mọi người đã cảm thấy rằng mọi thứ cuối cùng cũng bắt đầu thay đổi trong ngành công nghiệp mà vốn từ lâu vẫn là “địa bàn” của người da trắng. Sự kì vọng ấy vốn xuất phát từ cô là trường hợp vô cùng đặc biệt của lĩnh vực này. Trong khi các giám đốc điều hành trong ngành kinh doanh sách thường phải trải qua đến hàng thập kỉ để thăng tiến, thì Lucas lại chưa bao giờ làm việc cho khối tư nhân của lĩnh vực này, dù cô vốn là một nhân vật nổi tiếng trong thế giới văn học, khi trước đây từng là giám đốc điều hành của National Book Foundation, đơn vị quản lý Giải thưởng Sách Quốc gia Mĩ nổi tiếng.
Lisa Lucas cho biết làn sóng sa thải những nhân sự da màu cấp cao trong giới xuất bản là một qui luật đã có từ trước
Việc tuyển dụng Lucas lúc ấy đã được đưa tin trên các phương tiện truyền thông lớn như bằng chứng cho thấy các nhà xuất bản đã cam kết thực hiện sự đa dạng hóa. Là người da màu đầu tiên điều hành Pantheon trong lịch sử 80 năm của nhánh con này và là một trong số ít phụ nữ da đen đứng đầu bộ phận xuất bản lớn, cô phải đối mặt với một áp lực vô cùng đáng kể. Cô không chỉ cần học hỏi nhanh chóng trong công việc để thành công với tư cách là người đứng đầu một nhà xuất bản, mà còn phải gánh trên vai kì vọng rằng sẽ giúp thúc đẩy sự đa dạng hóa trong lĩnh vực này dù các doanh nghiệp có thực sự muốn hay không.
Tháng 5 vừa qua, Lucas đột ngột bị sa thải chỉ vài giờ trước khi thông báo này được truyền đi công khai. Tin tức này đã làm choáng váng một số người trong giới văn chương, những người coi Lucas, 44 tuổi, là người định hình xu hướng và là một tài năng đang lên - người có thể giúp phát hiện và ủng hộ các nhà văn da màu. Cô nằm trong một nhóm nhỏ nhưng có ảnh hưởng gồm các biên tập viên và giám đốc điều hành là phụ nữ da màu được tuyển vào khoảng năm 2020, khi các cuộc biểu tình trên toàn quốc về bất bình đẳng chủng tộc khiến các nhà xuất bản cam kết rằng họ sẽ tuyển dụng nhiều người da màu hơn.
Bây giờ, khi Lucas và những phụ nữ da đen nổi tiếng khác trong ngành xuất bản đã mất việc hoặc nghỉ việc hoàn toàn, sự ra đi của họ đã khiến một số người trong ngành đặt câu hỏi về cam kết của các nhà xuất bản đối với việc hòa nhập chủng tộc. Không chỉ Lucas mà còn hàng dài những tên tuổi khác thuộc nhóm thiểu số khi ra đi đã để lại một sự nuối tiếc trong ngành xuất bản, khi họ chính là những người “gác cổng văn hóa” có thể thúc đẩy sự nghiệp của các nhà văn cũng như khởi động các xu hướng và phong trào văn học.
Dhonielle Clayton, một tiểu thuyết gia và là chủ tịch hội đồng quản trị của tổ chức We Need Diverse Books, cho biết: “Những tưởng những phụ nữ da màu được các nhà xuất bản tuyển dụng vì tài năng, nhưng thật ra họ chỉ là những con cờ dễ dàng vứt bỏ. Nếu tiếp tục loại bỏ những người như trên, thì nền văn chương sẽ sớm loại bỏ những tiếng nói, những cuộc trò chuyện và những cuốn sách có sức kết nối”.
Theo thống kê, người da màu từ trước đến nay thường không xuất hiện trong ngành xuất bản. Một cuộc khảo sát nhân khẩu học về ngành này cho thấy từ năm 2019 - 2023, tỉ lệ nhân viên da màu trong ngành kinh doanh sách vẫn chỉ ở mức khoảng 5%, ngay cả khi tính đa dạng nói chung tăng lên, với tỷ lệ nhân viên da trắng giảm từ 76 xuống 72,5%. Ở cấp điều hành, người da trắng chiếm gần 77% tổng số việc làm vào năm 2023, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Trong thời gian đó, tỉ lệ giám đốc điều hành là người da màu hầu như không đổi, dao động quanh mức 4%.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Lucas lập luận rằng việc không giải quyết được sự mất cân bằng chủng tộc trong ngành không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là một sai lầm thương mại. Cô cho biết đó là dấu hiệu cho thấy các nhà xuất bản lớn vẫn chưa phát triển được các chiến lược có thể mở rộng qui mô tiếp thị và bán sách của các tác giả không phải da trắng hoặc tiếp cận độc giả không phải da trắng. Cô cho biết: “Thực tế là hiện nay không một nhà xuất bản chính thống nào đưa ra được kế hoạch dài hạn để thu hút nhóm độc giả thiểu số”.
Đối với Lucas, chuỗi sa thải gần đây giống như một sự lặp lại đáng nản lòng của chu kì “bùng nổ và suy thoái” trong quá khứ. Theo đó vào những năm 1960, các biên tập viên da màu tiên phong đã được tuyển dụng sau phong trào dân quyền. Điều đó tiếp tục vào những năm 1990, khi các nhà xuất bản nhận thấy tác động thương mại tiềm năng của những cuốn sách do các nhà văn da màu như Toni Morrison, Terry McMillan và Alice Walker... sáng tạo. Vào những lúc đó, các nhà xuất bản đã thực hiện các bước để đa dạng hóa, nhưng rồi sẽ lại sa thải khi áp lực xã hội lắng xuống hoặc xu hướng văn học thay đổi.
Lucas - trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với giới truyền thông kể từ khi bị sa thải - đã từ chối bình luận về hoàn cảnh ra đi của mình, ngoại trừ việc nói rằng đó là một bất ngờ lớn. Trong một thông cáo báo chí, nhà xuất bản cho biết Lucas và Reagan Arthur, giám đốc nhánh của Knopf - bị sa thải để nhường chỗ cho một “đội ngũ lãnh đạo nhanh nhẹn và linh hoạt hơn, cần thiết cho sự phát triển trong tương lai gần”. Kể từ khi Lucas và Arthur bị Penguin Random House sa thải vào tháng 5, Arthur đã được Hachette Book Group thuê để bắt đầu và điều hành một nhánh mới tại đó.
Bầu không khí hiện tại có thể thấy là một sự thay đổi rõ rệt so với năm 2020, khi các cuộc biểu tình về nạn phân biệt chủng tộc nổ ra sau vụ sát hại George Floyd, và ngành xuất bản là đối tượng bị nhắm đến nhiều nhất vì lịch sử coi thường các nhân sự và nhà văn da màu. Tháng 6 năm đó, hơn 1.000 cá nhân hoạt động trong ngành xuất bản đã đăng kí tham gia “ngày hành động” để phản đối việc ngành này không tuyển dụng và giữ chân được một số lượng lớn nhân viên da màu.
Nhiều nhà văn và chuyên gia da màu đã lên tiếng về sự chênh lệch chủng tộc trong giới văn chương. Để ứng phó, các nhà xuất bản lớn đã tuyển dụng và thăng chức cho các biên tập viên da màu và ra mắt các nhánh mới dành riêng cho sách của các tác giả không phải da trắng. Các công ti xuất bản cho biết họ sẽ đa dạng hóa lực lượng lao động và các cuốn sách mà mình xuất bản, đồng thời tạo ra các sáng kiến mới về sự đa dạng, công bằng và hòa hợp. Với làn sóng đó, các biên tập viên đã mở đường cho những tác phẩm đề cập đến chủng tộc và phân biệt chủng tộc, nhiều cuốn trong đó bán tương đối chạy. Nhưng 4 năm sau, ngày càng có cảm giác rằng động lực nói trên đang bị chững lại. Một số đại lí và biên tập viên cho biết nhu cầu của các nhà xuất bản đối với sách về chủng tộc và phân biệt chủng tộc đã giảm đáng kể sau khi doanh số bán một số đầu sách mà họ thực hiện không thành công như kì vọng.
Lucas không chắc liệu có vị trí nào dành cho mình trong ngành xuất bản tư nhân trong tương lai hay không, nhưng cô vẫn luôn tin rằng ngành xuất bản sẽ thay đổi. Cô chia sẻ: “Dẫu sao vẫn luôn có người da màu trong ngành kinh doanh này và họ đã cho ra đời nhiều tác phẩm đáng kinh ngạc. Thật vui khi những người nghĩ về tương lai đang ở đó và đấu tranh vì nó.”
TRIỀU DƯƠNG dịch từ The New York Times
VNQD