Jane Austen phản ứng thế nào về chế độ nô lệ?

Thứ Hai, 24/06/2024 06:01

Jane Austen đã sống những ngày cuối đời ở làng Chawton, Hampshire và chỉ cách nơi ở của Thomas Baring [1] tại East Stratton đâu đó chỉ khoảng 6 cây số. Chawton, giống như East Stratton, là một ngôi làng theo kiểu trang viên.

Vào những năm 1740, các vùng đất xung quanh đã được các gia đình quý tộc thống trị. Họ nhận nuôi Edward - anh trai của Jane - và để cho ông làm người thừa kế hợp pháp của nhà Chawton. Khi trang viên thời Elizabeth này cuối cùng cũng rơi vào tay Edward vào năm 1809, nữ tác giả đã chuyển đến một ngôi nhà nhỏ rộng rãi khác cũng thuộc khu đất này. Sống ở đó với mẹ và chị gái, bà đã viết và chỉnh sửa 6 cuốn tiểu thuyết lớn của mình tại đây.

Nữ tác giả Jane Austen.

Ngày nay, ngôi nhà nhỏ và trang viên này là điểm đến mà người hâm mộ nữ nhà văn vĩ đại thường xuyên viếng thăm từ khắp nơi trên thế giới. Bản thân Chawton là một cụm nhà có hoa hồng leo và những khu vườn trang nhã được vây bọc bởi các dòng suối và đồng cỏ. Bên trong ngôi làng cũng có nhà thờ và thư viện. Ngôi nhà, nơi vẫn còn chiếc bàn nhỏ mà Jane dùng để viết, bây giờ là Bảo tàng Jane Austen. Từ đây, Jane và chị gái Cassandra sẽ men theo đường mòn xuyên qua những cánh đồng và rừng cây xung quanh để đi dạo hàng ngày. Đó là một cuộc sống yên tĩnh, và họ cũng thỉnh thoảng tụ tập ở nhà anh trai gần đó.

Cách ngôi nhà một quãng đi bộ ngắn là nhà thờ St. Nicholas. Đây là nơi Jane và các chị gái dự thánh lễ (mặc dù trông không giống như thời của bà: vào cuối thế kỉ 19, nó bị tàn phá bởi hỏa hoạn, sau đó được xây dựng lại theo phong cách Victoria cổ điển). Ở lối vào sân nhà thờ có bức tượng nữ tác giả ôm một cuốn sách với vẻ mặt vừa hoài nghi vừa kiêu hãnh. Trong sân nhà thờ, hai tấm bia mộ đơn giản nằm cạnh nhau, đánh dấu mộ của mẹ và chị gái Jane. Bản thân bà được an táng tại Nhà thờ Winchester trong thành phố cách đó khoảng 15 dặm về phía tây nam ở tuổi 41, có thể vì bệnh Addison, bệnh ung thư hạch Hodkin hoặc bệnh lupus.

Năm 1993, khoảng 176 năm sau cái chết của Austen, học giả và nhà trí thức Edward W. Said đã viết một bài luận mang tính bước ngoặt mang tên Jane Austen và Chủ nghĩa nô dịch, lấy cuốn tiểu thuyết Trang viên Mansfield của bà làm đối tượng nghiên cứu. Quan điểm của Said đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về thái độ của Austen đối với chế độ nô lệ, khi ông tin rằng Trang viên Mansfield đã không thể hiện quan điểm đạo đức về mối liên hệ giữa các đồn điền trồng mía với những ngôi nhà đẹp đẽ và khuôn viên lộng lẫy của các điền trang ở vùng nông thôn nước Anh. Ông lập luận rằng nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, Fanny Price, cuối cùng đã chấp nhận thế giới quan của chú cô, Thomas, người có các đồn điền ở Antiguan [2] là nguồn chi trả cho các cuộc nghỉ dưỡng ở nông thôn của ông.

Tuy vậy cũng có những người không đồng ý với quan điểm này, mà một trong số nhiều bằng chứng là hảo cảm của Austen dành cho William Cowper - người đã viết những bài thơ chống lại chế độ nô lệ. Những người khác cảm thấy Said đã đánh giá thấp ác cảm của Austen với việc viết luận chiến về vấn đề này và rằng ông đã không nắm bắt được việc phân biệt giới tính vẫn đang tồn tại ở thời bấy giờ. Nhưng có lẽ sự thật nằm đâu đó ở giữa. Austen và gia đình bà phản ánh những phản ứng khác nhau và không nhất quán của người Anh đối với chế độ nô lệ vào thời điểm đó: một mặt là sự im lặng và đồng lõa, mặt khác là sự đồng cảm và hành động chống lại chế độ nô lệ.

Có thể nói bài luận của Said đã thay đổi “cuộc chơi”. Nó đã buộc những người yêu thích Austen, dù miễn cưỡng, phải thừa nhận sự hiện diện sâu xa của chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ trên khắp nước Anh ở giai đoạn đó. Nó được đan dệt thành kết cấu của cuộc sống hàng ngày, và điều này đúng với gia đình Jane Austen cũng như với rất nhiều gia đình khác vào lúc bấy giờ.

Tác phẩm Trang viên Mansfield.

Hầu như không khó để biết về mối quan hệ của nhà Austen với chế độ bốc lột này. Cha bà - Mục sư George Austen - là bạn thân của James Langford Nibbs, chủ một đồn điền ở Antiguan. Ông được Nibbs chỉ định là người đồng quản lí các đồn điền, nghĩa là cùng chia sẻ trách nhiệm pháp lí để đảm bảo đồn điền và nô lệ vẫn sẽ thuộc về gia đình Nibbs khi ông qua đời. Nhưng Jane thì không can dự vào vấn đề này, và các học giả đã chỉ ra rằng chính mối liên hệ này là nguồn cảm hứng để bà miêu tả về đồn điền giàu có ở Antiguan của Thomas trong Trang viên Mansfield.

Trong khi đó, anh em của Austen đã chiến đấu trong các trận chiến xâm chiếm thuộc địa ở vùng biển Caribean, và tiểu thuyết của bà có nhiều chi tiết vô cùng chính xác về tàu biển. Sau khi bãi bỏ chế độ buôn bán nô lệ vào năm 1807, như một phần của nhiệm vụ hải quân, Francis và Charles Austen cũng tuần tra trên biển để ngăn chặn nạn buôn người bất hợp pháp mới. Trong nhật kí chưa được xuất bản, Francis Austen đã viết những tuyên bố mạnh mẽ chống lại chế độ nô lệ: theo quan điểm của ông, chế độ nô lệ dưới mọi hình thức đều sai trái và ông phản đối việc nó tiếp tục tồn tại dưới hình thức “đã được sửa đổi” ở nhiều thuộc địa khác nhau của Anh.

Trong khi đó, anh trai thân thiết với Jane hơn cả - Henry Thomas Austen - cũng trực tiếp tham gia vào phong trào chống chế độ nô lệ, đại diện cho quận Colchester tại Công ước chống nô lệ thế giới năm 1840, nhằm tìm cách chấm dứt chế độ nô lệ toàn cầu. Hội nghị được phát biểu bởi Thomas Clarkson, một nhân vật khác mà Jane Austen ngưỡng mộ.

Mối liên hệ pháp lí của cha bà với các đồn điền ở Antiguan và các hoạt động chống chế độ nô lệ của hai anh em nữ tác giả đã nhắc chúng ta rằng vấn đề nô lệ thường trực xuất hiện suốt thời kì đó. Hơn nữa, sự thay đổi trong quan điểm còn mang tính chất thế hệ: trong khi cha của Jane tham gia vào công việc kinh doanh nô lệ, thì anh trai bà là Francis tin rằng chế độ nói trên là điều “sai trái”.

Tuy nhiên, độc giả yêu thích Jane Austen sẽ ngay lập tức bắt gặp những ám chỉ đến chế độ nô lệ trong các tác phẩm của bà. Chẳng hạn như nhân vật bà Norris cay nghiệt ở Trang viên Mansfield bất ngờ lại có cùng họ với thuyền trưởng tàn bạo chuyên chở những toán nô lệ John Norris - người đã bị nhà vận động chống chế độ nô lệ mà Austen ngưỡng mộ là Thomas Clarkson lên án. Hay trong Emma, bà Hawkins cũng có cùng họ với người chủ nô John Hawkins. Cuốn tiểu thuyết này cũng ám chỉ cha của bà Hawkins là một người buôn bán nô lệ…

Vào năm 2021, Bảo tàng Jane Austen tại Chawton đã thông báo sẽ kết hợp thuyết trình về lịch sử thuộc địa xoay quanh các hiện vật vẫn còn sót lại ở chính nơi này. Nó sẽ tập trung vào vải muslin, bông, trà và đường - và sẽ sử dụng những thứ này như một lăng kính để khám phá các vấn đề rộng hơn, từ quyền quản lí đồn điền trồng mía của cha bà đến các trận chiến trên biển để xâm chiếm địa của các anh trai.

Vào thời điểm đó, kế hoạch nói trên đã vấp phải sự phẫn nộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng với những nỗ lực dũng cảm và không khoan nhượng, hành động nói trên không chỉ góp phần cho thấy một cách nhìn nhận đa dạng và toàn diện hơn vào di sản của Jane Austen, mà còn góp thêm tiếng nói cho một lịch sử mà đế quốc Anh đã câm lặng về lịch sử thuộc địa của mình.

LINH TRANG dịch từ LitHub

--------------

1. Thomas Baring (1799 –1873) là một chủ ngân hàng người Anh và chính trị gia Đảng Bảo thủ.

2. Antigua là một đảo thuộc quần đảo Leeward ở khu vực Caribbean.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)