Kate Atkinson: “Tôi thấy cần phải chứng minh bản thân mình”

Thứ Năm, 15/08/2024 08:50

Khi tác phẩm mới nhất thuộc series xoay quanh nhân vật Jackson Brodie sắp sửa ra mắt, Kate Atkinson đã thảo luận về series nói trên, cách bản thân từng bị khinh thường cũng như quá trình lật lại bí mật của gia đình mình.

Trong khi những nhà văn khác thường phải vật lộn để tìm ý tưởng, thì Kate Atkinson có hàng loạt những dự án mới trong tương lai gần, khi đã hoàn thành xong các tiểu thuyết nói về Thế chiến thứ hai và series thám tử Jackson Brodie, bà sẽ quay lại với chúng. Đó là ý tưởng về cách khai triển thêm nữa những khía cạnh mới trong cuộc sống của các nhân vật nổi tiếng.

Nhà văn Kate Atkinson

Chẳng hạn, Atkinson sẽ lấy bà thầy bói Madame Astarti từ cuốn tiểu thuyết thứ ba Emotionally Weird và đưa bà ta vào trung tâm của loạt truyện bí ẩn được sáng tác riêng. Bà cũng nảy ra một kịch bản mới cho Green Acres vốn là vở opera đồng quê đóng vai trò phụ trong 2 tập truyện ngắn Not the End of the World (2002) và Normal Rules Don't Apply (2023). Bà cũng dự định sẽ sáng tạo thêm các phần sách mới về Brodie, trong đó bạn gái cũ của y – Julia – sẽ vào vai một nhà nghiên cứu bệnh học… Tiếp cận với một lượng đa dạng những nhân vật có cá tính khác nhau, từ những gia đình quý tộc, diễn viên, nữ bá tước Nga cho đến giáo sĩ hay một “thám tử Thụy Sĩ khó tính”... đối với người khác có thể là sự phức tạp, nhưng với Atkinson, đó là niềm vui.

Với cuốn tiểu thuyết Death at the Sign of the Rook ra mắt gần đây, đó có thể xem như sự tôn vinh thời kì hoàng kim của tiểu thuyết trinh thám. Khi còn là một thiếu niên, Atkinson đã đọc Agatha Christie và vẫn đọc đi đọc lại tác phẩm của bà cho đến ngày nay. Cũng như các tác phẩm về Jackson Brodie, những cuốn sách này đã đưa đến cái nhìn sắc sảo về xã hội đương thời có nhiều bất mãn.

Đây đã là hướng đi mà Atkinson khai triển từ cuốn Behind the Scenes at Museum (1995), kể về câu chuyện của Ruby Lennox, một cô gái thuộc tầng lớp lao động sinh ra ở York vào năm 1951, cùng năm với Atkinson. Tác phẩm đã giành giải Sách của năm tại giải Whitbread, sau khi cạnh tranh với The Moor's Last Sigh của Salman Rushdie và cuốn tiểu sử về vị chính khách nước Anh thế kỉ 19 - William Ewart Gladstone do Roy Jenkins viết. Chiến thắng năm ấy đến nay vẫn là một bất ngờ lớn với bản thân bà. Bà miêu tả lại sự kiện ấy bằng câu: “Người hầu gái đánh bại Rushdie” (Atkinson từng làm việc trong một khách sạn). Ở thời điểm ấy, một số nhà báo mà đặc biệt là những phụ nữ “kiêu ngạo và khinh thường, không ủng hộ bà chiến thắng” đã nói những thứ khủng khiếp như dẫu viết một tiểu thuyết có phong cách hậu hiện đại nhưng liệu bà có hiểu được nó là gì không. Khi ấy, Atkinson đã đáp lại rằng: “Tôi lấy bằng tiến sĩ về chủ nghĩa hậu hiện đại đấy, và tôi nghĩ mình biết nó là gì.”.

Nhân vật Ruby chia sẻ nhiều chi tiết tương đồng với cuộc đời bà. Atkinson nói: “Tôi không biết chúng tôi có được xem là đến từ gia đình lao động không, bởi mặc dù ông bà tôi như thế, nhưng bố mẹ tôi là người bán hàng. Đó là tầng lớp hoàn toàn khác biệt.” Cha bà, người đã sống với chứng mất trí và bất ngờ qua đời một ngày trước khi bà giành được giải Whitbread. Khi được hỏi bà nghĩ ông sẽ phản ứng thế nào, Atkinson đáp rằng: “Ông ấy hẳn sẽ vô cùng tự hào. Ông ấy là người rất thích đọc sách, và hẳn là càng tự hào hơn nữa trước thực tế là bản thân ông xuất thân từ một gia cảnh thực sự nghèo khó”. Có lẽ nhận thấy điều đó, mà ông đã gửi con gái đến một trường tiểu học tư thục, vì với ông, giáo dục chính là chìa khóa thoát khỏi cái nghèo. Bà xúc động nói: “Tôi đã nhận được nền giáo dục mà ông ấy chưa bao giờ có.”

Tuy nhiên, mẹ bà lại “không bao giờ hiểu được điều đó. Khi tôi nhận bằng tiến sĩ nghệ thuật, bà đã nói rằng ‘Tại sao con lại chọn ngành đó thế?’” Atkinson cho biết bà hẳn sẽ vui nếu con gái mình chọn một cuộc sống bình thường hơn, thay vì cố gắng lấy bằng tiến sĩ và đảm nhận một loạt công việc “vô hình” mà phải đến khi xuất bản một cuốn tiểu thuyết ở tuổi 40 thì nó mới thật sự “hữu hình”. “Bà ấy thấu hiểu mọi người nghĩ gì. Bà đã có một cuộc hôn nhân tồi tệ mà bản thân rất muốn thoát ra và cố gắng quên đi. Ý tôi là, bà ấy chưa li hôn khi sinh ra tôi, vì vậy tôi là con ngoài giá thú.” Atkinson chỉ phát hiện ra điều đó khi bà 36 tuổi: “Tôi nghĩ mình đã làm rất nhiều công việc kiểu của ‘thám tử’ như xem xét các giấy chứng nhận kết hôn, giấy li hôn, giấy khai sinh... nên khi phát hiện ra điều đó, tôi có được sự bình tĩnh để mà nói rằng: ‘Mẹ chưa bao giờ nói rằng con là con ngoài giá thú.’ Và bà ấy đã có câu trả lời hay nhất từ ​​trước đến nay, hơn bất kì ai, khi đáp lại rằng: ‘Mẹ đã định nói với con [một lần] nào đó nhưng còn chưa kịp thì con đã rời khỏi phòng.’”

Chuỗi đời bất tận là một trong số nhiều tựa sách được đánh giá cao nhất của Kate Atkinson

Behind the Scenes at the Museum mở đầu từ cuộc đời của Ruby và kéo dài đến một vòng xoáy những câu chuyện nhỏ về gia đình trực hệ và tổ tiên cô. Một trong số đó kể về số phận của một phi hành đoàn máy bay ném bom, và là lần đầu tiên mà nhà văn này thể hiện mối bận tâm đến Thế chiến thứ hai. Điều này đã đạt đến thành quả tuyệt vời trong chuỗi các cuốn sách bắt đầu vào năm 2013 với Chuỗi đời bất tận xoay quanh Ursula Todd - một nhân vật liên tục chết đi và được tái sinh. Tiếp theo là A God in Ruins, cả hai cuốn tiểu thuyết đều giành được giải thưởng Costa Book.

Atkinson thường nói rằng bà coi A God in Ruins, tác phẩm kể về câu chuyện của Teddy, anh trai của Ursula, một phi công thời chiến, là thành tựu lớn nhất đời mình. Bà bật mí đó là “cuốn sách mà cả sự nghiệp tôi luôn muốn viết. Khi đã viết xong tôi liền nghĩ rằng: ‘Được rồi, mình đã viết xong cuốn sách hay nhất và cuốn bản thân muốn viết.’ Có thể nói bà đã làm sống dậy một điều gì đó vô cùng quan trọng với bản thân mình.

Atkinson lớn lên giữa những tàn tích của các sân bay thời chiến. Bà nói: “đó chính là nơi mà rất nhiều người đến để học lái xe, và bạn có thể thấy cỏ dại mọc xuyên qua bê tông và tất cả các hầm chứa vũ khí”, từ đó mà ý nghĩ về những người lính không quân trở về từ các phi vụ ban đêm trong khi toàn bộ phi hành đoàn mất tích không còn bao giờ rời khỏi bà nữa. Bà cũng bị cuốn hút sâu sắc bởi những gì đã xảy ra với nước Anh thời kì hậu chiến. Bà đã xuất bản 3 cuốn sách lấy bối cảnh năm 1951 và cho rằng đó có thể là bằng chứng về nỗi ám ảnh chung của những người bỏ lỡ cuộc sống vì cuộc chiến này.

Địa lí, giai cấp, thể loại: Atkinson không phải là một nhà văn (hay một con người) cảm thấy thoải mái khi bị định nghĩa hay là giới hạn. Ở năm đầu sự nghiệp, bà nói: “Tôi viết và cứ viết thôi, và đó là một mánh khóe theo cách nào đó: cứ tiếp tục viết cho đến khi nào mọi người sẽ nói: ‘Ồ, vâng, được rồi. Cô ấy là một nhà văn’. Có lẽ tôi chưa từng nghĩ đến điều này trước đây, nhưng tôi luôn tin mình có cảm giác cần phải chứng minh được bản thân mình.”

Hiện tại, bà rất vui khi tiếp tục câu chuyện về Brodie – nhân vật mà mình vô cùng quen thuộc và thấy bản thân “quyết tâm đến mức sẽ làm cho tác phẩm thành công”. Giống như Agatha Christie, bà dành phần lớn thời gian để đưa những cốt truyện cực kì phức tạp lên đến đỉnh điểm. Trong quá trình đó, bà cũng ra ngoài và đi đây đó, thậm chí là đi tàu điện leo núi. Atkinson nói: “Ta không thể chỉ viết một mình, đó là một điều thực sự phức tạp. Tôi coi bản thân là độc giả duy nhất của mình. Nhưng tôi sẽ không đọc theo cách mà những người khác vẫn làm. Đôi khi tôi cũng tự hỏi, liệu tôi có thích sách của mình hay không?”.

THUẬN NGÔ dịch theo The Guardian

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)