Có vẻ như chỉ sau một đêm, Elena Ferrante - hay đúng hơn là tiểu thuyết gia viết bằng bút danh Elena Ferrante - đã được cả thế giới ca ngợi với 3 tác phẩm lọt vào danh sách 100 cuốn sách hay nhất thế kỉ 21 do tạp chí The New York Times lựa chọn. Trong đó Người bạn phi thường của tác giả này đứng ở vị trí đầu tiên.
Trong những năm qua, bộ 4 tiểu thuyết tạo nên bộ tứ Neapolitan đã đưa vị nhà văn này lên trên đỉnh cao danh vọng. Bắt đầu với Người bạn phi thường vào năm 2011, các cuốn sau đó là The Story of a New Name (2013), These Who Leave and Those Who Stay (2014) và The Story of the Lost Child (2015). Tất cả đều phác họa tình bạn trọn đời và đầy cảm xúc giữa hai người phụ nữ ở Naples, Ý sau chiến tranh.
Trong các tác phẩm, độc giả đánh giá cao mối quan hệ tinh tế giữa 2 nhân vật Lenù và Lila. Đó có thể coi là sự pha trộn tinh tế giữa tình yêu, sự ghen tuông và lòng trung thành. Các nhà phê bình tập trung vào sự quan tâm sâu sắc của Ferrante đến cuộc sống của người phụ nữ, cả trong các tiểu thuyết Neapolitan và trong các cuốn sách khác, mà nhiều nhà văn cùng thế hệ không coi là chủ đề có giá trị văn học.
Nhưng khi sự nghiệp của tác giả lên cao như diều gặp gió, thì những người hâm mộ Ferrante và những cuốn sách đã được viết ra cũng phải đối mặt với một câu hỏi vô cùng hóc búa: Rằng Elena Ferrante thực sự là ai?
Bối cảnh
Ferrante ra mắt văn đàn hơn 30 năm trước và lấy bút danh Elena Ferrante ngay từ tác phẩm đầu tay L'amore molesto (sau này được phát hành bằng tiếng Anh với tên Troubling Love) xuất bản vào năm 1992. Với sự xuất hiện của bộ tứ Neapolitan, “cơn sốt Ferrante” bắt đầu lan rộng, đặc biệt là ở Hoa Kì, nơi văn học dịch chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ trong giới xuất bản.
Ferrante chỉ tiết lộ một số chi tiết cá nhân trong nhiều năm qua, một trong số đó bật mí rằng bà lớn lên ở Naples và là con gái của một thợ may. Bà cũng ngụ ý mình là một người mẹ, đã kết hôn và cho biết việc che giấu danh tính là "cần thiết để tránh áp lực lên cuộc đời mình".
Lí do ban đầu khiến bà ẩn danh như đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn được The Paris Review công bố năm 2015 là vì nhút nhát. Bà nói: "Tôi sợ khi nghĩ đến việc phải thoát ra khỏi vỏ bọc của bản thân mình". Nhưng khi tiếp tục xuất bản, những lí do biện minh cho việc che giấu danh tính cũng càng trở nên nghệ thuật và triết học hơn.
Ferrante là người kín tiếng, nhưng không hẳn là vô hình. Bà từng đảm nhận một chuyên mục riêng cho tờ The Guardian cũng như góp bài cho nhiều báo Ý. Một cuốn sách phi hư cấu mang tên Frantumaglia cũng được ra mắt, bao gồm những thông tin tiểu sử giới hạn về Ferrante cùng nhiều cuộc trao đổi giữa bà và các nhà báo. Trong các cuộc phỏng vấn, bà thường suy ngẫm về tác phẩm, những ảnh hưởng, động lực, trạng thái tinh thần… nhưng nghịch lý thay bà vẫn thành công che giấu được mình.
Ferrante và biên tập viên lâu năm của bà, Sandra Ozzola, có mối quan hệ thân thiết. Cùng Sandro Ferri, Ozzola đứng đầu nhà xuất bản Ý Edizioni E/O, nơi đã phát hành tác phẩm của Ferrante nhiều thập kỉ qua. Bên cạnh đó, Europa Editions, nơi xuất bản tác phẩm của Ferrante tại Hoa Kì, cũng bảo vệ bà bằng cách từ chối các cuộc phỏng vấn khi Ferrante được ngỏ lời. Michael Reynolds, tổng biên tập của Europa, không biết bà ấy thực sự là ai, và ông cũng không có mong muốn tìm hiểu. "Tôi hoàn toàn không quan tâm và đã như vậy ngay từ ban đầu".
Michael nói thêm: “Không ai quan tâm điều đó trong 10 năm qua. Nhưng khi danh tiếng của bà ngày càng lớn hơn, thì thiết nghĩ, việc khiến dư luận trở nên xôn xao chính là sáng kiến của giới truyền thông. Tôi không có ý xúc phạm gì đâu, nhưng với độc giả, thứ họ quan tâm là những cuốn sách chứ không phải là câu chuyện đời tư”.
Danh tính của bà vẫn là một bí mật ngay cả với người phiên dịch tiếng Anh lâu năm Ann Goldstein, người giúp đưa Ferrante lên tầm nổi tiếng toàn cầu. Mặc dù họ chỉ trao đổi email trực tiếp nhiều lần trong gần 20 năm Goldstein đảm nhận tác phẩm, nhưng phần lớn thư từ của họ đều thông qua Ozzola. Goldstein cho biết: "Tôi đã dịch nhiều tác giả đã khuất, nên tôi đã quen với việc tự mình tìm hiểu".
Bộ 4 tác phẩm gây tiếng vang
Suy đoán về Ferrante
Một trong những người được đồn đoán thực sự là Ferrante ngay từ những năm 2015 là Anita Raja - biên tập viên và dịch giả từng làm việc ở Edizioni E/O. Theo đó, một trang tin lá cải của Ý đã nhận định rằng "Không có con mèo hay con chó nào không biết tên thật của Ferrante là Raja.” Giả thiết này cũng bùng nổ vào tháng 10.2016, khi một nhà báo người Ý tên Claudio Gatti tuyên bố trong một điều tra gồm 2 phần rằng Raja thực chất là Elena Ferrante. Gatti theo đó đã phân tích hồ sơ bất động sản và tài chính của nhân vật này, cũng như tìm hiểu sâu xa về lịch sử gia đình Raja, bao gồm cả sự sống sót của mẹ cô sau cuộc diệt chủng Holocaust, để đi đến kết luận nói trên.
Tuy vậy Ferrante và nhà xuất bản của mình nhanh chóng bác bỏ các suy đoán này. Nhiều người coi cuộc điều tra của Gatti là sự xâm phạm không cần thiết đến quyền riêng tư của vị nhà văn. Tiểu thuyết gia Jeanette Winterson đã viết trên tờ The Guardian rằng “hành vi lột trần và phơi bày cuộc sống riêng tư của Elena Ferrante là bạo lực và thô lỗ. Về mặt sáng tạo, nó có thể hủy hoại bà ấy khi đã chia sẻ mình không thể viết mà không ẩn danh, vì vậy đây là một hành động cố ý ác ý.”
Gatti trong khi đó lại lập luận rằng việc dùng bút danh của Ferrante chỉ như một "công cụ tiếp thị" và tin rằng "hoàn cảnh thực sự của nhà văn với tư cách là con gái của một người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust là chìa khóa để hiểu các tác phẩm của bà (nhân vật chính trong tất cả các cuốn sách của bà đều là những người phụ nữ mạnh mẽ đã sống sót qua thử thách khó khăn nhất, giống như mẹ của Anita)." Nhiều năm sau này, Gatti vẫn tự tin vào giả thuyết của mình.
Một người khác nữa cũng được “nhắm đến” cho vị trí này là Domenico Starnone – chồng của Raja, và bút danh này là sự kết hợp của 2 vợ chồng. Theo đó Starnone là một trong những tác giả nổi tiếng nhất nước Ý, và nhiều người cho rằng bởi sự tương đồng về mặt chủ đề của các cuốn sách mà nhiều khả năng đây là sự thật.
Theo đó cuốn Ties của ông có nhiều tương đồng với The Days of Abandonment của Ferrante, từ cốt truyện (một người vợ bị chồng bỏ rơi) cho đến những chi tiết sâu sắc hơn, như một chiếc bình thủy tinh vỡ, những tình tiết đáng buồn liên quan đến thú cưng của gia đình nhân vật...
Năm 2018, có 2 học giả đã công bố một bài báo khoa học và đặt tác phẩm của Ferrante vào phạm trù rộng hơn bằng cách phân tích cách dùng tiếng Ý. Sử dụng các mô hình ngôn ngữ, họ đã phân tích các mẫu văn bản của 40 nhà văn đương đại và đi đến kết luận rõ ràng: “Domenico Starnone, người trước đây đã được các cuộc điều tra khác xác định là người có thể đứng sau bút danh nói trên, là tác giả đã viết giống nhất với Ferrante và theo thời gian, chúng ngày càng giống nhau hơn”.
Đây là giả thuyết vô cùng gây sốc, bởi nhiều người hâm mộ Ferrante thực sự tin bà là một phụ nữ, vì cách miêu tả các nhân vật nữ vô cùng tinh tế và đầy sắc thái. Về phần mình, Starnone có vẻ bực tức trước nhận định này. Ông nói: “Giả sử tôi là Ferrante, hoặc vợ tôi đi, vậy hãy giải thích tại sao chúng tôi không sử dụng nó để nổi tiếng hơn trên trường quốc tế? Điều gì thúc đẩy chúng tôi sống trong bóng tối?”
Tuy những giả thuyết xuất hiện ngày càng nhiều hơn, nhưng Ferrante không có vẻ gì là sẽ lộ diện. Trong một cuộc phỏng vấn qua email năm 2014, tờ Entertainment Weekly đã hỏi tác giả: "Bà có bao giờ hối hận vì không tiết lộ danh tính của mình hay không? Kiểu như vào một ngày nọ, khi cảm thấy một sự dâng trào, bà muốn mở tung cửa sổ và hét to lên ‘Chính tôi là Ferrante đây!’”. Đáp lại điều ấy, nữ tác giả đã hài hước trả lời: “Hình ảnh mà anh so sánh thật là buồn cười. Nhà tôi khá cao, tôi sợ độ cao, vì vậy sẽ không có chuyện tôi dám lại gần cửa sổ”.
LINH TRANG theo The New York Times
VNQD