Tờ The New York Times (NYT) gần đây đã công bố danh sách “100 cuốn sách hay nhất thế kỉ 21” và như thường lệ, nó nhanh chóng lan truyền và được tranh luận rộng rãi cũng như ca ngợi trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, 61 trong số các nhà văn trong danh sách này đều là người Mĩ. 2 cuốn sách của người châu Phi nằm trong danh sách là Americanah của Chimamanda Adichie có từ "American" trong tiêu đề và tập trung vào trải nghiệm của người nhập cư tại Hoa Kì, và The Return của nhà văn người Anh gốc Libya sinh ra tại Mĩ - Hisham Matar. Mặc dù có sự hiện diện mạnh mẽ của các nhà văn nữ và gần 10% là các nhà văn da màu (gốc Mĩ), nhưng danh sách này vẫn chủ yếu là người Mĩ gốc Âu. Tiểu thuyết gia người Ý Elena Ferrante chiếm 3 trong số 13 cuốn sách được dịch nằm trong danh sách. 23 cuốn sách được xuất bản bởi cùng 10 tác giả. Hơn một nửa số sách trong danh sách được xuất bản bởi 5 nhà xuất bản lớn tại Hoa Kì.
100 tựa sách hay nhất của The New York Times phớt là các nhà văn ngoài thị trường Mĩ
Trên phương tiện truyền thông xã hội, dòng chữ “100 cuốn sách hay nhất thế kỉ 21” được in đầy màu sắc bằng chữ in đậm, thế nhưng thực tế cuộc thăm dò chỉ giới hạn ở những cuốn sách được xuất bản tại xứ cờ hoa – điều dễ bị bỏ qua trong phần chữ nhỏ. NYT yêu cầu những người trong ngành xuất bản nơi đây chỉ xem xét những cuốn sách được xuất bản tại đây, từ đó mà một danh sách mang tính Âu-Mĩ đã ra đời vô lí. Điều đáng nói là NYT yêu cầu chúng ta coi những cuốn sách này là “những tác phẩm quan trọng và có ảnh hưởng nhất thời đại”, chứ không phải “sở thích của một nhóm bình chọn hạn chế và không đáng kể về mặt thống kê nếu xét đến không gian văn học toàn cầu”.
Nếu danh sách này là nỗ lực viết nên câu chuyện về 25 năm xuất bản bằng tiếng Anh gần đây, thì không phản ánh được sự đa dạng và qui mô xuất bản toàn cầu. Những đánh giá trình bày sai lệch về thế kỉ 21 - một trong những giai đoạn năng suất và đa dạng nhất trong lịch sử văn học. Một kỉ nguyên mà thị trường và công chúng đọc sách đã trở nên gắn kết khắng khít để rồi bị thu hẹp lại thành sở thích của những người nổi tiếng trong giới văn chương Mĩ. Câu chuyện về việc sách Mĩ định hình thế kỉ này cũng là màn mở đầu cho những gì mà nếu không bị chỉ trích, có thể trở thành sự tái hiện thuyết tương đối văn hóa đã gây ảnh hưởng đến ngành xuất bản trong thế kỉ 20.
Chẳng hạn đối với một độc giả châu Phi, việc loại các nhà văn châu Phi ra khỏi danh sách những cuốn sách có ảnh hưởng nhất được viết bằng tiếng Anh trong 25 năm qua là một thiếu sót. Có thể nói sự trỗi dậy nhanh chóng của ngành xuất bản châu Phi là một trong những câu chuyện đáng chú ý nhất trong 25 năm qua. Nếu muốn nắm bắt cách thế kỉ 21 đã tái tạo ý nghĩa của việc đọc, viết và xuất bản như thế nào, thì hãy đến với văn học châu Phi.
Thế kỉ 20 chứng kiến sự gia tăng dần dần ảnh hưởng toàn cầu từ các nhà văn của châu lục này, nhưng rồi nó lại kết thúc trong khủng hoảng do bất ổn chính trị lan rộng và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, thế kỉ 21 đã đánh dấu một sự đảo ngược đáng kể khi các nhà văn Phi châu đã bùng nổ trên sân khấu toàn cầu. Về mặt tăng trưởng, thị trường xuất bản tập trung vào sách châu Phi đã mở rộng nhanh hơn hầu hết các thị trường khác.
Các nhà văn châu Phi luôn mang đến những đổi mới độc đáo cho tiếng Anh. Họ tạo ra thế giới phong phú, đa dạng với cách kể chuyện tuyệt vời. Với sự hiện diện mạnh mẽ trên phương tiện truyền thông xã hội và sự hậu thuẫn của nền văn học thống nhất hướng về cộng đồng những người di cư, sách từ nơi đây đã được nhiều đối tượng độc giả toàn cầu quan tâm. Có thể kể đến những cái tên như Jennifer Nansubuga Makumbi, Yaa Gyasi, Bernardine Evaristo, NoViolet Bulawayo, Teju Cole... là những người có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh và đi đầu trong thời kì phục hưng văn học này. Ngoài ra còn có Abdulrazak Gurnah - người đã giành giải Nobel năm 2021, Tsitsi Dangarembga, Ben Okri, Zakes Mda và nhiều người khác đã sáng tác nhiều tác phẩm trong thế kỉ 21.
Vì vậy không thể kể câu chuyện về 25 năm xuất bản gần đây mà không dành sự tôn vinh xứng đáng cho lục địa Phi. Việc bỏ qua những đóng góp của này không chỉ loại bỏ một phần quan trọng của nền văn học đương đại mà còn không nhận ra bản chất năng động và sự phát triển của thế giới văn học nói tiếng Anh. Danh sách “Những tác phẩm hay nhất thế kỉ” của tờ NYT không phải là một danh sách, mà nói đúng hơn đó là hành động xóa bỏ văn hóa. Thế giới không chỉ giới hạn ở Hoa Kì thông qua New York. Thế kỉ 21 không chỉ diễn ra ở Hoa Kì. Ta không thể bỏ qua toàn bộ nền văn học toàn cầu đã biến 25 năm qua thành một kỉ nguyên mạnh mẽ của văn chương.
Trong vài tuần qua, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về lí do tại sao NYT lại công bố một danh sách như thế này. Các biên tập viên đã phải dùng đến loại bịt mắt nào để tưởng tượng rằng việc viết lịch sử của thế kỉ 21 mà hầu hết thế giới đều vắng mặt là điều bình thường? Trong một trong nhiều cuộc trò chuyện gần đây, Bhakti Shringarpure - người sáng lập Radical Books Collective - đã nhận định rằng tờ NYT "cam kết bảo tồn những dấu tích cuối cùng của nền văn hóa da trắng trong một thế giới dường như không gắn kết với họ và tràn ngập tiếng nói đa dạng", và tôi đồng ý với nhận định đó.
Adichie là gương mặt Phi châu hiếm hoi góp mặt trong danh sách, nhưng cũng là câu chuyện có liên quan đến nước Mĩ
Tờ NYT ra mắt mục sách của mình vào năm 1896. Kể từ đó, mục này đã ảnh hưởng đến cách người Mĩ đọc sách. Trong suốt thế kỉ 20, đây là một trong những điểm đến quen thuộc của thế giới văn chương phương Tây. Các nhà văn như Amos Tutuola và Chinua Achebe, những người đã giúp đưa văn học châu Phi đến với thế giới nói tiếng Anh, đều được NYT đánh giá, mặc dù cũng phải trả giá. Những bài đánh giá liên tục tiêu cực và hạ thấp tác phẩm của Achebe trên tờ này đã được ghi chép đầy đủ trong cuốn The Emergence of African Fiction của Charles Larson.
Nhưng ảnh hưởng của NYT đã suy yếu trong thế kỉ 21 với sự trỗi dậy của văn hóa kĩ thuật số. Trong một thế giới mà cộng đồng BookTok có quyền lực lớn hơn NYT và các tổ chức truyền thông sách tương tự trong việc quyết định những gì công chúng sẽ đọc, tôi có thể hiểu tại sao một danh sách như thế này lại có vẻ là một ý tưởng hay. Các tổ chức lâu đời như NYT đang bị ám ảnh bởi hội chứng "vĩ đại trở lại". Cảm thấy lạc lõng, bị gạt ra lề mặc dù giàu có và sở hữu sức ảnh hưởng khiến họ trở nên tuyệt vọng và tăng gấp đôi ý tưởng về chủ nghĩa dân tộc. Không gian xuất bản đã trở nên đa dạng và đông đúc hơn, nhưng NYT dường như ngày càng kém khả năng tạo ra không gian tương tự cho nền văn học nói chung, chứ không phải là văn học Âu Mỹ không hề biết xấu hổ của người da trắng nói riêng.
Mặc dù NYT có toàn quyền tạo ra bất kì danh sách nào họ muốn, nhưng họ không được phép tạo ra những "thống kê" chủ quan, tồi tệ và phớt lờ đi những nền văn hóa đa dạng. Danh sách không bao giờ hoàn hảo, cũng không được cho là khách quan. Trên thực tế, chúng là những thứ khá lố bịch và luôn có sai sót. Nhưng chúng ta vẫn yêu thích chúng, nếu không vì lí do gì khác thì ít nhất là vì chúng cho ta một cái gì đó để mà tranh luận. Trên thực tế, những khiếm khuyết và sự không hoàn thiện là những gì làm cho danh sách, hoặc những gì tương tự thế, trở nên quan trọng. Vấn đề với danh sách này không phải là nó không bao gồm tất cả mọi người (không danh sách nào có thể), mà là nó không bao gồm bất kì ai chưa được bộ phận văn học của NYT kinh qua.
Chúng ta có cần những danh sách định hướng cho thời điểm này không? Có lẽ là không, nếu xét đến cách thị trường và độc giả đã trở nên quá rời rạc như hiện tại. Nhưng nếu câu trả lời là có, thì một danh sách được cho là nắm bắt cả thế kỉ phải phản ánh được thị trường văn học toàn cầu và vô số công chúng đọc sách vẫn đang duy trì thị trường đó. Quá trình thăm dò phải đủ tham vọng để tính đến các cộng đồng đa dạng của những người làm công tác tri thức trong không gian văn học: các nhà văn không được “Big Five” xuất bản, các nhà văn từ các quốc gia khác, các nhà phê bình từ các ấn phẩm nhỏ, những người làm podcast, BookTokers, Bookstagrammers... Rõ ràng việc để giới xuất bản phương Tây đại diện cho cả thế giới như từ trước đến nay không còn chấp nhận được nữa.
Phải khẳng định rằng không tồn tại một vũ trụ nào, dù là trong bối cảnh hoang tưởng nhất, mà một danh sách gồm 61 tựa sách của Mĩ có thể được coi là những cuốn sách hay nhất của thế kỉ 21. NYT đang dẫn dắt mọi người ăn mừng một thế kỉ mà chỉ có người Mỹ sinh sống và đọc sách - dẫn dắt mọi người ăn mừng một lời nói dối.
THUẬN NGÔ dịch từ LitHub
VNQD